Học phụng vụ nơi người khác



Ta đang sống trong một thế giới đa nguyên. Dù gì, niềm tin ngay trong một gia đình đã không còn nhất thống như ngày trước. Người theo hệ phái này, kẻ theo hệ phái khác. Laurie Ziliak, một giảng sư thần học tại Đại Học St Mary ở Minnesota và là giám đốc phụng vụ tại Giáo Xứ St Mary ở Winona, Minnesota, tìm được nét tích cực trong tính đa nguyên này.

Em ông hiện được mệnh danh là Người Công Giáo cao chạy xa bay (fallen-away). Sau nhiều năm tìm tòi, anh đã kiếm được một mái nhà Giáo Hội tạm gọi là đem lại sự sống cho mình. Anh hiện là thành viên của một siêu nhà thờ (megachurch) tin lành thuộc một khu ngoại ô Chicago, nơi mỗi cuối tuần, người ta chào đón hơn 24,000 người thờ phượng. Nhà thờ này được thiết lập năm 1975 tại Willow Creek, nay cẫn còn được coi như mô thức của phong trào tin lành hiện đại.

Đối với gia đình Ziliak, việc người em của ông chọn lựa hệ phái chẳng phải là một bi kịch gì so với điều xẩy ra lúc người em gái của bà nội ông kết hôn với một người thuộc giáo phái Luthêrô vào thập niên 1940. Bà nội ông và các anh em bà không ai được phép tham dự lễ cưới của người em gái út và cũng không được liên lạc gì với cô ta. Với “Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội”, Công Đồng Vatican II đã mở cửa đối với những người ngoài Giáo Hội Công Giáo. Công Đồng này dạy rằng “Nhiều yếu tố thánh hóa và chân lý đã được tìm thấy ở bên ngoài biên giới hữu hình của Giáo Hội” (số 8). Ông nhớ như in niềm vui của bà nội khi nói tới cuộc trùng phùng với người em gái mình gần 40 sau lễ cưới của cô.

Thành thử việc người em ông tiếp nhận một truyền thống khác không tạo ra bất cứ thách thức nào như trước đây nữa. Chỉ có điều: mái nhà Giáo Hội mới của anh là mục tiêu của nhiều đàm tiếu và riễu cượt trong cộng đoàn Công Giáo buổi thiếu thời của ông. Họ chỉ trích nhà thờ này ở chỗ sử dụng ban nhạc rock và lối thờ phượng kiểu mua vui. Phải một thời gian lâu, người em của ông mới quen với lối thờ phượng này và không bao lâu đã có thể lên tiếng bênh vực nó.

Gia đình Ziliak muốn hỗ trợ anh ta, nên đôi lúc đã tham dự buổi phụng vụ tại nhà thờ Willow Creek vào chiều thứ Bẩy để sáng Chúa Nhật tham dự Thánh Lễ Công Giáo như thường lệ. Khi tham dự những buổi phụng vụ ấy, Ziliak cho hay ông tham dự bằng thái độ của một người chịu ảnh hưởng sâu xa của truyền thống Công Giáo suốt những năm qua. Ông thấy phụng vụ tại Willow Creek thiếu nghi thức, thiếu tính bí tích, và có nhiều dị biệt về thần học. Mà nét đáng lưu ý nhất là vị trí và cái hiểu cộng đoàn trong việc thờ phượng. Tại Willow Creek, người ta thiếu vắng nghi thức hoàn toàn. Không như truyền thống Công Giáo, ở đây thiếu hẳn cái hiểu chung hay thực hành nhất quán về việc lúc nào cộng đoàn đứng hay ngồi. Cấu trúc thờ phượng thay đổi rất nhiều từ tuần này qua tuần nọ. Dù nhiều người tụ họp tại đại thính đường, nhưng các lời cầu nguyện và âm nhạc lại tập chú vào mối liên hệ của cá nhân đối với Thiên Chúa. Khi tham dự loại phụng vụ này, Ziliak không khỏi có dịp suy nghĩ về bản chất hết sức cộng đoàn của phụng vụ Công Giáo.

Bất chấp các dị biệt lớn lao này, Ziliak càng ngày càng thưởng ngoạn các thực hành phụng vụ tại các siêu thánh đường như Willow Creek. Ông cho rằng dù không thay đổi truyền thống hay nền thần học của ta, người Công Giáo vẫn có thể học hỏi được nhiều từ các siêu thánh đường tin lành, nhất là liên quan tới việc thực hành phụng vụ.

Suy nghĩ lại việc tham dự

Những người Công Giáo chú ý tới phụng vụ hẳn biết rõ lời kêu gọi của “Hiến Chế Phụng Vụ Thánh” rằng “mọi tín hữu nên được hướng dẫn để tham dự trọn vẹn, có hiểu biết và tích cực vào các cử hành phụng vụ, một sự tham dự được chính bản chất của phụng vụ đòi hỏi” (số 14). Thực vậy, chúng ta không nên làm người quan sát, mà phải tham dự vào việc phụng thờ do chính phép rửa của ta đòi hỏi. Là “đỉnh cao” và là “nguồn suối” mọi sinh hoạt của Giáo Hội, phụng vụ là con đường trên đó “mọi người đến với nhau để ca ngợi Thiên Chúa” (số 10). Tham dự là điều chính yếu đối với mọi cử hành phụng vụ.

“Sing to the Lord: Music in Divine Worship” (Hãy Hát Mừng Chúa: Âm Nhạc Trong Việc Thờ Lạy Thiên Chúa), một văn kiện do Hội Đồng GM Hoa Kỳ ban hành năm 2007 giải thích thêm bản chất của việc tham dự này, bằng cách nhấn mạnh rằng nó phải có tính cả bề ngoài lẫn bề trong nữa. Dựa vào Chỉ Thị hậu Công Đồng về Âm Nhạc Trong Phụng Vụ, các giám mục Hoa Kỳ viết rằng tham dự bề trong bao gồm việc chăm chú lắng nghe để mọi người “kết hợp bề trong” với các hành động, các công bố hay âm nhạc hầu suy niệm về cõi thần linh. Như thế, tham dự bề trong thực tế là “lắng nghe bề trong” hay “thầm lặng suy niệm”.

Nhưng theo Ziliak, ta có nên hiểu việc tham dự bề trong hơi khác đi một chút chăng? Hãy để ý một cảnh đặc trưng tại Willow Creek. Đại thính đường đầy ắp hàng ngàn người. Nhiều người giơ tay lên không khí và lắc lư theo điệu nhạc, ngôn ngữ thân xác của họ rõ ràng muốn nói: họ đang cảm kích. Nhiều người khác ôm lưng người thân yêu một cách thân thiết như muốn nói đây là khoảnh khắc mạnh mẽ, đầy hiệp thông. Lại có những người ngồi yên tại chỗ, nhắm mắt, mất hút trong cầu nguyện. Sự tham dự bề trong quả là hiển hiện đối với con mắt trần và mang thật nhiều vóc dáng. Ziliak tự hỏi: người Công Giáo có nên được phép tham dự bề trong một cách đa dạng như thế chăng? Ít nhất thì cộng đoàn cũng nên được biểu lộ sự tham dự bề trong qua các chuyển động thân xác. Không gì chứng tỏ có sự biến đổi bề trong nhờ tham dự bằng việc chuyển động như một đáp ứng.

Theo Ziliak, ta cũng có thể học cách thế tham dự bề ngoài ở Willow Creek. Lấy thánh ca cổ truyền làm thí dụ. Lời lẽ của họ rất thích hợp với Tin Mừng và tùy mỗi Chúa Nhật, họ chọn các thánh ca thích ứng. Còn đệm cho cộng đoàn thì sao? Bằng dương cầm? Đàn organ? Hay kèn đồng? Có lẽ ta nên thử nghiệm một cách khác chăng, một ban nhạc như Ban Ngợi Khen (Praise Band) của Anh chẳng hạn? Ban nhạc này sử dụng các nhạc cụ hiện đại như guita điện, đàn trầm (bass), bàn phím (keyboard) và trống làm nhạc dẫn phụng vụ.

Một thánh ca cổ truyền được chuyển tải bởi Ban Nhạc Ngợi Khen kiểu trên là những khoảnh khắc cầu nguyện rất mạnh mẽ. Ban nhạc ấy duy trì nét tinh tuyền của thánh ca nhưng đem lại cho nó một âm thanh khác hẳn, tròn đầy hơn và hiện đại hơn. Dĩ nhiên, muốn thành công ta cần nhiều kỹ năng và tập luyện, nhưng nếu thực hiện đúng đắn, nó sẽ thực sự cổ vũ cho việc tham dự mà ta vốn cố gắng thực hiện cho bằng được hàng tuần. Tại Willow Creek, người ta hát một thánh ca Thệ Phản (“Take my life and let it be consecrated Lord to Thee...”) và cộng đoàn được yêu cầu hát một câu không có đàn đệm. Trong một đại thính đường với hàng ngàn tiếng ca, ta quả gặp được một thể hiện của việc “tham dự trọn vẹn, có ý thứ và tích cực”.

Âm nhạc hàng ngày

Âm nhạc hiện đại cũng được lồng vào các buổi phụng vụ tại Willow Creek. Sau một buổi phụng vụ, người em của Ziliak hỏi ông “anh hát ra sao bài Hosanna hôm nay?”. Ông trả lời: “phải một lúc lâu anh mới hát được, nhưng cuối cùng cũng hát được thôi”. Người em cho hay: “Tất cả mọi người chúng em đều hát được vì bài ấy luôn được hát trên đài phát thanh”.

Phải một lúc lâu Ziliak mới hát được vì giai điệu bài hát thuộc loại nhấn lệch (syncopated), với rất ít nốt dài. Giai điệu này gồm một loạt các nốt ngắn tới lui theo điệu nhạc jazz (off beats). Ấy thế nhưng cộng đoàn này hát với một giọng duy nhất rất khỏe. Rõ ràng họ thuộc lòng bài ca và sức mạnh tham dự của họ giúp gia đình Ziliak học được điệu nhạc và hát theo.

Cộng đoàn Công Giáo của Ziliak vẫn còn vật lộn với bài ca “My Soul Is Thirsting” của Steve Angrisano vì giai điệu quá nhấn lệch của nó. Cộng đoàn bỏ rơi giọng ca chính (cantor) bằng cách hát thẳng vào điệp khúc trong khi giọng ca chính cứ hát theo nhịp nguyên thủy; nên thay vì công bố Tin Mừng, họ tạo nên một khoảnh khắc bát nháo.

Ziliak, nhân dịp này, tự hỏi có đài phát thanh nào (Công Giáo, dĩ nhiên) chơi các bài hát của David Haas hay Marty Haugen không? Âm nhạc ta dùng trong phụng vụ có bao giờ được liên kết với cuộc sống hàng ngày hay không? Phải chăng ta chỉ hát chúng vào các Chúa Nhật? Trải nghiệm phụng vụ của ta sẽ khác xiết bao nếu nó trở thành một phần trong trải nghiệm hàng ngày của ta!

Mui vui hay cầu nguyện?

Môi trường vật lý của Willow Creek cũng giúp làm dễ một cách đầy ngạc nhiên việc tham dự phụng vụ. Nhà thờ gồm một thính đường (họ gọi như thế) mênh mông, có thể chứa hàng ngàn người. Trước và giữa thính đường là một khán đài lớn trên có các dụng cụ của ban nhạc rock và một bục giảng với nhiều “cảnh phông” khác ở phía sau, những cảnh phông này thay đổi định kỳ để phù hợp với ngày lễ. Một màn ảnh cao 25 feet được đặt chính giữa khán đài, hai bên có hai màn ảnh khác cùng cỡ, khiến ta nhớ tới khung cảnh một buổi hòa nhạc rock. Phía trên khán đài chính, đối diện với bancông có ghế ngồi, là bốn màn ảnh nhỏ hơn.
Khi người thờ phượng lục tục kéo nhau tới, các màn ảnh cho thấy hàng loạt các hình ảnh khác nhau thay đổi giữa các thông báo của cộng đoàn và các câu trích dẫn, hoặc từ Thánh Kinh hoặc từ các nguồn khác (Ziliak nhiều lần được thấy các câu trích dẫn lời Thánh Phanxicô Assidi), lập tức kéo chú ý của cộng đoàn và mời gọi người thờ phượng bước vào. Khi buổi phụng vụ bắt đầu, thì việc phát hình trực tiếp cũng bắt đầu, và dù ngồi ở đâu, người thờ phượng cũng cảm thấy mình ở giữa cuộc cử hành. Nét mặt của ban nhạc cũng như của các diễn giả đều rõ mồn một. Các màn ảnh vĩ đại giúp lôi kéo từng cá nhân và làm cho ngôi nhà thờ vĩ đại trở thành nơi thân mật ấm cúng.

Các màn ảnh cũng cung cấp thông tri giúp các người thờ phượng tham dự. Khi trực tiếp truyền hình ban nhạc sống người ta cũng truyền hình luôn lời ca, giúp mọi người cùng hát. Khi diễn giả trích dẫn một câu Thánh Kinh, bản văn Thánh Kinh có lời trích dẫn ấy xuất hiện trên màn ảnh, giúp cộng đoàn vừa nghe vừa thẩm thấu được bản văn. Không cần phải có những lời nhắc gây trở ngại về việc phải tìm bài hát ở chỗ nào. Không cần sách hát hay sách hướng dẫn thờ phượng nào để mà lần rở cả. Mọi sự đều có sẵn ở trước mặt cộng đoàn và các màn ảnh giúp làm dễ việc chuyển tiếp trơn tru giữa các phần khác nhau của buổi phụng vụ.
Hệ thống âm thanh cũng giúp làm dễ việc cầu nguyện. Lời và nhạc hết sức rõ ràng, nhưng không tràn ngập. Theo tài liệu quảng bá của Willow Creek, hệ thống âm thanh được “thiết kế để dội lại tiếng hát của cộng đoàn trong khi hấp thụ các âm thanh khác của hệ thống âm thanh, tạo nên một cách âm và một trải nghiệm thờ phượng tốt hơn”

Thoạt nhìn, siêu thánh đường giống như một nơi siêu giải trí, nhưng quả Willow Creek vừa có các lợi ích và khả thể của kỹ thuật học hiện đại vừa sử dụng được chúng cho các buổi cầu nguyện. Thay vì bác bỏ các cải tiến kỹ thuật, Willow Creek đã sử dụng các phương tiện hiện đại để làm dễ sinh hoạt và việc tham dự của cộng đoàn tụ họp. Người thờ phượng ở đó ít khi bị chia trí bởi các sự cố kỹ thuật.

Cộng đoàn Công Giáo có thể học hỏi kinh nghiệm thành công của nhiều siêu thánh đường. Bất cứ cộng đoàn nào thu hút được cả 24,000 người thờ phượng trong một cuối tuần mà thôi chắc chắn đã làm một việc đúng đắn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều dị biệt đáng kể về thần học và phụng vụ không thể không xét tới.

Các suy tư trên, dĩ nhiên, chỉ có giá trị đối với môi trường Tây Phương. Môi trường Á Châu có thể khiến ta phải đi tìm những bối cảnh khác để học hỏi. Dù sao, Giáo Hội vẫn đã dạy ta rằng trong các truyền thống tôn giáo khác, luôn có các hạt giống sự thiện, sự mỹ, sự chân mà ta có thể học hỏi được.

Làm chứng hơn là biện luận



Tiến sĩ Edward Mulholland, trên Zenit ngày 2 tháng Hai, 2014, có nhắc tới việc Michael Voris của Chương Trình Truyền Hình Giáo Hội Chiến Đấu, một chương trình phỏng vấn các thiếu niên tham dự Cuộc Diễn Hành Phò Sự Sống. Điều khiến Voris giật mình đến sửng sốt là khi khám phá ra: các thiếu niên này không thích quả quyết rằng Giáo Hội Công Giáo “cao hơn mọi tôn giáo khác”. Ông cho rằng các em làm thế vì sợ đụng chạm tới cảm quan người khác.

Theo Voris, một thái độ như thế chỉ đem lại thất bại cho việc Tân Phúc Âm Hóa, vì khi phúc âm hóa, thế nào người ta cũng phải nói ra một điều gì đó đụng tới cảm quan người khác như đồng tính luyến ái là một điều xấu xa hoặc sống chung với bạn trai hay bạn gái là “một điều xỉ nhục đối với Thiên Chúa”. Cố tìm ra một cách không xúc phạm để nói lên những điều như thế, tất ta phải thay đổi một cách có hại cho sứ điệp.

Voris cho rằng nếu không chịu nói một cách thẳng thắn, bạn chỉ là một người hèn nhát, tức chỉ biết quan tâm tới cảm quan của riêng mình, chứ không hẳn cảm quan người khác. Chỉ là vì bạn không muốn người khác nghĩ xấu về bạn mà thôi. Bạn thực sự không lo lắng gì tới việc “ngươi phải yêu người lân cận ngươi”. Ông kết luận: giới trẻ hiện nay chỉ học để biết vị kỷ và hoàn toàn chỉ biết bám lấy cảm quan của mình. Những kẻ hèn nhát thiếu suy nghĩ như thế đều vô dụng đối với Đạo Công Giáo, vốn là “tôn giáo của người có suy nghĩ”.

Ông nói với các thiếu niên trên đây rằng “Đây là thời gian để lớn lên, hãy để đồ chơi qua một bên”. Cuộc Diễn Hành Phò Sư Sống không phải là một cuộc đi du ngoạn ngoài trời mà là một sứ mệnh cứu vớt linh hồn người ta. “Hết phân nửa thiếu niên Công Giáo không có một chút ý niệm gì về việc làm người Công Giáo thực gì có nghĩa gì”.

Quả Voris có hơi nặng lời. Phần lớn thiếu niên Công Giáo có thể đang ngả về phía nền văn hóa vụ cảm quan kiểu phụ nữ. Nhưng theo tiến sĩ Mulholland, Voris hình như chỉ đúng về phía nhận ra vấn đề, chứ không hẳn đúng trong cách giải quyết. Ta có quyền tự hỏi: phải chăng ý muốn không xúc phạm tới người khác nhất thiết là hèn nhát dưới lốt khôn ngoan? Liệu có chăng một cách nào đó biện luận cho đức tin mà mạnh mẽ hơn ý muốn không xúc phạm hay không?

Trong luận điểm của Voris, ẩn hiện đâu đó là ý niệm cho rằng phúc âm hóa, ở một điểm nào đó, nhất thiết phải tiêu cực. Vì nhiên hậu, thế nào ta cũng phải lên án tác phong của người khác.

Nhưng một sự thật sâu sắc hơn là; Đức Tin của ta không bao giờ đòi hỏi một “lời không” mà lại không phải để phục vụ một “lời có” lớn hơn. Xét về mặt lý tưởng, điều tôi làm khi chia sẻ đức tin của mình không phải là biện luận về điều đúng hay điều sai. Điều tôi làm là làm chứng cho sự thành toàn, cho sự kiện này: sự sống trong Chúa Kitô đem lại hân hoan và thành toàn cho đời sống tôi. Và không có biện luận nào chống lại những sự kiện như thế. Câu “Giáo Hội nói đúng về ngừa thai, do đó, bạn sẽ phạm tội trọng khi chống lại giáo huấn ấy” kém lôi cuốn hơn câu “tuân theo giáo huấn của Giáo Hội về ngừa thai sẽ đem lại niềm vui và niềm thỏa mãn vô biên cho cuộc hôn nhân của tôi”.

Điều các thiếu niên cần làm không phải là thức dậy rồi mặc ngay lấy chiếc quần dài người lớn như Voris đề nghị. Không phải là tự tin vào việc hiểu biết những điều trong ngoài hay những cú gạt đỡ, né tránh của khoa hộ giáo. Điều các em, và những người Công Giáo nói chung, cần làm là sống thực, rồi làm chứng cho đức tin của mình một cách nào đó khiến những thành toàn thẳm sâu của mình tự hiển hiện thành những luận điểm hiện sinh.

Tiến sĩ Mulholland cho rằng kinh nghiệm bản thân ông cho thấy ý muốn không xúc phạm một ai đó thường không phát xuất từ sự hèn nhát, mà từ ý muốn giữ cho cuộc đàm thoại với họ được tiếp diễn, để xây dựng được mối liên hệ bản thân với người này. Nếu muốn lôi cuốn ai đó tới gần đức tin hơn, thì chính là mối liên hệ bản thân với Chúa Giêsu Kitô, chứ không phải là gì khác, là điều tôi cần phải dẫn họ vào. Điều này không phải là hèn nhát mà là tình bạn. Thắng được một linh hồn không giống như thắng được một cuộc tranh luận.

Có phải vì vậy mà ta nhẹ nhàng với tội lỗi chăng? Tiến Sĩ Mulholland không nghĩ thế. Mọi tội lỗi đều là kẻ thù của thành tòan bản thân, và mọi tội lỗi đều chặn đứng hạnh phúc mà Thiên Chúa muốn mọi người chúng ta được hưởng. Tình yêu cứng rắn (tough love) chỉ hũu hiệu khi người ta biết ta yêu họ. Điều này cần nhiều thời gian. Những lời “có”, tích cực, phải được thiết lập vững vàng trước khi đưa ra các lời “không”, tiêu cực.

Chúa Giêsu chưa bao giờ quở mắng Giuđa. Thậm chí, Người không bao giờ lột mặt nạ hắn. Người biết hắn đang bán đứng Người, nhưng Người vẫn tế vi thương yêu hắn đến nỗi các môn đệ khác không hay biết gì. Người giữ cho mối liên hệ cứ tiếp tục cho tới lúc kết thúc, khi Người để mình bị phản bội bằng một cái hôn.

Tiến sĩ nghĩ rằng điều còn tốt đẹp hơn nữa là để các thiếu niên sống cuộc sống đức tin của họ một cách thoải mái đến có thể thành thực nói, không phải từ một sách giáo khoa hộ giáo, rằng “tuân theo các giáo huấn của Giáo Hội đem lại cho tôi sự thỏa mãn đích thực, sâu sắc và bền lâu. Tôi muốn bạn cũng được hưởng một thỏa mãn như thế. Chúa Kitô và Giáo Hội chỉ muốn điều tốt nhất cho chúng ta, còn x, y hay z chỉ khóa kín con đường dẫn ta tới hạnh phúc. Mà dù bạn nghĩ bạn đang hạnh phúc đi chăng nữa, vẫn còn một bình diện thỏa mãn hết sức lạ lùng hơn nữa mà bạn chưa cảm nghiệm được”. Đây là một phương cách có tính thách thức hơn nhiều và đòi hỏi nhiều can đảm hơn là chỉ nói sự thật. Vì nó đòi ta phải sống Đức Tin đến có thể biến đổi được cuộc sống hàng ngày.

Thành thử Voris đúng khi chỉ trích các thiếu niên yếu ớt, nhưng không ai muốn họ dạn dĩ đến trở thành một thế hệ Công Giáo chủ trương rằng rao giảng chân lý bằng cách chỉ trích tác phong của người khác là cách phúc âm hóa duy nhất hoặc hay nhất.

Khi phúc âm hóa, ta luôn mong cho người khác được hạnh phúc bao nhiêu có thể. Đó là động cơ của ta. Nhưng, người ta không bao giờ chấp nhận một điều “không”, một điều tiêu cực, cho tới khi họ hiểu điều “có”, điều tích cực, mà vì nó bán mọi sự để mua lấy cũng đáng.

Phúc Âm hóa bằng tình yêu



Đài Phát Thanh Vatican thì thuật lại buổi yết kiến Đức Phanxicô của khoảng 8,000 thành viên của Neocatechumenal Way (Con Đường Tân Dự Tòng) trong những ngày vừa qua. Với những lời cầu nguyện và chúc lành sốt sắng, Đức Thánh Cha đã sai họ ra đi tới mọi quốc gia trên thế giới “để công bố và làm chứng cho Tin Mừng”. Ngài dặn dò họ: “trước hết, hãy hết sức quan tâm tới việc xây dựng và duy trì hiệp thông trong các Giáo Hội đặc thù nơi các con sẽ làm việc… Điều này có nghĩa phải lưu ý tới sinh hoạt của các Giáo Hội này, thăng tiến các phong phú của họ, chịu đựng các yếu đuối khi cần, và cùng tiến bước với họ, như một đàn chiên, dưới sự hướng dẫn của các mục tử địa phương…”

Thứ hai, “bất cứ các con đi đâu, cũng nên nghĩ rằng Chúa Thánh Thần luôn đi trước chúng ta… Dù là ở chỗ xa xôi nhất, trong các nền văn hóa đa dạng nhất, Thiên Chúa gieo vãi ở mọi nơi các hạt giống của Lời Người. Thành thử, điều cần là phải lưu tâm đặc biệt tới ngữ cảnh văn hóa trong đó các con sẽ làm việc…”

Thứ ba, “Cha khuyên các con hãy âu yếm chăm sóc cho nhau, nhất là đối với những người yếu ớt nhất… Thực hành đức nhẫn nại và lòng từ tâm là dấu chỉ sự trưởng thành trong đức tin”. Phải tôn trọng những người đi tìm các hình thức sống Kitô Giáo khác với các hình thức của tổ chức mình, miễn nó giúp họ lớn mạnh trong ơn gọi của Chúa.

Đức Thánh Cha kết luận bằng cách kêu gọi các thành viên của Con Đường Tân Dự Tòng rằng “Hãy phúc âm hóa bằng tình yêu, đem mọi người tới tình yêu Thiên Chúa. Hãy nói cho mọi người các con sẽ gặp trên đường sứ vụ rằng con người có ra sao Thiên Chúa vẫn yêu thương họ như vậy, dù họ có giới hạn, có lỗi lầm, có tội lỗi bao nhiêu. Chính vì thế, Thiên Chúa đã sai Con của Người xuống, để Người Con này gánh lấy hết các tội lỗi của ta trên vai. Hãy là các sứ giả, các chứng nhân của lòng tốt vô biên và lòng nhân hậu khôn tả của Chúa Cha”.