Đức Thánh Cha khuyến khích Năm Thánh đặc biệt của giáo phận Napôli

ROME, Thứ sáu 17 tháng 12, (Le Monde vu de Rome) - Đức Thánh Cha Benedict XVI nói tại Napôli: “Việc đào tạo và giảng dậy giáo lý cho thiếu niên và giới trẻ rất khẩn thiết.” Do đó Napôli có thể được cải biển bởi “hạt giống tốt của nước Trời.”

Muời năm sau Năm Thánh 2000, giáo phận Napôli cử hành một Năm Thánh đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Đức Tổng Giám Mục của họ là Đức Hồng Y Crescenzio Sepe: đây là một chương trình được Đức Thánh Cha Benedict XVI khuyến khích trong một lá thư ngày 14 tháng 12, 2010.

Đức Thánh Cha nhận định: “các mẫu gương tiêu cực và sai lạc có ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống gia đình và xã hội và đặc biệt trên các thế hệ mới”. Vì vậy ngài nhắc lại: “việc đào tạo và giảng dậy giáo lý cho thanh thiếu niên và giới trẻ rất khẩn thiết.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “họ bị phơi bầy trước những hiểm nguy của sự sai lạc.” Do đó, ngài tiếp: “phải đào tạo những người nam và người nữ về cá tính mạnh mẽ, đức tin vững vàng, và đời sống Kitô chân chính.”

Đức Thánh Cha nói với các phụ huynh và yêu cầu họ “dậy cho con cái biết Chúa Giêsu và sứ điệp của Người, ngay từ lúc còn thơ ấu, bằng những dấu chỉ và lời nói mà cộng đồng kitô giáo đã luôn luôn đề nghị và thực hành,” vì “tương lai tùy thuộc phần lớn vào sự thành công của việc đào tạo trọn vẹn này.”

Đức Thánh Cha nhắc đến chuyến tông du thăm viếng Napôli ngày 21 tháng 11, năm 2007 và sự đón tiếp nồng hậu của người dân Napôli.

Ngài nhấn mạnh: “sản nghiệp tôn giáo quý báu của họ (...) đòi hỏi phải có sự trung thành và can đảm của chứng nhân thật vững chãi,” và ngài nhắc đến “mùa hoa nở rộ của đức thánh thiện kitô giáo” nẩy sinh từ di sản này cũng đã đi sâu vào xã hội.

Ngài khuyến khích đức tin này phải “đích thực và kiên trì” nhưng ngài cũng đau lòng vì sự lan tràn của một “lối nhìn đời sống bị tục hóa” và sự “bộc phát của sự dữ” gây nguy hại cho xã hội dân sự, đang bị “chủ nghĩa cá nhân” tấn công.

Đối với Đức Thánh Cha Benedict XVI, các kitô hữu được “mời gọi để làm những người thợ cho chân lý và những chứng nhân anh hùng cho Phúc Âm,” vì “mỗi người đều có thể và phải phục vụ để cho các giá trị thiêng liêng và đạo lý được diễn tả bằng lối sống, và cung cấp một đóng góp nhằm xây dựng một xã hội công chính và huynh đệ hơn.”

Ngài đề nghị phải hoạt động “với sự linh ứng của quyền năng đến từ Thiên Chúa”, và “có những mối tương quan bác ái chính thực, được diễn tả bằng những hình thức cụ thể về tình tương thân tương trợ và phục vụ, để thể hiện những mẫu gương của đời sống khác hơn, khiến tất cả mọi người đều có thể noi theo, nhưng đồng thời cũng sáng lạng.”