THẦN HỌC XÁC THÂN của ĐGH Gioan Phaolô II

CHƯƠNG 7: HÔN NHÂN

Bài 4

Sau 15 tháng gián đoạn nhân Năm Thánh Cứu Chuộc 1983, ĐGH tiếp tục chu kỳ thứ 5 của loạt bài THXT vào ngày 23 tháng 5 năm 1984. Trong các số 109-111, ĐGH bình luận về sách Diễm Ca. Số 112 đề cập đến câu truyện của Sara và Tôbia. Số 113 là kết luận về chu kỳ thứ 5. Ngay khi mào đầu số 109, ĐGH viết: “Sắp tới đây, Cha sẽ giải thích về những điều có thể coi là cao điểm của những gì đã đề cập đến.”

Ba diễn từ về sách Diễm Ca phải được coi là một thi phẩm. Với kỹ năng về thơ và kich (ĐGH đã từng là một thi sĩ và kịch tác gia) ngài đã minh chứng rằng trong sách Diễm Ca, cô dâu và chú rể được mô tả như họ đang nói một thứ “ngôn ngữ của xác thân” theo đúng chân lý tình yêu hỗ tương của họ. Cô dâu nói với chú rể, ĐGH viết, “qua từng nét tràn trề nữ tính, gợi lên một cái gì rất lôi cuốn và quyến rũ. Cái ‘tôi’ đầy nữ tính này được diễn đạt hầu như không bằng lời; tuy nhiên, cái “ngôn ngữ xác thân’ được diễn tả không lời lại tìm được âm vang phong phú trong lời nói, trong ngôn từ đầy chất thơ và ẩn dụ của chú rể, nói lên được cái cảm quan trước vẻ đẹp, và tình yêu thỏa mãn.” Chưa hề có một vị Giáo Hoàng nào có những lời lẽ như thế cả!

Trong số 110, ĐGH lưu ý thính giả và cử tọa rằng cả cô dâu lẫn chú rể đều đáp ứng lại một tập hợp những giá trị vốn thuộc về nhân vị tính con người trong toàn vẹn chân lý của nam tính hoặc nữ tính nơi một cá nhân. Ngài nhấn mạnh rằng những giá trị mà cô dâu chú rể nhận thấy ở nơi nhau thì được cấu thành không chỉ bởi thân xác mà thôi, mà còn bởi nhân vị tính của con người nữa. Mỗi người đáp trả lại chính nhân vị đã được mạc khải trong và qua thân xác họ--chứ không phải chỉ mạc khải cho thân xác mà thôi. Chú rể gọi người yêu là ‘em gái,’ nghe như cả hai đều xuất thân từ cùng một gia đình. “Qua từ ‘em gái,’ lời nói của chú rể như phác hoạ ra cả một lịch sử cái nữ tính của người mình yêu. Chàng thấy nàng vẫn còn trong độ xuân thì, và đã ôm trọn lấy hết cả cái ‘tôi’ của nàng, cả hồn lẫn xác, với phong cách dịu dàng vô tư.” Từ ‘em gái’ còn gợi lên một thứ trách nhiệm mà cả hai mang lấy cho nhau. Trách nhiêm này nhắc nhở ta là trước đây ĐGH đã dậy rằng vợ chồng đã trao thân gửi phận cho nhau, trao trọn vẹn con người cho nhau, và nhân phẩm của họ, một cách nào đó, được ‘chỉ định’ như một trách nhiệm cho cả đôi bên: người này phải đoan chắc là phẩm giá của người kia không hề bị xâm phạm hay tổn hại, nhất là trong đời sống lứa đôi.

Điều thú vị là khi giải thích câu: “Này em gái của anh, người yêu anh sắp cưới, em là khu vườn cấm, là dòng suối canh phòng nghiêm mật, là giếng nước niêm phong,” ĐGH đã khẳng định rằng cô dâu là ‘chủ tể của mầu nhiệm riêng mình.’ “’Cái ngôn ngữ của xác thân,’ được đọc lại trong sự thật, thì ăn khớp với việc khám phá ra tính bất khả xâm phạm nội tâm của nhân vị.” ĐGH nhắc nhở rằng, ngay cả trong sự ‘lệ thuộc’ thân mật vợ chồng, cá vị từng người vẫn tồn tại, bởi vì, từ cõi sâu thẳm nhất, lúc nào nó cũng mang nét bất khả truyền đạt. Mặc dù vợ chồng lệ thuộc lẫn nhau qua việc tự hiến hỗ tương, nhưng nhân vị tính riêng tư của người này không hề biến mất nơi người kia. Mầu nhiệm riêng tư mỗi người như hình ảnh Thiên Chúa lúc nào cũng tồn tại. Tính bất khả xâm phạm của nhân vị dẫn đến một khám phá và tái khám phá hỗ tuơng liên tục và bền vững. Nếu không có gì mới mẻ, hấp dẫn về người kia, nghĩa là, bất cứ điều gì của người này cũng đã được người kia thấu tỏ và ‘sở hữu’ ngay trong tuần lễ đầu hay trong năm đầu của cuộc hôn nhân, thì hôn nhân ấy chẳng khác gì một ‘cơn hấp hối.’ Phải làm sao để dù đã qua cả mấy thập niên rồi, người này vẫn khám phá và tái khám phá được nơi người kia một điều gì đó, bởi vì mỗi người vẫn còn giữ được nhân cách riêng của mình, vốn là một thứ không bao giờ có thể thông đạt trọn vẹn được. ĐGH đã lặp lại điểm này trong bài huấn từ kế tiếp, khi ngài viết rằng, “trong năng động tính của mối tình được phác hoạ trong sách Diễm Ca, một cách gián tiếp cho thấy rằng hầu như không thể có sự kiện người này bị người kia chiếm đoạt hay thống trị. Nhân vị là một cái gì vuợt qua hết mọi mức độ chiếm đoạt hay thống trị, sở hữu hay ban thưởng.” Do bởi cái ‘ngôn ngữ xác thân’ mà Diễm Ca nói đến, một mặt thì hướng tới sự chiếm đoạt, nhưng mặt khác, lại thừa nhận rằng không thể nào có thể chấp nhận sự chiếm đoạt này, thế nên, bản văn này chất chứa một mối căng thẳng chưa hoàn toàn giải tỏa được. ĐGH nhìn thấy giải pháp cho mối căng thẳng này trong những lời Thánh Phaolô nói về đức mến: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được” (1 Cor. 13:4-8). ‘Ngôn ngữ xác thân,’ trong khi nhìn nhận phẩm giá cá nhân và tính bất khả xâm phạm của người khác, đòi hỏi tình yêu dục vọng (ĐGH dùng từ ‘eros’) phải biến thành tình yêu vị tha mà Chúa Kitô đã mạc khải cho ta. Chỉ trong tình yêu được tinh luyện này--vốn mang nét đặc trưng là trong sạch-mà sự ‘chuyển nhượng’ phẩm giá người này cho người kia (trong đôi lứa hôn nhân) mới được hoàn tất.

Sự 'chuyển nhượng’ phẩm giá này có nghĩa là: tình yêu có những đòi hỏi khách quan mà mỗi ‘người yêu’ phải tuân thủ một cách chủ quan. Theo ĐGH, tình yêu thì ‘nghiêm túc’ y như sự chết. Sách Tôbia đề cập đến điểm này trong đoạn nói về việc Tôbia đối diện với cái chết trong đêm tân hôn. Tôbia cưới Sara, người đã có bẩy đời chồng, ông nào cũng chết trước khi hoàn hợp với nàng. Bởi thế, trước khi nói cái ‘ngôn ngữ xác thân’ của đời sống vợ chồng, Tôbia và Sara đã cầu xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho cuộc phối hợp của họ. Họ cùng nhau cầu nguyện. “Với con mắt đức tin, họ nhìn thấy sự thánh thiện của ơn gọi này, trong đó, qua sự phối hợp của hai người, được xây dựng trên sự thật của ‘ngôn ngữ xác thân,’ họ phải đáp lại tiếng Chúa kêu mời…”

Có một thứ nội dung khách quan của tình yêu mà đôi vợ chồng phải nói lên. Nếu không thì cái ‘ngôn ngữ xác thân’ không tương ứng với sự thật của phẩm giá vợ chồng. Hơn nữa, chính Thiên Chúa đã thiết lập cái nội dung ‘khách quan’ này. Hẳn nhiên, vợ chồng phải làm cho cái nội dung ‘khách quan’ này trở thành phần nào những thái độ chủ quan mình có đối với chính mình và đối với nhau. Nói khác đi, những khía cạnh lãng mạn của ‘ngôn ngữ xác thân’ mà sách Diễm Ca mô tả thì phải hoà nhập với những ‘dữ kiện’ khách quan của nhân phẩm trong từng thái độ mà vợ chồng thường có với nhau và với người khác.

Trong diễn từ cuối cùng của chu kỳ thứ năm, ĐGH tổng hợp nhãn quan của Phaolô về hôn nhân trong thư Êphêsô, đoạn 5, với phân tích của ngài về sách Diễm Ca và sách Tôbia. Ngài còn nối kết cả hai điểm này với bí tích hôn phối như một cuộc canh tân bí tích tạo dựng. Ngôn ngữ phụng vụ của bí tích hôn phối “trao gửi cho cả hai người nam và nữ, tình yêu thương chung thủy và sự liêm khiết của tình phu thê qua ‘ngôn ngữ xác thân.’ Nó trao gửi cho họ, như một bổn phận, toàn thể cái ‘linh thánh’ của nhân vị.” Sự linh thánh, mầu nhiệm của từng nhân vị, chính là kết quả của hành vi tạo dựng của Thiên Chúa, bởi vì mỗi người chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta phản ảnh một khía cạnh vô biên mầu nhiệm của chính Thiên Chúa. Là hình ảnh Thiên Chúa, mỗi người chúng ta như là một ‘tia sáng thần linh.’ “‘Ngôn ngữ xác thân,’ một tiếp nối liên tục của ngôn ngữ phụng vụ, được diễn đạt không chỉ như một hấp dẫn hỗ tương, hay như một lạc thú gây tạo cho nhau như sách Diễm Ca mô tả, mà còn như một cảm nghiệm sâu xa về điều ‘linh thánh’ dường như đã được phú ban trong chính nam tính và nữ tính qua chiều kích của cái mầu nhiệm kỳ diệu, lớn lao, mà thư Êphêsô đề cập đến. Mầu nhiệm này bén rễ từ ‘thuở ban đầu,’ nghĩa là, trong mầu nhiệm tạo dựng con người, nam và nữ, theo hình ảnh Thiên Chúa, được kêu gọi ngay từ ‘thuở ban đầu’ để trở thành chỉ dấu hữu hình cho tình yêu tạo dựng của Thiên Chúa.”

‘Ngôn ngữ xác thân’ thì có tính cách phụng vụ, bởi vì phụng vụ chính là ngôn ngữ của bí tích. ‘Ngôn ngữ xác thân,’ theo nghĩa rộng, chính là ngôn ngữ của bí tích thân xác, nghĩa là của khả năng thân xác khi làm thành hữu hình điều ẩn dấu từ muôn thuở nơi Thiên Chúa. Do đó, ĐGH dậy rằng ‘ngôn ngữ xác thân’ chính là ‘sự tiếp nối liên tục của ngôn ngữ phụng vụ.’ ‘Ngôn ngữ xác thân’ này, ngôn ngữ của bí tích thân xác, đuợc nói lên bằng những ‘từ ngữ’ lãng mạn trong sách Diễm Ca, nhưng cũng phải nói lên cái phẩm giá và mầu nhiệm của nhân vị, của đôi lứa. Cái mầu nhiệm sâu xa của mỗi nhân vị, ngọn nguồn phẩm giá của người nam hoặc người nữ, được khắc ghi vào mỗi nhân vị khi Thiên Chúa tạo dựng con người, cả nam lẫn nữ, theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài.

Nhưng để đôi vợ chồng có thể nói được ‘ngôn ngữ xác thân’ trong tất cả sự thật, chứ không chỉ qua những ‘từ ngữ lãng mạn,’ và quan trọng hơn nữa, để họ có thể gom góp cả phẩm giá lẫn giá trị của cả hai vào trong ‘ngôn ngữ xác thân’ của mình, thì họ cần phải được thanh luyện khỏi hậu quả của tội lỗi, và khỏi tính lăng loàn. Họ có thể nói được ‘ngôn ngữ xác thân’ trong khi xác nhận cái ‘mầu nhiệm lớn lao’ mà thư Êphêsô nói đến, là nhờ ở các tặng ân mà bí tích hôn phối mang lại.

Như đã thấy, ĐGH đã đem đến cho giáo hội một cái nhìn đặc biệt về hôn nhân. Sự phối hợp của lãng mạn và tình yêu chân thật trong ‘ngôn ngữ xác thân,’ vốn là điểm cốt lõi của hôn nhân, chính là lời mời gọi tất cả những ai sống đời vợ chồng phải sống cuộc hôn nhân mình như Ađam và Evà đã sống trước khi phạm tội. ĐGH mời gọi họ phải làm sao để biến cái nội dung khách quan của tình yêu trở thành phần nào cái ‘ngôn ngữ xác thân’ của họ, để nhờ đó diễn đạt sự thật qua thân xác mình. Sự thật là: đời sống luôn luôn là một phần của tình yêu thương. Do bởi nền văn hóa đương thời đang ra sức đánh phá vào nét đặc trưng của tình yêu là ban-sự-sống, do đó, ĐGH đã dành chu kỳ cuối cùng, chu kỳ thứ 6, để bàn về nét đặc trưng này hầu nói lên toàn thể sự thật của tình yêu.

(còn tiếp)