Thần học xác thân phải hợp làm một với thần học tình yêu

Tin Vaticăng (VIS) 05/13/11, từ ewtn.com

Trưa nay, ĐGH Biển Đức XVI tiếp đón các thành viên thuộc Viện Giáo Hoàng Gioan Phaolô II Nghiên Cứu về Hôn Nhân và Gia Đình..

ĐGH mở đầu diễn từ bằng việc nhắc nhở kỷ niệm 30 năm ngày Chân Phước Gioan Phaolô II thành lập Viện và Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình, cũng như đúng ngày 13 tháng 5 ba mươi năm trước đây xẩy ra biến cố ngài “bị ám sát tại Công Trường Thánh Phêrô.”

Kế tiếp, ĐGH gửi đến các thành viên một vài suy tư về việc “liên kết nền thần học xác thân làm một với nền thần học tình yêu nhằm tìm ra một con đường duy nhất cho nhân loại.”

Khi nhấn mạnh rằng “thân xác chính là nơi cư ngụ của tinh thần,” ĐGH ghi nhận rằng “trong ánh sáng này, ta có thể hiểu rằng thân xác ta không hề là một khối vật chất ù lì và nặng nề, mà là một thứ ngôn ngữ của tình yêu chân thực, nếu ta biết lắng nghe.”

Ngài giải thích rằng: “Thân xác nói cho ta về một thứ cội nguồn mà chính ta chưa hề thừa nhận. Chỉ khi nào nhận ra được tình yêu nguyên thủy vốn đem lại sức sống mà chính con người có thể đón nhận, thì khi đó con người mới có thể hòa giải được với thiên nhiên và với thế giới.”

Nói đến việc Thiện Chúa tạo dựng nguyên tổ loài người, ĐGH khẳng định rằng: “Trước khi sa ngã, thân xác của Adong và Evà đã ở trong một trạng thái hòa hợp trọn vẹn. Nó mang một thứ ngôn ngữ chính nó không hề tạo ra, một thứ ‘eros’ (tình ái) bắt nguồn từ bản nhiên mời gọi nó đón nhận lẫn nhau (vì cùng đến từ Tạo Hóa) ngõ hầu có thể trao ban cho nhau…Nhờ thế việc nên ‘một thịt một xương’ trở thành một kết hợp trọn đời, để cho người nam và người nữ có thể nên một trong tinh thần.” ĐGH nói tiếp: “Theo ý nghĩa này, đức thanh tịnh mặc lấy một ý nghĩa mới. Nó không phải là lời nói ‘không’ đối với các thú vui và niềm hân hoan của cuộc sống, mà là một lời nói ‘có’ lớn tiếng đối với tình yêu như là sự thông đạt sâu xa giữa hai nhân vị--điều này đòi hỏi thời gian và sự tương kính--như là con đường chung bước tiến về nguồn sung mãn, cũng như là tình yêu vốn có khả năng sản sinh ra sự sống, và quảng đại đón tiếp mầm sống mới vừa khai mở.”

ĐGH còn nói rằng: “Tuy vậy, thân xác cũng chứa chất một thứ ngôn ngữ tiêu cực. Nó nói cho ta về sự áp bức người khác, về khát vọng chiếm hữu và bóc lột người khác. Thế nhưng, ta biết rằng thứ ngôn ngữ này không hề nằm trong kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa, mà chỉ là hậu quả của tội lỗi. Khi tách khỏi ý nghĩa của người con hiền thảo, khỏi mối tương quan với Tạo Hóa, thân xác sẽ phản loạn chống lại con người, đánh mất khả năng biểu thị hiệp thông, để trở thành một nơi chốn diễn ra cảnh chiếm đoạt người khác. Phải chăng đó chính là cái thảm trạng của dục tính hôm nay vốn đang bị khóa chặt trong cái vòng luẩn quẩn của thân xác và nỗi xúc cảm, mà trong thực tế chỉ có thể được hoàn thành trong tiếng gọi hướng về một điều gì đó cao cả hơn.”

“Thiên Chúa ban tặng cho con người chúng ta một nẻo đường cứu độ dành cho thân xác, mà ngôn ngữ của nó được bảo tồn trong gia đình, nơi mà thần học xác thân quyện chặt với thần học tình yêu. Chính nơi đây, món quà hiến tặng bản thân qua hình ảnh ‘một thịt một xương’ được thực hiện trong tình yêu phu thê kết hợp vợ chồng nên một với nhau. Chính nơi đây, ta cảm nghiệm được kết quả của tình yêu, và thấy được sự sống liên kết các thế hệ lại với nhau. Chính trong gia đình, con người khám phá ra mối tương liên với nhau, không phải như những cá nhân độc lập và tự tạo, mà là như con cái, vợ chồng, và cha mẹ, lúc nào cũng mang căn tính là được mời gọi để yêu thương, để đón nhận nhau, và hiến thân cho nhau.”

ĐGH kết luận rằng: “Chính Thiên Chúa cũng mặc lấy thân xác, và qua đó, mạc khải chính bản thân Ngài cho tạ. Là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã lãnh nhận xác thân của người con với lòng biết ơn Chúa Cha, lắng nghe lời Người, và hiến tặng chính thân xác mình cho ta, ngõ hầu có thể làm cho thân xác mới mẻ của Hội Thánh được triển nở.”

05/14/11

Nguyễn Kim Ngân