Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi sứ điệp: Chớ gì lòng bác ái và bất bạo động sẽ dẫn dắt thế giới!

Thanh Quảng sdb - (Tin Vatican - Edoardo Giribaldi)


Khi Đức Hồng Y Robert McElroy và Charles Bo khánh thành Viện Công Giáo “Bình An của Chúa Kitô” (Pax Christi) về bất bạo động tại Rome, Đức Giáo Phanxicô đã gửi lời ủng hộ và kêu gọi lòng bác ái và bất bạo động sẽ dẫn dắt thế giới.

“Bất bạo động chủ động không có nghĩa là thụ động. Đó là phương pháp hiệu quả để đối đầu với cái ác tồn tại trên thế giới của chúng ta, vì nó thường gây ra xung đột.”

Đức Hồng Y Charles Maung Bo, Tổng giám mục Yangon, Myanmar, và Đức Hồng Y Robert McElroy, Tổng Giám mục San Diego, đã tham dự lễ khánh thành Viện Công Giáo về Bất bạo động mới, do Pax Christi International thành lập, một phong trào thúc đẩy hòa bình, bao gồm 120 tổ chức trên khắp thế giới.

Viện có trụ sở tại Rome sẽ dành riêng để thúc đẩy bất bạo động như một giáo lý cốt lõi của Giáo Hội Công Giáo, bắt đầu sứ mệnh giúp nghiên cứu, nguồn lực và trải nghiệm về bất bạo động, dễ tiếp cận hơn đối với cả các nhà lãnh đạo Giáo hội và các tổ chức toàn cầu.

Sự kiện được tổ chức tại “Istituto Maria Santissima Bambina” ở Rome, và có sự hiện diện của Sơ Teresia Wachira, từ Học Viện Đức Trinh Nữ Maria, cũng là tác giả và nhà nghiên cứu nổi tiếng Tiến sĩ Maria Stephan, người điều phối sự kiện và cuộc hội thảo.

Bất bạo động là nền tảng của Giáo hội

Trong một cu
ộc phỏng vấn với đài Vatican trước sự kiện, Đức Hồng Y McElroy đã nhấn mạnh đến khó khăn trong việc chia sẻ lý tưởng bất bạo động trong bối cảnh hiện tại, vốn đang bị hủy hoại bởi xung đột và bạo lực. “Tuy nhiên, đối với tôi, có vẻ như đó là thông điệp duy nhất mà chúng ta có dưới ánh sáng của Phúc âm trong thời đại mà chúng ta đang sống”, ngài nói.

Đức Hồng Y cho biết, con đường phía trước là con đường “được hướng đạo bởi thông điệp “Tất cả là Anh em” (Fratelli tutti), đặt ra vấn nạn là “làm thế nào chúng ta có thể thể hiện tình yêu mà chúng ta được kêu gọi dành cho anh chị em trên thế giới trong những tình huống khó khăn nhất, bao gồm cả xung đột vũ trang”.

Câu trả lời cho những câu hỏi như vậy không thể là “tiếp tục chiến tranh và đáp trả bằng đòn tấn công hoặc tạo ra các cuộc tấn công mới”.

Ngược lại, Đức Hồng Y McElroy cho biết, câu trả lời phải “dựa trên sự sẵn lòng thực hiện các bước đi và đôi khi chấp nhận rủi ro để đạt được hòa bình, gìn giữ hòa bình hoặc tăng cường hòa bình”. Trong đó, “lời kêu gọi của Phúc âm” được thể hiện, ngài cho biết, phác họa một định nghĩa về chủ nghĩa bất bạo động có khả năng tránh xa sự thụ động đơn thuần trước sự tàn ác của thế giới.

Đừng nhầm lẫn, Đức Hồng Y người Mỹ lưu ý, chủ nghĩa bất bạo động “không giải quyết được mọi vấn đề” nhưng vẫn là “lập trường cơ bản mà Giáo hội có, bắt nguồn từ những truyền thống ban đầu của chúng ta trong đời sống của Giáo hội, và chắc chắn được Đức Phanxicô nêu rõ một cách rất hiệu quả và nhất quán”.

Chủ nghĩa bất bạo động đại diện cho “nền tảng” của Giáo hội và “chứng tá cùng những nỗ lực của Giáo hội nên hướng đến việc hỗ trợ những tình huống xung đột cụ thể trên thế giới”. Điều này sẽ liên quan đến một nhiệm vụ “khó khăn”, “không phải lúc nào cũng hiệu quả”, nhưng luôn là “con đường của bản chất người theo Chúa”.

Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Cuộc trò chuyện giữa bốn diễn giả được mở đầu bằng bài phát biểu ngắn của Tổng giám mục Giovanni Ricchiuti, chủ tịch Pax Christi tại Ý, người đã công bố thông điệp của Đức Phanxicô. Ngài cho biết Đức Giáo Hoàng "rất vui mừng với sáng kiến đáng khen ngợi này" và mong muốn "những người tham dự sự kiện này tiếp tục tuân thủ các giá trị hòa bình và tình huynh đệ".

Đức Tổng Giám Mục cho biết: Đức Giáo Hoàng Phanxicô, thúc giục mọi người cùng nhau làm việc "để đảm bảo quyền cho mọi tạo vật", cũng như tìm cách trở thành "những người xây dựng một xã hội được xây dựng trên tình yêu thương lẫn nhau".

Đức Giáo Hoàng viết trong thông điệp: "Nguyện cho lòng bác ái và bất bạo động dẫn dắt thế giới và cách chúng ta đối xử với nhau".

Hòa bình được xây dựng trên nền tảng bất bạo động thì không thể lay chuyển

Người đầu tiên phát biểu là Đức Hồng Y Bo, người đã quảng diễn hình ảnh Chúa Giêsu, " Vị Hoàng tử của Hòa bình", cùng với hình ảnh của những "sứ giả của hòa bình" vĩ đại khác như: Mahatma Gandhi và Martin Luther King.

Họ thúc giục chúng ta “hãy tiến bước với lòng dũng cảm, hướng đến một vùng đất hứa, nơi tất cả anh chị em đều sống trong phẩm giá, hòa bình và thịnh vượng”. Đức Hồng Y nhắc lại những đau khổ của người Israel, Palestine, Ukraine cũng như những đồng hương ở quê hương Myanmar của ngài đã và đang trải qua!

“Chúng ta được kêu gọi dừng lại và suy ngẫm: Liệu chúng ta có thể tiếp tục con đường hủy diệt này không?” ĐHY tự hỏi. “Hay chúng ta, với tư cách là một gia đình nhân loại, phải chuyển đổi sâu sắc từ mô hình chiến tranh và bạo lực sang mô hình hòa bình và bất bạo động?”

Tiếp nối khái niệm mà Đức Hồng Y McElroy nêu ra, Đức Hồng Y Bo giải thích rằng “việc Chúa Giêsu từ chối bạo lực không phải là sự yếu nhược; Ngài tuyên bố rằng tình yêu mạnh hơn lòng căm thù, rằng hòa bình tồn tại lâu bền hơn chiến tranh, và rằng công lý, khi được xây dựng trên nền tảng bất bạo động, thì không thể bị lay chuyển. Như Ngài đã nói với chúng ta trong Bài giảng trên núi, ‘Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa’”.

Trong bối cảnh này, việc thành lập Viện Pax Christi “sẽ giúp chúng ta khôi phục lại chủ nghĩa bất bạo động của Chúa Giêsu, rút ra từ sự khôn ngoan, suy tư thần học, các chiến lược thực tế để giải quyết bạo lực và quan trọng nhất là những trải nghiệm sống của các cộng đồng thiểu số hiện thân cho lời kêu gọi hòa bình cấp thiết này”.

Một giấc mơ có thể trở thành hiện thực

Sơ Teresia Wachira nhắc nhớ rằng nền tảng của chủ nghĩa bất bạo động là “chào đón mọi người, ngay cả kẻ thù”. Sơ cho biết đây là bài học mà sơ học được từ những năm tháng thơ ấu ở Kenya, được ghi lại trong ký ức về những lời dạy của mẹ, trái ngược với những quan niệm mà sơ được học ở đại học.

“Chúng tôi đã thảo luận về bạo lực trên cơ sở giới tính và phần đa cho rằng đàn ông đánh vợ là điều bình thường”, sơ nói. “Điều này nó ăn sâu vào văn hóa của chúng ta, khi cho rằng đàn ông đánh vợ, là điều bình thường, vì ông ta bảo ban vợ. Và tôi tự hỏi, làm sao có thể như vậy được?”

Sơ Wachira cho biết, “trong văn hóa châu Phi, nền văn hóa mà tôi có thể lên tiếng, bạo lực có cấu trúc và thể trở thành chuẩn mực”.

Người điều phối, Tiến sĩ Maria Stephan, sau đó đã mời Đức Hồng Y McElroy đóng góp ý kiến, và ĐHY nêu ra rằng bất bạo động vẫn là “một giấc mơ”, nhưng là điều “tốt hơn so với cơn ác mộng mà chúng ta đang sống trong những ngày này, những thứ đang hủy hoại con người và các mối quan hệ của con người”.

Bất kỳ ai tham gia vào các hoạt động của Viện sẽ “mơ ước” và giúp những người khác nhận ra cách bất bạo động “có thể hoạt động”.

“Đây là trở ngại lớn”, theo Đức Hồng Y. “Mọi thứ vẫn chỉ là một giấc mơ. Thay vào đó, chúng ta phải nói rằng nó có thể trở thành hiện thực”.

Các hội thảo đầu tiên của Viện

Là một phần trong các hoạt động của Viện, các nhà thần học, nghiên cứu và những người thực hiện chủ chốt về bất bạo động sẽ được mời trở thành cộng sự của Viện, làm việc trong các lĩnh vực như bất bạo động Phúc âm, các hoạt động bất bạo động và quyền lực chiến lược, và các trải nghiệm theo ngữ cảnh về bất bạo động.

Các thành viên của đồng cố vấn Hội bao gồm María Clara Bingemer, giáo sư khoa Thần học tại Đại học Giáo hoàng Rio de Janeiro ở Brazil, Tổng giám mục Peter Chong của Suva ở Fiji và Erica Chenoweth, với tư cách là trưởng khoa và giáo sư tại Đại học Harvard, được coi là một chuyên gia hàng đầu về bất bạo động chiến lược.

Ngay từ tháng 10 năm 2024, sau những cân nhắc về chủ đề bất bạo động được báo cáo bởi Đại hội đồng thường kỳ lần thứ 16 của Thượng hội đồng, Viện sẽ tổ chức các cuộc hội thảo quảng bá hàu giải quyết chính xác các vấn đề liên quan đến cả tự vệ và quản lý xung đột trên quy mô lớn.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của chúng tôi. Bạn có thể cập nhật thông tin bằng cách đăng ký nhận bản tin hàng ngày của chúng tôi. Chỉ cần nhấp vào đây.