NICOLE WINFIELD của hãng tin A.P., ngày 7 tháng 1 năm 2025 loan tin: Hôm thứ Hai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm người phụ nữ đầu tiên đứng đầu một văn phòng lớn của Vatican, bổ nhiệm một nữ tu người Ý, Sơ Simona Brambilla, làm bộ trưởng của bộ chịu trách nhiệm về tất cả các dòng tu của Giáo Hội Công Giáo.

Việc bổ nhiệm này đánh dấu một bước tiến lớn trong mục tiêu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là trao cho phụ nữ nhiều vai trò lãnh đạo hơn trong việc quản trị giáo hội. Mặc dù phụ nữ đã được bổ nhiệm vào vị trí số 2 tại một số văn phòng của Vatican, nhưng chưa bao giờ có một người phụ nữ nào được bổ nhiệm làm bột trưởng của một thánh bộ, hoặc hội đồng của Giáo triều Tòa thánh, cơ quan quản trị trung ương của Giáo Hội Công Giáo.

Tính chất lịch sử của việc bổ nhiệm Sơ Brambilla đã được Vatican Media xác nhận, với tiêu đề báo cáo "Sơ Simona Brambilla là nữ bộ trưởng đầu tiên tại Vatican".

Cơ quan này là một trong những cơ quan quan trọng nhất tại Vatican. Được biết đến chính thức là Bộ các Viện Đời sống Thánh hiến và Hiệp hội Đời sống Tông đồ, cơ quan này chịu trách nhiệm về mọi dòng tu, từ Dòng Tên và Phanxicô đến các nữ tu dòng Thương xót và các phong trào mới nhỏ hơn.

Việc bổ nhiệm này có nghĩa là một người phụ nữ hiện chịu trách nhiệm về những người phụ nữ làm phần lớn công việc của giáo hội— 600,000 nữ tu Công Giáo trên thế giới — cũng như 129,000 linh mục Công Giáo thuộc các dòng tu.

"Người đó phải là một người phụ nữ. Từ lâu rồi, người đó phải là phụ nữ, nhưng tạ ơn Chúa", Thomas Groome, giáo sư thần học và giáo dục tôn giáo cao cấp tại Đại học Boston, người từ lâu đã kêu gọi phong chức linh mục cho phụ nữ, cho biết. "Đây là một bước nhỏ trên con đường này nhưng về mặt biểu tượng, nó cho thấy sự cởi mở và một chân trời hoặc khả thể mới".

Groome lưu ý rằng không có gì về mặt thần học hiện có thể ngăn cản Đức Phanxicô bổ nhiệm Brambilla làm Hồng Y, vì về mặt kỹ thuật, các Hồng Y không nhất thiết phải là linh mục được thụ phong.

Việc bổ nhiệm làm Hồng Y "sẽ tự động trở thành người đứng đầu một giáo phận nếu bà là nam giới", ông nói.

Nhưng để chỉ ra sự mới lạ của cuộc bổ nhiệm và có lẽ Đức Phanxicô chưa sẵn sàng đi xa đến vậy, Đức Giáo Hoàng đồng thời bổ nhiệm một Hồng Y làm đồng lãnh đạo hoặc "phó bộ trưởng", là Ángel Fernández Artime, một tu sĩ dòng Salêdiêng.

Cuộc bổ nhiệm, được công bố trên bản tin hàng ngày của Vatican, liệt kê Brambilla đầu tiên là "bộ trưởng" và Fernández thứ hai là đồng lãnh đạo của bà. Về mặt thần học, có vẻ như Đức Phanxicô tin rằng cuộc bổ nhiệm thứ hai là cần thiết vì người đứng đầu văn phòng phải có khả năng cử hành Thánh lễ và thực hiện các chức năng bí tích khác mà hiện tại chỉ có nam giới mới có thể thực hiện.

Natalia Imperatori-Lee, chủ tịch khoa tôn giáo và triết học tại Đại học Manhattan, ban đầu rất phấn khích trước cuộc bổ nhiệm Brambilla, nhưng sau đó mới biết rằng Đức Phanxicô đã bổ nhiệm một đồng bộ trưởng nam.

"Một ngày nào đó, tôi cầu nguyện, giáo hội sẽ nhìn thấy phụ nữ thay vì những nhà lãnh đạo có năng lực mà họ vốn đã có", bà nói. “Thật nực cười khi nghĩ rằng bà ấy cần sự giúp đỡ để điều hành một thánh bộ của Vatican. Hơn nữa, bao lâu đàn ông còn phụ trách một phân bộ việc quản trị Vatican này, họ vẫn đã và đang quản trị các cộng đồng tu sĩ cả nam lẫn nữ.”

Brambilla, 59 tuổi, là thành viên của dòng tu Consolata Missionaries và đã phục vụ với tư cách là người đứng thứ 2 trong thánh bộ các tu sĩ kể từ năm 2023. Bà tiếp quản từ Hồng Y Joao Braz de Aviz, 77 tuổi sắp nghỉ hưu.

Đức Phanxicô đã biến việc bổ nhiệm Brambilla thành hiện thực thông qua cải cách hiến pháp thành lập Tòa thánh năm 2022, cho phép giáo dân, bao gồm cả phụ nữ, đứng đầu một thánh bộ và trở thành bộ trưởng.

Brambilla, một y tá, đã làm việc như một nhà truyền giáo ở Mozambique và lãnh đạo dòng Consolata của mình với tư cách là bề trên từ năm 2011-2023, khi Đức Phanxicô bổ nhiệm bà làm thư ký của thánh bộ tu sĩ.

Một thách thức lớn mà bà sẽ phải đối diện là số lượng nữ tu trên toàn thế giới đang giảm mạnh. Theo số liệu thống kê của Vatican, con số này đã giảm khoảng 10,000 người mỗi năm trong nhiều năm qua, từ khoảng 750,000 người vào năm 2010 xuống còn 600,000 người vào năm ngoái.

Việc bổ nhiệm Brambilla là động thái mới nhất của Đức Phanxicô nhằm nêu gương cho thấy phụ nữ có thể đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong phẩm trật Công Giáo, mặc dù không cho phép họ được thụ phong linh mục.

Phụ nữ Công Giáo từ lâu đã phàn nàn về tình trạng hạng hai trong một định chế dành chức linh mục cho nam giới.

Đức Phanxicô đã duy trì lệnh cấm các nữ linh mục và dập tắt hy vọng rằng phụ nữ có thể được thụ phong phó tế.

Nhưng đã có sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ phụ nữ làm việc tại Vatican trong thời kỳ ngài làm giáo hoàng, bao gồm cả các vị trí lãnh đạo, từ 19.3% vào năm 2013 lên 23.4% hiện nay, theo số liệu thống kê của Vatican News. Riêng tại Giáo triều, tỷ lệ phụ nữ là 26%.

Trong số những người phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo có Sơ Raffaella Petrini, nữ tổng thư ký đầu tiên của Thị quốc Vatican, chịu trách nhiệm về hệ thống chăm sóc sức khỏe, lực lượng cảnh sát và nguồn thu nhập chính của lãnh thổ, Bảo tàng Vatican, do một giáo dân, Barbara Jatta, lãnh đạo.

Một nữ tu khác, Sơ Alessandra Smerilli, là người số 2 trong Văn phòng phát triển Vatican trong khi một số phụ nữ đã được bổ nhiệm vào các vị trí thứ trưởng, bao gồm nữ tu người Pháp, Sơ Nathalie Becquart, trong văn phòng của Thượng hội đồng giám mục.