Ảnh hưởng tư tưởng chính trị, luật pháp và cả giáo dục của Jacques Maritain khá sâu rộng và ngày nay cả Nam Mỹ, Bắc Mỹ và thậm chí khối Nga cũng tìm về tư tưởng này. Trong bài sau đây của Sergey S. Shestopal, Kateryna V. Astakhova, và Victor V. Astakhov, thuộc Đại học kinh tế và dịch vụ bang Vladivostok, 690014, Gogolya 41, Vladivostok, Nga (https://www.academia.edu/74425052/Modern_Dimensions_of_Jacques_Maritains_Political_and_Legal_Personalism), chúng tôi xin mời độc giả xem qua phân tích của hai tác giả Nga nói về quan điểm của Jacques Maritain với các thách thức thời hiện đại trong đó nổi bật là thuyết nhân vị và đa nguyên. Trong hai bài kế tiếp, chúng tôi sẽ trình bầy ảnh hưởng của ông đối với nền chính trị Hoa kỳ và Nam Mỹ.



1. Dẫn nhập

Ở đây chúng ta sẽ xem xét đóng góp căn bản của triết học luật pháp: chủ nghĩa nhân vị và chủ nghĩa đa nguyên của Jacques Maritain (1882 - 1973), một trong những đại diện sáng giá nhất của triết học và lý thuyết pháp luật cổ điển Pháp. Ngày nay, những vấn đề này dường như đặc biệt đáng lưu ý và phù hợp: sự biến đổi chủ quyền trong thời đại hoàn cầu hóa, sự biến đổi bản sắc và các truyền thống quốc gia về chính trị và bản thân, tâm trí và xã hội một bên và bên kia là sự tích hợp và hoàn cầu hóa châu Âu là những thách thức của thời đại. Chủ nghĩa nhân vị chính trị và pháp lý và chủ nghĩa đa nguyên, vốn là những phạm trù triết học và pháp lý căn bản của xã hội, luôn đối đầu và thâm nhập vào nhau. Sự hợp nhất và mâu thuẫn thường trực của chúng luôn là một trong những động lực cơ bản cho sự phát triển chính trị xã hội của xã hội. Rõ ràng là những phạm trù triết học và pháp lý này cực kỳ phù hợp trong các thực tại của hoàn cầu hóa ngày nay nói chung và tích hợp Châu Âu hay Châu Á nói riêng. Những điểm đặc thù được du nhập vào xã hội và các định chế luật pháp của nó, do cấu trúc của thời đại, có đặc điểm bảo vệ rộng rãi các nhân quyền, tự do cá nhân, (“Tự do thuộc yếu tính của mọi hữu thể trí thức.” “Tự do trong Thế giới Hiện đại” [Maritain 1996].), đặc biệt quan tâm và tôn trọng các cá nhân và quyền riêng tư của họ, chủ nghĩa đa nguyên và hoàn cầu hóa, liên kết với việc phi lãnh thổ hóa [deterritorialization (*)], đã làm tăng tính nối kết xã hội qua lại giữa các ranh giới địa lý và chính trị hiện có và tốc độ nhanh chóng của hoạt động xã hội. Những va chạm liên tục của lãnh vực thông tin hoàn cầu có tính bản vị, đa nguyên và bỏ qua mọi ranh giới làm cho xã hội hiện đại trở nên mâu thuẫn và căng thẳng nội bộ hơn bao giờ hết. Các lực lượng va chạm nhau của diễn trình hoàn cầu hóa, bản địa hóa và nhân vị hóa đang đặt ra một thách thức cho nhân loại. Đây là lời kêu gọi đầy gợi ý cho các trụ cột của triết học hiện đại. Học thuyết xã hội hiện đại của Pháp dựa trên các định đề lịch sử hàng nghìn năm của các giá trị gia đình Kitô giáo. Những vấn đề căn bản của chủ nghĩa đa nguyên và chủ nghĩa nhân vị trong xã hội cũng như các khía cạnh triết học và luật pháp của chúng theo truyền thống vốn nằm trong tập chú của các nhà triết học Pháp. Những truyền thống này có từ thời Abelard, Albert Cả, Thomas Aquinas, Boden, Descartes, Pascal, Malebranche, Montesquieu, Voltaire, Maine de Biran, de Maistre, Cousin, Renouvier. Những tiến bộ lý thuyết của những đại diện hàng đầu của triết học luật pháp thế kỷ XX như Jacques Maritain, Etienne Gilson, Emmanuel Mounier, Gabriel Marcel đã có tác động không nhỏ đến cộng đồng thế giới. Học thuyết triết học xã hội của Maritain kế thừa vô số quan niệm và khái niệm (với ông, ngoài hệ thống đào tạo, truyền thống Tôma với các thành tố vẫn còn của Aristốt), bắt đầu với "Nhà nước" của Platông, các ý tưởng của Phong trào Ánh sáng và kết thúc với các nghiên cứu của trường phái xã hội học Chicago. Bergson, E. Mounier và Berdyaev có ảnh hưởng trực tiếp đến ông. Nhà thơ Mỹ nổi tiếng Thomas Stearns Eliot từng gọi Jacques Maritain là “nhân vật dễ thấy nhất và có lẽ là thế lực mạnh mẽ nhất trong triết học đương thời”. Theo quan điểm của Maritain, việc tuân theo chủ nghĩa nhân bản có ba nguyên tắc nền tảng: chấp nhận giá trị của cá nhân, mọi người chung sống trong khát vọng vì lợi ích chung, cũng như xu hướng Kitô giáo-hữu thần, sẽ dẫn đến sự hiện hữu của một xã hội trong đó các khả năng của con người có thể cởi mở và nhận ra chính mình một cách đầy đủ nhất và tự do của con người cũng sẽ được thi hành. Biết rõ rằng các nguyên tắc cai trị như vậy sẽ không thể hiện hữu trong một nhà nước quốc gia riêng biệt bao quanh bởi một nhà nước với những nguyên tắc cai trị khác thế, Maritain đề nghị lối giải quyết mâu thuẫn một cách hữu hiệu bằng "một liên minh thế giới của các xã hội chính trị" với quyền tự chủ đáng kể và công dân có thể di chuyển tự do trên khắp các liên bang của các tiểu bang nếu họ muốn (Shestopal, 2014). “Jacques Maritain trước nhất là một triết gia Công Giáo vĩ đại, một trong những người đã đóng góp nhiều hơn cả vào việc phục hồi Thánh Tôma Aquinô. Nhờ sức mạnh của sự việc, ông cũng là một triết gia chính trị để lại một công trình phong phú, một công trình, ở thời không có cột mốc của ta, hơn bao giờ hết vẫn có tính hiện thực để suy nghĩ lại tương lai Kinh thành chính trị” (Maritain, Philosophe De La Cité, Christophe Geffroy, Nguồn: La Nef N ° 248 DE MAI 2103) Nhưng «Trên thực tế, triết học phương Tây chưa bao giờ tự giải thoát khỏi Kitô giáo: bất cứ nơi nào Kitô giáo không nhúng tay vào việc xây dựng một triết học hiện đại thay vào đó nó được coi như một chướng ngại vật ” (J.Maritain. An Essay on Christian Philosophy (1955), p. 51).

2. Quan niệm của Maritain và những thách thức của thời hiện đại

Jacques Maritain là người đầu tiên trong lịch sử thế kỷ XX, đã liên kết lý thuyết triết học và nhân học (chủ nghĩa nhân vị) với việc tham gia thực tế vào việc soạn thảo Bản Tuyên ngôn Nhân quyền, nhằm chống lại sự xâm phạm toàn trị đối với những quyền này. Đối với Maritain, Chủ nghĩa Tôma là nguồn gốc của những ý tưởng và mô hình phương pháp luận trong suốt cuộc đời sáng tác của ông (Villey, 2002; Corduan, 2007; Crosson, 1983; Fay, 1991 & Lyubashits, Mordovtsev & Mamychev, 2015). Nói đến chủ nghĩa đa nguyên và chủ nghĩa nhân vị, Maritain dựa vào tác phẩm của chính mình, "Freedom in the Modern World [Tự do trong thế giới hiện đại]" (1936), Ch. I, và " Integral humanism [Chủ nghĩa nhân bản toàn diện]", Ch. V. Tóm tắt những điểm chính của chúng, Maritain trình bầy "hệ thống nhân vị và đa nguyên mới". Nhu cầu về một quy chế chung cho nhà nước phải biến mất với sự ra đời của hệ thống mới, và tất cả các hình thức tự nhiên của hoạt động kinh tế và xã hội, dù là lớn nhất, sẽ bắt nguồn từ bên dưới, từ sáng kiến tự do và khả năng cạnh tranh của một số nhóm, tổ chức công đoàn, các tổ chức hợp tác xã, hiệp hội, các nhà sản xuất và người tiêu dùng thống nhất với nhau trên cơ sở các hiệp đoàn liên bang - các tổ chức được định chế công nhận ở các bình diện khác nhau. Nhà nước, dành cho các tổ chức xã hội khác nhau sáng kiến độc lập và tự kiểm soát trong mọi hoạt động vốn có của họ, sẽ giữ lại cho mình đặc quyền đích thực duy nhất là "trọng tài và giám sát tối cao qui định các hoạt động độc lập và tự chủ này theo quan điểm chính trị cao nhất về ích chung” (Maritain, 1951). Xã hội chính trị, khi dành cho nhà nước thẩm quyền kiểm soát và các thẩm quyền vì lợi ích chung, đòi hỏi nhà nước không những duy trì trật tự công cộng mà còn phải tôn trọng công lý. Maritain nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng xã hội chính trị thực hiện quyền kiểm soát tối cao đối với nhà nước, vốn được ban cho các chức năng quản trị và kiểm soát. Nhưng vì thẩm quyền tối cao này do nhà nước có được từ một xã hội chính trị, tức là từ người dân, chính nhà nước không sở hữu quyền tự nhiên được hưởng quyền lực tối cao (Maritain, 1951), tức chủ quyền. Tuy nhiên, theo nghĩa được Maritain đưa vào khái niệm "chủ quyền" như một quyền tự nhiên và bất khả chuyển nhượng của thẩm quyền tối cao siêu việt hoặc riêng biệt, thì không có bất cứ chủ thể trần thế nào sở hữu quyền đó: "thực vậy, không phải vua, cũng không phải hoàng đế là những người có chủ quyền, nhưng họ có một thanh gươm và các thuộc tính của chủ quyền. Nhà nước không phải là một thực thể có chủ quyền và ngay cả người dân cũng không có chủ quyền. Chỉ một mình Thiên Chúa là có chủ quyền» (Maritain, 1951). Quan điểm cực đoan này về chủ quyền là hoàn toàn tự nhiên, có thể chấp nhận được, và thậm chí là cần thiết về mặt luận lý đối với một nhà tư tưởng tôn giáo, nhưng hầu như không thể chấp nhận được đối với triết lý luật pháp thế tục. Việc chấp nhận một lối bàn như thế về chủ quyền đã tạo cơ hội cho một kiểu giải thích và đánh giá khá võ đoán về điều tốt nhất của chủ quyền cần thiết để bảo đảm tính hợp pháp thực sự của nhà nước và cuối cùng của xã hội chính trị, mà Maritain vốn đồng nhất hóa với người dân. Sự mâu thuẫn giữa lý thuyết tôn giáo - triết học với thực tiễn này là một điểm yếu trong quan niệm của Maritain, người cố gắng tạo ra một khái niệm nhất quán về quyền tối cao của xã hội chính trị (người dân) so với nhà nước. "Nói về người dân, cũng như về cộng đồng chính trị, chúng ta nên nói rằng cả người dân lẫn cộng đồng chính trị đều không có chủ quyền, nhưng họ có quyền tự nhiên được độc lập hoặc tự trị hoàn toàn" (Maritain, 1951). Nhưng nếu người dân có "quyền tự nhiên được độc lập hoàn toàn", thì điều này có nghĩa là người dân có chủ quyền, theo ngay ý nghĩa mà Maritain đưa ra cho khái niệm chủ quyền. Hiện nay, rất khó để lượng định liệu Maritain có nhận thấy sự mâu thuẫn mà ông đã thừa nhận hay không, nhưng những lập luận tiếp theo của ông chỉ có nghĩa thuận lý khi cho rằng nhân dân dù sao cũng có chủ quyền. "Người dân sử dụng quyền này khi nhận được hiến pháp thành văn hoặc bất thành văn của xã hội chính trị, hoặc khi một bộ phận của họ được kết hợp thành một nhóm chính trị nhỏ, để tranh đấu quyền lợi hoặc để đưa ra quyết định, hoặc khi họ bầu ra đại diện của họ. Người dân luôn có quyền như vậy. Chính nhờ quyền này mà người dân kiểm soát nhà nước và các quan chức chính phủ của nó "(Maritain, 1951). Các phương pháp kiểm soát như vậy bao gồm việc ủy quyền để làm luật và cai trị qua các cuộc bầu cử theo định kỳ và với một số quyền hạn nào đó cho một dân cử. Bằng cách trao thẩm quyền cho những người cụ thể này, người dân, ở cùng một mức độ, hạn chế quyền cai trị của chính họ, nhưng không mất quyền này, vì họ quản trị qua các người đại diện và các cơ quan đặc biệt của họ. "Nhưng con người không hề vì Nhà nước. Nhà nước vì con người." (Maritain, 1951) - đây là luận điểm căn bản của Maritain. Maritain tin rằng nếu nền dân chủ bước vào giai đoạn lịch sử tiếp theo "với đầy đủ trí hiểu và sức sống", thì nó sẽ không bỏ qua tôn giáo, như nền dân chủ tư sản đã làm trong quá khứ. Đồng thời, ngược lại, đối với triết gia Công Giáo này, rất có thể nền dân chủ "nhân vị chủ nghĩa" được đổi mới này sẽ là một nền dân chủ đa nguyên, nghĩa là đặc biệt khoan dung đối với các tôn giáo đa tuyên tín và các dị biệt về quan điểm. Sự phát triển các ý tưởng của Maritain về sự cần thiết của việc biến đổi một niềm tin thế tục thành các giá trị nhân bản và sự hỗ trợ toàn diện đối với chúng trong xã hội chính trị (dân sự) có thể tạo cơ sở cho các biện pháp thiết thực hơn nữa để tăng cường sự đoàn kết của quốc gia, không phân biệt sắc tộc, văn hóa, khác biệt tôn giáo hoặc vô thần. Bước đầu tiên theo hướng này có thể là việc cải tiến Hiến pháp của một nhà nước có chủ quyền, thế tục, dân chủ, xã hội, trong đó các tín hữu và những người không theo tín ngưỡng nào có chung một mục đích chính trị - củng cố quyền lực và thẩm quyền trong tư cách người bảo đảm các quyền và tự do của công dân. Theo Maritain, chỉ có xã hội theo chủ nghĩa nhân vị mới có thể thực sự dân chủ. Để hình thành ra nó, cần phải hoàn tất việc thiết lập các quyền dân chủ. Maritain nhìn thấy giai đoạn đầu tiên của sự hình thành này trong thời Trung cổ, khi có những nỗ lực to lớn để xây dựng đời sống xã hội dựa trên sự thống nhất giữa các xác tín thần học và niềm tin tôn giáo, lý thuyết chính trị và luật pháp và cuộc sống thực tiễn. Điều đó đã khả hữu trong một vài thế kỷ - phần lớn các nhà nước châu Âu cận đại và các hệ thống pháp luật đã được hình thành trong thời kỳ này. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của Phong trào Cải cách, thời kỳ này đã kết thúc, "và việc quay trở lại mô hình thời Trung cổ thánh thiêng là điều trở thành bất khả" (Maritain, 1951). Như kết quả của Phong trào Cải cách, xã hội dân sự hoặc chính trị ngày càng tách rời khỏi thẩm quyền thiêng liêng của Giáo Hội và đã xây dựng một trật tự "thế tục" "trần đời" trong đó, các dị biệt về chính trị và luật pháp giữa những công dân có bối cảnh khác nhau và các tôn giáo khác nhau đã bị xóa nhòa. Diễn trình “thế tục hóa” xã hội chính trị trong thời kỳ Mới gia tăng do những nỗ lực xây dựng đời sống của xã hội dựa trên “lý trí thuần túy” tách rời khỏi mọi tôn giáo. Nhưng khi những trận đại hồng thủy trong hai thế kỷ trước đã xảy ra, "lý trí thuần túy" đã chứng tỏ không có khả năng cung cấp sự thống nhất tinh thần cho nhân loại. Do đó, Maritain kết luận: "Ngay khi các biến cố bi thảm trong những thập niên gần đây bác bỏ chủ nghĩa duy lý tư sản của thế kỷ XVIII và XIX, chúng ta đã nhận thức được rõ ràng hơn sự kiện này là tôn giáo và siêu hình học là một thành tố thiết yếu của nền văn hóa nhân bản, nguồn gốc và những động lực cần thiết của đời sống xã hội ”(Maritain, 1951). Do đó, nền dân chủ được đổi mới trong tương lai không nên làm ngơ tôn giáo và nên là loại đa nguyên và duy nhân vị, nghĩa là tập chú vào các cá nhân. Trong xã hội chính trị theo chủ nghĩa nhân vị này, những người thuộc các khuynh hướng triết học hoặc tôn giáo khác nhau, có thể và nên làm việc với nhau vì các mục tiêu chung và ích chung, nếu họ chấp nhận các nguyên tắc căn bản của một xã hội của những người tự do.

3. Đâu là các nguyên tắc căn bản của nền dân chủ theo chủ nghĩa nhân vị?

Trước hết, nền dân chủ nên mang trong nó sự ủng hộ và bảo vệ niềm tin của những người bình thường vào tự do. Maritain cho rằng giáo điều của chủ nghĩa tự do tư sản, một giáo điều hệ ở ý tưởng cho rằng một xã hội dân chủ nên cung cấp diễn đàn công cộng cho các cuộc thuyết trình về các cơ sở của đời sống xã hội, trong đó, cũng như trong thị trường tự do, các ý tưởng và chủ trương đang đối diện và cạnh tranh nhau thậm chí một cách phá hoại nhất đối với các quyền lợi và các tự do, là một sai lầm lớn. Sự dung túng có tính ý thức hệ ấy của nền dân chủ tư sản thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX hiện hữu dưới khẩu hiệu "tự do có ý kiến" đã biến thành trung lập ngay cả đối với chính tự do của họ.

Maritain từng viết: "Vì nó (tức giai cấp tư sản) không có ích chung thực sự, nên nó không có tư duy chung thực sự, không có ý thức chung, mà chỉ có bộ óc trống rỗng thờ ơ, bao quanh bởi những tấm gương: không có gì đáng ngạc nhiên khi trước Thế Chiến thứ hai ở những quốc gia chịu ảnh hưởng tuyên truyền của phát xít, của phân biệt chủng tộc hoặc cộng sản thối nát, xã hội đã đánh mất bất cứ ý tưởng nào về chính mình và niềm tin vào chính mình, một loại niềm tin chung, có thể khuyến khích họ đối đầu với các diễn trình tiêu cực”(Maritain, 1999). Niềm tin này có tính chất dân sự hoặc trần tục, không phải tôn giáo. Với tất cả sự cần thiết phải có nó trong một nền dân chủ thực sự, niềm tin như vậy không thể được áp đặt lên công dân dưới hình thức một số loại khái niệm triết học nào đó. Maritain tin chắc rằng "trong thời đại của chúng ta, khái niệm này chỉ có thể tạo ra sự giả tạo vô nhân đạo, tàn ác hoặc giả hình được cung ứng bởi các nhà nước độc tài tự cho mình có đức tin, tình yêu và sự tôn trọng của một người tôn giáo đối với Thiên Chúa; nó phát sinh ý hướng của các quốc gia này muốn áp đặt niềm tin của chính họ lên ý thức của quần chúng bằng sức mạnh tuyên truyền, dối trá và bộ máy cảnh sát” (Maritain, 1951). Những người có nhiều quan điểm triết học và tôn giáo khác nhau có thể đến với loại đức tin thế tục như thế. Đức tin này không nói tới các nguyên tắc ý thức hệ và thực tiễn, gây ra bởi sự phát triển của ý thức đạo đức về nhu cầu phải cùng nhau phấn đấu vì ích chung.

Xã hội chính trị có quyền và nghĩa vụ phát triển và hỗ trợ nơi các công dân một đức tin thế tục, mà cộng đồng quốc gia và ý thức công dân vốn tùy thuộc vào. Dù vì lợi ích chung, điều quan trọng là các tình huống thực tế, vốn là cơ sở của luật pháp của xã hội, phải đúng trong chính chúng, các nhà nước dân chủ không tự chiếm cho mình đặc quyền đánh giá sự thật của những điều khoản này, phải để chúng cho chính người dân công nhận và chấp thuận. Maritain cho rằng luật dân chủ theo chủ nghĩa nhân vị phải bao gồm các điều sau đây:

-Các quyền lợi và tự do của con người, các quyền lợi và tự do chính trị, các quyền lợi và tự do xã hội và trách nhiệm tương ứng;
-Các quyền và trách nhiệm của các ngôi vị vốn là thành phần của xã hội gia đình cũng như tự do và các trách nhiệm của họ đối với cộng đồng chính trị;
-Các quyền và trách nhiệm hỗ tương của Nhà nước và các nhóm xã hội; việc cai trị dân, do dân và vì dân; các chức năng thẩm quyền trong nền dân chủ chính trị và xã hội, nghĩa vụ đạo đức có ý thức liên quan đến cả luật pháp và Hiến pháp, bảo đảm cho người dân các quyền tự do khác nhau;
- Loại trừ các điều kiện để có thể gây ra các cuộc cách mạng chính trị trong một xã hội thực sự tự do, và được cai trị bởi luật pháp, mà các thay đổi và phát triển phụ thuộc vào đa số của quốc gia;
- Bình đẳng giữa người dân, công bằng trong các mối liên hệ giữa cá nhân và xã hội chính trị, hòa hợp dân sự và lý tưởng huynh đệ, tự do tôn giáo, khoan dung và tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng tâm linh khác nhau và các trường phái tư tưởng, đức hy sinh dân sự và tình yêu Tổ quốc, tôn trọng lịch sử và di sản của nó, và cả sự hiểu biết về các truyền thống khác nhau vốn đan xen tạo thành sự thống nhất của nó;
- Những cam kết của mỗi cá nhân liên quan đến lợi ích của xã hội và cam kết chính trị của mọi quốc gia vì lợi ích chung của xã hội văn minh và nhu cầu nhận thức được tính thống nhất của thế giới và sự hiện hữu của cộng đồng các dân tộc (Maritain, 1999). Maritain nhấn mạnh rằng mặc dù những dự khoản này của nền dân chủ theo chủ nghĩa nhân vị phát xuất từ học thuyết Kitô giáo, nhưng trong một xã hội dân chủ, không nên có áp lực tôn giáo đối với những người không phải là Kitô hữu, những người có quyền xây dựng đức tin dân chủ của họ trên các cơ sở tư tưởng khác: "Quyền lực dân sự và nhà nước nên quan tâm đến một điều duy nhất là đức tin thế tục chung bên trong luật thế tục chung" (Maritain, 1999).

4. Đâu là các nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa đa nguyên trong chế độ dân chủ? Làm thế nào ngôi vị được tích nhập vào Xã hội Dân chủ?

Maritain duy trì phần nào trong trí tưởng tượng của ông một thế giới duy tâm chắc chắn có tính đa nguyên, nhưng dĩ nhiên, ông cũng đặt vào thế giới này một viễn kiến Kitô giáo về con người làm cơ sở. Triết lý của ông về triết học thực hành (**) và chính trị được ông định nghĩa là "chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo toàn diện", thậm chí là "chủ nghĩa nhân bản qui thần [theocentric]. Một số thành tố siêu việt trong các quan niệm về số phận và niềm tin của con người luôn hiện diện trong các lý thuyết chính trị của ông; và như chúng ta đã đề cập ở trên, sự công nhận vượt trội về chủ quyền của Thiên Chúa. Chắc chắn, với sự hòa nhập vào thế giới này nền dân chủ và trọn vẹn phẩm giá, tự do và ý thức về mình, là những hữu thể nhân bản vốn là các cá nhân theo kiểu nói của Maritain. Maritain mô tả xã hội với sự thống trị của luật pháp. Nhà lý thuyết này đã phân loại bốn loại lề luật chính: luật vĩnh cửu, luật tự nhiên, 'thường luật văn minh' (droit des gens hoặc jus gentium), và luật thực định (droit positif).

Vì bản chất của đức tin dân chủ không phải là giáo thuyết mà là thực hành, nên tiêu chuẩn can thiệp của Nhà nước trong lĩnh vực phát biểu các ý tưởng cũng phải mang tính thực tiễn chứ không phải ý thức hệ. Nhà nước không cần phán quyết liệu một lý thuyết chính trị có dị giáo hay không. Chỉ cần nó cung cấp các bảo đảm cho công lý và tính hợp pháp là đủ để quyết định xem liệu những kẻ dị giáo chính trị có đe dọa quyền dân chủ bằng hành động của họ hay họ có nhận trợ cấp của nhà nước ngoại quốc để tuyên truyền chống dân chủ hay không. "Mỗi lần chính phủ làm ngơ sự thật căn bản này, vốn tùy thuộc vào bản chất riêng của nó, lý lẽ sẽ bị hy sinh. Và mỗi lần khi lý lẽ trả thù, thì cuối cùng xã hội chính trị phần nào đó cũng sẽ bị hy sinh" (Maritain, 1951).

Tuy nhiên, các hạn chế không nên quan trọng nhất trong việc bảo vệ xã hội khỏi những kẻ dị giáo chính trị. Có nhiều phương thế tích cực và xây dựng trong nền dân chủ vững ổn có hiệu quả hơn nhiều. Maritain tin rằng hoạt động của các nhóm và nghiệp đoàn chuyên nghiệp gồm những công dân tận tụy với sự phát triển của triết lý dân chủ, giáo dục người dân về các vấn đề thường luật và đấu tranh trí thức chống lại các phong trào chính trị ưa lật đổ là những phương tiện như vậy. Chính nhà nước có thể thông báo cho người dân biết về những ý thức hệ phản dân chủ, trao nhiệm vụ cho những người nổi tiếng về "khôn ngoan và trong sáng đạo đức để đấu tranh." Điều quan trọng là nâng cao cảm thức trách nhiệm trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông để tạo điều kiện cho xã hội chính trị "sử dụng sức ép tự phát của lương tâm chung và dư luận công cộng bắt nguồn từ các nhóm sắc tộc quốc gia đã được xác nhận rõ ràng, nhằm ngăn chặn quyền lực của những kẻ dị giáo chính trị" ( Maritain, 1951). Nhưng công cụ có ý nghĩa quan trọng nhất mà xã hội chính trị có được - đó là nền giáo dục dân chủ nhằm dạy niềm tin vào quyền dân chủ và nhu cầu hữu cơ phải có nó.

Một nền giáo dục như vậy hầu hết phụ thuộc gia đình chứ không phải nhà nước. Maritain tin rằng việc làm quen với luật tự nhiên về mặt tinh thần là một chức năng của hệ thống giáo dục công cộng và là phụ giúp cho gia đình. Giáo dục công cộng nên cung cấp điều mà gia đình không thể cung cấp - cung cấp cho trẻ em trọn lượng kiến thức cần thiết cho việc đào tạo một con người văn minh. "Quan điểm của tôi nằm ở chỗ, thực hiện vai trò hỗ trợ chung này, hệ thống giáo dục của nhà nước nên cung cấp cho các công dân tương lai không những các kho kỹ năng, kiến thức và khôn ngoan (giáo dục nhân đạo [humanitarian] tổng quát chung cho mọi người), mà còn tạo cho họ một niềm tin sâu sắc và công phu về các quyền dân chủ nói chung, đó là quyền cần thiết cho sự thống nhất của cộng đồng chính trị "(Maritain, 1951).

Maritain thấy rõ vấn đề nan giải của giáo dục tôn giáo trong trường học dân chủ hiện đại, một điều có thể được giải quyết theo hai cách: hoặc các ý tưởng tôn giáo khác nhau quan trọng đối với quốc gia được tích hợp vào hệ thống trường công, hoặc trên cơ sở của mỗi ý tưởng này, chỉ nên dạy tại các trường tư thục.

Cuối cùng, là vấn đề nối kết qua lại giữa giáo dục công lập và giáo dục gia đình. Nhân cách có được những nét đặc trưng của nó ở đâu, trong gia đình hay trong trường học? Maritain tìm kiếm sự hòa hợp giữa các gia đình có giáo dục và các trường công lập dân chủ. Thậm chí, ông còn quy định sự cần thiết của giáo dục nhân đạo [humanitarian] (nghĩa là việc dẫn nhập và hiện hữu thoải mái của con người trong giai đoạn văn minh hiện đại) cho mọi người, sống trong xã hội dân chủ tiên tiến. Ngày nay, vấn đề này vẫn còn rất cấp bách (Raley, 2010; Tabachnick, 2012; Astakhova, 2013 & Mordovtsev, Mordovceva & Mamychev, 2015), và chúng ta phải đóng góp những nỗ lực đáng kể vào diễn trình phát triển và giải quyết vấn đề này.

5. Kết luận

Như vậy, từ những phân tích trên, chúng ta thấy rõ sự đồng điệu của nhiều ý tưởng của lý thuyết gia người Pháp với tính hiện đại. Ở đây điều thích đáng là trích dẫn tác phẩm hàng đầu của Maritain (Maritain, 2007) "Triết gia là một người tìm kiếm sự khôn ngoan. Trên thực tế, sự khôn ngoan không nằm trong số những thiện ích quá nổi tiếng; chưa bao giờ có sự sản xuất quá mức trong lĩnh vực này. Chủ đề được nhà triết học giả thiết lưu ý càng hiếm hoi, thì xu hướng nghĩ rằng xã hội đặc biệt cảm thấy cần có nhà triết học càng bộc lộ mạnh mẽ hơn". Và bất chấp sự ngây thơ biểu kiến trong một số ý tưởng của ông đối với xã hội kỹ trị hiện đại, người ta phải công nhận tính liên quan và hữu ích của nhiều thành quả lý thuyết của ông trong cộng đồng hoàn cầu đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc, xóa bỏ không chỉ biên giới của các nhà nước mà còn cả các biên giới của nhân cách nữa.

___________________________________________________

(*) Thoát dịch thuật ngữ deterritorialization, trong lý thuyết phê phán, deterritorialization là diễn trình qua đó một liên hệ xã hội, được gọi là lãnh thổ (territory) có tổ chức và bối cảnh hiện thời của nó bị thay đổi hay hủy diệt.

(**) thoát dịch thuật ngữ “Low Philosophy”: một nền triết học được coi là “low” khi có xu hướng không tập chú vào một cấu trúc đã hoàn tất, nhưng tập chú vào tư tưởng gia sống động; không tập chú vào các suy nghĩ tất yếu hay phổ quát, mà vào các điểm đặc thù đã sống vốn gợi hứng, làm cơ sở và vượt quá chúng; không tập chú vào điều vĩnh cửu và khách quan, nhưng vào điều cận kề và có tính chủ quan. Điều nhà tư tưởng là, làm, và nói quan trọng hơn sách vở, các luận điểm chính thức, và xây dựng hệ thống. Nói tóm lại, một nền triết học “bên dưới” tập chú vào đức tính và sự hoàn hảo của nó.

Tham khảo

Astakhova,E. (2013) Education as a socio-economic market the product in the new historical conditions // Educational potential of the Kharkiv region: monograph / Nar. Ukr. Acad. Kharkiv. Section. 3.1. pp. 282-289.

Chiesa, S.B. (1980) Cultura e politica in Jacques Maritain / B. Sorge // Civilta cattolica. – Roma, 1980.

Corduan, W. (2007) Neo-Thomism (Electronic resource) / W. Corduan. Mode of access: http://mb-soft.com/believe/txo/neothomi. htmlastupdatedon 05/31/2007.

Crosson, F.J. (1983) Maritain and natural rights / F.J. Crosson // Rev. of metaphysics. Wash. Vol. 36, 4. pp. 897–912.

Fay, Th.A. (1991) Maritain on rights and natural law / A.Th. Fay // Thomist. Wash. Vol. 55, 3. pp. 439–448.

Lyubashits, V.Y., Mordovtsev, A.Y. & Mamychev, A.Y. (2015) State and Algorithms of Globalization // Mediterranean Journal of Social Sciences. Vol 6, No 3 S6. pp. 269-277.

Maritain, J. (1996) Integral Humanism, Freedom in the Modern World, and A Letter on Independence, Revised Edition (ND Maritain Collected Works). pp. 368.

Maritain, J. (1987) l’Ordre des concepts (logique) / J. Maritain // Jacques et Raissa Maritain. Oeuvres completes. Fribourg (Suisse): Editions universitaires / Paris Editions Saint–Paul. Vol. II. pp. 277–765.

Maritain, J. (1999) La loi naturelle ou loi non ecrite / J. Maritain // Jacques et Raissa Maritain. Oeuvres completes. Fribourg (Suisse): Editions universitaires. Paris: Editions Saint–Paul. Vol. XVI. pp. 918.

Maritain, J. (1951) Man and the State. University of Chicago Press, Chicago, ILL. pp. 196.

Maritain, J. (2007) Le philosophe dans la cité. Editeur Parole et Silence (6 septembre 2007). Paris. pp. 227.

Miller, F.D. & Biondi, Carrie-Ann (2015) A Treatise of Legal Philosophy and General Jurisprudence. Volume 6: A History of the Philosophy of Law from the Ancient Greeks to the Scholastics. Springer, 2015. pp. 444.

Mordovtsev, A.Y. & Mordovceva, T.V. & Mamychev, A.Y. (2015) The Convergence of Law: The Diversity of Discourses // Mediterranean Journal of Social Sciences. Vol. 6, 3. pp. 257-26.

Possenti, V. (1983) Philosophie du droit et loi naturelle selon Jacques Maritain / V. Possenti // Revue thomiste. Paris; Bruxelles. T.83, No.4. pp. 598–608.

Raley, Y. & Preyer, G. (2010) Philosophy of Education in the Era of Globalization, Taylor & Francis, NY, Routledge. pp. 246.

Shestopal, S. (2014) Political and Legal personalism and pluralism J. Maritain’s concept and treatment // Theory and practice of jurisprudence, 1(5), pp. 32. Retrieved from: http://nauka.jur-academy.kharkov.ua/download/el_zbirnik/1.2014/13.3.pdf.

Sorge, B. (1980) Chiesa, cultura e politica in Jacques Maritain / B. Sorge // Civilta cattolica. Roma. A.131, vol. 4, 3130. pp. 356–366.

Tabachnick, D. & Koivukoski, T. (2012) Globalization, Technology, and Philosophy, SUNY Press. pp. 257