4. Lời kêu gọi xây dựng một nền triết học về siêu nhiên theo nghĩa Công Giáo
Trong luận văn nguyên thủy về Hành động năm 1893, Blondel đã viết về siêu nhiên theo đúng nghĩa triết học, không có bất cứ tham chiếu rõ ràng nào tới bất cứ tín điều Kitô giáo nào có thể khiến các vị giám khảo của ông nghĩ rằng ông không làm triết học khi nói về một giải pháp cho vấn đề tôn giáo trong tính chủ quan nhân bản. Trong phê phán của ông về nền hộ giáo Kitô giáo, ông đã quở trách các người đồng đạo Công Giáo đã bắt đầu từ tôn giáo và đức tin hơn là từ một triết lý duy lý độc lập và tự do. “Để có thể làm triết học mà không ngừng làm Kitô hữu hoặc làm Kitô hữu mà không ngừng làm một triết gia, người ta không còn có quyền bắt đầu một cách bí mật từ đức tin của mình để cho rằng mình đã đạt tới nó và người ta không còn có quyền bí mật đặt niềm tin của mình qua một suy nghĩ của mình” (20). Người ta phải tiến hành việc nghiên cứu tôn giáo Kitô theo cùng một cách như người ta sẽ nghiên cứu bất cứ tôn giáo nào khác, như Blondel đã bắt đầu làm trong triết học hành động liên quan đến siêu nhiên, mà không đặt tên nó là Kitô giáo hay Công Giáo, và không giả thiết niềm tin nào vào bất cứ mầu nhiệm Kitô giáo nào, thậm chí cả niềm tin cho rằng có một mầu nhiệm nào đó phải được chiêm niệm. Điều sẽ xảy ra sau một nghiên cứu như vậy về siêu nhiên theo nghĩa minh nhiên Kitô giáo sẽ là một “tiến bộ tôn giáo về tư tưởng triết học toàn bộ và sự tiến bộ nhân bản về tính chất tôn giáo hoặc về chính sự hiểu biết Kitô giáo” (21), một triết học Kitô giáo được hình thành từ ý niệm Kitô giáo ẩn giấu trong triết học hiện đại cần được làm cho minh nhiên trong một cuộc chiêm niệm triết học về các mầu nhiệm Kitô giáo khi chúng liên quan đến kinh nghiệm con người trong thế giới.
Một triết lý Kitô giáo rõ ràng như vậy đã không tồn tại trong ý thức lịch sử của các Kitô hữu khi cuộc khủng hoảng Duy hiện đại nổ ra ở đầu sự nghiệp triết học của ông, nhưng như ông đã cho thấy ở phần thứ ba của Lá thư về Phương pháp Triết học trong Nghiên cứu về Vấn đề Tôn giáo, ông đã nghĩ đến việc phát triển một triết lý Kitô giáo minh nhiên như vậy để đổi mới lẫn nhau các quan điểm trong cả triết học lẫn tôn giáo. Vấn đề ông phải giải quyết được nhìn một cách khác với mỗi phía ông phải đem lại với nhau trong ý đồ triết học mới này, phía triết học và phía Kitô giáo. Về phía triết học, có những người cho rằng không có ý nghĩa gì khi nói về triết học Kitô giáo, cũng giống như khi nói về toán học Kitô giáo hay vật lý Kitô giáo. Về phía Kitô giáo, có những người không thấy có cách nào liên hệ trật tự siêu nhiên không cân xứng của các mầu nhiệm Kitô giáo với bất cứ điều gì trong trật tự tự nhiên của lý trí và ý thức lịch sử.
Chống lại các triết gia ngoan cố, Blondel đã phải tranh luận cho một quan niệm rộng lớn về triết học như một công việc hoàn toàn của con người hơn là quan niệm của nhiều người trong chủ nghĩa duy lý hiện đại, giống như ông đã lập luận trước đó cho một khoa học về tính chủ quan vượt quá giới hạn của các khoa học thực nghiệm, và cho sự cần thiết của việc phải nêu câu hỏi về một tôn giáo siêu nhiên chống lại sự mê tín của một lý trí tự thỏa mãn với chính mình. Hàm ngụ trong lập luận này là ý niệm bất cân xứng hoàn toàn giữa trật tự siêu nhiên của mầu nhiệm và trật tự tự nhiên trong việc tìm hiểu của lý trí. Blondel coi sự bất cân xứng này giữa siêu nhiên và tự nhiên là lẽ đương nhiên trong tư cách một Kitô hữu và một tín hữu, nhưng không hoàn toàn theo cách mà các Kitô hữu khác đang làm tiếp theo chủ nghĩa duy lý hiện đại. Sự bất cân xứng, đối với họ, có nghĩa là sự tách biệt siêu nhiên khỏi trật tự tự nhiên tự khép kín của lý trí và ý thức, mà không hề có sự thông đạt giữa hai bên. Ý niệm tách biệt giữa hai trật tự này cho phép họ nghĩ về trật tự siêu nhiên của Kitô giáo như tự khép kín và hoàn toàn ngoại lai đối với trật tự của tự nhiên và lý trí, cũng được coi là tự khép kín theo kiểu duy lý, không có mối liên hệ nào với bất cứ loại trật tự siêu nhiên nào. Điều mà Blondel kêu gọi là một cách khác để quan niệm mối liên hệ giữa hai trật tự không cân xứng này trong kinh nghiệm và trong thực hành của các Kitô hữu, bằng cách nhìn nhận rằng trật tự triết học cởi mở một cách có hệ thống đối với trật tự tôn giáo và đức tin và thực hành trong trật tự tôn giáo có thể ảnh hưởng đến thao tác của lý trí và ý chí trong trật tự cụ thể của ý thức lịch sử.
Với quan niệm mới, hậu hiện đại này về mối liên hệ giữa triết học và Kitô giáo, Blondel đã có thể cung cấp những trợ cụ rất cần thiết cho các trí thức Công Giáo trong cuộc khủng hoảng Duy hiện đại liên quan đến hộ giáo và việc phê phán các điều kiện xã hội trong xã hội hiện đại. Trong bài báo dài về Lịch sử và Tín điều vào năm 1904, ông đã có thể chỉ ra truyền thống Kitô giáo sống động như một cách để một mặt tránh những thái cực ngược lại của chủ nghĩa hướng ngoại quá mức trong thần học tín lý, và mặt khác là chủ nghĩa lịch sử thái quá trong nghiên cứu lịch sử liên quan tới Chúa Kitô như một nhân vật lịch sử đứng đầu một cộng đồng tôn giáo siêu nhiên, ột cộng đồng mà đức tin vào Người như Ngôi Lời Nhập thể của Thiên Chúa đã phát xuất từ các nhân chứng về sự xuất hiện của Người trên trái đất, lời rao giảng, sự đau khổ và cái chết của Người, và sự Phục sinh của Người, tất cả đều được coi như những biến cố mầu nhiệm cũng như sự kiện lịch sử. Để bảo vệ Các Tuần lễ Xã hội ở Pháp, một loại trường đại học hè lưu động do các giáo dân Công Giáo tổ chức để nghiên cứu và phê phán các điều kiện của giai cấp công nhân ở Pháp sau cuộc cách mạng kỹ nghệ, chống lại những người mà ông gọi là theo chủ nghĩa dẫn nhập đơn nhất (monophorists tức những người coi Thiên Chúa như chỉ thông đạt với con người một cách ở bên ngoài qua các văn kiện chính thức), những người nói rằng không có lệnh truyền nào đối với việc làm tông đồ như vậy trong Kitô giáo, ông đã có thể chỉ ra một cách nội tâm hơn mà Thiên Chúa vốn dùng để thông đạt với các linh hồn qua lý trí và ý chí vì công lý và bác ái, trong trật tự siêu nhiên cũng như trong trật tự tự nhiên.
Trong cuộc khủng hoảng duy hiện đại của khoa hộ giáo Công Giáo vào đầu thế kỷ XX, Blondel đã dành nhiều thời gian để thu thập các ghi chép cho một cuốn hộ giáo phù hợp với quan niệm của ông về mối liên hệ giữa triết học và Kitô giáo. Nhưng việc này đã không đi đủ xa trong việc đáp ứng nhu cầu của ông muốn có một triết lý Kitô giáo minh nhiên hơn. Dự án cho một nền hộ giáo Kitô được quan niệm hẹp hơn dần dần trở thành một dự án cho một nền triết học Kitô giáo được quan niệm rộng hơn khi ông bắt đầu quan niệm nó trong phần thứ ba của Lá thư gửi Niên giám Triết học Kitô giáo năm 1896. Việc này cũng dẫn đến việc thu thập nhiều ghi chép khác sẽ tiếp tục trong toàn bộ sự nghiệp giảng dạy của ông, mà cuối cùng, ông dự định sắp xếp, không phải chỉ như một cuốn sách, mà như một loạt sách triết học hệ thống về Tư tưởng, Hữu thể và Hành động, tiếp theo là một loạt sách khác, tái khảo sát các điều khó hiểu của triết học này dưới ánh sáng các mầu nhiệm của Kitô giáo. Việc khám phá lại triết học của Thánh Augustinô về Kitô giáo vào năm 1930, một cố gắng đôi khi gây tranh cãi về triết học Kitô giáo diễn ra sau đó, đã đến đúng lúc để làm sống lại ý định này và để Bondel nhấn mạnh một lần nữa sự cần thiết phải có một triết học Công Giáo.
Thực thế, Blondel nghĩ rằng ông đã tìm thấy nơi Thánh Augustinô chính loại triết học mà ông đang mong muốn, một loại triết học đồng thời mang tính hệ thống và kiên quyết Công Giáo. Ông đã viết về tính thống nhất độc đáo và sức sống vĩnh viễn của nền triết học này, về sự phong phú không ngừng được đổi mới của nó, và những nguồn lực tiềm ẩn trong đó dành cho một nền triết học trẻ trung hóa tôn giáo. Ông phê phán các nhà triết sử như Etienne Gilson vì chỉ trình bày Thánh Augustinô như một người có đức tin, với kinh nghiệm tôn giáo sâu sắc của ngài, chứ không phải cũng như một triết gia, như thể triết học Kitô giáo không bắt đầu với Thánh Augustinô ở phương tây, trước khi Thánh Tôma và các hình thức của chủ nghĩa Tôma sau này đưa Aristốt vào đó. Ông đã tranh luận với Gilson vì đã chỉ đặt bên cạnh nhau phương pháp tôn giáo của học thuyết Augustinô và phương pháp triết học của chủ nghĩa Aristốt, như thể không có mối nối kết nào giữa hai phái trong điều ông sẵn lòng gọi là triết học Kitô giáo của thời Trung Cổ. Ông nhận thấy điều này là một sự thất bại trong việc hiểu cách mỗi bên cố gắng đem triết học và tôn giáo lại với nhau một cách tổng hợp, không những trong tư cách thần học gia, mà chính xác hơn trong tư cách các triết gia Kitô giáo, Thánh Tôma với ý tưởng mong muốn tự nhiên được nhìn thấy Thiên Chúa, Thánh Augustinô với ý tưởng về ơn soi sáng thần linh trong lý trí cũng như trong đức tin.
Ý tưởng cho rằng Thánh Tôma thực sự là một nhà triết học theo truyền thống Công Giáo phát xuất từ Thánh Augustinô đã được củng cố mạnh mẽ vào thời điểm Blondel viết những bài báo này, mặc dù ý tưởng của Thánh Augustinô về ước muốn tự nhiên đối với một điều siêu nhiên nào đó như việc được nhìn thấy Thiên Chúa ít được biết đến và hiếm khi được xem xét trong việc phân biệt giữa hai trật tự như không cân xứng và không đồng nhất với nhau. Blondel không gặp khó khăn gì trong việc chấp nhận ý tưởng không đồng nhất và không cân xứng này giữa trật tự tự nhiên và trật tự siêu nhiên. Thực thế, ông đã nhấn mạnh điều đó rất nhiều trong triết lý của ông về siêu nhiên như không thể tự nhiên hóa được, nhưng không phải theo cách giữa chúng tách biệt với nhau như thể một bức tường không thể xuyên thủng từ hai phía. Blondel nhấn mạnh việc cho thấy Thánh Augustinô mang tính triết học và có hệ thống ra sao trong cuộc tìm kiếm từng dẫn ngài từ thế giới tới linh hồn ngài, và từ linh hồn ngài tới Thiên Chúa như ánh sáng cho trí hiểu của ngài và như đối tượng của ước muốn căn bản nhất của ngài, cho dù không có sự phân biệt chính thức nào giữa tự nhiên và siêu nhiên trong trí hiểu đó và trong ước muốn đó. Ông nhận ra nơi Thánh Augustinô một khuynh hướng ít suy nghĩ về những gì tự nhiên có thể tự mình làm, hoặc về những gì lý trí có thể đạt được nhờ ánh sáng của chính nó, mà không có ánh sáng siêu nhiên của đức tin và sức mạnh siêu nhiên của ân sủng. Nhưng tuy nhiên vẫn có một triết lý rõ ràng về sự soi sáng từ chính sự thật và khát vọng không thôi của con người đối với thể thần linh như siêu việt và siêu nhiên, từ đó người ta có thể dẫn khởi ý tưởng về một hồng phúc siêu nhiên được thêm vào tự nhiên, và một nền triết học về trải nghiệm con người tiếp theo việc chấp nhận một hồng phúc như vậy, một nền triết học không phải về chính sự sống thần linh, điều mà chỉ Thiên Chúa mới có và là điều ở khắp mọi nơi vẫn luôn bất cân xứng với lý trí và ý chí của con người, nhưng về ảnh hưởng của sự sống thần linh này có thể có trong đời sống con người, khi chân lý của nó được tự do chấp nhận và công nhận trong tinh thần của người ta, một nền triết học mà Thánh Augustinô có thể nói tới như “phổ quát và Công Giáo” liên quan tới bất cứ cá nhân hữu lý nào biết quan tâm đến vận mệnh và tìm kiếm sự yên nghỉ trong Thiên Chúa.
Đối với Blondel, đây là loại triết học mà ông đã bắt đầu đề cập đến như một “tiến bộ tôn giáo của tư tưởng triết học trong tính toàn bộ của nó và tiến bộ nhân bản về ý thức tôn giáo hoặc về sự hiểu biết Kitô giáo” trong lá thư phương pháp luận năm 1896. Đó là một triết học vẫn đang thành hình trong suy nghĩ của ông, nhưng là một triết học phải được coi là Công Giáo từ trong ra ngoài, chứ không phải chỉ là một sự áp đặt từ ngoài vào bên trong. Vẫn có những triết gia vào thời điểm đó không chấp nhận bất cứ ý tưởng nào về một Triết học Công Giáo y như họ không chấp nhận ý tưởng về một nền toán học Công Giáo hoặc vật lý học Công Giáo. Đối với họ, Blondel đã phải lập luận ủng hộ một quan niệm rộng rãi về triết học và khoa học hơn những gì ông đã làm trước đó trong sự nghiệp triết học của mình, bằng cách chứng minh sự cần thiết phải có một triết lý về hành động, hoặc phải có điều ông gọi là khoa học thực hành, và sau đó chứng minh sự cần thiết lý trí phải tìm hiểu sâu xa hơn những gì nó có thể quan niệm trong hiện tượng hành động, giống như Thánh Augustinô đã làm trong việc đi ab Exterioribus ad interiora et ab inferioribus ad superiora [từ bên ngoài vào bên trong và từ thấp hèn lên cao trọng]. Điều còn bỏ ngỏ để tranh luận thêm giữa những người Công Giáo tự cho mình là triết gia là làm thế nào để quan niệm nhiệm vụ của triết học như một phần của ý thức Công Giáo nơi họ.
Một bên có những người cho rằng triết học như tự khép kín trong trật tự tự nhiên của riêng nó, tách biệt khỏi bất cứ trật tự tôn giáo nào, và không cần hay không tất yếu phải có sự trợ giúp siêu nhiên nào để đưa nó đến chỗ hoàn thiện như là hợp lý và tự nguyện. Nếu những người Công Giáo này chấp nhận ý tưởng triết học Kitô giáo cho thời Trung cổ, thì đó chỉ là một ý nghĩa lỏng lẻo và không xác định vốn không nói gì về việc một triết học thuần lý có thể kết hợp ra sao với một tôn giáo siêu nhiên để theo đuổi số phận đơn nhất của con người, hoặc về việc niềm tin vào các mầu nhiệm Kitô giáo có thể mang lại ánh sáng mới ra sao trong việc giải quyết những khó hiểu còn đó cho triết học khi nó đã đi xa hết mức có thể trong điều Blondel gọi là trật tự siêu tự nhiên [transnatural] của hiện sinh lịch sử. Điều Blondel thấy trong ý niệm triết học Kitô giáo của phái tân Tôma chỉ khác chủ nghĩa tương hợp [concordism] trừu tượng một chút, một điều không công bằng đối với cả lý trí trong trạng thái lịch sử của nó lẫn đức tin vào các mầu nhiệm lịch sử của Kitô giáo, giống như các phương pháp biện hộ Kitô giáo hiện đại trước đó đã thất bại, không làm được.
Về phần mình, Blondel không còn nói gì tới việc giải thích ra sao ý niệm triết học Kitô giáo như ông đã tìm thấy ở thời Trung cổ, ý niệm mà Gilson đã chấp nhận làm tên cho phái tân Tôma mà ông coi có tính triết học hoặc Aristốt nhiều hơn là tôn giáo hoặc Augustinô. Đúng hơn, Blondel lập luận cần phải có một nền triết học toàn diện hơn, một nền triết học biết thừa nhận sự thiếu sót của nó trong việc bàn đến vấn đề tôn giáo và số phận con người vốn đòi hỏi sự trợ giúp của một ánh sáng và ân sủng siêu nhiên nào đó, mà lý trí và ý chí con người sẽ phải chấp nhận hoặc bác bỏ, nhưng một cách tự do, để vượt qua bất cứ loại mê tín hay chủ nghĩa duy lý tự lấy mình làm trung tâm nào. Đây là triết học mà ông nghĩ đến vừa thuần lý vừa Công Giáo cùng một lúc theo nghĩa chặt chẽ của cả hai thuật ngữ, chứ không phải theo nghĩa phe phái, như các triết gia lo sợ khi họ nghe thuật ngữ Công Giáo, hoặc như người Công Giáo sợ khi họ nghe thuật ngữ thuần lý, nhưng theo nghĩa phổ quát phù hợp với lý trí trong tầm với cao nhất của nó trong hữu thể nhân bản và với mầu nhiệm của đạo Công Giáo tự biểu lộ chính nó và đến trợ giúp lý trí và ý chí tự do của con người.
Đây là nền triết học mà ông vẫn đang có ý định trình bầy trong các tác phẩm có hệ thống của mình như một bộ ba về Tư tưởng (22) Hữu thể (23) và Hành động (24), mỗi cuốn cho thấy một sự cởi mở có hệ thống đối với siêu việt và thần linh ở đỉnh cao nhất của chúng, tiếp theo là một bộ ba khác về Triết học và Tinh thần Kitô giáo (25) nhằm tái khảo sát các kết luận bí ẩn trong triết học của ông dưới ánh sáng các mầu nhiệm Kitô giáo. Trong tiêu đề tác phẩm cuối cùng của mình, ông bớt gay gắt về việc sử dụng thuật ngữ Công Giáo kết hợp chặt chẽ với thuật ngữ triết học, như ông đã làm trong cuộc tranh luận thập niên 1930 về triết học Kitô giáo, nhưng trong chính công trình đó, ông làm triết học như chỉ một người Công Giáo mới có thể làm, thăm dò các mầu nhiệm của đức tin Kitô giáo để làm sáng tỏ các điều khó hiểu của kiếp nhân sinh còn tồn đọng sau khi triết học đã đi hết đường đi của nó, hoặc sau khi lý trí đã tới tận cùng khả năng điều tra của nó. Đây là những công trình mà chúng ta vẫn còn rất nhiều điều để học hỏi trong tư cách các triết gia Công Giáo hay các người Công Giáo triết gia.
Ghi Chú
20 Lettre sur les exigences, 53
21 Như trên.
22 La Pensée, Tome I: La genèse de la pensée et les paliers des son ascension spontanée; Tome II: La responsabilité de la pensée et la possibilité de son achèvement [Tư tưởng, Tập I: Việc phát nguyên tư tưởng và các nấc tiến tự phát của nó. Tập II: Trách nhiệm của tư tưởng và khả thể thành tựu của nó] (Paris: Alcan, 1934).
23 L’Être et les êtres. Essai d’ontologie concrète et intégrale [Hữu thể và các hữu thể. Tiểu luận hữu thể học cụ thể và toàn diện] (Paris, Alcan, 1935).
24 Action, Tome I: Le problème des causes secondes et le pur agir [Hành động, Tập I: vấn đề các nguyên nhân đệ nhị và Hành động thuần túy] (Paris: Alcan, 1936); Tome II: L’Action humaine et les conditions de son aboutissement [Tập II: Hành động của con người và các điều kiện thành tựu của nó] (Paris: Alcan, 1936).
25 La Philosophie et l’esprit chrétien, Tome I: Autonomie essentielle et Connexion indéclinable [Triết học và Tinh thần Kitô giáo, Tập I: Tính tự chủ yếu tính và Mối Nối kết không thể chối từ] (Paris: Presses Universitaires de France, 1944); Tome II: Conditions de la symbiose seule normale et salutaire [Tập II: Các điều kiện Cộng sinh duy nhất bình thường và bổ ích] (Paris: Presses Universitaires de France, 1946). Tập III bị bỏ dở sau cái chết của Blondel năm 1949.
Kỳ sau: Một số trích đoạn từ các tác phẩm của Maurice Blondel