Theo Giáo sư William Sweet trên Bách khoa từ điển triết học Stanford, Jacques Maritain có những đóng góp lớn lao về đủ mọi khía cạnh của triết học Tây Phương.

Về siêu hình, Mặc dù Maritain không đưa ra một bản văn nào cung cấp một tuyên bố toàn diện về siêu hình học của ông, các đóng góp lớn của ông đối với lĩnh vực này được tìm thấy trong Sept leçons sur l'être et les premiers Princecipes de la raison spéculative [Bẩy bài học về hữu thể và các Nguyên lý Đầu tiên của Lý trí Suy lý] (1934, bản tiếng Anh: A Preface to Metaphysics: Seven Lectures on Being [Lời nói đầu dần vào Siêu hình học: Bảy bài giảng về Hữu thê]), Court traité de l'existence et de l'existant [Khảo luận ngắn về Hiện hữu và Thể Hiện hữu] (1947, Bản tiếng Anh Existence and the Existent [Hiện hữu và Thể Hiện hữu]), và De Bergson à Thomas d'Aquin, essais de métaphysique et de morale [Từ Bergson tới Tôma Aquinô, Tiểu luận về siêu hình và luân lý](1944). Việc thảo luận về siêu hình học của ông cũng tìm thấy trong các tác phẩm khác, chẳng hạn như Distinguer pour unir; ou, les degrés du savoir [phân biệt để kết hợp; hay các mức độ của nhận thức] (1932, bản tiếng Anh: The Degrees of Knowledge [Các Mức độ của Nhận thức]), Science et sagesse [Khoa học và Khôn ngoan](1935, bản tiếng Anh Science and Wisdom), Ransoming the Time [Chuộc thời gian](1941), và Raison et raisons [Lý trí và các Lý lẽ] (1948, bản tiếng Anh: The Range of Reason).



Như có lẽ người ta mong đợi, siêu hình học của Maritain theo truyền thống Thánh Tôma, nhưng nó không hề chỉ là việc nhắc lại quan điểm của Thánh Nhân. Đối với Maritain, siêu hình học nói chung luôn cần đổi mới và bảo vệ (xem Dewan 2009), và Maritain xem nhiệm vụ của mình — và nhiệm vụ của phái Tôma nói chung — là “cải tân” tư tưởng của Thánh Nhân, “một nhiệm vụ mà tính mới mẻ có thể còn lớn hơn chính [những người theo chủ nghĩa Tôma] hiểu ra ”( Preface to Metaphysics, 1934 [1939: 12–13]).

Theo chân Thánh Tôma, Maritain cho rằng siêu hình học xử lý vấn đề hữu thể như là hữu thể (ens in quantum ens), tức là nó “nghiên cứu các nguyên tắc đầu tiên của sự vật và nguyên nhân cao nhất của chúng” (Preface to Metaphysics, 1934 [1939: 27]). Và Maritain cũng cho rằng có một số câu hỏi siêu hình căn bản mà câu trả lời của Thánh Tôma phần lớn là chính xác, mặc dù chúng có thể không hoàn chỉnh. Chống lại John Duns Scotus, Maritain chấp nhận quan điểm tổng quát của Thánh Tôma về các thuật ngữ và khái niệm tương tự. Một lần nữa, để trả lời cho vấn đề đơn nhất và đa dạng — thí dụ: làm thế nào một sự vật có thể là cá thể và khác biệt nhưng vẫn là thành viên của một nhóm các sự vật cùng loại? —Maritain theo Thánh Tôma cho rằng chúng ta phải phân biệt điều một vật là (bản chất hoặc yếu tính của nó, cái mà nó có chung với những thứ cùng loại) với sự kiện này là nó hiện hữu (tức là nó có 'hành động hiện hữu' của riêng nó). Khi nói đến việc phân tích bản chất và tính đơn nhất (unity] của các hữu thể khả giác, bao gồm cả con người, Maritain sử dụng sự phân biệt của Thánh Tôma giữa mô thức [form] và chất thể [matter] của một sự vật; bản chất hay yếu tính phản ảnh mô thức, trong khi tính cá thể là do chất thể quyết định.

Tuy nhiên, đóng góp khác biệt của Maritain không phải là đi vào các chi tiết của siêu hình học Tôma, mà là đưa nó vào mối tương quan với khoa học và triết học hiện đại, cũng như giải thích các nền tảng của nó.

Đối với Maritain, tất cả sự tìm hiểu của con người đều có ‘hữu thể’ làm đối tượng của nó; nói cách khác, hữu thể là đối tượng chính thức của trí hiểu (Preface to Metaphysics, 1934 [1939: 25]). Nhưng ‘hữu thể’ có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau, và Maritain phân biệt, chẳng hạn, giữa hữu thể khả giác (“đối tượng trí hiểu con người nắm được trước nhất”) và hữu thể như là hữu thể (là đối tượng của siêu hình học). Cách mà ông làm như vậy phân biệt ông với một số nhà theo thuyết Tôma hàng đầu khác của thế kỷ XX, chẳng hạn như Gilson và Fabro (Contat 2008). Chính vì sự khác biệt về đối tượng này mà Maritain phân biệt (như ông ghi nhận trong nhận thức luận và triết học tự nhiên của ông, được thảo luận dưới đây) giữa các hoạt động của nhà khoa học thực nghiệm, nhà toán học, nhà triết học, nhà thần học và nhà huyền nhiệm.

Maritain cho rằng, cuộc điều tra siêu hình — cuộc điều tra hữu thể như là hữu thể — là một mầu nhiệm; chẳng hạn, hữu thể là một điều gì đó “chứa đầy tính khả niệm” và quá “thuần khiết đối với trí hiểu của chúng ta” (Preface to Metaphysics, 1934 [1939: 4]). Tuy nhiên, mầu nhiệm hữu thể là một “mầu nhiệm khả niệm” (1934 [1939: 83]), và Maritain cho rằng, người ta không thể là một triết gia nếu không làm siêu hình học; “Một triết gia không phải là một triết gia trừ khi họ là một nhà siêu hình học” (Existence and the Existent, 1947 [1948: 29]).

Sự suy tư triết học về hữu thể bắt đầu với trực giác về hữu thể, và Maritain khẳng định rằng người ta cần thứ trực giác “thấu niệm” [eidetic] này để bất cứ nhận thức siêu hình chân chính nào trở thành khả thể. Trực giác hữu thể nào nằm ở gốc rễ của việc tìm hiểu siêu hình không phải là trực giác về “một hữu thể mơ hồ của thường thức [common sense]” (xem Preface to Metaphysics, 1934 [1939: 78]), mà là “trực giác trí thức” (Existence and the Existent, 1947 [1948: 28]) hay nắm bắt "hành động hiện hữu". (Sự nhấn mạnh này của Maritain về trực giác hữu thể vượt xa những gì chúng ta tìm thấy ở Thánh Tôma — một số người đã lập luận rằng nó hoàn toàn xa lạ với ngài [Wippel 2014, Knasas 1992] —và được cho là phản ảnh giải trình của Bergson về trực giác kỳ gian [duration]. Như đã ghi nhận trên đây, một số người lập luận rằng xét một cách tổng quan, Maritain nợ ơn Bergson nhiều hơn chính ông nghĩ [Gwozdz 2010].)

Trực giác hữu thể là một tri nhận trực tiếp và tức thì…. Đó là một cái nhìn rất đơn giản, vượt trội so với bất cứ lý luận hay minh chứng biện luận nào [… về] một thực tại mà nó đụng đến và nắm giữ; (Preface to Metaphysics, 1934 [1939: 50–51]). Maritain nói, nó là ý thức về thực tại của hữu thể mình — một ý thức mang tính quyết định và có đặc tính chi phối. Như thế, quan điểm về trực giác này không phải là quan điểm của linh cảm hay cái nhìn sâu sắc chóng qua; nó cũng không (Maritain tiếp tục) y hệt như trực giác của Bergson. Nó có đặc tính trí thức, là việc nắm được một điều gì đó có thể hiểu được, và đòi hỏi "một mức độ tâm linh trí thức nào đó” (1934 [1939: 49]). Maritain cho rằng trực giác hữu thể này là điều Kant không có (1934 [1939: 48]) và nhiều triết gia tiếp theo cho đến khi, có lẽ, sự xuất hiện của các nhà hiện sinh.

Có những cách tiếp cận mà người ta có thể chấp nhận để có được sự nắm bắt hoặc trực giác này, nhưng không có phương pháp nào mà người ta có thể tuân theo để có thể tạo ra nó một cách dứt khoát. Thí dụ, sự nắm bắt này có thể đạt được bằng cách tập trung vào một điều có thật và sau đó suy nghĩ những gì ẩn sau nó. Do đó, “trực giác thấu niệm” hay “hình dung lập ý” [ideating visualisation] là nơi chúng ta “nhìn… thực tại… trực diện”, trong đó “thực tại [bị] tước bỏ sự hiện hữu thực sự của nó ở bên ngoài tâm trí” và cho thấy “các điều kiện của… một sự hiện hữu của tính khả niệm đang hành động” (Preface to Metaphysics, 1934 [1939: 58]). Như thế, trực giác siêu hình này là một “trực giác lập ý” các sự vật dưới góc độ “giá trị khả niệm” của chúng, chứ không phải dưới góc độ các điều kiện thực tế của “tính ngẫu nhiên và tính đặc thù” của chúng (Science and Wisdom, 1935 [1940: 108]).

Cũng khác biệt trong giải trình của Maritain về siêu hình học là việc nhấn mạnh tới “hành động hiện hữu”. Chính vì điều này mà Maritain đã được gọi là một ‘nhà hiện sinh’; thực sự, cuốn Existence and the Existent của ông, có phụ đề là “một tiểu luận về chủ nghĩa hiện sinh Kitô giáo”, và ông mô tả quan điểm của mình như một “chủ nghĩa trí thức hiện sinh” (Existence and the Existent, 1947 [1948: 70]).

Maritain tin rằng sự nhấn mạnh như vậy là đặc điểm của bất cứ chủ nghĩa Tôma nhất quán nào; điều phân biệt chủ nghĩa Tôma đích thực… chính là tính ưu việt mà [nó] dành cho hiện hữu và trực giác hữu thể hiện sinh. (1947 [1948: 12])

Tuy nhiên, ‘thuyết hiện sinh’ này khá khác biệt với thuyết hiện sinh của Kierkegaard, Gabriel Marcel, hay Jean-Paul Sartre. Maritain viết, "Chủ nghĩa hiện sinh đích thực khẳng định [các] tính ưu việt của hiện hữu, nhưng như ngụ ý và bảo tồn các yếu tính hoặc bản chất, và như thể hiện chiến thắng tối cao của trí hiểu và tính khả niệm. (1947 [1948: 13])

Nó chống lại quan điểm của những người cùng thời với ông, những người đã từ bỏ việc nói tới bản chất hoặc yếu tính hoặc tính khả niệm của chúng, nhưng cũng chống lại những người tưởng tượng rằng yếu tính được tạo ra và sau đó tồn tại. (Đối với Maritain, yếu tính không có trước hiện hữu; tốt hơn nên coi yếu tính như là “khả năng hiện hữu” [1947 [1948: 34]].)

Khi người ta có trực giác hữu thể và theo đuổi cuộc điều tra về hữu thể này, người ta được dẫn vào những câu hỏi truyền thống về siêu hình học và thần học tự nhiên. Maritain chủ trương rằng có bốn nguyên tắc siêu hình học căn bản: nguyên tắc đồng nhất, nguyên tắc túc lý, nguyên tắc nhân quả tác thành và nguyên tắc cứu cánh (tức là mọi tác nhân đều hành động vì một mục đích). Mặc dù sự thật hoặc khả năng áp dụng các nguyên tắc này không được chứng minh trực tiếp, nhưng chúng được xác nhận một cách nhất quán bằng kinh nghiệm và Maritain cho rằng không thể bị phủ nhận mà không mâu thuẫn (Preface to Metaphysics, 1934 [1939: 90]).

Như thế, siêu hình học bao gồm một cách đúng đắn cuộc điều tra về nguyên nhân của hữu thể — tức là Thiên Chúa, trong Người hành động hiện hữu tồn hữu. Tuy nhiên, một số học giả có thiện cảm (như, Yves Floucat) đã đặt câu hỏi liệu cuối cùng Maritain có một quan điểm nhất quán, theo thuyết Tôma về cốt lõi của siêu hình học hay không (Floucat 1996). Dù sao, vì Maritain chủ trương rằng hữu thể là một điều được trực giác nắm bắt, nên người ta không ngạc nhiên khi thấy ông lập luận rằng người ta có thể đạt được kiến thức về sự hiện hữu của Thiên Chúa không những qua năm con đường của Thánh Tôma, mà còn qua trực giác nữa. (Điều này sẽ được thảo luận trong phần 'Thần học Tự nhiên và Triết học Tôn giáo', bên dưới.)

Nhận thức luận

Công trình chính của Maritain về nhận thức luận là Distinguer pour unir; ou, les degrés du savoir [Phân biệt để hợp nhất; hay,các mức độ của nhận thức] (1932, bản tiếng Anh: Distinguish to Unite: or, The Degrees of Knowledge), mặc dù một số người xem tiểu luận năm 1936 của Maritain, “Khoa học và triết học” (trong Quatre essais sur l'esprit [Bốn tiểu luận về tinh thần] 1939), trong đó Maritain đề cập đến các lập luận của Trường phái Vienna, khi hoàn tất giải trình của ông về nhận thức (Malquori 2009). Người ta cũng tìm thấy một số tiểu luận quan trọng về chủ đề này trong Raison et raisons, essais détachés [Lý trí và Các lý lẽ, các tiểu luận tách biệt] (1948, bản tiếng Anh: The Range of Reason). Một lần nữa, Maritain phần lớn theo quan điểm hiện thực chủ nghĩa của Thánh Tôma — mặc dù ông chịu ảnh hưởng đáng kể của John of St Thomas (John Poinsot), Thánh Gioan Thánh giá, và Thánh Augustinô, và cấu trúc của Les degrés du savoir tương tự như thủ tục thấy trong Itinerarium mentis in Deum [Hành trình của linh hồn vào Thiên Chúa, 1259 [1938, 2002] của Thánh Bonaventura.

Chống lại 'triết học hiện đại', Maritain nhấn mạnh tới tính ưu tiên của siêu hình học so với nhận thức luận - thực vậy, ông cho rằng "phê bình nhận thức là một phần của siêu hình học" (The Range of Reason, 1948 [1952: 25]) - và cũng chủ trương rằng cấu trúc và phương pháp của các khoa học khác nhau được xác định bởi bản chất của đối tượng được biết.

Maritain gọi quan điểm của mình là “chủ nghĩa hiện thực phê phán”, và lập luận một cách đặc biệt chống lại các quan điểm duy lý và duy nghiệm thịnh hành lúc bấy giờ về nhận thức. Ông chủ trương rằng, bất chấp các khác biệt giữa chúng, chủ nghĩa Kant, chủ nghĩa duy tâm, chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa duy nghiệm đều phản ảnh ảnh hưởng của chủ nghĩa duy danh - cho rằng các khái niệm phổ quát là các sáng tạo của tâm trí con người và không có nền tảng trong thực tại. Chủ nghĩa hiện thực phê phán của Maritain cho rằng những gì trí óc biết là đồng nhất với những gì hiện hữu. Biết một điều là để ‘yếu tính’ của nó hiện hữu một cách phi vật chất trong tâm trí. Điều này không có nghĩa là tâm trí phản chiếu hoặc sao chép những điều được nó biết, nhưng, nhờ các thuộc tính nắm được, nó ‘trở thành’ những điều nó biết. Maritain chủ trương rằng nhận thức của chúng ta về thực tại là thông qua ‘khái niệm’ — tức esse intentionale [hữu thể ý hướng]— vốn phi vật chất và phổ quát, mặc dù chính khái niệm là một điều chỉ được biết đến nhờ suy tư. Vì vậy, khi nói đến nhận thức về các đối tượng khả giác, chẳng hạn, tâm trí vừa có vai trò thụ động (tiếp nhận các ấn tượng khả giác) vừa có vai trò chủ động (xây dựng nhận thức từ các ấn tượng này) (xem Deely 1997, Munoz 2012).

Nhận thức luận của Maritain tìm cách giải thích bản chất của nhận thức không những thấy trong khoa học và triết học, mà còn trong cả đức tin và huyền nhiệm học tôn giáo, và một trong các mục đích của ông là chỉ ra các ‘loại’ nhận thức khác nhau và các mối tương quan của chúng với nhau. Ông lập luận rằng có những ‘trật tự’ nhận thức khác nhau và bên trong chúng, những ‘mức độ’ khác nhau được xác định bởi bản chất của đối tượng cần biết và ‘mức độ trừu tượng hóa’ có liên quan.

Đầu tiên, trong trật tự nhận thức thuần lý, người ta có thể nói về nhận thức bản chất khả giác (tức bản chất các đối tượng của khoa học thực nghiệm), khác với nhận thức toán học hoặc các đối tượng 'vật lý-toán học' (vốn có giới hạn vì các đối tượng của nó không có mối tương quan trực tiếp với thực tại), là nhận thức, đến lượt nó, khác biệt với nhận thức về bản chất siêu khả giác hoặc siêu hình.

Tuy nhiên, những 'mức độ nhận thức' này không độc lập với nhau và chúng có điểm chung là đòi hỏi rằng biết một điều là biết tại sao nó như thế:

“Tâm trí không hài lòng khi nó chỉ đạt được một điều […], nhưng chỉ khi nó nắm được điều dựa trên đó dữ liệu được thành lập trong hữu thể và tính khả niệm” (Degrees of Knowledge, 1932 [1959: 23])

Thí dụ, khoa học tự nhiên, vốn dựa trên tri nhận cảm giới, nhằm mục đích xây dựng các quy luật phản ảnh một số đặc điểm nào đó của các đối tượng được tri nhận. Như thế, nhà khoa học chủ yếu quan tâm đến việc tìm kiếm các điều thường có (regularities) trong bản chất, sử dụng điều được Maritain gọi là phương pháp tiếp cận “thực nghiệm” [empiriological] (xem Degrees of Knowledge, 1932 [1959: 178–180]; Philosophy of Nature, 1935 [1951: 49]). (Phân tích thực nghiệm là một cách tiếp cận phi triết học và cụ thể là phi bản thể học để hiểu các hữu thể tự nhiên nhưng không tìm cách biết chúng “về kiểu hiện hữu hay thực tại”, mà chỉ “xét về những biểu hiện thực nghiệm của chúng” (Carlson 2012: 37). Một phân tích như vậy không cung cấp nhận thức về yếu tính của các hữu thể tự nhiên. Maritain đề nghị khoa vật lý toán học như một minh họa cho cách tiếp cận này.) Sản phẩm của phương pháp này là điều được Maritain gọi là nhận thức perinoetical [tiền nhận thức hay gần như nhận thức] (*).

Nhưng để khoa học tự nhiên đạt được vị thế của một khoa học, nó giả thiết khả năng của con người biết được sự vật tách khỏi các đặc điểm cá biệt cụ thể của chúng (mặc dù không tách biệt khỏi sự hiện hữu của chất thể), tức triết học tự nhiên. Triết học tự nhiên "đứng sau" các hiện tượng để khám phá các mối liên hệ và nguyên nhân yếu tính. Như thế, từ điều được trình bày với tri thức khả giác, tâm trí cấu tạo một đối tượng (yếu tính) vốn có tính phổ quát. (Điều này có thể xảy ra bởi vì, như Maritain khẳng định, có những yếu tính hoặc bản chất của sự vật.) Diễn trình ‘nghĩ thông xuyết’ tới bản chất của sự vật này được Maritain gọi là nhận thức dianoetical [nhận thức thấu tới] (**). Do đó, dù khoa học tự nhiên và triết học tự nhiên cả hai đều tập trung vào khía cạnh thể lý, nhưng nhà triết học tự nhiên - không giống như nhà khoa học - quan tâm đến yếu tính của đối tượng và định nghĩa của nó (hoặc, ít nhất, giải thích các thuộc tính khác nhau của nó). Đây là kiến thức ở bình diện của ‘mức độ trừu tượng’ đầu tiên.

Các đối tượng vật lý-toán học (thí dụ: lượng, số và trương độ [extension] nằm ở "mức độ" trừu tượng thứ hai. Dù chúng không thể hiện hữu nếu không có sự hiện hữu của sự vật vật chất, nhưng một khi đã được biết đến, chúng có thể được quan niệm mà không cần tham chiếu đến những vật thể đó. Cuối cùng, nhận thức siêu hình hoặc suy lý đề cập đến các đối tượng hiện hữu ở mức độ trừu tượng thứ ba (tức là độc lập với chất thể), chẳng hạn như bản thể [substance], phẩm chất, sự tốt lành và thể thần linh. Do bản chất của các đối tượng siêu hình học, loại nhận thức cuối cùng này không liên quan đến suy luận hợp luận lý nhiều như suy luận bằng phép loại suy hay điều được Maritain gọi là nhận thức ananoetic [nhận thức trọn vẹn] (***). Nhận thức như thế (thí dụ, về thể thần linh) không thông qua bất cứ sự nắm bắt trực tiếp nào, mà là gián tiếp, thông qua các tạo vật.

Có một phẩm trật giữa các "mức độ nhận thức" này. Những đối tượng nào cao nhất ở tính khả niệm, tính phi vật chất và tiềm năng được biết đến là những đối tượng có mức độ nhận thức cao nhất. Maritain viết:

“Nhà siêu hình học xem xét một đối tượng của việc nhận thức một bản chất và tính khả niệm đặc biệt cao hơn, và từ đó, họ có được một nhận thức thích đáng, một nhận thức khoa học, nhờ các phương thế hoàn toàn vượt xa các phương tiện của nhà vật lý hoặc nhà toán học” (Degrees of Knowledge, 1932 [1959: 37])

Tuy nhiên, dù có những ‘trật tự’ và ‘mức độ’ nhận thức khác nhau, người ta không nên kết luận rằng có những ‘nhận thức’ khác nhau.

Maritain chủ trương rằng việc chứng minh triết học khác với việc chứng minh khoa học tự nhiên hoặc toán học:

“triết học quan tâm đến một lĩnh vực nhận thức khác biệt một cách khách quan và tạo thành một bộ môn thực sự tự trị, sở hữu các phương tiện thích hợp riêng để giải thích lĩnh vực này của nhận thức (Range of Reason, 1948 [1952: 5])

Như vậy, Maritain viết, triết học tự nhiên thâm nhập vào bản chất đối tượng của nó. Siêu hình học – vốn cũng là một loại nhận thức triết học - liên quan đến hữu thể hoàn toàn khả niệm. Tuy nhiên, khoa học cùng lắm có tính ‘thực nghiệm’ — nó không dẫn chúng ta tới chính hữu thể, mà chỉ đến những gì có thể quan sát và đo lường được. Thành thử, sử dụng phương pháp chứng minh khoa học để thiết lập hoặc phê phán các chủ trương về đối tượng của nhận thức siêu hình là một sai lầm về phạm trù theo thuật ngữ cổ điển của Ryle. Chính vì ông cho rằng các nhận thức luận duy nghiệm và duy lý làm điều này, nên Maritain mới đặt vấn đề với họ.

Việc có một trật tự nhận thức thuần lý với 'các mức độ' của nó thế nào, thì cũng có một trật tự và các mức độ khác của nhận thức siêu thuần lý như thế - một sự khôn ngoan cao hơn - vượt ra ngoài 'nhận thức tự nhiên'. Một mặt, đây là ‘khoa học về những mầu nhiệm được mạc khải’ hay ‘khôn ngoan thần học’ và mặt khác, là ‘nền thần học huyền nhiệm’. Ở đây, món nợ của Maritain đối với thánh Augustinô và Thánh Gioan Thánh Giá đặc biệt rõ ràng (xem Barreiro 2008). Theo Maritain, trong khôn ngoan thần học, thể thần linh được biết đến không chỉ dựa vào lý trí mà còn dựa vào đức tin. (Điều này khác biệt với nhận thức siêu hình, một nhận thức, có thể nói, tiếp cận thể thần linh từ 'bên ngoài'.) Nhận thức huyền nhiệm vẫn cao hơn một bình diện — nơi không có sự trung gian của các khái niệm — và “hệ ở việc biết […] Thần tính đúng nghĩa —theo một mô thức vừa siêu nhân vừa siêu nhiên ”(The Degrees of Knowledge, 1932 [1959: 253]). Đây là một nhận thức nhờ đồng bản tính (connaturality), nhưng cũng là một nhận thức có thể được theo đuổi thông qua khoa thực hành ‘chiêm niệm huyền nhiệm’. Bằng cách này, các hữu thể nhân bản có được một loại nhận thức khiến họ yêu thương hơn và tâm linh hơn. (Cần lưu ý rằng, đối với Maritain, nền huyền nhiệm này vượt quá truyền thống Kitô giáo. Ông không những chỉ đề cập đến tấm gương của Ramanuja, mà còn khuyến khích nhà Ấn Độ học tương lai Olivier Lacombe hướng “công trình triết học của mình về việc nghiên cứu nền huyền nhiệm Ấn Độ” [Lardinois 2017: 314].)

Sự phát triển của khái niệm 'nhận thức nhờ đồng bản tính' (hay 'nhận thức đồng bản tính' hoặc 'nhận thức nhờ khuynh hướng'), tiềm ẩn nơi Thánh Tôma (Summa theologiae, II-II, q. 45, a 2), là một trong những đóng góp chính của Maritain cho nhận thức luận. Maritain đặt nhận thức này ở bình diện trí hiểu tiền ý thức. Nó có tính “phi khái niệm và phi thuần lý”, (Natural Law, 2001: 18); ông mô tả nó như “nhận thức tối tăm, không có hệ thống, chủ yếu, nhờ bản năng hoặc thiện cảm, và trong đó trí hiểu, để có thể thực hiện các phán đoán của nó, phải tham khảo các xu hướng bên trong của chủ thể”. (Man and the State, 1951: 91).

Nó cũng không phải là nhận thức về các yếu tính, như phần lớn các nhận thức vốn là. Tuy nhiên, nó vẫn được nối kết với “hành động trí thức” và là một nhận thức chân chính về thực tại. Loại nhận thức này nằm ở nền tảng, không những của kinh nghiệm huyền nhiệm, mà còn của hoạt động nghệ thuật và đạo đức; nó cung cấp nhận thức về Thiên Chúa, về các nguyên tắc đầu tiên của đạo đức và một nhận thức về tính chủ quan của người ta.

Một số câu hỏi đã được nêu ra liên quan đến nhận thức luận của Maritain, đặc biệt liên quan đến việc ông đặc điểm hóa nhận thức triết học. Hơn nữa, dù Maritain tuyên bố rằng có sự khác biệt về phương pháp giữa các khoa học và triết học, một số người lập luận rằng người ta không rõ sự khác biệt đó chính xác là gì (Vitoria 2011). Thí dụ, Maritain theo Thánh Tôma khi cho rằng siêu hình học sử dụng phương pháp demonstratio quia nghĩa là chứng minh từ các hiệu quả. Nhưng có vẻ như khoa học đôi khi cũng sử dụng một phương pháp chứng minh như vậy. Do đó, người ta không rõ nghĩa là gì trong phương pháp (khác với nội dung của các tiền đề) phân biệt bằng chứng siêu hình (thí dụ, về sự hiện hữu của Thiên Chúa) với việc lập luận khoa học thiết lập sự hiện hữu nguyên nhân của một vật thể tự nhiên.

Thứ hai, Maritain chủ trương rằng nhận thức khoa học được phân biệt với nhận thức triết học tùy theo các phương pháp khác nhau và các đối tượng khác nhau của chúng. Nhưng nếu nhận thức khoa học và nhận thức triết học, xem ra không đồng cân sức, thì người ta không rõ bằng cách nào triết học có thể đánh giá, hoặc sửa chữa được các khoa học.

Một số học giả của trường pháo Tôma đã miễn cưỡng chấp nhận việc Maritain khai triển quan niệm của Thánh Tôma về ‘nhận thức nhờ đồng bản tính’, thay vào đó họ thích nói về “nhận thức liên quan với khuynh hướng” (Dewan 2010). Tuy nhiên, có những người đã lập luận rằng sự khai triển này có ý nghĩa sâu rộng, vì khái niệm của Maritain về trực giác hữu thể đã dẫn ông, trong những năm sau khi xuất bản cuốn The Degrees of Knowledge, đến chỗ thừa nhận một vai trò lớn hơn cho “đời sống vô thức và tiền ý thức của tâm trí ”( The Range of Reason, 1948 [1952: 80]; Arraj 2006).

Cuối cùng, có vẻ như mô hình chứng minh được Maritain sử dụng có tính duy nền tảng (foundationalist) và do đó, phải trả lời cho những chỉ trích mà chủ nghĩa phản nền tảng hiện đại đang thu hút được chú ý — thí dụ: họ cho rằng lý thuyết duy nền tảng đặt tiêu chuẩn cho nhận thức không những không có sự biện minh, nhưng là một tiêu chuẩn mà bản thân nó không thể thỏa mãn. Tuy nhiên, một số biện hộ cho nhận thức luận Tôma (thí dụ, Veatch 1990) đề xuất nhiều cách để giải đáp mối quan tâm này.
____________________________________________________________________________________

(*) Perinoetical, theo từ nguyên, peri=gần, noetical=nhận thức, tiền nhận thức hay gần như nhận thức (?)
(**) Dianoetical, theo từ nguyên, dia=qua, thấu; noetical=nhận thức: nhận thức thấu tới (?)
(***) Ananoetical, theo từ nguyên, ana=hoàn tất, noetical=nhận thức: nhận thức trọn vẹn (?)

Kỳ tới: Triết học về tự nhiên