Một thời điểm của phép biện chứng: gia đình

Mọi điều họ chạm vào, mọi thứ họ biết, mọi điều họ nhận được từ những ngẫu hợp với người khác, tất cả những mục đích hữu hạn mà họ theo đuổi bên ngoài và họ đạt được, đều không thể thỏa mãn sự thèm muốn từng ném con người ra khỏi bản thân họ để tìm kiếm một đáp ứng bằng với lời mời gọi của nó. Sự bao la của việc thỏa mãn mà họ chỉ có thể mong đợi từ một người khác - từ một người khác, vốn không thể thông đạt và hiểu thấu như chính họ - tự xuất hiện với họ trong tính thống nhất thân mật và khép kín của một cuộc sống xa lạ với chính cuộc sống của họ. Nó xa lạ với họ: họ muốn đi vào đó để hình thành với nó một thế giới riêng biệt và tự vây kín như trong một vũ trụ toàn diện và độc lập. Đó là tình yêu, tình yêu độc chiếm, ghen tuông, cuồng nhiệt, thường ích kỷ ở tận đáy. Nhưng người ta nên theo dõi sự phát triển của nó, họ nên tháo gỡ những khát vọng thầm kín của nó; người ta sẽ tìm thấy, dưới những mê hoặc của khoái trá vô dụng, một thiết kế nghiêm túc của ý chí phong phú.



Há đó trước hết không phải là một sự thu hút đầu tiên và một chuyển động chân thành của người đem chúng ta tới chỗ sống gấp đôi nhờ người khác và vì người khác đó sao? Điều mà tính ích kỷ đơn độc bất lực trong việc tự tạo cho mình sự âu yếm và sự tận tâm, tình yêu của người này muốn và làm điều đó cho người kia: ích kỷ có đôi, tinh tế và tưởng thưởng đến nỗi quên cả chính mình và chỉ những tưởng tượng mình đã trở thành người kia. Chắc chắn, nếu người ta nhìn tận đáy mọi ân cần, lo lắng và rộng lượng của tình âu yếm hỗ tương; nếu các hành vi được người ta đề cao, bằng sợi chỉ xuyên suốt các lý lẽ giấu diếm, tới tận các nguyên tắc của tình cảm vô thức, người ta sẽ ngạc nhiên, như hầu hết các nhà đạo đức học đã từng ngạc nhiênlòng, trước lòng tự ái được ngụy trang dưới một bề ngoài tốt bụng và vị tha. Do đó khi khóc thương một cuộc ly biệt, họ khóc thương chính họ. Nhưng lòng tự ái thậm chí còn thấy rõ hơn các nhà luân lý học; nó cảm đoán rằng tình âu yếm thực sự mà người ta cảm thấy đối với người khác có tính thỏa mãn hơn tính ích kỷ quá mong muốn tận hưởng chính mình. Vì mục đích cố ý tìm kiếm không làm cạn kiệt ham muốn, vì hành động thường vượt quá ý hướng đã định, nên kết quả là các nguyên nhân sâu xa của hành động và cả các hậu quả của nó xem ra tùy thuộc vào luật lời lãi, mặc dù không liên quan đến tiền bạc.

Do đó, người ta yêu được yêu một cách ngây thơ, và người ta thích yêu. Bởi vì trong tình yêu cho đi, có một hoạt động tự do, mà chỉ có nó mới chuẩn bị cho trái tim trải nghiệm được việc hiến thân hỗ tương; trong tình yêu tiếp nhận và nhận được, có một lời khen ngợi, một sự tin tưởng, sự phong phú nhằm trả lại, và vượt quá, tất cả những gì người yêu dường như đã hy sinh cho người mình yêu. Một em bé khi tự nói về mình một cách âu yếm, thành thực ngạc nhiên vì không thể tự ôm mình, em là hình ảnh của tính ích kỷ bất vụ lợi này, một tính ích kỷ chờ đợi nụ hôn của một tính ích kỷ khác và trao đổi với tính ích kỷ này. Như thế, mỗi người đều có công đã tự bỏ mình hoàn toàn và dịu dàng; mỗi người, đồng thời, được hưởng một sự dịu dàng đầy quan tâm mà tính ích kỷ đáng ghét nhất sẽ không cân bằng với sự ân cần cao quý; mỗi người có niềm vui quảng đại được nếm thử và ngưỡng mộ lòng tận tụy mà họ được hưởng: tận hưởng cả sự bất vụ lợi của họ lẫn sự bất vụ lợi của người yêu, trong khi thu thập điều mà những sàng lọc của lời lãi khôn ngoan nhất và tinh tế nhất không thể cung cấp, há đó không phải là điều kỳ diệu của tình yêu hay sao?

Nhưng để đạt đến sự thân mật hoàn hảo này, ta cần phải thủ đắc và thực thi một nghệ thuật, có thể nói, một khoa học về cuộc sống chung xiết bao! Nếu để mua chuộc và quản lý các lực lượng thiên nhiên, nhà thông thái hoặc nhà hành nghề cần một nỗ lực suy nghĩ và nghị lực đến thế, để đi vào một tâm hồn, để ở lại trong đó, để thực sự hòa hợp tính nhất trí lâu dài của cả hai ý thức hợp nhất thành một, thì cần thiết xiết bao sự khôn khéo của tình âu yếm và tài ngoại giao của việc cùng tháo cởi các nút thắt! Để niêm phong sự kết hợp dường như là cùng đích đáng ước muốn và tuy nhiên chỉ là một cuộc dừng lại tạm thời, dường như không có gì đắt giá cả; và, cho cuộc sống lứa đôi này, mỗi người dường như sẵn sàng hy sinh tất cả những gì mình có thuộc cuộc sống cá nhân.

Và cũng vậy, há người ta không muốn sự thân mật này, tự một mình nó, hơn tất cả vũ trụ ở bên ngoài đó sao? Nếu đối với mỗi người chúng ta, suy nghĩ nhỏ nhất đang chói sáng bên trong có sức quyến rũ và sự thật hơn tất cả sự rạng rỡ ở bên ngoài, liệu người ta có ngạc nhiên trong lúc nếm trải cuộc sống bên trong của một người khác, họ cảm thấy một sự viên mãn và giống như một cơn say hay không? Vì nhờ một sự trừu tượng phi thường do tình yêu thực hiện, người được yêu được đặt hoàn toàn cách biệt với phần còn lại của thế giới; trong mắt của người yêu, một mình họ xem ra mới có cuộc sống thực; đối với họ, người yêu trở thành thước đo các ấn tượng và phán đoán của họ. Và, như chúng ta không thừa nhận để một người khác với chúng ta tìm kiếm họ và chiếm hữu họ thế nào, chúng ta cũng không thừa nhận, trong đà đưa đẩy chân thành của trái tim, chúng ta có thể tìm kiếm một người khác ngoài họ. Người ta thấy các cặp tình nhân rất nực cười: nhưng việc này như do trả đũa; vì chính họ trước hết dường như đã đặt những người khác vào cửa thế giới, sẵn sàng hy sinh tất cả những gì còn lại cho điều không là gì mà họ đang là trong tính bao la của linh hồn, để điều không là gì này đối với họ là tất cả những gì còn lại.

Do đó, không có gì tương tự như trong con người. Ngay cả người yêu cũng không thể hiểu tình yêu nơi người khác. Giữa hai tình yêu, không có tương quan, bởi vì xét cho cùng chỉ có một tình yêu; và mỗi người đều tin rằng mình làm cạn kiệt tất cả mà không tin rằng mình sẽ có bao giờ làm mình cạn kiệt. Nơi họ, không có gì tổng quát hay chung chung cả; ở đó, mọi sự đều đặc biệt, riêng của người cảm nhận nó và của người truyền cảm hứng cho nó, vô sánh, vô hạn: tiếng tăm không thể hiểu được của trái tim si mê, sẵn sàng thần hóa thực tại khốn khổ mà họ tin là một mình họ nắm được và nắm vĩnh viễn, nhưng thực ra nó trốn tránh họ ngay trong lúc này; sự mù quáng độc tài và tự nguyện, một sự mù quáng hiển dung thần tượng tăm tối, để khỏi thấy nó, để khỏi thấy nó rõ hơn bằng cách nhắm mắt lại! Các thân xác qủa là một sự cô đơn lạ lùng; và tất cả những gì người ta có thể nói về sự kết hợp chẳng là gì so với cái giá phân rẽ mà chúng gây ra. Các bạn mà cánh tay đã chán ngấy trước khi các tâm hồn hòa lẫn với nhau, điều các bạn vẫn đang tìm kiếm, dù các bạn nghĩ rằng các bạn đã đạt được nó, đó là sự hợp nhất hoàn toàn, là tính vĩnh viễn độc chiếm và bất khả hủy tiêu. Và đó là lý do tại sao, khi lý trí và niềm đam mê lên tiếng, chúng âm mưu cùng nhau để đòi hỏi cùng một lúc, nhân danh cả sự cao cả và chân thành của tình yêu, điều không thể phân chia, điều không thể có thiếu sót, sự kết hợp hoàn hảo. Ly dị là trái với tự nhiên. Và sự hợp nhất mà tính yếu ớt của tự nhiên dường như làm cho nó trở nên bất khả này, sự hợp nhất mà nỗ lực của sự âu yếm lẫn nhau, rất khéo léo che giấu các thất thường và thất bại của nó bằng cách đổi mới các chứng từ, vẫn không thành công có được này, cần phải có một sợi dây vô hình và vĩnh viễn thánh hiến nó giữa vợ chồng, để liên tục kết hợp họ và siết chặt họ bằng mọi sức mạnh của thèm muốn thân mật của họ.

Như thế, chính vì hết sức cần đến tình yêu nên ý chí luôn khao khát sự hợp nhất, tính toàn diện, tính vĩnh viễn, sự vĩnh cửu của nút thắt nó đã hình thành từ người này cho người kia, toti totus, unus uni [tất cả của tất cả, một của một]. Nếu nó hoàn toàn nhất quán với khát vọng của mình, nó hẳn phải khao khát đơn hôn; nó hẳn mong đợi như một sự thánh hiến tính bất hủy tiêu của hôn nhân. Vì điều nó yêu ở nơi người yêu không phải chỉ là điều có thể nhìn thấy, chạm vào, biết và hiểu; nó là điều đó, một điều mờ mịt, vô thức, thực tại không thể hiểu thấu, điều vô hạn phong phú vừa che giấu vừa tỏ hiện trong chính nó. Tình yêu không lành mạnh mà sự sùng bái kỳ lạ này được gắn vào một chi tiết để biến nó thành đối tượng trừu tượng của một thứ đạo; tình yêu đích thực bao trùm toàn bộ con người, coi họ như một thể thống nhất sống động của các bộ phận biết duy trì vẻ đẹp của chúng từ mối quan hệ mật thiết của chúng với toàn thể. Có thể nói, đó chính là chủ nghĩa độc thần. Vì quả không chán khi nói rằng: một trái tim trong hai thân xác. Nó hợp nhất không những các ý chí yêu nhau, các tâm trí hiểu nhau và thấu hiểu nhau, nó còn làm tan hết các phần tối tăm và bị làm ngơ, những phần mà từ đó phát sinh các hành vi, những phần nơi ý chí được nhập thân và làm cho phong phú. Bằng cách tôn trọng sự phân biệt các ý thức vốn tiếp tục hưởng đặc tính của họ và sự kết hợp được mong muốn và cảm nhận của họ, nó trộn lẫn các bản thể; nó liên kết mật thiết các hành động; nó nhận diện các nguồn gốc của hiện hữu và sự sống; nó đóng ấn mãi mãi mọi viên đá của dinh thự chung, tới tận các nền móng nguyên thủy của chúng: duo in carne una unum sunt [hai là một trong một thân xác].

Như thế, xem ra nhờ kết hợp hai thân xác để tạo thành một linh hồn, kết hợp các linh hồn để tạo thành một thân xác, các người phối ngẫu đã tìm được cái tất cả (le tout) của họ. Tenui eum nec dimittam [tôi đã nắm được chàng và không để chàng ra đi]. Tuy nhiên, khi do một trao đổi mầu nhiệm, hai hữu thể chỉ còn tạo thành một hữu thể hoàn hảo hơn, phải chăng sự hiện diện hỗ tương của họ, phải chăng Hành động chung của họ đóng lại vòng tròn ý chí của họ? Đó có phải là việc sở hữu trọn vẹn chăng, đó có phải là đoạn kết trong đó mọi thèm muốn đều phải dừng lại chăng? Không. Hai hữu thể không còn là một nữa, và chính khi họ là một, họ trở thành ba. Điều kì diệu của sinh sản này, do một sự kiện, đã đánh dấu điều phải là, điều là ý chí sâu sắc của chính những người, trong sự hợp nhất không ổn định của họ, hy vọng tìm thấy một khoảnh khắc nghỉ ngơi, thỏa thuê và đầy đủ. Khi theo đuổi một mục đích được yêu mến, người ta không yêu thích mục đích này cho bằng yêu thích hoa trái mà khi được tình yêu làm cho phong phú, nó làm phong phú những ai cống hiến hết mình cho nó. Như thế, ý chí dường như luôn luôn vượt qua chính nó, như thể những làn sóng mới đến từ trung tâm không ngừng thúc đẩy các các phạm vi của hành động ngày càng mở rộng - hành động mà mỗi lúc, dường như là mục đích và sự hoàn hảo của một thế giới, nhưng thực ra mãi mãi là nguồn gốc của một thế giới mới. Nó không khép kín nhưng tập chú vào việc mở ra những chân trời rộng lớn hơn cho tham vọng không cùng của ước muốn.

Tính vĩnh viễn được tình yêu đòi hỏi này, tính hợp nhất bất khả hủy tiêu và luôn sống sót này, chính là đứa con. Chính cái đà đam mê đã phá vỡ vòng tròn ma thuật nơi nó hy vọng tự rào mình trong đó mãi mãi. Trong sự tuyệt đối này, sự đầy đủ này và tính vĩnh viễn của khoảnh khắc này mà nó vẫn đời đời tìm kiếm, ý chí, ngay lúc ấy, đã vượt ra ngoài chính nó rồi; nó muốn linh hồn người yêu sinh ra một thể xác. Người thứ ba xuất hiện, như thể bổ khuyết cho cố gắng hợp nhất vô hiệu; nó không còn là tình yêu, là osculum (cái hôn?) nữa; nó được sinh ra từ tình yêu; nó biểu lộ sức mạnh và sự yếu đuối của tình yêu này; nó niêm phong tình yêu này trong một ngôi mộ - cái nôi - nơi không trả lại những gì nó đã lấy từ cha mẹ. Họ là số nhiều, đó là sự giàu có. Họ là số nhiều, đó là nghèo nàn, họ không còn là một. Một bình minh kỳ lạ ló dạng: trong khi lớn lên, gia đình phải tự cởi mở và phân tán, tình cảm chung phải nhân lên trong lúc tự phân chia. Hai người hợp nhất không thể, không còn muốn trở thành một đối với nhau nữa: sự âu yếm chuyển hướng của họ thường chỉ tái hợp theo hướng dẫn của đứa con; và trong cuộc sống từ nay song song của mình, họ chỉ còn gặp nhau đôi khi chỉ vì thói quen, sự thờ ơ, thậm chí cả thù địch nữa. Mục đích của tình yêu cũng không còn là tình yêu, mà là gia đình, nhóm tự nhiên và cần thiết đầu tiên nơi sự sống bắt đầu và phát triển, như trong dạ con ấm áp dưới bóng tính bao la của vũ trụ (L’Action, các trang 254-258).

Nhận thức và Hành động

Nhu cầu của con người là tự làm mình bằng với chính mình, để không có gì trong những điều họ là vẫn cứ xa lạ hoặc trái ngược với ý muốn của họ, và không có gì họ muốn lại không với tới được hoặc bị từ chối đối với hữu thể của họ. Hành động là để tìm kiếm sự hòa hợp của biết, muốn và hữu thể, và đóng góp vào việc tạo ra nó hoặc gây tổn hại đến nó. Hành động là chuyển động kép mang hữu thể tới chỗ kết thúc trong đó nó nhắm tới sự hoàn thiện mới và tái hòa nhập nguyên nhân sau cùng vào nguyên nhân tác thành. Trong sự trọn vẹn của vai trò trung gian, nó là việc tuyệt đối trở về với tuyệt đối; thể tương đối mà nó bao trùm và duy trì giữa hai cực này, được nó xóa tội. Xóa tội (absoudre) là mang điều chân và hữu thể cho người tự mình không có được chúng.

Vì vậy, vai trò của hành động là phát triển hữu thể và cấu thành ra nó. Chắc chắn, nó xác định hữu thể và dường như khiến nó ra kiệt quệ, như thể nỗ lực là việc làm cho sự sống ra nghèo nàn, và như thể việc thi hành làm giảm giá ý định mà không bao giờ cân bằng thực tại với lý tưởng. Nhưng phải vượt lên trên vẻ bề ngoài này: đúng là, theo mức tác nhân thụ động đối với hoạt động của chính họ và hoạt động của các lực lượng mà họ làm cho đồng qui với công trình của họ, họ chịu một kiểu sa sút ngay trong chính hành động; và ý định giữ trong nó một điều gì đó mà việc thi hành không tạo ra trước. Tuy nhiên, hành động đã hoàn tất đem trở lại cho hữu thể đã thai nghén và mong muốn nó, một sự phong phú mới chưa có cả trong lúc thai nghén ra nó lẫn trong việc giải quyết nó. Bất cứ điều gì đơn giản có tính lý tưởng trong ý định đều không thoát khỏi hành động; ít nhất một phần sẽ được hiện thực hóa trong đó; và điều có thực này không thuần nhất với lý tưởng này. Đây là lý do tại sao, sau khi hành động, chúng ta là những người khác, chúng ta biết cách khác, chúng ta muốn cách khác so với trước đây; và đó là lý do tại sao cái nguyên khởi tích lũy này xứng đáng được nghiên cứu, hơn là chính xu hướng dường như đã chuẩn bị và đã chứa nó hoàn toàn. Hành động là khoảng giữa, và giống như một hành lang qua đó, nguyên nhân tác thành, vốn chỉ mới có ý niệm nguyên nhân sau cùng, intellectu et appetitu [trí hiểu và thèm muốn], tiếp nối nguyên nhân cuối cùng, vốn tự tích nhập từ từ, vào nguyên nhân tác thành để thông truyền cho nó sự hoàn hảo mà nó mong muốn, re (sự vật). Nó dường như khiến chúng ta ra kiệt quệ; nó lấp đầy chúng ta. Nó dường như đi ra khỏi chúng ta; nhưng điều ra khỏi như thế từ thẳm sâu con người của chúng ta đã mang lại cho chúng ta điều ở bên ngoài như một mục đích cần đạt được, và làm cho toàn bộ các phương tiện qua đó chúng ta tiến bước từ nguyên tắc đến cùng đích của chúng ta thành nội tại. Do đó, cho mình đi là để kiếm được nhiều hơn cho; và đời sống hy sinh nhiều nhất hay rộng rãi nhất cũng là đời sống mãnh liệt nhất.

Điều vẫn đúng là các hiệu quả của hành động thay đổi bất tận và thậm chí bị chống đối theo cách con người dùng tự do khi đối diện với giải pháp thay thế mà người ta cho rằng đó là việc làm vĩ đại và duy nhất cần thiết. Nhưng trước tiên không phải là vấn đề điều chỉnh hay phán xét hành động; mà là vấn đề quan sát xem nó là gì, và, nếu có thể nói, đo lường qui mô của nó từ đầu này đến đầu kia của diễn trình phát triển thực sự của nó.
Quan điểm này hoàn tất điều đủ để nó biểu lộ điều nó phải là; và thẩm quyền luật lệ tự áp đặt lên nó phát sinh từ chính điều khoa học không ra khỏi chính luật lệ, nhưng ra khỏi điều, mà không cần tìm kiếm, nó vẫn đạt tới, nhờ việc thăng tiến không thể tránh khỏi của điều đang là. Bằng cách lẩn tránh luật lệ, người ta vẫn đặt ra nó, quy tắc này không những là một lý tưởng, mà còn là một sự thật, là chính sự thật nữa. Vì chính nhờ điều chúng có thực tại trong chính chúng mà các lầm lỗi nối tiếp nhau và nhờ vượt qua tất cả mọi lầm lỗi này mà người ta đạt tới thực tại đầy đủ vốn bao trùm và phán xét chúng.

Việc nghiên cứu hành động cũng có kết quả nhất thiết là chứng minh cho điều kiện của vấn đề được áp đặt cho mọi người, bằng cách giải thích đầy đủ tham vọng nguyên sơ của con người, và xác định quy luật của cuộc sống con người bằng cách đơn giản quan sát điều đang hiện hữu. Veritas norma sui (sự thật là qui luật của chính nó). Không có lời khuyên hay huấn giáo nào giá trị như quan điểm này về điều không thể tránh được. Để truyền đạt cho con người mối quan tâm lớn lao và bổ ích đối với số phận của họ, khoa học chỉ cần khám phá cho họ điều họ làm; nó chỉ cần thụ động đo lường khoảng cách rộng lớn của các giải pháp mà họ còn đang phân vân dao động. Không có mối quan tâm hữu thể học hoặc phi hữu thể học, không có bất cứ nỗ lực thuyết phục nào, với sự chắc chắn thanh thản của một lòng bác ái bị đè nén hơn để trở thành cấp bách hơn, người ta chỉ cần để cho sự thật nhất thiết này tự phơi bày bất chấp mọi đối kháng. Cần phải có đủ niềm tin vào nó để không mong đợi gì ngoài sự hiện diện của một mình nó. Thay vì tìm cách nâng đỡ bằng một học thuyết bênh vực nó, cần phải đặt mọi sự thật vốn khinh bỉ nó chống lại nó, để nó thống trị, bất chấp mọi điều, nơi mọi người, và nó thống trị hoặc bao trùm cả những người dường như làm ngơ hoặc loại trừ nó. Điều hiện hữu, chính là điều phải hiện hữu và là điều sẽ hiện hữu.

Làm khoa học thực hành và tìm phương trình hành động, do đó, không phải chỉ là phát triển tất cả nội dung của nhận thức tự phát, trước tư tưởng phản tỉnh; sẽ tốt hơn, khi chỉ ra phương tiện để tái hòa nhập mọi điều thuộc nguyên tắc của hoạt động tự ý vào hoạt động tự nguyện. Ta không hề nói tới một nhận thức phiến diện hoặc một phản tỉnh luân lý, chắc chắn có khả năng soi sáng thiện chí, nhưng không có tính cách chứng minh; ta muốn nói tới một khoa học toàn diện, có khả năng bao trùm tính tất định phổ quát của hành động và theo sát việc nó triển khai liên tục, một triển khai sẽ mang các hệ quả nhất thiết của nó đến vô tận: từ suy nghĩ đến thực hành và từ thực hành đến suy nghĩ, vòng tròn này phải được đóng lại trong khoa học vì nó vốn được đóng trong cuộc sống. Thậm chí bởi chính điều này, người ta thấy mối quan hệ kép của kiến thức và hành động được xác định một cách chính xác mới mẻ.

Một đàng, các hành vi của con người làm bộc lộ các hậu quả của chúng và áp đặt chúng lên chúng ta một cách chính đáng, mà, để chịu trách nhiệm về chúng, ta không cần phải biết rõ ràng tất cả nội dung của chúng, không cần sự mạc khải rõ ràng về tầm quan trọng thường bị lãng quên và hiểu lầm của chúng phải thay đổi chúng trong yếu tính, không cần bất cứ kiến thức tiếp theo nào sửa đổi giá trị của chúng bằng sự phê chuẩn nó mang lại. Mặt khác, việc ít rõ ràng bên trong kèm theo hành động, đồng hành với nó và chuẩn bị cho nó, đủ để dẫn dắt nó và làm sinh động cơ thể mênh mông, như bánh lái, hết sức nhỏ nhoi và đặt ở phía sau của con tàu, đã định hướng cho nó tiến về phía trước.

Đó là lý do tại sao, để giải quyết vấn đề, xem ra có hai phương pháp, gián tiếp và trực tiếp, khoa học và thực tiễn; nhưng hai phương pháp này phải kết hợp với nhau. Đây là lý do tại sao từ ngữ dùng ở đây có hai ý nghĩa; nhưng cả hai ý nghĩa đều chính đáng như nhau. Từ ngữ hai nghĩa này chỉ sự phát triển cần thiết của cuộc sống, độc lập với bất cứ sự can thiệp nào của con người vào mạng lưới các sự kiện diễn ra bên trong và bên ngoài nó; và đồng thời nó chỉ định cách thức bản vị mà chúng ta đạt tới các mục đích cuối cùng của mình theo cùng một cách sử dụng chính cuộc sống và việc dùng ý chí của chúng ta. Do đó, điều không thể miễn chước là phải chứng tỏ rằng có một luận lý học về hành động và trình tự các hoạt động tự ý phải tuân theo tính tất định nghiêm ngặt. Và điều cũng không thể miễn chước là phải chứng tỏ rằng việc thử nghiệm thực hành phải có sự rõ ràng đầy đủ; rằng nó bổ sung cho khoa học, chứ không phải khoa học bổ sung cho nó; rằng nó cung cấp một độ chính xác, có tính khoa học, ngay cả khi khoa luân lý này không được biện minh về lý thuyết (L’Action, trang 467-470).

Khởi nguyên của các phạm trù khởi đi từ Hành động “nguyên tắc sơ đẳng của một luận lý học về đời sống luân lý”

Bao lâu người ta vẫn còn ở trong quan điểm quen thuộc, bao lâu người ta vẫn còn coi Luận lý và Luân lý như những sự việc đã tất thành, như những thực thể cố định trước ý nghĩ và được ý nghĩ xác định, không một giải quyết xung đột nào khả hữu cả; tuy nhiên, xung đột phải được giải quyết trong khoa học, bởi vì nó vốn được giải quyết ở trong cuộc sống. Do đó, há chúng ta không được dẫn đến chỗ tự hỏi hay sao là làm thế nào chúng ta nhận thức được các sự thật luận lý và đâu là việc phát sinh ra chúng thực sự, làm thế nào và tại sao chúng ta lại cô lập chúng khỏi nguồn gốc quan yếu của chúng, làm thế nào cuối cùng, theo chính khởi nguyên của chúng, chúng liên quan đến hành động và phục vụ đời sống luân lý? Quả thực, chính nhờ việc nghiên cứu cách chúng ta nắm được chúng bằng sự phản tỉnh mà chúng ta thấy được điều chúng ta thực sự có trong ý nghĩ khi trình bầy chúng.

Vì điều mâu thuẫn không bao giờ hiện hữu, nên nguyên tắc mâu thuẫn không hiện hữu trong các sự kiện: các sự kiện không thể tạo ra nó, cũng không gợi ý nó, thậm chí không phải là dịp trực tiếp hoặc gián tiếp của việc nó xuất hiện trong ý thức; và, tương tự như thế, nguyên tắc đồng nhất là một nguyên tắc phi vũ trụ [acosmique], nó không được thể hiện trong thế giới: đến độ nó không thể hiện hữu một cách hậu thiên cũng như tiên thiên, vì thiếu bất cứ tiếp xúc nào giữa điều được suy nghĩ và điều dường như là quy luật của suy nghĩ. Tuy nhiên, điều cần thiết là cuộc kết đôi (connubium) này phải hiện hữu vì ý thức thực sự hiện hữu. Do đó, giữa sự không đồng nhất về phẩm chất của các dữ kiện đời sống, do đâu phát sinh các khái niệm tạo thành hệ thống các xác định luận lý, các khái niệm mâu thuẫn, đối lập, tương đối, khác, vốn là ánh sáng của mọi nhận thức, các khái niệm vẫn còn là điều kiện của chính ý thức khác biệt, ý thức này, ít nhất một cách mặc nhiên, luôn luôn là ý thức về sự phân biệt, về một mối tương quan và một sự đối lập?

Chính vì, một cách hoàn toàn tự phát, chúng ta tin mình có khả năng sửa đổi sự vật nên chúng ta có được ý tưởng cho rằng chúng có thể khác. Và làm thế nào chúng ta nghĩ rằng chúng ta có khả năng? Một mặt, tính tự động tâm lý của chúng ta có xu hướng lồng tính năng động của nó vào mối bòng bong của các sự kiện; mặt khác, do sự va chạm vào nhau của các ham muốn liên tiếp của chúng ta hay các đối kháng thực nghiệm, chúng ta được cảnh báo về khả năng tương đối này trong việc thay đổi các hiện tượng và thích ứng chúng ít nhiều theo các đòi hỏi của hoạt động lần lượt bị xác định rồi xác định của chúng ta. Do đó, không hề do một mạc khải tiên thiên cũng không do một dự ứng trừu tượng mà, khi biết mình ước muốn và có khả năng hành động, chúng ta khẳng định một cách hồi cố rằng một điều khả hữu, khác với điều có thực, là đã có thể và vẫn có thể quan niệm được. Nó là sự tiếp nối sáng kiến thực hành và Hành động của chúng ta, cùng một lúc vừa phụ thuộc vừa làm chủ. Nếu chúng ta không hề có các khuynh hướng nguyên khởi cũng như các định đề thực tiễn, nếu mọi thứ đều dửng dưng đối với chúng ta, hoặc như nhau, hoặc nhượng bộ dễ dàng, có lẽ chúng ta sẽ không nhận thấy điều này là: một điều nào đó không hiện hữu, một hành động nào đó đã không hiện hữu hoặc đã không đạt tới. Và như thế chính là từ hoạt động được thi hành của chúng ta, mà xuất hiện bình minh đầu tiên của đời sống luận lý.

Nhưng ý tưởng về người khác không đủ đối với chúng ta và không đủ đối với chính nó. Nếu chúng ta chống đối các sự vật hoặc các hành vi, nếu chúng ta đánh giá chúng, thì tùy ở mức độ chúng tự thẩm hóa vào mục đích và các yêu cầu của chúng ta, cho dù chúng có được kết hợp vào con người của chúng ta bằng cách phát triển nó, hoặc được đưa vào đó như các chất độc, có lẽ tâng bốc và thú vị đấy, nhưng độc hại. Các giải pháp trái ngược nhau là trái ngược trong chính chúng, chứ không phải, trước hết, do một sự trừu tượng tri thức, nhưng do tác động của một sự đối lập hoàn toàn cụ thể và có phẩm chất, không những dị biệt hóa hàng loạt các vật thể khác, mà còn đụng đến chúng tùy theo sự thuận tiện hoặc không thuận tiện của chúng đối với hướng đi của các khuynh hướng nơi chúng ta. Nghĩa là, chính nguyên tắc của ý niệm trái ngược nằm trong việc xác định chủ quan trong hoạt động của chúng ta, chứ không nằm trong sự vật, không nằm nơi nhận thức suy lý nguyên khởi và tức khắc.

Nếu vậy, khái niệm đối lập hoàn toàn trừu tượng và chung chung do đâu mà có? Trước suy tư, các hiện tượng khác nhau (chỉ đi vào ý thức phản tỉnh bằng cách tự gắn liền với các ly do hoặc động cơ), các nguyên tắc đa dạng của Hành động, vốn luôn kích thích chúng ta, tự phát tạo nên một toàn bộ được hệ thống hóa: mỗi thứ cho ý niệm toàn thể vốn bao trùm chúng mượn sức mạnh nội tại của nó và tổ chức chúng thành tổng hợp đối kháng; và, khi điều này tự thể hiện do ý muốn, nó vừa như đối lập với những điều khác, vừa tóm tắt hoặc sử dụng lực sống của tất cả vì lợi ích của một điều {4}. Như thế, hành vi được phản tỉnh và chọn lựa mang lại cho thể tương đối thực nghiệm của các sự kiện một tính cố định, một αὐτάρκεια (tính tự mãn), làm cho nó trở thành nền tảng chống lại các đối lập luận lý; nó không còn là vấn đề về tính không đồng nhất thoáng qua của các dữ kiện tự phát của cuộc sống nữa; từ nay, ở đó, có một nguyên tắc chống lại khuôn mẫu (antitypie), nghĩa là tính không thể hiểu thấu [impénétrabilité] và tính độc hữu; vì chúng ta đã đặt mình tuyệt đối vào điều chúng ta đã chọn, muốn và làm. Do đó, không còn là thói quen suy nghĩ theo các định luật trương độ không gian và tính không thể hiểu thấu về vật chất vốn giải thích luận lý học hình thức và thuyết nguyên tử tri thức (atomisme intellectuel) của chúng ta, chính thói quen này cần được giải thích bằng hoạt động luân lý của chúng ta. Và tương tự như vậy, đó nguồn gốc của khái niệm đồng nhất [identité]; vì chính nhờ sự chính xác chủ quan của ý định riêng lẻ và chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể đạt tới hoặc chỉ rõ một điều gì đó của một và cùng là một điều.

Chưa hết. Cả khái niệm khác, lẫn khái niệm trái ngược hoặc đối lập đều không thể hữu thức nếu không có khái niệm ít nhất mặc nhiên về mâu thuẫn. Và điều gì làm phát sinh khái niệm này? Đó là cảm thức về sự không thể sửa chữa quá khứ. Luật mâu thuẫn không tự áp dụng vào tương lai {5}; do đó nó không áp dụng vào quá khứ, bao lâu nó được suy nghĩ, được nhận thức, khả hữu hoặc có thể quan niệm được, nhưng bao lâu nó được "hành động", được cấu thành trong thực tại, được thánh hiến bằng hoạt động muốn nó hoặc chịu đựng nó. Một đứa trẻ vừa bẻ gẫy ống hút để chơi; em muốn sửa lại nó; điều mâu thuẫn là ống hút này đã bị bẻ gẫy và đã không bị bẻ gẫy, điều mâu thuẫn là ống hút bị bẻ gẫy và vẫn còn nguyên vẹn. Do đó, nếu, sau khi đã mong muốn và hành động một cách tự phát, chúng ta đã không có khả năng muốn một cách có suy tính, chúng ta cũng sẽ không thể quan niệm cả việc một điều đã được làm có thể đã được làm cách khác, lẫn việc điều được đặt ra mà không thể quay lại chính hữu thể của quá khứ, lẫn việc tóm lại không có mâu thuẫn cùng một lúc không thể thực hiện được và có thể suy nghĩ được. Điều mâu thuẫn mà chúng ta cho là ở khắp mọi nơi đều nằm bên dưới điều có thực, chính nhờ một sáng kiến chủ quan mà chúng ta nói gần nói xa tới, và vì các đòi hỏi của số phận luân lý của chúng ta bổ túc nghĩa và chống đối hoàn toàn các hành vi đã hoàn thành hoặc các trạng thái đã thực hiện. Tóm lại, để nhận thức một điều có thể khác, chúng ta phải ý thức được hành động của chúng ta có hai lưỡi. Muốn biết Hành động của mình, chúng ta, vì ý thức ít nhất một cách mơ hồ cuộc xung đột giữa các xu hướng và các đòi hỏi của số phận chúng ta, chúng ta cần thấy mình đứng trước một lựa chọn có liên quan tới hữu thể chúng ta: nói tóm lại, chúng ta chỉ có ý niệm về hữu thể và mâu thuẫn vì chúng ta hầu như bị đặt vào thế buộc phải giải quyết giải pháp thay thế mà định hướng của cuộc sống ta và việc ta bước vào hữu thể vốn tùy thuộc vào, giải pháp thay thế “tự động hữu thể học” (autoontologique), có thể nói như thế. Đó chính là cơ sở; và giống như viên đá phía trên, tuy được nâng đỡ bởi mọi hàng đá nền, thực sự còn nâng đỡ chúng nhiều hơn thế nào, thì nguyên tắc mâu thuẫn, một nguyên tắc, để được nhận biết, trước nhất phải bao hàm tính tự phát của các mong muốn, định đề, thất bại và thành công trong sáng kiến của chúng ta được hướng dẫn bởi tự nhiên và được soi sáng bởi sự suy tư, cuối cùng hết sức cần thiết cho nhận thức rõ ràng và cho việc sử dụng có chủ ý mọi năng động tính tri thức và luân lý. Việc sử dụng lý trí tư biện (spéculative) được nối kết một cách liên đới với việc thi hành lý trí thực tế có thực chất và thực tại (Premiers Écrits, t. II, tr. 128-132).

Hai Tư Tưởng

Một hình ảnh có thể giúp chúng ta trình bày dễ dàng hơn nghịch lý liên tục của hai cách suy nghĩ của chúng ta, luôn luôn liên kết, luôn luôn không thể hòa giải, luôn luôn kích thích và thúc đẩy.

Trong những đêm nặng nề tháng Bảy, ở vùng nông thôn Grasse hay Vence đầy hương thơm, con đom đóm vùng Provence âm thầm theo đuổi đường bay kỳ lạ của nó gồm bóng tối và ánh sáng cách quãng nhau. Lần lượt, nó tự sáng lên rồi tự dập tắt. Khi thì, bằng những tia sáng nhanh, nó chiếu sáng hành trình thất thường của nó bằng cách thu hút ánh nhìn chỉ nhìn thấy bóng tối bên ngoài dòng ánh sáng của nó. Khi thì nó biến mất, để cho ánh sáng tối của màn đêm được nhìn thấy một lần nữa trong khi chúng ta tự hỏi cái thứ ánh sáng lờ mờ lạnh lẽo kia sẽ phát ra từ đâu và đi tới mục tiêu vô định nào. Các suy nghĩ của chúng ta cũng xen kẽ và tạo ra nhịp điệu quan yếu như thế; và sự rõ ràng từng phần của chúng, với các giới hạn hẹp hòi và xuất hiện từng cơn của chúng, vì chính các nhấp nháy của chúng, cho phép ta thoáng nhìn thấy cái mênh mông vẫn tối như đêm của con đường cần phải đi (La Pensée, t. I, p. 202).

Còn tiếp