Vương cung Thánh đường Nagasaki (Nhật Bản)
460 năm về trước (1549), thánh Phanxicô Xavier rao giảng Tin Mừng ở xứ Phù Tang. Năm sau, ngài rửa tội cho hàng trăm tân tòng tại Hirado, phía bắc Nagasaki. Nagasaki trở thành cái nôi cùa đạo Công giáo tại Nhật Bản. Nhiều thế hệ tân tòng tiếp nối gia nhập Giáo hội. Năm 1614, tướng quân (shogun) Tokugawa thống nhất nước Nhật, ban chiếu chỉ cấm đạo. Vào thời đó có khoảng 500 ngàn người công giáo ở Nhật. Nhiều người Nhật tuẫn giáo, trong số nhiều vị được nâng lên bậc chân phước và hiển thánh, như thánh Phaolô Miki bị xử trảm ở Nagasaki năm 1597, thánh Tôma Nishi, thánh Phêrô Kibé và 187 anh hùng tử vì đạo, được phong lên bậc chân phước ngày 24-1-2008.

Các họ đạo bị triệt hạ. Nhiều tín hữu tập hợp, thành hình một cộng đoàn bí mật ở Nagasaki mà không có linh mục. Họ truyền tụng các kinh nguyện thuở xưa, một lòng cậy trông vào Đức Mẹ. Cha mẹ rửa tội cho con cái và dạy con lòng bác ái của đạo công giáo. Giáo hội bí mật này tồn tại suốt 250 năm.

Trong khuôn khổ hiệp ước Pháp-Nhật năm 1859, Đức Cha Petitjean của Hội Thừa sai Paris (MEP) đến Nhật tiếp xúc với các tín hữu còn phải trốn tránh. Ngài cho xây ngôi thánh đường ở Oura. Đây là nhà thờ lâu đời nhất nước Nhật, ngày nay được sắp vào tài sản quốc gia.

Giáo hội Nhật chưa kịp tái sinh thì lại bị bách hại. 3500 tín hữu họ đạo Urakami bị lưu đầy biệt xứ, trong số nhiều vị được phúc tử đạo. Thánh tích này ngày nay là Vương cung Thánh đường Nagasaki. Năm 1873, chiếu chỉ cấm đạo được bãi bỏ. Nhiếu tín hữu quay về cố hương là nương đồi Urakami. Họ bỏ ra 30 năm để xây dựng ngôi thánh đường đầu tiên của nước Nhật tái sinh từ hoang tàn bách đạo. Ngày 6-8-1945, bom nguyên tử ‘‘Little Boy‘’ triệt hạ Hiroshima (Quang Đảo). Ngày 9-8-1045 (11 giờ 2 phút), ‘‘Fat Man’’ nóng 9 ngàn độ C gây tử vong cho 72 ngàn người, 100 ngàn người bị thương, xóa sạch thành quách Trường Kỳ (Nagasaki) trên bản đồ xứ Phù Tang.

Chim hòa bình bay lượn trên đài kỷ niệm Quang Đảo
Tín hữu Trường Kỳ trải qua mầu nhiệm phục sinh với máu đào tử đạo và bụi tro nguyên tử. Mảnh đất Trưòng Kỳ góp phần đem lại ơn cứu độ cho dân tộc Nhật Bản và khắp miền Đông Á.

Sau Thế chiến thứ hai, Hiến pháp Nhật công nhận quyền tự do tôn giáo, nhưng nhiều khó khắn vẫn còn tồn tại. Các tín hữu săn sóc những người sống bên lề xã hội, những người bần cùng bệnh tật.

Nhà thờ lớn Urakami xây bằng gạch năm 1959 là biểu tượng hòa bình, vì được xây dựng chính giữa khu vực nổ bom nguyên tử.

Chủ nhật 18-10-2009, Đức Cha Giuse Mitsukaki Takami, tổng giám mục Nagasaki đã cử hành trọng thể Thánh lễ nhân Ngày Quốc tế Truyền giáo tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Nagasaki, còn được gọi là nhà thờ Urakami. Năm 1985, nhà thờ chính tòa tại Hiroshima và Nagasaki đã cử hành thánh lễ tưởng niệm các nạn nhân bom nguyên tử. Trong phần thuyết bằng tiếng Pháp, được trực tiếp truyền hinh tại Pháp và nhiều nước châu Âu, Đức Cha Takami nhắc lại ‘‘đất thiêng Trường Kỳ từng trải qua mầu nhiệm Phục Sinh.’’

Kết luận:

Tiếng Vọng từ Thánh lễ Nagasaki chủ nhật 18-10-2009 vừa là tiếng vọng (écho), nhưng còn là lời hy vọng (mots d’espoir) từ tro tàn quá khứ. Theo tương truyền, sáng 9-8-1945 có cậu học sinh đang vui chơi trong sân trường thì bom nổ. Cậu chạy vội về nhà, bộ đồng phục bốc cháy, chia sẻ niềm đau cùng phố phường đổ nát, cỏ cây cháy rụi, bao sinh linh bỗng chốc biến thành tro bụi. Câu chuyện diễn đạt này được diễn đạt bằng những vần thơ, chúng tôi chuyển thể lục bát thay cho Tiếng Vọng Trường Kỳ:



Em tôi chơi giữa sân trường,
Trái bom cản lối ngăn đường vẹo xiêu.
Tấm thân làm đuốc cháy thiêu,
Phố phường bỗng chốc tiêu điều thảm thương.
Cánh chim gục ngã bên đường,
Cỏ cây biển lửa chán chường nghìn thu.
Sinh linh bụi cát mịt mù
Tro tàn cát bụi, hộ phù thánh ân.


Paris, ngày 20 tháng 10 năm 2009