Trong đoạn trích sau đây, nhà triết học Công Giáo người Pháp Jacques Maritain không chỉ trích bản chất nhà nước mà là sự kiện này: nhà nước đã tự biến mình trở thành chủ quyền tuyệt đối của cơ chế chính trị (xã hội). Làm như vậy, nó đã đảo lộn mối liên hệ giữa con người và nhà nước, biến con người thành công cụ phục vụ nhà nước.

Theo Maritain, điều này đã xảy ra, trong cuộc Cách mạng Pháp khi quyền lực chuyển từ Nhà vua sang Quốc gia và Quốc gia được xem như một thẩm quyền cao hơn được gọi là Nhà nước Quốc gia.

Đoạn trích ngắn ngủi sau đây là một phần của cuốn sách nhằm hệ thống hóa sáu bài giảng do Maritain trình bầy vào tháng 12 năm 1949 tại Hoa Kỳ dưới sự bảo trợ của Qũi Charles R. Walgreen Foundation dành cho các Cơ chế Nghiên cứu Hoa kỳ
.



NHÂN DÂN VÀ NHÀ NƯỚC

Nhà nước không phải là hiện thân tối cao của Ý niệm, như Hegel vốn tin tưởng; Nhà nước không phải là một loại siêu nhân tập thể; Nhà nước chỉ là một cơ quan được quyền sử dụng quyền lực và cưỡng chế, và bao gồm các chuyên gia hoặc các nhà chuyên môn về trật tự và phúc lợi công cộng, một công cụ phục vụ con người. Đặt con người vào thế phục vụ công cụ đó là hành vi đồi bại chính trị. Nhân vị như một cá nhân là dành cho cơ chế chính trị và cơ chế chính trị là dành cho nhân vị như một ngôi vị. Nhưng con người không hề dành cho Nhà nước. Nhà nước là dành cho con người.

Khi chúng ta nói rằng Nhà nước là bộ phận cao cấp trong cơ chế chính trị, điều này có nghĩa là nó ưu việt hơn các cơ quan khác hoặc các bộ phận tập thể của cơ chế này, nhưng không có nghĩa là nó ưu việt hơn chính cơ chế chính trị. Như thế, thành phần thấp hơn so với toàn thể. Nhà nước thấp hơn cơ chế chính trị như một toàn thể, và phục vụ cơ chế chính trị như một toàn thể. Nhà nước thậm chí có là người đứng đầu cơ chế chính trị không? Ít khi lắm, vì trong hữu thể nhân bản, đầu là một công cụ của những sức mạnh tinh thần như trí tuệ và ý chí, mà toàn bộ cơ thể phải phục vụ; trong khi các chức năng do Nhà nước thực hiện là dành cho cơ chế chính trị, chứ không phải cơ chế chính trị dành cho chúng.

Lý thuyết mà tôi vừa tóm tắt, và là lý thuyết coi Nhà nước là một bộ phận hoặc một công cụ của cơ chế chính trị, phụ thuộc vào nó và được trao cho thẩm quyền cao nhất không phải bởi quyền lợi riêng và lợi ích riêng của nó, mà chỉ bởi và tới mức các đòi hỏi của lợi ích chung, có thể được mô tả như một lý thuyết "duy công cụ", làm cơ cở cho khái niệm thực sự có tính chính trị về Nhà nước. Nhưng chúng ta đang đương đầu với một khái niệm hoàn toàn khác, khái niệm chuyên chế về Nhà nước, dựa trên lý thuyết "duy bản thể" hoặc "duy tuyệt đối". Theo lý thuyết này, Nhà nước là một chủ thể có quyền lợi, tức là một ngôi vị tinh thần, và do đó là một toàn thể; kết quả là nó được đặt lên trên cơ chế chính trị hoặc được tạo ra để hấp thụ hoàn toàn cơ chế chính trị, và nó được hưởng quyền lực tối cao do quyền tự nhiên, bất khả xâm phạm và vì cùng đích của chính nó.

Tất nhiên, mọi thứ vĩ đại và quyền thế đều có xu hướng như từ bản năng - và một cơn cám dỗ đặc biệt – muốn phát triển quá giới hạn của chính nó. Quyền lực có xu hướng gia tăng quyền lực, cỗ máy quyền lực có xu hướng không ngừng tự mở rộng nó; bộ máy pháp lý và hành chính tối cao có xu hướng tự mãn quan liêu; nó thích tự coi mình là cứu cánh, chứ không phải là phương tiện. Những người chuyên lo các công việc của toàn thể có khuynh hướng tự cho mình là toàn thể; các vị tham mưu tự coi mình là toàn quân, các thẩm quyền Giáo hội có khuynh hướng tự coi mình là toàn thể Giáo hội; Nhà nước có khuynh hướng tự coi mình là là toàn bộ cơ chế chính trị. Đồng thời, Nhà nước có xu hướng tự gán cho mình một ích chung đặc biệt – việc tự bảo tồn và phát triển chính mình - khác biệt với cả trật tự và phúc lợi công cộng vốn là mục đích cận kề của nó, lẫn với công ích là mục đích cuối cùng của nó. Tất cả những điều bất hạnh này chỉ là những trường hợp của việc vượt quá hoặc lạm dụng “tự nhiên”.

Nhưng còn có một điều gì đó cụ thể và trầm trọng hơn nhiều trong việc phát triển của lý thuyết duy bản thể hoặc duy tuyệt đối về Nhà nước. Sự phát triển này chỉ có thể hiểu theo quan điểm của lịch sử hiện đại và là cái hậu của các cấu trúc và quan niệm đặc biệt đối với Đế chế Trung cổ, đối với chế độ quân chủ tuyệt đối của thời cổ điển Pháp, và chính quyền tuyệt đối của các vị vua nhà Stuart ở Anh. Một cách đáng chú ý, chính từ ngữ Nhà nước cũng chỉ xuất hiện trong diễn trình lịch sử hiện đại; khái niệm Nhà nước mặc nhiên có liên hệ với khái niệm cổ xưa về thành phố (polis, civitas), trong yếu tính, vốn là cơ chế chính trị, và càng có nghĩa như thế hơn nữa trong khái niệm của người La Mã về Đế chế: nó chưa bao giờ được đưa ra một cách minh nhiên thời cổ xưa. Theo một khuôn khổ lịch sử, đáng tiếc là hay được lặp đi lặp lại, cả sự phát triển bình thường của Nhà nước - tự nó là một tiến bộ lành mạnh và chân chính – lẫn sự phát triển của quan niệm giả mạo-duy tuyệt đối-pháp lý và triết học về Nhà nước đã diễn ra cùng một lúc.

Một lời giải thích thỏa đáng về diễn trình lịch sử đó có lẽ đòi hỏi một cuộc phân tích lâu dài và kỹ lưỡng. Ở đây, tôi chỉ gợi ý rằng vào thời Trung cổ, thẩm quyền của Hoàng đế, và trong buổi đầu thời hiện đại, thẩm quyền tuyệt đối của nhà Vua, từ trên đưa xuống cơ chế chính trị, được áp đặt lên cơ chế chính trị. Trong nhiều thế kỷ, thẩm quyền chính trị là đặc quyền của một "chủng tộc xã hội" cao cấp, một chủng tộc có quyền được hưởng quyền lực tối cao và sự lãnh đạo cũng như hướng dẫn đạo đức trên cơ chế chính trị - mà theo giả thiết vốn bao gồm những người dưới tuổi có thể đòi hỏi, phản kháng, hoặc bạo loạn, không tự quản trị được; và người ta tin đây là quyền bẩm sinh hoặc trực tiếp do Thượng đế ban tặng và không thể chuyển nhượng. Vì vậy, trong "thời đại baroque," trong khi thực tại Nhà nước và cảm thức Nhà nước dần dần thành hình như những thành tựu pháp lý vĩ đại, khái niệm Nhà nước ít nhiều xuất hiện một cách mơ hồ như là khái niệm toàn thể - đôi khi được đồng nhất với con người của nhà vua - được áp đặt lên trên hoặc bao trùm cơ chế chính trị và được hưởng quyền lực từ trên nhờ quyền tự nhiên và bất khả xâm phạm của nó, - nghĩa là có chủ quyền. Vì theo nghĩa chân thực của chữ này – một nghĩa vốn lệ thuộc vào sự thành hình lịch sử của khái niệm chủ quyền, trước các định nghĩa khác nhau của các nhà luật học - chủ quyền không chỉ bao hàm việc chiếm hữu thực sự quyền lực tối cao và quyền đối với nó, mà còn là một quyền tự nhiên và không thể chuyển nhượng, quyền được hưởng một quyền lực tối cao vốn là quyền tách biệt khỏi và đứng trên các thần dân của nó.



Vào thời Cách mạng Pháp, khái niệm Nhà nước được coi như một toàn thể tự thân vẫn được bảo tồn, nhưng nó chuyển từ Nhà vua qua Quốc gia, bị đồng nhất một cách nhầm lẫn với cơ chế chính trị; do đó Quốc gia, Cơ chế Chính trị và Nhà nước đã được đồng nhất hóa. Và chính khái niệm chủ quyền - như một quyền tự nhiên hoặc bẩm sinh và bất khả chuyển nhượng được hưởng quyền lực siêu việt tối cao - đã được bảo tồn, nhưng đã chuyển từ Vua sang Quốc gia. Đồng thời, dựa trên lý thuyết duy chí (voluntarist) về pháp luật và xã hội chính trị, vốn đạt tới cao điểm trong triết học thế kỷ thứ mười tám, Nhà nước được biến thành một ngôi vị (điều được gọi là ngôi vị tinh thần) và một chủ thể có quyền lợi, một cách mà thuộc tính chủ quyền tuyệt đối, khi được quy cho Quốc gia, trên thực tế, tất yếu phải được Nhà nước đòi hỏi và thực thi.

Do đó, trong thời hiện đại, khái niệm chuyên chế hoặc duy tuyệt đối về Nhà nước đã được các nhà lý thuyết về dân chủ chấp nhận như các nguyên lý dân chủ - cho đến khi Hegel, nhà tiên tri và nhà thần học của Nhà nước toàn trị, thần thánh hóa, xuất hiện. Ở Anh, các lý thuyết của John Austin chỉ có xu hướng chế ngự và văn minh hóa phần nào con thủy quái Leviathan cũ của Hobbes. Diễn trình chấp nhận này được ủng hộ nhờ một thuộc tính tượng trưng vốn thực sự thuộc về Nhà nước, tức sự kiện này là, như chúng ta nói hai mươi đầu gia súc nghĩa là hai mươi con vật thế nào, thì phần trên cùng của cơ chế chính trị tự nhiên đại diện cho toàn bộ chính trị như vậy. Không, hơn thế nữa, ý niệm về điều vừa kể còn được nâng lên một mức độ trừu tượng và tượng trưng cao hơn, và ý thức của xã hội chính trị được nâng lên thành một ý tưởng hoàn toàn cá nhân hóa hơn về chính nó trong ý niệm Nhà nước. Trong khái niệm duy tuyệt đối về Nhà nước, biểu tượng đã được biến thành thực tại, nó đã được ngôi vị hóa (hypostasized). Theo quan niệm này, Nhà nước là một đơn tử siêu hình, một ngôi vị; nó là một toàn thể đối với chính nó, là toàn thể chính trị duy nhất trong mức độ thống nhất và cá nhân tính cao nhất của nó. Vì vậy, nó thu hút vào nó trọn cơ chế chính trị mà từ đó nó vốn phát xuất, cũng như mọi ý chí cá nhân hoặc đặc thù mà, theo Jean-Jacques Rousseau, từng tạo ra Ý chí Chung để chết và sống lại một cách huyền bí trong tính thống nhất của nó. Và nó được hưởng chủ quyền tuyệt đối như một đặc tính và quyền theo yếu tính.

Khái niệm Nhà nước, được thực thi trong lịch sử nhân loại, đã buộc các nền dân chủ rơi vào những mâu thuẫn không thể dung thứ được với chính mình, trong sinh hoạt quốc nội và nhất là trong sinh hoạt quốc tế. Vì khái niệm này không phải là thành phần của các nguyên lý dân chủ chân chính, nó không thuộc về cảm hứng và triết lý dân chủ thực sự, nó thuộc về một di sản ý thức hệ giả mạo vốn rình mồi nền dân chủ như một ký sinh trùng. Trong thời kỳ thống trị của nền dân chủ cá nhân chủ nghĩa hay "tự do", Nhà nước, được biến thành tuyệt đối, biểu lộ xu hướng tư coi mình thay thế cho nhân dân, và do đó khiến nhân dân ra xa lạ đối với sinh hoạt chính trị đến một mức độ nào đó; nó cũng có thể phát động các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia làm xáo trộn Thế kỷ XIX. Tuy nhiên, sau thời đại Napoléon, các hệ luận tồi tệ nhất của diễn trình tuyệt đối hóa Nhà nước này đã được kiềm chế bởi triết lý dân chủ và các thực hành chính trị đang thịnh hành lúc đó. Chính với sự ra đời của các chế độ và triết lý toàn trị mà những hệ luận tồi tệ nhất đó đã được xổ lồng. Nhà nước biến thành tuyệt đối lộ rõ bộ mặt thật của nó. Kỷ nguyên của chúng ta đã có đặc ân được chiêm ngưỡng chủ nghĩa toàn trị Nhà nước của Chủng tộc với Chủ nghĩa Quốc xã Đức, của Quốc gia với Chủ nghĩa Phát xít Ý, của Cộng đồng Kinh tế với Chủ nghĩa Cộng sản Nga.

Điểm cần nhấn mạnh là điều trên. Đối với các nền dân chủ ngày nay, nỗ lực cấp bách nhất là phát triển công bằng xã hội và cải thiện việc quản lý kinh tế thế giới, và tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa toàn trị từ bên ngoài và sự bành trướng toàn trị trên thế giới; nhưng việc theo đuổi các mục tiêu này chắc chắn sẽ kéo theo sự rủi ro có quá nhiều chức năng của đời sống xã hội do Nhà nước kiểm soát từ trên cao, và chúng ta chắc chắn sẽ phải chấp nhận rủi ro này, bao lâu ý niệm của chúng ta về Nhà nước chưa được phục hồi trên nền tảng dân chủ đích thực và chân chính, và chừng nào cơ chế chính trị chưa đổi mới cơ cấu và ý thức của chính nó, để người dân được trang bị hữu hiệu hơn cho việc thực thi tự do, và Nhà nước có thể trở thành một công cụ thực sự cho lợi ích chung của mọi người. Chỉ khi đó, cơ quan cao nhất, được nền văn minh hiện đại làm cho ngày càng trở nên cần thiết hơn đối với nhân vị trong tiến bộ chính trị, xã hội, đạo đức, thậm chí trí thức và khoa học của họ, mới ngưng cùng một lúc là mối đe dọa đối với các quyền tự do của nhân vị cũng như trí hiểu và khoa học. Chỉ lúc đó, các chức năng cao nhất của Nhà nước – bảo đảm luật pháp và tạo điều kiện cho sự phát triển tự do của cơ chế chính trị - mới được khôi phục, và cảm thức về Nhà nước của công dân mới được khôi phục. Chỉ khi đó, Nhà nước mới đạt được phẩm giá thực sự của mình, một phẩm giá không phát xuất từ quyền lực và thanh thế, mà là từ việc thực thi công lý.