BỞI VÌ THIÊN CHÚA CÓ THẬT:

16 câu hỏi, một câu trả lời

Một tài liệu dậy Giáo Lý hợp thời

Tác giả: Peter J. Kreeft

NXB Ignatius—San Francisco 2008

Trước khi đọc Chương Một trong cuốn sách của Peter Kreeft, thật là lý thú và thích hợp để ta dừng lại ở một bản tin rất mới liên hệ đến việc Giáo Hội quyết định cải tổ việc dậy và học môn triết trong các cơ sở đào tạo linh mục của Giáo Hội, Xin xem: “Tòa Thánh quyết định tăng cường việc học triết trước khi học thần học,” LM Trần Đức Anh OP, 3/23/2011, http://vietcatholic.net/News/Html/88576.htm, hoặc “Vatican: Priests Can't Skip Metaphysics -- Calls for More Philosophy Study at Ecclesiastical Institutions,” Zenit.org, 3/23/2011).

“Với trào lưu duy tương đối đang lan tràn khắp nơi, thì các linh mục và thần học gia cần học triết nhiều hơn nữa.” Đó là một trong những điểm chính của “Sắc lệnh Cải Tổ việc học Triết trong Giáo Hội,” mà Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã phê chuẩn ngày 28 tháng 1 năm 2011 vừa qua. Theo Sắc Lệnh này, để có thể đáp ứng được những nhu cầu đặt ra từ hoàn cảnh văn hóa-lịch sử đang biến đổi như hiện nay, khi mà lý trí con người bị đe dọa bởi chủ nghĩa duy lợi, duy hoài nghi, duy tương đối, khi người ta không còn tin tưởng ở khả năng của lý trí trong việc thấu hiểu sự thật về các vấn nạn cơ bản của đời sống con người, Giáo Hội đã tìm ra câu trả lời: cần phải cải tổ việc huấn luyện về triết học. Trước hết là phục hưng nền siêu hình học, tức là bộ môn triết học nhằm đặt ra các câu hỏi sâu xa nhất về con người. Dù với muôn vàn tiến bộ nhanh đến chóng mặt, khoa học và kỹ thuật vẫn không thỏa mãn được khát vọng con người về những câu hỏi tối hậu như: Tôi là ai? Định mệnh của tôi là gì? Đâu là hạnh phúc của đời tôi? Thế giới này có phải là kết quả của ngẫu nhiên không? Đại loại là những câu hỏi như thế. Ngày nay, hơn bao giờ hết, khoa học và kỹ thuật càng cần đến sự khôn ngoan, minh triết hơn. Và đó chính là “thiên chức nguyên thủy” của triết học, tức là truy tầm chân lý cũng như tìm hiểu cái chiều kích minh triết và siêu hình của nó. Kế đến là phải phục hồi khoa luận lý học, vốn là bộ môn cơ cấu hóa lý trí, cũng đang bị đe dọa “diệt chủng” bởi cơn khủng hoảng của nền văn hóa Kitô giáo hiện nay (vấn đề này sẽ được đề cập đến trong một dịp khác). Một vấn đề nữa là: không hề có mâu thuẫn giữa triết học và đức tin, bởi lẽ Kitô giáo giả định một sự hài hoà giữa Thiên Chúa và lý trí con người. Triết học luôn tìm kiếm sự hiểu biết toàn thể thực tại, mà tột đỉnh chính là tri thức về Nguyên Nhân Tiên Khởi của mọi sự, tức là Thiên Chúa. Trong cùng lúc, triết học còn minh chứng được mối tương quan hỗ tương nhịp nhàng giữa các lãnh vực tri thức khác nhau.

Với ý tưởng này, xin mời bạn đọc bắt đầu Chương Một trong tác phẩm: “Because God is real: 16 questions, one answer” của Peter Kreeft.


CHƯƠNG MỘT: TẠI SAO CÁC CÂU HỎI NÀY ĐÁNG ĐẶT RA?

1) Ta đang nói về các câu hỏi nào thế?

Mười sáu câu hỏi chúng ta sắp bàn tới không phải là những câu hỏi tầm thường, tỉ như “Chương trình truyền hình tối nay có gì vậy?” hoặc “Ai là đương kim Tổng Thống Pháp?” Mười sáu câu hỏi này quan trọng hơn hết, tỉ như “Tại sao tôi hiện hữu?” hoặc “Tại sao ta phải chết?” và “Tại sao ta không có hạnh phúc?”

2) Điều gì khiến cho một câu hỏi trở thành quan trọng?

Câu hỏi “Số 2,222,222 chia cho 3.3 thì được bao nhiêu?” chẳng hề quan trọng gì cả. “Anh ta hoặc cô ta yêu tôi bao nhiêu?” chính là một câu hỏi quan trọng. “Ai viết tiểu thuyết ‘Nhà Tôi?’ chẳng hề là một câu hỏi quan trọng. Thế nhưng câu hỏi “Nhà tôi bị cháy phải không?” mới thực là quan trọng. “Khi mặt trời đứt bóng thì nó thế nào?” chẳng hề là một câu hỏi quan trọng, cho dù đây là một câu hỏi lý thú. Câu hỏi “Khi tôi chết thì điều gì xẩy ra?” mới thực là câu hỏi quan trọng. Như thế, điều gì khiến cho một câu hỏi trở thành quan trọng? Câu hỏi quan trọng là câu hỏi đụng chạm đến toàn thể con người bạn, khiến gây ra một điều khác lạ cho toàn thể đời bạn. Các câu hỏi về tôn giáo đem lại một điều khác lạ cho toàn thể cuộc đời bạn. Trả lời các câu hỏi đó, bằng cách này hay cách khác, đều làm cho toàn thể cuộc đời bạn thực sự khác lạ. Thử lấy một thí dụ: Có thể nào Chúa Giêsu vừa hoàn toàn là người, lại vừa hoàn toàn là Thiên Chúa được không? Dường như câu hỏi này chẳng có chút quan hệ nào cả, nhưng thực ra nó rất quan trọng, bởi lẽ nếu Chúa Giêsu không vừa hoàn toàn là người, lại cũng không hoàn toàn là Thiên Chúa cùng một trật thì (a) hoặc Ngài chỉ là một con người toàn bích nhưng không phải là Thiên Chúa, hoặc (b) Ngài chỉ là một Thiên Chúa chứ không là một con người thực sự.

Nếu (a) đúng: Ngài chỉ là một con người, thì Ngài không bao giờ có thể tha tội chúng ta được. Ngài không hề là vị Cứu Tinh giải thoát ta khỏi vòng tội lụy. Ngài không thể sống lại từ cõi chết và làm cho ta sống lại trong ngày sau hết được. Ngài không thể kết hợp ta với Thiên Chúa và đưa ta về thiên đàng được. Chẳng người phàm nào có thể làm được những điều như thế.

Còn nếu (b) đúng: Ngài không hoàn toàn là một con người, Ngài chỉ có vẻ bề ngoài là một con người thôi, thì Ngài làm gì có thể lớn lên, thấy mệt mỏi, đau đớn, và tuyệt vọng như ta được; Ngài không thể thấu cảm nỗi đớn đau và yếu đuối của ta được. Thiên Chúa chưa hề là một trẻ sơ sinh, chưa hề có một người mẹ, chưa hề là một người thanh niên, chưa hề phải làm thợ mộc để kiếm sống. Ngài cũng chưa hề đói khát, mệt nhọc, cô đơn, hờn giận, và tuyệt vọng. Ngài chưa hề đau khổ và chết đi.

Nếu như một trong hai thứ “lạc giáo” kể trên là đúng--nếu Chúa Giêsu không hoàn toàn là Chúa, hoặc nếu Ngài không hoàn toàn là người—thì ta hết hy vọng được về thiên đàng. Tưởng không còn điều gì có thể đem cho cuộc đời ta sự khác lạ nào lớn lao hơn thế được nữa.

Thêm một thí dụ nữa về một câu hỏi quan trọng mà thoạt tiên chẳng có gì xem ra là quan trọng cả. Bí tích truyền chức thánh Linh Mục là gì? Câu hỏi này xem ra chẳng thú vị cũng chẳng quan trọng gì cả, ngoại trừ trường hợp bạn đang có ý định trở thành một linh mục. Tuy nhiên, nếu bí tích truyền chức không phải đúng như những điều Giáo hội dậy, thì nó không hề ban cho linh mục cái thực quyền để tha thứ tội lỗi chúng ta trong toà cáo giải, cũng như cái thực quyền hiến thánh bánh miến và rượu nho hầu biến thành Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô trong bí tích Thánh Thể. Để rồi trong toà cáo giải, linh mục không hề có năng quyền tha thứ tội lỗi chúng ta, cũng như trong Thánh Lễ, ta không hề lãnh nhận chính Chúa Giêsu vào lòng, bởi lý do đơn giản là linh mục không hề có năng quyền biến đổi bánh miến và rượu nho trở thành Mình và Máu Thánh Ngài.

Xem thế, ta thấy câu hỏi thực sự đem lại cho cuộc đời ta một khác biệt lớn. Bởi vì sự khác biệt giữa tội lỗi được tha và tội lỗi không được tha thật là một khác biệt vô cùng lớn lao, cũng như sự khác biệt giữa tấm bánh miến và Chúa Giêsu Kitô là một khác biệt vô hạn.

Câu hỏi tôn giáo thì quan trọng bởi lẽ nó đem đến cho ta một điều khác lạ.

3) Tại sao các câu hỏi lại quý hóa thế?

Trước hết, bởi vì chúng mang tính cách con người. Bản chất con người là thắc mắc. Thiên Chúa không hề thắc mắc, bởi lẽ Ngài hiểu biết mọi sự. Thiên thần cũng chẳng biết thắc mắc theo kiểu con người, bởi vì các vị ấy hiểu biết qua một thứ viễn cảm tâm linh nối kết giữa các vị với nhau và với Thiên Chúa. Loài vật cũng chẳng thắc mắc bởi vì chúng không có ngôn ngữ (mặc dù có loài vẫn có tính tọc mạch như chó, mèo, khỉ). Kế đến, các câu hỏi thì qúy hóa bởi vì đó chính là phương cách tốt nhất để học hỏi. Thắc mắc là dấu chỉ cho thấy trí óc bạn đang đói. Nếu bụng không đói, bạn sẽ chẳng muốn ăn; và nếu không ăn, bạn không thể tăng triển được. Nếu trí óc bạn không đói--nếu bạn không thắc mắc hoặc không ham hiểu biết—thì bạn không hề đặt câu hỏi; mà nếu đã không đặt câu hỏi, bạn sẽ không tìm được chân lý—và thế có nghĩa là tâm trí bạn chẳng hề tăng triển. Chân lý chẳng khác gì thức ăn cho tâm trí bạn. Càng đam mê tìm hiểu, bạn càng dễ tìm ra chân lý. Như lời Chúa Giêsu phán: “Hãy tìm sẽ thấy” (Mt 7:7). Chẳng có gì vô nghĩa hơn là một câu trả lời cho một câu hỏi mà bạn chẳng hề thắc mắc và cũng chẳng quan tâm. Kế nữa, Thiên Chúa muốn bạn đặt câu hỏi. Ngài đã dựng nên bạn như thế mà. Chúa Giêsu chẳng hề làm thất vọng những ai đặt câu hỏi cho Ngài. Các môn đệ của Chúa đã có những câu hỏi thật ngớ ngẩn. Nhưng hỏi ngớ ngẩn cũng là một cách học hỏi rất tốt.

4) Thế có nên thắc mắc về niềm tin của ta chăng?

Nên lắm chứ!Nếu thắc mắc mang tính thành thật, lương hảo và có động lực là lòng ham hiểu biết sự thật, chứ không phải do sự khoa trương hay giỡn chơi. Thánh Phaolô nói: “Hãy thử hết mọi sự, hãy nắm chặt lấy điều tốt hảo” (1Thess 5:21). Làm sao bạn biết được một điều tốt hảo nếu bạn không thử, hoặc không thắc mắc về nó? Thắc mắc càng sâu xa và càng lương hảo, câu trả lời sẽ càng dễ được đón nhận. Nhưng giả như bạn chỉ muốn thắc mắc mà không thích câu trả lời, thì có lẽ bạn chưa thật sự lương hảo khi đặt câu hỏi. Hỏi tức là bảo rằng: “Tôi muốn có câu trả lời.” Thích hỏi hơn là trả lời chẳng khác gì thích đói hơn là ăn. G.K. Chesterton nói: “một tâm trí mở rộng thì giống như một cái miệng đang há hốc: há hốc để có thể nhận được một cái gì cho chắc dạ.”

5) Tập sách này có 16 câu hỏi cả thẩy, mỗi câu lại bao gồm 10 câu hỏi nữa. Như thế vị chi là 160 câu hỏi. Có nhiều quá chăng?

Không nhiều đâu! Thực ra phải nói là ít mới đúng. Bởi đây là những câu hỏi quan trọng, những câu hỏi có thật.

6) Nếu tôi không phải là một nhà trí thức thì sao? Bởi đâu phải ai cũng thích thắc mắc như các triết gia và giáo sư đại học!

Có ba câu trả lời cho vấn nạn này: (a) Không cần phải là trí thức thì mới thắc mắc. Chỉ cần là một con người cũng đủ rồi. Chẳng cần phải có chỉ số thông minh cao mới hiểu các câu hỏi. Chỉ cần có một tâm trí của một con người là đủ. Và mỗi người chúng ta đều có một tâm trí như thế. (b) Đây không phải là câu hỏi về các ý tưởng, mà là về các sự có thật, tỉ như Thiên Chúa, cái chết, và sự khác biết giữa thiện và ác. (c) Các câu hỏi này không phải chỉ là câu hỏi thuần túy. Đây là một cuộc tìm kiếm, một hành trình khám phá cá nhân. Bạn sẽ thành công trong cuộc tìm kiếm này, không chỉ bằng trí thông minh, mà còn hơn thế nữa, bằng sở hữu hai thứ còn quan trọng hơn trí thông minh nữa, đó là sự lương hảo và can đảm.

7) Khi nói về hỏi và trả lời, liệu ta có giả định một sự thật khách quan ở ngoài kia, cùng là một cho hết mọi người, và nếu không đồng ý với sự thật ấy, thì ý kiến của bạn không chỉ khác biệt mà còn sai lạc nữa chăng? Ý bạn muốn nói rằng tôn giáo như thế thì cũng chẳng khác gì khoa học phải không? Điều đúng với bạn thì cũng phải đúng với tôi, bởi lẽ tôn giáo thì liên quan đến điều chân thật tuyệt đối, dù thích hay không? Như thế bạn muốn bảo rằng Thiên Chúa có thật một cách khách quan y như tảng đá kia, cho dù bạn không thể thấy được Ngài, hoặc không thể lấy phương pháp khoa học để chứng minh Ngài được?

Đúng thế. Bạn phải giả định chân lý khách quan cho dù là để phủ nhận chân lý khách quan. Khi khẳng định: “Không hề có chân lý khách quan!” thì liệu khẳng định này có đúng một cách khách quan chăng? Nếu bạn nói: “Điều này chỉ đúng với tôi mà thôi!” thì liệu tất nhiên phải có chân-lý-cho-riêng-bạn chăng?

8) Làm sao lại có một--chỉ một mà thôi—câu trả lời đúng cho tất cả 16 câu hỏi này? Bởi vì chỉ có một Thiên Chúa chân thật mà thôi. Bạn thấy chưa? Câu hỏi càng lớn, thì câu trả lời càng gần gũi với Thiên Chúa, Ngài là thực tại lớn nhất. Mười sáu câu hỏi này là nhóm các câu hỏi lớn nhất bạn có thể hỏi, và câu trả lời duy nhất có một tầm mức đủ lớn để đáp lại: đó chính là Thiên Chúa vậy.

9) Khi bảo rằng Thiên Chúa “có thực”, thì điều đó có nghĩa là gì?

Có nghĩa là Thiên Chúa thực sự hiện hữu, Ngài không hề nói láo, chẳng là huyền thoại hay mộng mơ, cũng chẳng phải chuyện thần tiên, Ngài đang thực sự có đó, ở ngoài kia, trong thực tế khách quan; Ngài hiện diện thực sư y như là mặt trời có đó, và mẹ tôi có đó. Phần nhiều, ai cũng tin rằng Thiên Chúa hiện hữu. Với một số người, Ngài có thực nhiều hơn; đối với một số khác, Ngài có thực ít hơn. Điều này cho thấy ý nghĩa thứ hai của từ ngữ “có thực.” Với một số người, Thiên Chúa giống như mặt trăng: Ngài ở đó, chứ không ở đây. Ngài hiện hữu, nhưng chẳng hiện diện trong đời họ. Một đôi lúc, họ thấy Ngài, y như họ nhìn thấy mặt trăng một lần nào đó, nhưng thường xuyên thì Ngài chẳng làm họ thay đổi gì cả. Cho dù không tin Ngài, đời họ cũng chẳng thay đổi gì hết. Tuy nhiên, với một số người khác, Thiên Chúa giống như người bạn thân thiết, như người mẹ hiền. Ngài làm thay đổi hết mọi sự. Nếu ngưng tin Ngài, thì tất cả mọi sự đều thay đổi hết. Cứ y như cha chết, mẹ qua đời. Họ sẽ thấy mồ côi hoang vắng. Và đó chính là ý nghĩa thứ hai của “có thực.” Điều có thực không phải chỉ thực sự hiện hữu, mà còn phải làm thay đổi đời bạn mới được. Ta cứ gọi nó là “có thực một cách cá vị.” Còn một ý nghĩa thứ ba nữa của “có thực.” Điều có thực thì phải là chân chính, đích thực, chứ không giả dối—như tiền thật so với tiền giả vậy. Với một số người, ta bảo rằng họ “chân tình.” Còn với một số khác, ta bảo rằng họ giả dối, không đáng tin, không thể nhờ cậy được. Thiên Chúa “có thực” theo cả ba ý nghĩa vừa nói. Trước hết, Ngài có đó. Ngài thực sự hiện hữu. Ngài “có thực một cách khách quan.” Kế đến, Ngài hiện diện với ta, trong đời ta. Ngài làm thay đổi đời ta. Ngài “có thực một cách cá vị.” Sau cùng, Ngài chân thực; Ngài hoàn toàn chân chính và cậy nhờ được. Ngài chính là “cái có thực.”

10) Như vậy, Thiên Chúa là gì?

Tất cả mọi người Kitô hữu, Công Giáo Rôma, Chính Thống Đông Phương, Anh Giáo cũng như Tin Lành đều hiểu “Thiên Chúa” như sau: (a) Một hữu thể có thực một cách khách quan; Ngài thực sự hiện hữu. (b) Tạo Hóa: Thiên Chúa tạo dựng toàn thể vũ trụ. Với con người chúng ta, khi kiến tạo một cái gì đó, tỉ như các phát minh, kịch bản hay nhạc hoà tấu, ta luôn dùng một cái gì đã có sẵn để tạo ra cái mới. Hai anh em dòng họ Wright đã dùng kim loại và gỗ để chế tạo chiếc máy bay đầu tiên. Shakespeare viết kịch bản Macbeth bằng cách dùng các từ ngữ và những truyện cổ tích xưa. Beethoven thì dùng âm thanh tạo ra các bản hoà tấu của ông. (Cả khi đã bị mất thính giác, ông vẫn nghe được âm thanh trong trí mình.) Nhưng Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ từ hư vô. Ngài không cần đến bất cứ một cái gì. Trước khi tạo dựng vũ trụ, tuyệt nhiên không hề có bất cứ một vật gì, ngoại trừ một mình Thiên Chúa. (c) Một hữu thể toàn năng: Vì tạo dựng vũ trụ từ hư vô, cho nên Thiên Chúa buộc phải là “toàn năng.” Ngài quyền năng vô hạn; nói cách khác, không gì có thể giới hạn quyền năng của Ngài. Ngài có khả năng làm bất cứ điều gì. (Thế Ngài có thể tạo được một viên đá thật lớn đến độ chính Ngài cũng không nhấc nổi? Hẳn là không, bởi vì một viên đá lớn đến độ một quyền năng vô hạn cũng không nhấc được thì chẳng có nghĩa lý gì. Ngài có thể làm phép lạ, nhưng không thể tạo ra điều vô nghĩa.) (d) Một tinh thần thuần linh, không hề pha chút vật chất nào. Bất cứ cái gì do vật chất tạo thành thì bị giới hạn bởi không gian, thời gian, và quyền lực. Nhưng Thiên Chúa không hề bị giới hạn bởi bất cứ điều gì. Vật chất không thể hiểu biết và yêu thương. Chỉ tinh thần mới làm được điều đó. Hiểu biết và yêu thương là hai động tác của tinh thần, là hai điều chỉ tinh thần mới làm được. Thiên Chúa, thiên thần, và con người là tinh thần. Thiên Chúa là tinh thần vô biên không hề pha trộn vật chất. Thiên thần là tinh thần hữu hạn không pha trộn vật chất. Còn con người là tinh thần hữu hạn có pha trộn vật chất, mang thân xác vật chất. (e) Một hữu thể toàn tri. Thiên Chúa là tinh thần, mà tinh thần thì hiểu biết, nên Thiên Chúa là đấng hiểu biết. Mà vì Thiên Chúa quyền năng vô hạn, cho nên sự hiểu biết của Ngài cũng vô cùng. Thiên Chúa biết hết mọi sự. Ngài là đấng toàn tri. Ngài biết đến từng sợi tóc trên đầu chúng ta (Mt 10:30). (f) Một hữu thể chỉ biết yêu thương. Thiên Chúa yêu thương những gì đáng yêu, những gì thiện hảo. Ngài yêu thương từng hạt cát, từng nhánh cỏ, và hẳn nhiên mỗi người chúng ta đây. Vì Ngài tạo dựng tất cả mọi loài, nên Ngài cũng yêu thương mọi loài Ngài đã dựng nên. Khi nói Thiên Chúa tạo dựng “từ hư vô,” ta muốn nói là “không hề từ bất kỳ một thứ gì,” chứ không phải là “không hề có một động lực nào.” Bởi tình yêu chính là động lực của Ngài. (g) Môt hữu thể có ý chí. Vì yêu ta, Thiên Chúa muốn điều thiện hảo cho ta. Vì lý do đó, Ngài ban cho ta mười giới răn. Đó là con đường dẫn ta đến nguồn thiện hảo và nguồn hạnh phúc. (h) Một Thiên Chúa Tam Vị. “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Jn 4:8). Thiên Chúa không chỉ là một người biết yêu thương; Thiên Chúa là chính nguồn yêu thưong. Điều này bao hàm: (1) người yêu, (2) người được yêu, (3) hành vi yêu thương chảy trôi giữa người yêu và người được yêu. Nơi Thiên Chúa, (1) chính là Chúa Cha, (2) là Chúa Con, và (3) là Chúa Thánh Thần, một Thiên Chúa trong Ba Ngôi, tạo nên tình yêu tròn đầy. Đây là giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi. Chỉ có một Thiên Chúa, chứ không phải ba, nhưng Thiên Chúa duy nhất này lại có Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Các ngài không hề là ba phần của Thiên Chúa; cả ba đều hoàn toàn là Thiên Chúa. Thiên Chúa không thể chia cắt làm ba phần được. Thật ra, đoạn văn vừa kể chính là đoạn văn khó nhất và mầu nhiệm nhất của toàn cuốn sách. Đương nhiên là thế! Bởi lẽ cái chân lý mà đoạn văn này dậy ta chính là chân lý khó nhất và mầu nhiệm nhất trong mọi tri thức của loài người. Ta không bao giờ có thể tự mình khám phá ra được; chính Thiên Chúa đã mạc khải cho ta. (Thánh Kinh chính là câu chuyện Thiên Chúa mạc khải từ từ về chính mình cho ta). (i) Một Ngôi Vị. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, cả ba đều là Ngôi Vị. Chỉ có một Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa duy nhất lại có ba Ngôi. Khi Chúa Cha tỏ danh thánh Ngài cho Môisê, trong bụi gai cháy đỏ (xem Xuất Hành 3), Ngài nói: “Ta là Đấng Hiện Hữu.” “Ta” ám chỉ một ngôi vị. Chỉ có một ngôi vị mới có thể nói “Ta.” Có ba loại ngôi vị: thần linh, thiên thần và loài người. Thiên Chúa dựng nên ta giống hình ảnh Ngài, có nghĩa là chính chúng ta, giống như Thiên Chúa, có thể nói về “Ta,” điều mà loài vật không thể làm được. (j) Một hữu thể mạc khải chính mình. Thiên Chúa mạc khải chính mình cho ta thì ta mới có thể biết được Ngài, đó là lý do tại sao việc “Thiên Chúa tự mạc khải” lại cần thiết. Khi muốn biết một điều gì kém cỏi hơn ta, ta phải làm hầu hết mọi việc. Cục đá chẳng làm gì hết, ngoại trừ nằm đó; cái cây chẳng cần làm gì cả ngoại trừ lớn lên; còn con vật thì sẽ chạy vòng vòng, chứ đâu có nói năng gì với bạn đâu. Khi muốn biết điều gì ngang tầm với mình, như một người khác chẳng hạn, cả hai bên đều phải tích cực và đối thoại với nhau. Khi muốn hiểu biết Chúa, là đấng lớn lao hơn ta vô cùng, thì Ngài phải đi tiên phong và mạc khải chính mình cho ta. Đó là lý do của việc Thiên Chúa mạc khải. Chỉ người lớn mới dậy cho trẻ sơ sinh, chứ trẻ sơ sinh thì đâu có dậy cho người lớn. Cũng thế, chỉ Thiên Chúa mới dậy dỗ con người, chứ con người đâu có dậy dỗ Thiên Chúa. Đây cũng là lý do cho thấy ta biết câu trả lời cho câu hỏi “Thiên Chúa là gì?” đúng là một câu trả lời chân thật: bởi lẽ đó không phải là câu trả lời của ta mà là của Chúa. Thiên Chúa mạc khải chính Ngài, và Thiên Chúa không hề nói dối; Ngài không bao giờ lừa dối ai và chẳng ai lừa dối Ngài được. (k) Tại sao Thiên Chúa lại mạc khải chính mình? Thưa là để thiết lập mối tương giao với ta. Từ ngữ “tôn giáo,” tự căn bản, có nghĩa là “mối tương giao.” Tôn giáo chân thực chính là một mối giao tình với Thiên Chúa. (l) Thiên Chúa đã mạc khải chính mình như thế nào? Câu trả lời nằm trong câu truyện về Thánh Kinh, mà cao điểm chính là Chúa Kitô và Hội Thánh mà Người sáng lập. Ta sẽ khai triển chi tiết hơn về mạc khải trong các chương sách kế tiếp.

Lễ Truyền Tin

03/25/11