II. Ông đã đi đâu, Jacques Maritain?

Gần đây nhất, ngày 15 tháng 6 năm 2022, trên tạp chí Public Discourse (Tờ báo của Viện Witherspoon), Daniel Philpott, giáo sư Khoa học Chính trị của Đại Học Notre Dame, Hoa Kỳ, có bài viết về Jacques Maritain với tựa đề: Where Have You Gone, Jacques Maritain? (https://www.thepublicdiscourse.com/2022/06/82805/).

Ngày nay, viễn kiến lạc quan của Jacques Maritain về chủ nghĩa tự do Kitô giáo thường bị tranh cãi hoặc bị bác bỏ là lỗi thời, nhưng việc làm sống lại nhấn mạnh của ông về sự tham gia của Kitô hữu vào xã hội và chính trị đang được cần đến một cách khẩn cấp - và theo nhiều cách có bằng chứng là đang có mặt trong hoạt động chính trị của Kitô hữu ở Hao Kỳ.

Tiểu luận này là một phần của loạt Diễn từ Công cộng về Who’s Who, giới thiệu và tương tác một cách nghiêm túc với các nhà tư tưởng quan trọng, những người thường được đề cập đến trong các cuộc tranh luận chính trị và văn hóa, nhưng ý tưởng của họ có thể không được nhiều người biết đến hoặc hiểu rõ...




Vào ngày 6 trong tháng, những kẻ khích động cực hữu đã tấn công cơ quan lập pháp quốc gia, khiến một số người chết và nhiều người khác bị thương. Tháng sau, trong bối cảnh công chúng đang tranh luận gay gắt đến mức đưa ra những cảnh cáo về nội chiến, một nhóm các triết gia Công Giáo đã ký vào một bản tuyên ngôn kêu gọi ích chung và nói không với các lực lượng phản dân chủ.

Nhưng cảnh tượng trên, dù có thể quen thuộc, đã không diễn ra ở Mỹ. Vào ngày 6 tháng 2 năm 1934, một phe cánh hữu đã bạo loạn trong Viện đại biểu của Pháp. Khi đó, Pháp bị phân cực bởi những người theo chủ nghĩa quân chủ, những người được nhiều người Công Giáo truyền thống liên minh với, và bởi những người cộng hòa, những người mong muốn và mong đợi tôn giáo biến mất, và bởi những người cộng sản. Trong số những người Công Giáo lo ngại ký tên, ta thấy có các nhà trí thức nổi tiếng Etienne Gilson, Gabriel Marcel, Emmanuel Mounier và Yves Simon, nhưng người nổi tiếng nhất là Jacques Maritain, người lúc đó ủng hộ một nền cộng hòa dân chủ được Kitô giáo sinh động, một mô hình được ông đến tìm và yêu thích tại Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, như nhà văn Công Giáo James Matthew Wilson nhận xét, các Kitô hữu hiện nay “một cách tổng quát, thường cảm thấy rằng tinh thần hòa giải như Maritain đại diện đã thất bại.” Ngày nay, những người chỉ trích Maritain cho rằng tầm nhìn chính trị của ông về chủ nghĩa tự do Kitô giáo, một xã hội dân chủ vừa đa nguyên vừa lấy cảm hứng từ Kitô giáo, không còn khả thi ở Mỹ. Đối với những nhà phê bình này, ý tưởng của Maritain có thể phát triển mạnh trong một thế giới đã qua của các cuộc thập tự chinh của Billy Graham, các chương trình truyền hình của Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen và các chính trị gia Dân chủ Kitô giáo từng nghiên cứu tư tưởng Công Giáo, nhưng chúng không thể ngăn cản và thậm chí có thể đã khuyến khích sự suy giảm niềm tin Kitô giáo và sự trỗi dậy của nền chính trị phi Kitô giáo ở phương Tây. Viễn kiến của Maritain là chủ đề bị chỉ trích dữ dội từ các nhà duy toàn diện [integralist], những người ủng hộ việc khôi phục một nhà nước tuyên tín biết công nhận Giáo hội như thẩm quyền cao hơn và đóng vai trò như tác nhân của nhà nước này.

Thế giới Kitô giáo mới

Những ý tưởng chính trị gây tranh cãi của Maritain bắt nguồn từ đâu? Sinh ra ở Paris vào năm 1882, Maritain kết hôn với người bạn đồng chí hướng của mình, Raïssa Oumansov, vào năm 1904. Hai sinh viên trẻ đã giao ước sẽ tự tử nếu họ không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, và nhờ cuộc gặp gỡ với các trí thức Công Giáo, họ đã tìm thấy câu trả lời của họ trong Giáo Hội Công Giáo, Giáo hội mà họ đã gia nhập vào năm 1906. Năm 1910, nhà triết học trẻ tuổi Maritain trở nên say mê với cuốn Summa Theologica [Tổng luận Thần học] của Thánh Tôma Aquinô và tham gia vào cuộc phục hưng Học thuyết Tôma vốn được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII kêu gọi trong thông điệp Aeterni Patris năm 1879 của ngài. Bắt đầu từ năm 1919, ông và Raïssa sẽ tổ chức “Câu lạc bộ Thomist” tập hợp hàng ngũ trí thức Công Giáo đáng chú ý của Paris.

Về mặt chính trị, Maritain liên kết với Action Française, một phong trào do nhà hoạt động chính trị Charles Maurras lãnh đạo, một người theo chủ nghĩa quân chủ, mặc dù ông là một người vô thần, nhưng ông ủng hộ việc tái lập Giáo Hội Công Giáo. Sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XI lên án Action Française vào năm 1926, Maritain đã chấp nhận và bảo vệ quyết định của Đức Giáo Hoàng trong cuốn sách năm 1927 của ông, Primauté du Spirituel (Quyền Tối thượng của Lãnh vực Thiêng liêng). Ở đây, duyệt lại suy nghĩ của mình, lần đầu tiên ông đưa ra khái niệm của ông về một trật tự chính trị dân chủ tuy không suy tôn Giáo hội nhưng nền chính trị của nó sẽ được sinh động bởi các Kitô hữu nhiệt thành – điều mà sau này ông gọi là thế giới Kitô giáo mới [new Christendom]. Maritain tiếp tục nghiên cứu triết học chính trị qua Giảng khóa Walgreen năm 1949 của ông tại Đại học Chicago, được xuất bản với tên Man and the State năm 1951.

Thành tựu vĩ đại của Maritain là lấy lại tư tưởng của Thánh Tôma để phục vụ việc nêu rõ các nền tảng cho các nguyên tắc công bằng chính trị trong một thế kỷ chiến tranh và bất công chưa từng có. Bên cạnh Thế giới Kitô giáo mới của ông, những nguyên tắc này còn bao gồm chủ nghĩa nhân vị, một học thuyết nhấn mạnh phẩm giá của nhân vị, điều mà các ý thức hệ độc tài cánh tả và cánh hữu đã bóp chết; các nhân quyền; thờ ngẫu thần tối thượng quyền nhà nước; một chủ nghĩa liên bang thế giới chuyển thẩm quyền cho cả các tổ chức quốc tế lẫn địa phương; và một nền kinh tế học theo chủ nghĩa nhân vị. Ông được các chính trị gia và trí thức lỗi lạc ở châu Âu, châu Mỹ Latinh, và Hoa Kỳ, cũng như các viên chức ở Liên Hiệp Quốc và Tòa Thánh, bao gồm cả Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, đọc và tìm tòi.

Maritain nói rõ về Thế giới Kitô giáo mới, kế hoạch chi tiết của ông cho các trật tự chính trị hiện đại, trong cuốn sách được đọc nhiều nhất của ông về chính trị, Integral Humanism [Chủ nghĩa Nhân bản Toàn diện] năm 1936. Thời Trung cổ đã qua đi, ông tuyên bố và cả “bầu trời lịch sử” của thời đại đó, vốn là cấu hình văn minh trong đó chính trị chủ yếu là phương tiện để đạt lợi ích thiêng liêng của con người và xã hội. Ngày nay, “lý tưởng lịch sử cụ thể” là trật tự trần thế hiểu như một “mục đích trung gian”, đáng được theo đuổi trong chính nó và tự chủ trong các mục đích đặc trưng của nó: cung cấp phòng thủ chung, xây dựng đường sá, giáo dục công dân, v.v. Nhà nước hiện đại không tuyên bố mình là Kitô giáo, cấp quyền công dân bình đẳng cho những người không phải là Kitô hữu, bảo vệ quyền tự do của Giáo hội và của những người không phải là Kitô hữu để họ thực hành đức tin của họ, và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, quyền sở hữu và tham gia chính trị của mọi công dân.

Nhưng trật tự chính trị hiện đại của Maritain không hề tước bỏ Kitô giáo. Đức hạnh và sức sống của nó phụ thuộc vào “sự lãnh đạo theo ơn gọi” của các “anh hùng” Kitô giáo, những người, nhờ được truyền ân sủng và được thúc đẩy bởi tình yêu đối với thế giới, sẽ nhắm việc biến đổi các thực tại trần thế theo cách thức được Tin Mừng truyền dạy — và khi làm như vậy, theo đuổi cùng đích thiêng liêng của họ. Thế giới Kitô giáo mới của Maritain sẽ là một “cơ chế chính trị thế tục theo Kitô giáo một cách chủ yếu”.

Chủ nghĩa tự do Kitô giáo

Điều Maritain trình bày trong Integral Humanism và các tác phẩm tiếp theo có thể được gọi là chủ nghĩa tự do Kitô giáo [Christian liberalism]. Chủ nghĩa tự do được định nghĩa một cách cổ điển là một học thuyết chính trị tán thành các quyền và tự do cá nhân, nối kết chặt hẽ với quyền công dân bình đẳng, thượng tôn pháp luật, và sự độc lập của quyền lực thiêng liêng và quyền lực trần thế. Chủ nghĩa tự do của Kitô giáo tán thành những nguyên tắc này theo quan điểm của Kitô giáo chính thống — đối với người Công Giáo, đó là giáo huấn có tính cách tín điều về về đức tin và luân lý. Nó liên quan đến điều được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI gọi là “chủ nghĩa thế tục tích cực”, trong đó, thẩm quyền tôn giáo và trần thế vẫn độc lập để cổ vũ sự tham gia mạnh mẽ của tôn giáo vào xã hội và chính trị.

Chủ nghĩa tự do Kitô giáo có khá nhiều đại biểu danh tiếng, bắt đầu là Félicité de Lamennais trong giai đoạn giữa sự nghiệp của ông, Alexis de Tocqueville, Henri-Dominique Lacordaire, John Henry Newman, Hồng Y Henry Edward Manning, Giám mục Wilhelm Emmanuel von Ketteler, Luigi Sturzo, Heinrich Rommen, Robert Schuman, John Courtney Murray, Yves Simon, những người di cư châu Âu đã thành lập The Review of Politics [Tạp chí Chính trị] vào cuối những năm 1930, và dĩ nhiên là chính Maritain.

Trong những năm gần đây hơn, những người ủng hộ chủ nghĩa tự do Kitô giáo đáng chú ý bao gồm Robert George, Pierre Manent, Nicholas Wolterstorff, Richard John Neuhaus, George Weigel, Michael Novak, Christopher Wolfe, Jean Bethke Elshtain, David VanDrunen, Jonathan Chaplin, John Witte, Mary Ann Glendon, John Finnis và Peter Lawler. Các vị giáo hoàng đã dạy về quyền tự nhiên, hay nhân quyền, trong các thông điệp kể từ thông điệp Rerum Novarum của Đức Lêô XIII vào năm 1891. Tuyên bố của Công đồng Vatican II, Dignitatis Humanae (1965), tuyên bố nhân quyền tự do tôn giáo và nguyên tắc công dân bình đẳng, các nguyên lý của chủ nghĩa tự do Kitô giáo được các vị giáo hoàng tiếp theo,tán thành mạnh mẽ.

Chủ nghĩa tự do Kitô giáo khác với Kitô giáo tự do vốn bác bỏ các giáo huấn chính thống. Nó cũng khác với mọi hình thức của chủ nghĩa tự do vốn đặt căn bản cho các quyền và tự do trong các học thuyết phủ nhận Thiên Chúa và đề cao việc tự định nghĩa về đạo đức và tôn giáo. Và nó cũng khác với chủ nghĩa thế tục tiêu cực, coi tôn giáo như một lực lượng thoái bộ và tìm cách gạt nó ra khỏi cuộc sống công cộng — một quan điểm mà Maritain đã trực tiếp gặp ở Đệ Tam Cộng hòa của Pháp. Maritain bác bỏ tất cả những học thuyết này như các hình thức của “thói hư căn để” mà ông gọi là chủ nghĩa nhân bản qui nhân (anthropocentric) và gốc rễ của nó nằm trong đường hướng của các nhà tư tưởng từ Machiavelli đến Descartes, Luther, Rousseau và Kant.

Trong mắt các nhà phê bình Maritain hiện nay, những thói hư căn để này đã chiến thắng ở phương Tây, và Thế giới Kitô giáo mới đã thất bại. “Quyền xác định khái niệm hiện hữu riêng của mình,” lý lẽ mà Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ dùng để biện minh cho việc phá thai, đã củng cố quyền này cùng với việc nhà nước xác nhận và chấp pháp cuộc cách mạng tình dục, sự xói mòn các liên hệ xã hội và tỷ lệ rời bỏ Giáo Hội đáng báo động, nhất là trong giới trẻ.

Tham gia cuộc chỉ trích này đối với các ý tưởng chính trị của Maritain là các quan điểm học thuật đa dạng đương thời. Đối với nhà thần học chính trị William Cavanaugh, Maritain đã gạt Giáo Hội ra bên lề bằng cách dành cho Giáo Hội một vai trò thuần túy thiêng liêng, đầu hàng một nhà nước hiện đại quân phiệt thèm khát tiêu mòn lòng trung thành của công dân. Đối với nhà thần học người Anh và là người sáng lập phong trào chính thống triệt để John Milbank, khái niệm nhân quyền của Maritain kéo theo chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, thù nghịch với luật tự nhiên cổ điển của Kitô giáo. Đối với nhà sử học Samuel Moyn, chủ nghĩa nhân vị của Maritain và việc ông cổ vũ các nhân quyền phụ thuộc vào Kitô giáo bảo thủ của những năm 1940.

Mặc dù những người ủng hộ Maritain hiện nay khẳng định rằng ông vẫn cung ứng sự khôn ngoan cho nền chính trị của chúng ta, nhưng họ đồng ý với phần lớn chẩn đoán của các nhà phê bình ông về phương Tây ngày nay. Wilson cho rằng “Giáo Hội đang rối loạn” và “việc tục hóa đạo đức và chính trị [đã] tiếp tục lan nhanh,” trong khi Ross Douthat, nhà báo chuyên mục của New York Times, tin rằng“ sự lạc quan của Maritain chỉ có thời và chết yểu”. Có lẽ Maritain cũng sẽ đồng ý.

Sự suy sụp của nền chính trị Kitô giáo

Dù vậy, câu hỏi là có phải nhà nước thế tục của Maritain đã gây ra hay chịu trách nhiệm về sự
thất bại trong việc ngăn chặn sự sụp đổ của Thế giới Kitô giáo mới của chính ông. Chủ nghĩa thế tục tích cực có chịu trách nhiệm đối với chủ nghĩa thế tục tiêu cực hay không? Chủ nghĩa tự do Kitô giáo có chịu trách nhiệm đối với chủ nghĩa tự do vô thần hay không? Có phải nền văn minh Kitô giáo chỉ có thể được hồi sinh qua Thế giới Kitô giáo cũ?

Lý lẽ này khó có thể đứng vững. Sự suy sụp của Kitô giáo và nền chính trị Kitô giáo có nhiều nguyên nhân, trong số đó có sức mạnh văn hóa của chủ nghĩa tự do tự định nghĩa mình, sự sung túc kinh tế, tác động ăn mòn đạo đức của kỹ thuật, và việc dạy giáo lý kém của chính Giáo Hội, sự tuân theo chủ nghĩa thế tục (tiêu cực), và các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục. Dựa trên cơ sở nào, người ta có thể chứng minh tác động đặc biệt làm tê liệt tự do tôn giáo và sự độc lập của Giáo Hội và nhà nước?

Một cuộc so sánh giữa các quốc gia nêu lên nghi vấn đối với hậu quả này. Trong khi, như nhà khoa học chính trị Jonathan Fox cho thấy, tất cả các nền dân chủ phát triển trên thế giới đều “tích hợp” hơn Hoa Kỳ — ủng hộ tôn giáo thông qua các biện pháp như tôn giáo được chính thức hóa, Giáo Hội được hỗ trợ thuế và có các ngày lễ tôn giáo — ở hầu hết các nền dân chủ này, các hàng ghế nhà thờ trống rỗng hơn và trống rỗng sớm hơn rất nhiều so với ở Hoa Kỳ. Như thế, đất nước mà Maritain cho là đi gần đúng với lý tưởng chính trị của ông nhất, là nơi có một trong những dân số tôn giáo hơn hết trong số các nền dân chủ, bất chấp sự suy giảm gần đây của nó.

Tự do tôn giáo và quyền công dân bình đẳng cũng đặt ra những rào cản đạo đức đáng kể đối với việc từ bỏ chủ nghĩa thế tục tích cực của Maritain để trở thành một nhà nước tuyên tín. Người ta nói rằng theo giải thích của Thomas Pink, một trong những nhà lý thuyết hàng đầu của chủ nghĩa duy toàn diện, tuyên ngôn Dignitatis Humanae cho phép việc cưỡng chế những người dị giáo đã được rửa tội. Tuy nhiên, nguyên tắc chính của tuyên ngôn hoàn toàn không ép buộc đức tin tôn giáo của bất cứ ai.

Một phản ứng khác đối với chủ nghĩa thế tục (tiêu cực), hiển nhiên là của Maritain, sẽ là sự hồi sinh của đức tin và nền chính trị Kitô giáo. Các nhà phê bình ông có thể coi đề xuất này là ngây thơ và không tưởng. Nhưng liệu một nhà nước tuyên tín có kém không tưởng hơn không? Hơn nữa, lời tố cáo không tưởng khiến những người theo chủ nghĩa phục hưng trở thành những người Pêlagiô, chỉ dựa vào nỗ lực của con người. Các anh hùng của Maritain đúng hơn là công trình của Chúa Thánh Thần. Chúng ta cũng hãy nhớ lại rằng lịch sử của Kitô giáo không di chuyển theo một hướng duy nhất theo cách tiền định như Kant, Hegel hoặc Marx đã hình dung, mà đúng hơn, trong các xã hội cũng như trong đời sống con người, là hướng suy sụp và đổi mới, tội lỗi và ân sủng. Niềm hy vọng Kitô giáo không thể chấp nhận sự suy sụp đức tin như một điều không thể tránh khỏi.

Ngay cả ngày nay, các Kitô hữu vẫn thực hành nền chính trị dưới sự che chở của một nhà nước thế tục tích cực, chào đón các di dân, làm việc để chấm dứt án tử hình, trẻ trung hóa nội thành, và rộng dài nhất là bảo vệ những người chưa sinh. Tại thời điểm viết bài này, Tòa án Tối cao đã dự thảo văn kiện lật ngược phán quyết Roe v. Wade, một quan điểm chưa chính thức (1) và sẽ không chấm dứt nạn phá thai hoặc chính trị phá thai gây tranh cãi, nhưng hứa hẹn một chiến thắng mà các tín đồ Kitô giáo đã theo đuổi trong 5 thập niên. Thêm hàng trăm luật của tiểu bang hạn chế phá thai, ba nghìn trung tâm hỗ trợ mang thai và hàng trăm nghìn người tuần hành vì sự sống, qúy vị sẽ thấy cả một phong trào công bằng xã hội lớn nhất thế giới. Trong khi chúng ta phải cầu nguyện cho sự hồi sinh của Thế giới Kitô giáo mới của Maritain, chúng ta có thể nhận xét rằng nó vẫn chưa chết.
_______________________________________________________________________________________
(1) Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã chính thức huỷ bỏ phán quyết Roe v. Wade ngày 24 tháng 6, 2022, 9 ngày trước bài viết của giáo sư Philpott.

Kỳ sau: Tầm nhìn Nam Mỹ về Jacques Maritain