THẦN HỌC XÁC THÂN

của ĐGH Gioan Phaolô II

CHƯƠNG 8: MẠNG SỐNG CON NGƯỜI

Bài 3 (tiếp theo và hết)

Điều tối quan trọng là nhớ rằng tình yêu được xây dựng trên sự nhìn nhận phẩm giá và gía trị của chính mình và của người được yêu. Sư nhìn nhận này thật thiết yếu cho tình yêu và cho sự tự hiến. Việc nhìn nhận phẩm gía người khác chính là lý lẽ giải thích vì sao người ta lựa chọn việc hiến dâng kỳ diệu: đó là hiến dâng chính bản thân mình. Tự chế hoặc tiết dục cần phải có để có thể nhìn nhận phẩm giá người khác, bởi vì “tính lăng loàn xác thịt, vốn chỉ lo kiếm tìm thoả mãn thể xác và giác quan, dễ khiến cho con người trở thành mù loà và vô cảm trước những giá trị sâu xa nhất.” Nếu một người chồng, khi nhìn thấy vợ mình, mà chỉ nghĩ đến việc “cô ấy có thể làm gì cho mình được,” thì người ấy đã mặc nhiên coi vợ mình chỉ là kẻ làm thỏa mãn dục vọng mình mà thôi. Người chồng ấy chẳng hề coi vợ mình như một nhân vị được tạo dựng vì chính lợi ích của người ấy. Người chồng ấy không hề nhìn thấy cái phẩm giá và giá trị ‘khiếp đảm’ mà Thiên Chúa đã tạo cho vợ mình. Đúng hơn, người chồng ấy đã coi vợ mình không hơn gì một sự vật, một cái gì đó để lợi dụng, để thỏa mãn nhu cầu và dục vọng của mình. Như thế là hạ giảm cái phẩm giá phi thường của một nhân vị xuống hàng sự vật. Sự hạ giảm này tất nhiên sẽ ngăn cản tình yêu, bởi vì tình yêu tùy thuộc vào sự nhìn nhận phẩm giá và giá trị của cả người được yêu lẫn người tự hiến trong tình yêu. Câu nói của Thánh Phaolô “vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau” (Eph. 5:21) như mở toang cái khoảng không nội tâm trong đó cả hai vợ chồng ngày càng nhậy cảm hơn trước những giá trị sâu xa và chín chắn nhất vốn liên kết với ý nghĩa hôn phối của thân xác và với sự tự do chân thực của quà tặng. Nếu sự khiết tịnh của lứa đôi (và sự khiết tịnh nói chung) được biểu lộ trước hết như là khả năng chống lại tính lăng loàn của xác thịt, thì rồi ra nó lại bộc lộ như là một khả năng độc đáo trong việc nhận thức, yêu thương, và thực hành các ý nghĩa của ‘ngôn ngữ xác thân’ mà tính lăng loàn không hề hay biết, nhưng lại làm cho cuộc đối thoại lứa đôi càng thêm phong phú, tinh tuyền, sâu đậm, mà đồng thời vẫn bình dị.”

Lăng loàn là khát vọng vô trật tự hướng đến thỏa mãn dục tính. Trong hôn nhân, nếu một trong hai người phối ngẫu mà hành xử theo tính lăng loàn, thì mặc nhiên họ đã giản lược ý nghĩa của vợ chồng vào một giá trị duy nhất này là: giá trị khả năng đem lại thỏa mãn nhục dục của chàng hay của nàng. Trong cùng lúc ấy, cũng có sự giản lược nhân vị người khác vào một khía cạnh duy nhất. Trong sự giản lược này, nhân vị người này không được người kia nhìn nhận như chính nhân vị ấy, mà chỉ được nhìn dưới duy một khía cạnh. Khi được nuông chiều, tính lăng loàn sẽ càng lộng hành, và sự mù quáng càng gia tăng khiến không thể nhìn thấy được toàn thể thực tại của nhân vị người kia. Rốt cuộc, người này chỉ được coi như kẻ thỏa mãn dục vọng cho người kia. Rồi ra, người ta cứ tiếp tục kiếm tìm những kẻ có khả năng tạo được những thỏa mãn mới mẻ hơn, khác lạ hơn và kỳ thú hơn. Sự mù quáng không nhìn thấy toàn vẹn sự thật của người khác dần dà sẽ làm cho sự phối hợp yêu thương của hôn nhân trở thành vô nghĩa và bất khả. Cho dù hôn nhân không kết thúc với ly dị, nhưng còn đâu nữa sự hiệp thông nhân vị nguyên thủy mà đôi lứa lẽ ra phải khơi mào khi họ nói lên những lời hôn ước với nhau. Do bởi được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa để yêu thương như Ngài đã yêu, thế nên một hôn nhân thiếu tình yêu sẽ làm cuôc đời trở thành vô nghĩa và trống rỗng, bởi vì đời không yêu thì còn ý nghĩa gì nữa?

Tuy thế, sự tự chế nhờ tiết dục, sẽ cho phép người phối ngẫu này nhìn người phối ngẫu kia trong hình ảnh vuợt xa hơn là kẻ chỉ làm cho mình thỏa mãn dục vọng. Dục vọng chỉ đem đến chiếm đoạt và sở hữu người khác để thỏa mãn chính mình. Khi làm chủ dục vọng, người này không hề bỏ mất niềm hy vọng đón nhận người kia (cho dù đôi khi và thoạt đầu thì có vẻ như thế), nhưng đúng hơn, dục vọng bị kềm chế và khuất phục, đến độ người này có thể đón nhận người kia như là món quà tặng chân thật trong toàn thể sự mầu nhiệm và kính úy của nhân vị. Trong hôn nhân, khi điều này xẩy ra, thì đôi lứa sẽ sống trong sự kính úy của món quà tặng kỳ diệu mà họ nhận được: chính là món quà của một nhân vị khác trong toàn vẹn mầu nhiệm của người ấy với tư cách của một nhân vị phản ảnh tính vô biên của Thiên Chúa. Niềm vui đón nhận món quà này thì vượt lên trên tất cả mọi thỏa mãn xác thịt đến độ chẳng còn ai muốn trở về tình trạng chỉ lo kiếm tìm thỏa no tình dục nơi người khác. Hơn thế nữa, sự kính úy và kinh ngạc đứng trước món quà của người phối ngẫu thì vươn đến sự kính úy và kinh ngạc trước quyền lực sáng tạo của Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên đôi lứa và khiến người này tự hiến cho người kia. Sự kính úy và kinh ngạc khi đứng trước quà tặng của đôi lứa và đứng trước quyền năng của Chúa thì mau chóng trở thành niềm tri ân, mà tri ân thì luôn luôn gia tăng tình yêu. Thế là trong đời sống lứa đôi, tình yêu dành cho nhau được triển nở từng ngày, và tình yêu của Chúa cũng tăng thêm mãi.

ĐGH Gioan Phaolô dậy rằng, trong luân thư MSCN, cái gọi là ‘dường như mâu thuẫn’ giữa hai ý nghĩa của hành vi vợ chồng thì mau tan biến khi đối diện với tình yêu. Không hề có mâu thuẫn, bởi vì khi chấp nhận người phối ngẫu này xét như chính họ trong toàn vẹn mầu nhiệm tạo dựng, bao gồm cả sự thụ tinh, thì người phối ngẫu kia cũng từ chối việc làm phương hại đến đôi lứa và đời sống hôn nhân. Nếu cho một em nhỏ ra đời là điều thiếu khôn ngoan, trong khi đôi vợ chồng vẫn thương nhau thật sự, người này vẫn chấp nhận người kia như chính họ, thì tại sao một trong hai người lại nhấn mạnh đến quyền lợi của hôn nhân-như thế thì không còn là một hành vi đức ái nữa, mà chỉ là đầu hàng dục vọng mà thôi. Sự đầu hàng này sẽ bị tình yêu hỗ tương giữa hai người khai trừ ngay. Dục vọng phải lệ thuộc tình yêu, và được chế ngự qua tiết dục NHẮM ĐẾN MỘT MÓN QUÀ LỚN HƠN. Như ĐGH viết: “Trong trường hợp có lý do chính đáng để tiết dục, thì đó quả là việc không làm phương hại đến sự hiệp thông đôi lứa.”

Hẳn nhiên, không phải dễ mà có được thứ tình yêu tự hiến dựa trên tự chế này. Thế nhưng tình yêu đôi lứa cũng theo dòng đời mà tăng tiến mãi. Họ cũng giúp đỡ nhau, và trên hết, họ phải biết cậy nhờ vào quyền lực Chúa Thánh Thần thông qua các bí tích. Cả hai vị Cha Chung, ĐGH Phaolô VI và Gioan Phaolô II, đều không cho rằng điều này dễ dàng đối với cuộc sống lứa đôi. Trái lại, các ngài dậy rằng đó là con đường duy nhất đưa đến hạnh phúc chân thật, bởi vì con đường duy nhất của con người chính là yêu thương. Như ĐGH Gioan Phaolô ghi nhận trong diễn từ kế tiếp, tức số 125, rằng “Người ta thường cho rằng tiết dục thì gây ra căng thẳng nội tâm, là điều con người cần phải giải thoát khỏi. Nhưng nếu hiểu như ta vừa phân tích, thì tiết dục đúng là con dường duy nhất giải phóng chúng ta khỏi những căng thẳng ấy.”

Khi tìm hiểu nhau để khai mở một tương quan mới, người nam và người nữ đều cảm nghiệm một hứng khởi đầy xúc cảm và những phản ứng đầy nhục cảm. Các phản ứng nhục cảm này có thể coi là sự tiên cảm niềm khoái lạc tình dục trong hành vi vợ chồng. Được điều kiện hoá bởi nam tính hay nữ tính của người khác, đáp ứng đầy xúc cảm thường được biểu lô qua những “biểu hiện tình cảm.” Tiết dục không loại trừ, nhưng điều hướng các phản ứng này theo chân giá trị của nhân vị. “Tiết dục không chỉ là khả năng ‘kiềm chế,’ tức là chế ngự các phản ứng khác nhau, mà còn đóng vai trò tự chế: đó là khả năng điều hướng các phản ứng liên hệ, cả về nội dung lẫn tính cách của chúng.”

Theo dòng tư tưởng này, ĐGH Gioan Phaolô, trong diễn từ kế tiếp, tức số 126, đã minh định điều ngài ám chỉ trước đây. Viêc một cặp vợ chồng áp dụng kiến thức mình có về vấn đề thụ tinh, để thực hiện hoặc trì hoãn việc thụ thai thì không chỉ là áp dụng kiến thức sinh học mà thôi. Chính việc sử dụng nguồn thông tin này đã giả định việc tự chế, nếu không, họ đã không thể kìm hãm được khi cần thiết (trong trường hợp nếu cho ra đời một mầm sống là điều thiếu khôn ngoan), hoặc họ đã không thể thực sự tự hiến một cách đầy yêu thương khi họ sử dụng các đặc ân của hôn nhân. Như ngài viết: “Chính kiến thức về ‘nhịp thụ tinh’-cho dù rất thiết yếu--vẫn không tạo nên sự tự do nội tại của quà tặng, vốn tự bản chất là thiêng liêng một cách hiển nhiên, và tùy thuộc vào mức trưởng thành nội tâm của con người.” Sự tự do này giả định một khả năng điều hướng các phản ứng nhục dục và cảm xúc để làm thành khả hữu việc tự hiến cho ‘cái tôi’ của người khác trên nền tảng của việc tự sở hữu ‘cái tôi’của mình, một cách trưởng thành, trong chủ thể tính vừa mang tính xác thịt vừa mang tính cảm xúc.” Nói khác đi, nếu tôi biết tự chế, tôi sẽ tự sở hữu theo đúng nghĩa, và tôi có thể thực hiện một món quà tự hiến. Không có tự chế, sẽ không thể có tình yêu chân chính.

Quả vậy, đôi lứa càng tiến triển trong tự chế, trong tiết dục, thì lại càng thăng tiến trong hôn nhân. Chính vì thế, Giáo Hội nhìn thấy nơi việc thực hành “kế hoạch hóa gia đình tự nhiên” (KHHGĐTN), tức Natural Family Planning-NFP, điều có thể coi là một mái trường dậy tự chế, tiết dục và yêu thương. Trong khi được định nghĩa là kiến thức đôi lứa về sự thụ tinh, qua việc áp dụng kiến thức này và kiêng cữ giao hợp vào những khoảng thời gian thuận tiện (vì muốn có thai, hoặc vì muốn đình hoãn việc có thai), đôi lứa phát huy và tiến triển trong tự chế và tiết dục, để rồi chính sự tự chế và tiết dục này sẽ làm nẩy sinh nơi họ một tình yêu chân chính đối với nhau và với Thiên Chúa.

Hầu như vị chủ chăn nào tại Hoa Kỳ cũng có kinh nghiệm chứng kiến nhiều đôi hôn phối đồng ý theo học khóa KHHGĐTN, qua đó họ chọn việc sử dụng phương pháp tự nhiên, thay vì phương pháp dùng hóa chất, nhằm ấn định số con cái được sinh ra. Theo xu hướng này, rất có thể, thoạt tiên họ có vẻ như có một thái độ tương đối thiếu quảng đại đối với các con cái tương lai của mình. Họ trung thành thực hành KHHGĐTN, kiêng cữ giao hợp trong khoảng thời gian họ nghĩ là thiếu khôn ngoan nếu có thai. Thế rồi, khi gặp một vài khó khăn trong việc thụ thai, họ kiêng kem đôi chút, để tạo thêm điều kiện thụ thai. Khi người con trưởng ra đời, cả hai vợ chồng, nay đã thành mẹ cha, nhìn thấy món quà thật là kỳ diệu quý giá mà Thiên Chúa đã ban cho mình qua người con. Họ chứng kiến nhân tính của mình được sản sinh. Từ nay, họ mang một nhận thức mới về nhau khác với trước đây, vì bây giờ họ đã là cha là mẹ, và họ càng tỏ ra quý mến nhau, biết ơn nhau nhiều hơn trước. Họ cũng càng thấy rõ hơn mầu nhiệm mỗi người mang lấy trong mình. Cả hai càng biểu lộ sự kính úy trước món quà nhận được từ nơi nhau. Họ còn thấy hình ảnh của Thiên Chúa nơi người con. Họ nhận thức rằng không phải chỉ duy mình họ là có trách nhiệm trong việc tạo dựng con cái, mà chính Thiên Chúa cũng dự phần vào nữa. Niềm tri ân của họ trước món quà kỳ diệu là người con ngày càng triển nở hơn để hoá thành tình yêu Thiên Chúa nồng nàn sâu đậm hơn. Tình yêu họ dành cho nhau cũng vì thế mà đậm nồng thêm nữa. Tự nó, tình yêu là quảng đại-là muốn chia sẻ cho người khác. Đôi lứa càng yêu nhau, càng thương con, càng mến Chúa, thì họ lại càng quảng đại hơn.

Một vài năm sau, họ có dịp đến thăm vị linh mục đã làm đám cưới cho họ nay đang trông coi một xứ đạo. Giờ đây, nói thí dụ như họ đã có cả thẩy bốn người con. Vị linh mục vẫn nhớ họ, nhớ cả sự kiện khi theo học khoá KHHGĐTN, họ tuyên bố là sẽ chỉ muốn có hai con mà thôi. Vị linh mục hỏi ướm chừng xem tại sao họ lại đổi ý như vây. Họ không có câu trả lời. Họ có biết đâu rằng, càng yêu nhau, càng thương con, càng mến Chúa thì họ lại càng quảng đại và quý trọng sự sống hơn. KHHGĐTN là một mái trường giảng dậy bài học yêu thương. Như ĐGH lưu ý, đối với Giáo Hội, KHHGĐTN không phải là phương pháp hạn chế số con cái trong gia đình (cho dù nó quả là thế), nhưng trước hết nó là một mái trường giảng dậy tình yêu. (Xin lưu ý là thí dụ này không có dụng ý làm hạ giảm hoặc bôi nhọ những thách đố của đời sống gia đình hôm nay. Nhưng, nếu không có tình yêu, những thách đố này dường như quá lớn. Trong khi đó, có tình yêu, thì những thách đố này có thể ‘xử lý’ được.) Hiển nhiên, như ĐGH đã nhắc đi nhắc lại, KHHGĐTN chỉ có thể trở thành một mái trường giảng dậy tình yêu khi nó được tháp tùng bằng lời cầu nguyện chân thành và việc siêng năng lãnh nhận các bí tích.

Trong diễn từ kế đó, tức số 127, ĐGH Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng các đôi vợ chồng cần phải sử dụng ơn huệ của Chúa Thánh Thần hầu giúp phát huy thái độ yêu thương nhau thích đáng. Khi nói đến việc cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích, ĐGH nhấn mạnh đến ơn thánh hóa, tức sự sống của Chúa mà ta nhận được qua các bí tích. Trong diễn từ này, và trong diễn từ kế tiếp, tức số 128, ngài đề cập đến công trình siêu việt hơn của Chúa Thánh Thần qua bẩy ơn của Ngài. ĐGH lưu ý đôi lứa là phải biết tăng tiến niềm kính úy đối với nhau. Đó chính là ơn ‘Kính Sợ’ Chúa, vốn không phải là sự co ro sợ hãi, mà là sự kính úy trước công trình của Thiên Chúa khi tạo dựng người khác, tức người phối ngẫu, và khi tác sinh con cái qua đôi vợ chồng. Mỗi người chúng ta phản ảnh Thiên Chúa theo cách thức riêng của mình. Mỗi người chúng ta là một hình ảnh của Thiên Chúa. Khi nhìn nhận mầu nhiệm Thiên Chúa hiện diện nơi mỗi người, đôi vợ chồng phải nhìn thấy nơi nhau tia sáng của Thiên Chúa. Niềm tương kính “được biểu tỏ như là ‘nỗi sợ mang tính cứu độ’: đó là sợ vi phạm hoặc coi thường điều mang lấy trong chính nó cái chỉ dấu của mầu nhiệm tạo dựng và cứu chuộc.” Dần dà, nỗi sợ này sẽ biến thành niềm “tôn kính các giá trị cốt lõi của hôn phối, niềm tôn kính đối với sự thật nội tại của ngôn ngữ xác thân. Ơn kính sợ Chúa sẽ giúp ta kính tôn và qúy trọng điều linh thiêng và thánh thiện. Mỗi một nhân vị, theo một nghĩa nào đó, là linh thiêng và thánh thiện, bởi vì đã được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, rồi được Chúa Kitô cứu chuộc. Do bởi đôi vợ chồng “chạm tới” mầu nhiệm của nhau trong một cách thức sâu đậm ngoại thường, sâu đậm hơn bất kỳ một tương quan nhân loại nào, do đó họ phải biểu lộ cho nhau niềm tương kính, qúy trọng và ‘nỗi sợ mang tính cứu độ.’ Ơn kính sợ ‘mang tính cứu độ’ này khi dứng trước điều linh thánh sẽ giúp đôi vợ chồng luôn luôn và mãi mãi sống trong niềm tương kính, cùng nhắc nhở nhau về món quà mà người này đang trao tặng cho người kia.

Theo cùng một dòng tư tưởng như thế, trong số 128, ĐGH Gioan Phaolô II viết: “Thái độ trọng kính công trình của Thiên Chúa, mà Chúa Thánh Thần khơi lên trong lòng đôi lứa thì mang một ý nghĩa lớn lao, bởi vì nó giúp phát triển nơi họ một khả năng biết qúy trọng, chú tâm và no thỏa sâu xa trước vẻ đẹp ‘hữu hình’ cũng như ‘vô hình’ của nam tính và nữ tính, đồng thời người này biết tỏ lòng trân qúy trước món quà vô vị lợi của người kia”

Lập luận của ĐGH Gioan Phaolô II về giáo huấn của luân thư MSCN trong chu kỳ thứ sáu loạt bài THXT có thể tóm tắt như sau: Không thể có được tình yêu chân chính nếu không có sự tự chế, vốn chỉ đạt được bằng nỗ lực của ý chí với sự trợ giúp của đức tiết độ được trao ban qua ơn Thánh Chúa. Do đó, các bí tích thật thiết yếu cho tình yêu chân chính này. Hơn nữa, các ơn Chúa Thánh Thần sẽ giúp đôi lứa phát huy niềm tương kính, đưa đến ‘sự tùng phục lẫn nhau vì lòng kính sợ Đức Kitô’ (Eph 5:21). Tình yêu chân chính luôn bao hàm khả thể mầm sống mới, bởi vì không có khả thể này, thì cũng không thể có tình yêu.

Điều không chối cãi được là toàn bộ nền THXT của ĐGH Gioan Phaolô II đã được cố ý sắp xếp nhằm khai triển giáo huấn luân thư MSCN. Tuy nhiên, nó còn đi xa hơn thế nhiều. Khởi đi từ các lời của Chúa Kitô, ba chu kỳ đầu tiên của loạt bài THXT biểu hiện một chút kinh nghiệm thần học sử dụng các dữ kiện của kinh nghiệm đầu tiên của loài người đã được ghi lại trong sách Sáng Thế như là cả nguồn chất liệu cho một tra cứu hiện tượng luận về nhân vị. Nhưng bởi vì các kinh nghiệm được ghi lại này lại chất chứa trong Lời linh ứng của Thiên Chúa, do đó, cái ngôn ngữ dùng để ghi lại các kinh nghiệm này cũng chất chứa nguồn Mạc Khải về Thiên Chúa và về chính chúng ta. Tra cứu hiện tượng luận về các kinh nghiệm của con nguời thì vừa nêu lên các vấn nạn về ý nghĩa đời sống con nguời, lại vừa đem đến một số giải đáp, nhưng Mạc Khải của Thánh Kinh cũng trả lời cho các vấn nạn đó. Quả vậy, Mạc Khải đưa ra các giải đáp dứt khoát, còn hiện tượng luận, xét như bất kỳ một nền triết học nào, thì cũng chỉ đem lại một số giải đáp sơ khởi và bất toàn. Thế nhưng sự kết nối của hiện tượng luận và Mạc Khải thì phát sinh ra hai dòng dữ kiện về nhân vị con người và một cách thức mới để định thức hóa các chân lý chất chứa trong Mạc Khải. Do đó, ba chu kỳ đầu của loạt bài THXT giúp đem lại một hiểu biết chân chính về mầu nhiệm nhân vị như được Thiên Chúa mạc khải, nhất là một cách dứt khoát nơi Chúa Kitô. Chu kỳ thứ năm tái định thức hoá lời giáo huấn của thánh Phaolô trong thư Êphêsô, chương 5, về hôn nhân và về bí tích trong ánh sáng những phân tích từ ba chu kỳ trước. Việc tái định thức hoá này làm nẩy sinh các quan điểm và phát triển mới. Chu kỳ thứ bốn bàn về độc thân và đồng trinh thoạt nhìn thì có vẻ lạc điệu, nhưng xét kỹ thì vô cùng cần thiết, như một khúc dạo đầu cho phần luận bàn về tính bí tích của hôn nhân, bởi vì độc thân và đồng trinh là vì Nước Trời, và cũng là tâm điểm của bí tích hôn nhân, nghĩa là, đôi hôn phối cần giúp đỡ nhau đi đến vinh quang Nước Trời. Trong chu kỳ này, cũng như trong chu kỳ thứ năm, vẫn có những phát triển mới. Mỗi chu kỳ, theo cách thức riêng, đều chuẩn bị cho kết luận như là cao điểm được trình bầy trong chu kỳ thứ sáu, nhưng mỗi chu kỳ cũng có những quan điểm và phương thức mới để giảng dậy điều Tin Mừng loan báo. Không cần nói, việc ‘đọc lại’ luân thư MSCN trong chu kỳ thứ sáu không chỉ là một ‘đọc lại’ đơn thuần, mà là một đào sâu và xây dựng nền móng chân chính của giáo huấn luân thư này tới tận rễ của THXT. Chúng ta phải luôn luôn cảm tạ Chúa vì có được giáo huấn của ĐGH Gioan Phaolô II qua loạt bài THXT, và cũng qua tất cả những điều giáo huấn khác nữa mà ngài đã để lại cho Giáo Hội trong suốt hơn 25 năm quản cai Hội Thánh.

Kỳ tới: Phụ trương