Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đức Thánh Cha tiếp Tổng Thống Pháp François Hollande

Chiều ngày 17-8-2016, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến Tổng thống Pháp Francois Hollande, đến viếng thăm với tư cách riêng và cám ơn ngài vì đã liên đới với nhân dân Pháp trong những vụ khủng bố mới đây.

Cùng đi với tổng thống có bộ trưởng nội vụ Bernard Cazeneuve và đại sứ Pháp cạnh Tòa Thánh, Ông Philippe Zeller. Cuộc hội kiến kéo dài 40 phút.

Tổng thống đã tặng ĐTC một đồ sứ ở Sèvres có in huy hiệu nước Pháp, và ĐTC tặng lại Tổng thống một pho tượng bằng đồng và bản thông điệp ”Laudato sì” về việc bảo vệ môi trường cùng với hai Tông huấn ”Niềm vui yêu thương” và ”Niềm vui Phúc Âm”.

Sau khi gặp ĐTC, Tổng thống Pháp và đoàn tùy tùng đã gặp ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí trước cuộc tiếp kiến của ĐTC, tổng thống Hollande nói rằng: ”Sau thử thách kinh khủng là vụ sát hại Cha Hamel, và sau vụ khủng bố ở Nice, ĐGH đã có những lời có sức an ủi lớn. Tất cả những lời được biểu lộ - kể cả những lời của các vị trách nhiệm Giáo Hội tại Pháp - đều rất quan trọng trong thời điểm này vì góp phần nhắc nhớ sự đoàn kết và gắn bó với nhau của Pháp, sự hòa giải cần được thực hiện và cả tình liên đới của toàn thế giới đối với nước Pháp, nạn nhân của những vụ khủng bố này”.

Tổng thống Pháp cũng đề cập đến các tín hữu Kitô ở Trung Đông và nói rằng: ”Chúng tôi là những người bảo vệ các Kitô hữu ở Trung Đông và ĐGH biết các tín hữu Kitô tại miền này đang góp phần vào sự quân bình trong vùng”.

Về cuộc khủng hoảng những người tị nạn, Tổng thống Hollande giải thích rằng cần phải đáp lại với một vũ trụ quan rõ ràng chứ không phải bằng sự sợ hãi, một thái độ bị lợi dụng”.

Trở lại vụ hai tên khủng bố người Bắc Phi đã sát hại cha Jacques Hamel ngày 20-7, Tổng thống Hollande khẳng định rằng ”các tín hữu Công Giáo Pháp bị thử thách vì cuộc khủng bố đó, nhưng toàn nước Pháp cũng bị tổn thương, và khi một nhà thờ bị đập, một LM bị ám sát, chính Cộng Hòa cũng bị xúc phạm, vì Cộng hòa phải bảo vệ.. Đó là đặc tính đời (laicità) của Nhà Nước. Đặc tính này phải bảo vệ tất cả các tôn giáo, phải bảo đảm tự do tin hoặc không tin.. Vì thế sứ điệp này về đặc tính đời không phải là một sứ điệp có thể làm tổn thương, nhưng là một sứ điệp có thể nối kết và hòa giải”