Dòng mến Thánh giá đầu thế kỉ XX



(Qua cuốn: Phép dòng chị em mến Câu rút Đức Chúa Giêsu)

Vài nét về văn bản

Dòng Mến Thánh giá là dòng tu nữ được lập ở Việt Nam. Năm 1670, cơ sở đầu tiên của dòng được thành lập tại làng Kiên Lao giáo phận Bùi Chu và Bái Vàng, giáo phận Hà Nội vào ngày Lễ Tro (19-2). Giáng Sinh năm 1671, một cơ sở mới của dòng được thành lập tại An Chỉ (Quảng Ngãi). Thống kê năm 2003 cho biết, “tổng số nữ tu của 23 Hội dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam là 3.059 chị khấn trọn, 1.391 chị khấn tạm, tổng cộng là 4.450 chị. Các em tập sinh năm I là 275, năm II là 273, tổng cộng là 548. Ngoài ra, còn có 501 em tiền tập và 2.172 em đệ tử”(1).

Người sáng lập dòng là Giám mục Lambert de la Motte (Lâm Bích). “Piere Lambert de la Motte (1624-1679) sinh tại Lisieux (Pháp), ngày 16-1-1624, được bổ nhiệm Giám mục Hiệu toà Berythe 29-7-1658, Giám mục Tông toà Đàng Trong 9-9-1659, được tấn phong Giám mục tại nguyện đường dòng Thăm Viếng ở Paris 11-6-1660; Lên tầu từ Marseille 27-11-1660 đi nhận nhiệm sở Đàng Trong; Vì tình hình khó khăn, nên Giám mục thường ở Ayuthia, kinh đô Xiêm (Thái Lan); Đến Đàng Ngoài 1 lần (1669), tới Đàng Trong 2 lần (1671,1675), mỗi lần Giám mục chỉ có thể ở lại 4 - 5 tháng rồi phải về Ayuthia; Qua đời tại Ayuthia ngày 15-6-1679”(2).

Cũng như các dòng tu khác, dòng Mến Thánh giá có Luật dòng của mình, cho đến đầu thế kỉ XX với dòng Mến Thánh giá được gọi là phép dòng. Chúng tôi hiện chưa tiếp xúc được với bản văn gốc về luật dòng tiên khởi. Theo Nguyễn Văn Kiệm, “Luật lệ của dòng Chị em Mến Câu rút năm 1670 do Thế diện Tông toà Lamotte Lambert soạn năm 1670”(3). Tuy nhiên ông không cho biết bản văn được viết (hay in) bằng tiếng gì. Linh mục Đỗ Quang Chính trong tác phẩm Dòng Mến Thánh giá những năm đầu viết: “Như chúng ta đã rõ, hai bản luật dòng Mến Thánh giá, một của Mến Thánh giá Đàng Ngoài tháng 2 năm 1670, một của Mến Thánh giá Đàng Trong tháng 12-1671, đều giống nhau hoàn toàn. Bạn đọc có thể thấy bản luật bằng tiếng Pháp đã được đệ trình Thánh Bộ Truyền giáo trong thập niên 1670, hoặc bản đã được phiên dịch sang tiếng Việt từ bản gốc La ngữ (Thánh Bộ Truyền giáo, Archivo Storico, S.O.C.P., Indie Orientali, Vol. 3, tr. 152a – 154a) vào năm 1998 tại thành phố Hồ Chí Minh”(4). Cũng theo Linh mục Đỗ Quang Chính thì hiện tại ông chưa tìm ra bản phiên dịch gốc sang chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ vào thế kỉ XVII. Bản dịch “Luật tiên khởi dòng nữ Mến Thánh giá Chúa Giêsu-Kitô” mà Linh mục dẫn trong tác phẩm: Dòng Mến Thánh giá những năm đầu là lấy lại bản dịch từ La ngữ sang tiếng Việt trong cuốn Tiểu sử - bút tích Đức cha Phê-rô-Maria Lambert de la Motte đấng sáng lập dòng Mến Thánh giá của Nhóm Nghiên cứu Linh đạo Mến Thánh giá, tái bản lần thứ nhất có bổ sung, 1998 (Lưu hành nội bộ, tr. 119 - tr. 125). Về thời điểm soạn thảo: Trong nguyên bản tiếng Latinh không thấy ghi. Bản dịch tiếng Pháp đăng trong A. Launay có ghi chú: Làm tại Đàng Ngoài, ngày.. . tháng 2 năm 1670(5).

Do căn cứ vào bản dịch tiếng Pháp nên nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Bản luật dòng Mến Thánh giá tiên khởi được ra đời vào năm 1670, và đôi khi được gọi tắt là Bản Luật năm 1670(6). Kể từ Bản Luật năm 1670 đến trước khi có bản năm 1869 được in khắc lại tại Phát Diệm năm 1909 mà chúng tôi sẽ đề cập tới trong bài viết này, dòng Mến Thánh giá còn có những bản luật nào? Chúng tôi đã và đang tiếp tục tìm hiểu. Nguyễn Văn Kiệm trong cuốn Sự du nhập của đạo Thiên Chúa vào Việt Nam từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XIX, phần phụ lục II2 đã trưng dẫn: Bản chuyển qua tiếng Việt dễ đọc một số đoạn trong “Sách phép” của Dòng “Chị em Mến Câu rút Đ. C. J”. Theo tác giả thì bản này “Được viết bằng chữ quốc ngữ chỉ ít lâu hay ngay sau khi dòng này được thành lập - Người soạn sách kí tên là CaVoLus Cao ở dưới trang cuối”(7). Đoạn trưng dẫn của tác giả Nguyễn Văn Kiệm có một số điểm đáng lưu ý: Không ghi đầy đủ tên sách, thời gian sách được soạn không cụ thể, tư liệu trích từ Phụ lục luận văn Cao học của A. Leveau.

Sở dĩ chúng tôi đề cập hơi dài như vậy là vì bản Phép dòng chị em Mến Câu rút Đức Chúa Giêsu năm 1869, khắc in lại tại Phát Diệm năm 1909 (được gọi là bản B) phần nội dung về cơ bản giống như bản “Sách phép dòng chị em Mến Đ.C.J” mà Nguyễn Văn Kiệm đã dẫn (được gọi là bản A). Cả hai bản (A-B) cấu trúc như nhau. Có phần đầu sách, sau đó là các đoạn từ 1 đến 26. Trong cuốn sách Sự du nhập của đạo Thiên Chúa vào Việt Nam... Nguyễn Văn Kiệm chỉ trích dẫn đoạn mở đầu và các đoạn 1, 2, 3, 4 của bản A, nhưng tiêu đề và nội dung mỗi đoạn của hai bản về đại thể giống nhau. Dưới đây là bản đối sánh:

Bản A

Phần mở đầu(8)

Ighera(?) làm Beri(9) Vit vồ Berita Vacario apostolico thay mặt Toà Thánh coi sóc về phần hồn bổn đạo Annam, Đại Minh cùng nhiều nước khác, gửi lời thăm chị em, cùng làm dấu cầu cùng Đ.C.B. (Đức Chúa Blời- NVK. chú thích) cho chị em mọi sự lành. Từ ngày thày sang nước Annam này thì thày một hỏi các sự về J.G.Ga nãy (?), đã thưa ta là sự chị em đã khấn có lời riêng vì Đ.C.B. giữ mình sạch sẽ trọn đời thì thày mừng rỡ bội phần, vì khấn lời trọng làm vậy, là dấu thật Đ.C.B. có thương mến các chị em, hơn bổn đạo nước khác, ắt là chị em phải tạ ơn trả nghĩa Đ.C.B, hơn những người chưa được ơn trọng ấy, nhân vì sự trọng ấy, thày phải liệu ở đường cho chị em một đàng nào, cùng dạy phải giữ phép nào để cho danh cha cả sáng, và chị em được nhiều ích nữa mà thày dạy chị em giữ phép này, thì thày vui lòng lắm, vì khi trước chưa có nghe thấy ai nói đến chị em cũng chửa biết chị em là ai, mà Đ.C. B đã giục lòng thày mở đàng cho kẻ Đ.C.B yêu dấu lắm, vậy chị em hãy chịu lấy cùng giữ phép nầy như phép Đ.C.B dạy thày truyền cho chị em vậy, Chớ xem, chớ kể phép này như phép riêng thày làm chi, nếu chị em giữ phép này nên (?) một được sáng láng kính mến Đ.C.B. lắm, là không (?) sự gồm hết mọi sự lành, và đời này, và đời sau chớ hồ nghi điều ấy làm chi.

Bản B



Tê di phêrô(?) Vít vồ Bedita Vicadiô phôdôt tôlicô thay mặt Đức Thánh Baba coi sóc về phần linh hồn bổn đạo Annam. Đại Minh cùng nhiều nước khác, gửi lời thăm chị em cùng làm dấu cầu cùng Đức Chúa Trời cho chị em được mọi sự lành. Từ ngày thày sang nước Annam này, thì thày hằng hỏi các sự về Ykế di gia này, và lấy việc ấy làm nhất mà thày cả Vicadiô Chinêla xưng đã thưa ta về sự chị em đã có lời riêng khấn cùng Đức Chúa Trời giữ mình sạch sẽ lọn đời thì thày lấy làm mừng rỡ bội phần vì khấn lời trọng làm vậy. Là chính dấu thật Đức Chúa Trời có lòng thương yêu các chị em hơn các bổn đạo nữ khác. ắt là chị em phải tạ ơn trả nghĩa Đức Chúa Trời hơn những người chưa được ơn trọng ấy. Nhân vì sự ấy thày phải liệu mở cho chị em một đường nào, cùng dạy phải giữ phép nào để cho danh cha cả sáng và cho chị em được nhiều ích nữa. Thày dạy chị em giữ phép này thời thày vui lòng lắm. Vì khi trước chưa có nghe thấy ai nói đến chị em, cùng chưa biết chị em là ai, mà Đức Chúa Trời đã giục lòng thày mở đường này cho kẻ Đức Chúa Trời yêu dấu lắm. Vậy chị em hãy chịu lễ cùng giữ phép này như phép Đức Chúa Trời dạy thày truyền cho chị em giữ vậy, chẳng xem, chẳng kể phép này như phép riêng thày làm chi. Nếu chị em có giữ phép này nên, thời việc được sáng láng, cùng kính mến Đức Chúa Trời lắm, ấy là hai sự gồm hết mọi sự làmh ở đời này và đời sau. Chớ có hồ nghi điều ấy làm chi.



Chúng tôi cũng đã làm phép đối sánh các đoạn 1, 2, 3, 4 giữa hai bản A-B và nhận ra về cơ bản hai bản giống nhau về nội dung và phần lời. Song ở bản B, mỗi đoạn đều có thêm một hoặc một vài từ chủ yếu làm cho rõ thêm. Tuy cũng có khi là thêm ý. Chẳng hạn ở đoạn thứ ba phần cuối của bản A quy định khi một người được nhận vào dòng thì tất cả chị em trong dòng không được đuổi người đó ra khỏi dòng, muốn đuổi “phải có lời của Đấng Bề

trên”. Trong khi đó bản B ngoài việc quy định "phải có lời Đấng Bề trên" còn thêm “hay là ông Cố (linh mục người nước ngoài. NHD) thay mặt Đấng Bề trên”.

Vậy là Bản A và Bản B có sự khác nhau về tiểu tiết. Điều này cho phép chúng tôi đi đến kết luận đây là hai bản khác nhau.

Trở lại bản B: Phép dòng chị em Mến Câu rút Đức Chúa Giêsu, đầu sách cho biết, sách được Giám mục Bảo Lộc Phước(10) san thuật, truyền tử năm Thiên Chúa giáng sinh 1869. Nghĩa là sách được Giám mục Bảo Lộc Phước dọn lại theo bản cũ và cho khắc in. Vậy là đã rõ, khi tiến hành san thuật, Giám mục Bảo Lộc Phước đã có thể dọn bớt hoặc có thể thêm lời thêm ý trên cơ sở của bản cũ. Bản cũ ở đây rất có thể là bản A mà tác giả của nó, là Cavolus Cao, còn thời gian soạn thì chưa được xác định chính xác. Ngay cả Cavolus Cao là người như thế nào cũng chưa thấy Nguyễn Văn Kiệm làm rõ.

Việc dọn bớt hoặc thêm từ, thêm ý đối với bản luật dòng Mến Thánh giá của Giám mục Bảo Lộc Phước không phải là việc hi hữu. Trong: Bản tâu xin lập Dòng chị em Mến Thánh giá, sắc chuẩn y của Thánh Bộ Tu viện viết năm 1929 có đoạn “Luật phép dòng ấy tuy các điều cốt yếu thì cả Đông Dương đều phải giữ như nhau, mà lần lần các giám mục đã sửa đổi một ít điều trong các nhà, thuộc quyền mình”(11).

Cuốn sách Phép dòng chị em Mến Câu rút Đức Chúa Giêsu mà chúng tôi có trong tay không phải là bản gốc mà chỉ là bản chụp, do Giáo sư Trần Văn Toàn, Đại học Lille - Cộng hoà Pháp cung cấp. Vì vậy mà không thể mô tả bản gốc. Chẳng những thế một số chữ khi sao chụp bị mờ hoặc mất không thể dịch nổi, trong bản dịch những chữ bị mờ hoặc mất chúng tôi thay bằng ba dấu chấm… Nếu căn cứ vào hàng chữ: Thiên Chúa giáng sinh năm một ngàn tám trăm sáu mươi chín tải, rất dễ nhầm là sách được in vào năm này. Song, chỉ cách một dòng, dòng tiếp theo ghi: số danh sách in tại Phát Diệm, Tây lịch 1909 niên cải đính, thì rõ ràng sách được in sớm nhất cũng chỉ có thể vào năm này. Tiến hành tìm hiểu cuốn Mục lục thư tịch Hán Nôm tàng trữ tại Hội Thừa sai Ba-lê, Eglises D’asie, série Histoire xuất bản, cho thấy sách in tại Phát Diệm năm 1909. Kí hiệu N 19 bis/N. Khổ của sách là 25.4cm x 14.5cm (cũng cần lưu ý là bản chụp không có phần nơi xuất bản năm xuất bản và cũng không có khổ sách).

Vậy là bản in năm 1909 đã in lại bản năm 1869. Do in tại Phát Diệm nên đầu sách có thống kê các loại sách in tại đây, kèm theo đó là giá tiền mỗi cuốn.

Sách Phép dòng Chị em mến Câu rút Đức Chúa Giêsu được in khắc bằng chữ Nôm, có độ dầy 43 tờ, tức là có 86 mặt, mỗi mặt 9 dòng, mỗi dòng 25 chữ(12). Tờ đầu: ghi tên sách. Tờ thứ 2, mặt a ghi niên hiệu, mặt b ghi số danh sách in tại Phát Diệm. Tờ thứ 3, mặt a in tiếp số sách in tại Phát Diệm, mặt b ghi Mục lục sách Phép dòng Chị em mến Câu rút Đức Chúa Giêsu sau đó ghi đầu đề các đoạn từ đoạn thứ nhất đến đoạn thứ tám. Tờ thứ 4 ghi đầu đề các đoạn từ đoạn thứ chín đến đoạn thứ hai mươi nhăm. Tờ thứ 5, mặt a ghi đầu đề của đoạn thứ 26 và dòng cuối của mặt a ghi: Sách phép nhà chị em chung, mặt b bắt đầu đi vào phần nội dung với phần mở đầu, mặt b tờ thứ 5 và mặt a tờ thứ 6 vẫn là ghi nội dung phần mở đầu. Tiếp theo từ mặt b tờ thứ 6 trở đi là phần nội dung của 26 đoạn thể hiện các phép hay là luật lệ của dòng Mến Thánh giá.

Để bạn đọc hình dung được phần nào kết cấu cuốn sách chúng tôi xin được dẫn đầu đề của 26 đoạn.

Đoạn thứ nhất: Vì ý nào mà lập dòng này.

Đoạn thứ hai: ý trong dòng này là ý nào.

Đoạn thứ ba: Ai nên, ai chẳng nên vào dòng này.

Đoạn thứ bốn: Dạy những việc lành kẻ vào dòng này phải làm.

Đoạn thứ năm: Những phép chung kẻ vào dòng này phải làm mỗi ngày.

Đoạn thứ sáu: Phép chị em phải giữ ban đêm.

Đoạn thứ bảy: Những phép kẻ vào dòng này phải giữ ngày lễ cùng ngày ăn chay.

Đoạn thứ tám: Phải coi sóc kẻ liệt lào trong dòng như thế nào.

Đoạn thứ chín: Những việc lành phải làm để mà cầu cho linh hồn kẻ đã sinh thì trong dòng.

Đoạn thứ mười: Chị em phải năng xưng tội cùng chịu lễ.

Đoạn thứ mười một: Chị em phải siêng năng làm ăn.

Đoạn thứ mười hai: Phép chị em phải giữ về sự tắm cùng gội đầu.

Đoạn thứ mười ba: Khi chị em đi việc chi ra khỏi cửa nhà phải giữ phép làm thế nào.

Đoạn thứ mười bốn: Chị em phải giữ miệng là thế nào.

Đoạn thứ mười lăm: Khi chị em gửi thư cho ai hay là ai gửi thư cho chị em phải giữ phép là thế nào.

Đoạn thứ mười sáu: Chị em phải mặc áo chủng nào.

Đoạn thứ mười bảy: Chị em chẳng nên cầm của chi riêng.

Đoạn thứ mười tám: Phải khấn trong dòng là thế nào.

Đoạn thứ mười chín: Phép chọn bà mụ cùng chị ả và kẻ giữ việc trong nhà.

Đoạn thứ hai mươi: Chính việc bà mụ cùng chị ả là những việc nào.

Đoạn thứ hai mươi mốt: Chị giữ việc phải giữ những việc nào cùng giữ là thế nào.

Đoạn thứ hai mươi hai: Kể những lỗi nhẹ cùng cách phạt là thế nào.

Đoạn thứ hai mươi ba: Kể những sự lỗi nặng, nửa nhẹ cùng cách phạt là thế nào.

Đoạn thứ hai mươi tư: Kể những sự lỗi nặng cùng cách phạt là thế nào.

Đoạn thứ hai mươi lăm: Kể những lỗi nặng hơn cùng cách phạt là thế nào.

Đoạn thứ hai mươi sáu: Kể những sự lỗi rất nặng kẻ phạm đến phải bỏ nó đi cho khỏi nhà dòng. Hai bảy: sáu mười chín điều bà thánh Têdixa (Têresa-NHD) khuyên bảo chị em trong dòng Người đi đàng nhân đức cho lọn...

Sách phép nhà chị em chung.

2. Một số nhận định

- Về tên gọi: Cho đến tận thời điểm in sách (1909) tên gọi của dòng là; Dòng Chị em Mến Câu rút Đức Chúa Giêsu. Tuy nhiên có một điều thú vị là trước và sau thời điểm 1909 dòng còn có những tên gọi khác nhau bằng tiếng nước ngoài và tiếng Việt mà Linh mục Đỗ Quang Chính đã thống kê trong sách Dòng Mến Thánh giá những năm đầu từ trang 6 đến trang 15. Do khuôn khổ bài viết chúng tôi xin được rút gọn.

Tên gọi bằng tiếng nước ngoài

- Congrégation des Amateurs de la croix de Jésus–christ. Năm 1664 Công nghị Ayuthia quyết định lập một hội tông đồ mang tên Congrégation des Amateurs de la croix de Jésus-christ. Từ ngữ amateurs được dịch bởi nguyên ngữ Latinh amatores, có nghĩa là những người yêu thích cái gì, bị hấp dẫn bởi vật gì... Nhưng, sau đó hội tông đồ Amateurs de la croix không được Toà thánh chấp thuận; Vì vậy coi như không có “dòng nhất” Amateurs de la croix, nhưng mà từ đó lại có “dòng nhì” tức ngành nữ, sau này mang tên Amates de la croix (Những người nữ Mến Thập giá).

Năm 1670, Đức Cha Lambert thiết lập dòng Mến Thánh giá ở Đàng Ngoài. Phần mở đầu bản luật tiên khởi theo bản Pháp văn (gồm 14 điều), dòng mang tên Congrégation des Amateurs de la croix de Jésus–christ (Dòng Những người yêu thích Thập giá Đức Chúa Giêsu Kitô) với khẩu hiệu Amants de la croix du fils de Dieu (Những người yêu mến Thập giá con Đức Chúa Trời).

- Les Amantes de la Croix Institlut des Amantes de la Croix de Jésus–christ: Phần mở đầu của luật dòng Mến Thánh giá tiên khởi 1670, cũng dùng hai tiêu đề trên, để chỉ cho các chị em mến Thánh giá - Trong thực tế, kể từ khi Đức Cha Lambert lập dòng Mến Thánh giá ở Đàng Ngoài và Đàng Trong thì các tài liệu lịch sử bằng Pháp văn, đều viết là Amantes de la Croix, không còn dùng từ Amateurs, cũng không cần viết rõ là de Jésus – christ, hay du fils de Dieu.

- Amatrices crucis: Công đồng Đông Dương năm 1934 tại Hà Nội, từ khoản 104-110, khi nói về việc cải tổ các Nhà Phước mến Thánh giá thành dòng Mến Thánh giá với đời sống cộng đoàn, có ba lời khấn công khai, thì công đồng gọi dòng này trong tiếng Latinh là Amatrices crucis, hoàn toàn đồng nghĩa với Mến Thánh giá trong tiếng Việt, và với Amantes de la croix trong tiếng Pháp.

Tên gọi bằng tiếng Việt (được Linh mục Đỗ Quang Chính kể theo thứ tự thời gian qua nguồn tài liệu mà tác giả có).

- Nhà Phúc.

- Các mụ thuộc về mến Câu rút Đức chúa Jêsu.

- Nhà mụ.

- Nhà Phước.

- Chị em mến Câu rút Đức chúa Jêsu.

- Nhà Phước Cái Mơng.

- Nhà Phước Thủ Thiêm.

- Dòng các bà Mến Câu rút.

- Nhà dòng Mến Câu rút.

- Nhà Phước chị em Mến Thánh giá(13).

- Về thánh quan thày:

Dòng “lấy ông thánh Xusai (Giuse) làm quan thày trên trời”.

- Về tổ chức:

Trong cuốn Phép dòng Chị em Mến Câu rút Đức Chúa Giêsu không có phần quy định về tổ chức nhưng căn cứ vào Đoạn 19 thì biết đứng đầu dòng là bà mụ, tiếp theo là chị ả và kẻ giữ việc ở vị trí thứ ba. Sau 3 năm các chức vụ trên phải bầu lại. Một bà mụ làm hết nhiệm kì đầu nếu được tín nhiệm sẽ được bầu lại nhiệm kì hai, nhưng sau đó không được bầu nhiệm kì ba theo nguyên tắc một người không được làm mụ 9 năm liền. Trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của giám mục. Tuy nhiên nếu một người làm mụ 6 năm liền, nghỉ 3 năm, sau đó có thể được bầu lại. Các chức chị ả và kẻ giữ việc cũng như vậy. Việc bầu theo hình thức kín. Bầu xong chức này mới đến chức kia. Những người được bầu phải là người đã ở trong nhà dòng đủ 10 năm, tuổi từ 30, không mắc lỗi trong dòng.

Bà mụ và chị ả phải coi sóc chị em theo phép dòng quy định. Bà mụ là người chịu trách nhiệm chính. Vì vậy bà mụ phải sống nhân đức, gương mẫu. Khi bà mục đi vắng thì chị ả thay. Nguyên tắc là không bao giờ vắng hai người một lúc.

Chị giữ việc là người làm hậu cần “Coi sóc đồng tiền, mua chác, cùng các chủng làm ăn”(14).

Về tổ chức cũng xin được nói thêm dòng Mến Thánh giá là dòng địa phận. Cho đến thời điểm 1909 (thời điểm in bản Phép dòng...) “mỗi nhà đều biệt riêng, không tuỳ thuộc nhau, và chỉ có giám mục làm bề trên các nhà trong địa phận mình mà thôi”(15).

- Mục đích của dòng

Đoạn thứ hai với đầu đề ý trong dòng này là ý nào thể hiện mục đích của dòng: “Kẻ vào dòng này, thời mỗi người được biết rõ, cùng mến Đức Chúa Trời, mà... làm cho được hai sự trọng ấy. Là mỗi ngày mỗi ngắm sự thương khó Đức Chúa Giêsu, cùng mỗi ngày mỗi hãm mình. Là chịu sự chi khốn khó đến mình, chẳng khác chi như chịu phần sự thương khó Đức Chúa Giêsu vậy”.

- Những ý việc lành các nữ tu phải làm (quy định trong đoạn thứ bốn)

Việc lành thứ nhất là “ăn chay, đánh tội, hãm mình, nguyện ngắm, thời phải hợp một ý cùng Đức Chúa Giêsu”. Thứ hai, “dạy dỗ những con gái nhà có đạo cho nó biết mọi sự các con gái khôn ngoan phải biết”. Thứ ba, “coi sóc những người nữ trẻ già khi liệt lào, dầu chẳng có đạo”. Thứ tư, “Phải liệu rửa tội cho những trẻ rình sinh thì, dầu con nhà ngoại đạo thời cũng nên rửa”. Thứ năm, “Phải ra sức khuyên những con chơi, cùng kẻ làm sự ô uế làm vậy, cho nó trở lại ăn năn cùng trừ những tội ấy”. Và khi họ hoàn lương nếu xin vào dòng thì nên cho vào, nhưng họ phải ở nhà riêng dưới sự coi sóc của một chị ả “chẳng có tích lỗi chi”.

- Về đời sống tu trì

Cuốn sách Phép dòng chị em mến Câu rút Đức Chúa Giêsu dành nhiều đoạn quy định về đời sống tu trì của các nữ tu như: đọc kinh cầu nguyện, ăn chay, xưng tội, chịu lễ, khấn dòng. Đọc kinh cầu nguyện được quy định trong đoạn thứ năm: Những phép chung kẻ vào dòng này phải làm mỗi ngày, với nội dung gồm 5 tiết.

Tiết thứ nhất: “Sớm mai đầu trống năm thời thức dậy họp nhau nơi chung mà đọc những kinh sau này, kinh Đức Chúa Phiditô sang tô vân vân, kinh Làm dấu... vân vân, kinh Tại thiên, kinh Cảm ơn, kinh Dâng, kinh Lạy ân Đức Chúa Trời, tôi là kẻ có tội vân vân, kinh Ave, kinh Tin kính, kinh Ba ngôi, kinh Cáo mình vân vân, kinh Thân đức thánh Antô vân vân, đoạn đọc kinh cầu Đức chúa Giêsu, cùng kinh Than sau, rồi lần hột, Đức Chúa Giêsu, kinh Lạy ơn Đức Chúa Giêsu xưa vào vườn Chiết sai mã ni vân vân, kinh Ông thánh Xusai cất xác xuống vân vân, đoạn mới ngắm sách đủ... Chẳng nên đọc qua vậy mà thôi, vì sựa ấy chẳng kể là ngấm đâu. Đoạn lần hột năm chục và kinh Thân mẫu phúc, kinh Cầu Các Thánh, kinh Than sau, đoạn đọc ba kinh Tại thiên, ba kinh Ave, kinh Đức Chúa Trời ba ngôi. Mà đương khi đọc ba kinh ấy thời phải có ý dâng cho mình hay là cho kẻ đã qua đời hay là kẻ khác còn sống. Vì đã có năm chục ngày ấn do cho kẻ đọc bấy nhiêu kinh ấy. Đoạn nguyện Ave là kinh Đức Chúa Trời sai Thiên thần truyền tin vân vân. Sau cùng đọc kinh Lòng cậy”.

Tiết thứ hai quy định hình thức khi nguyện ngắm hay đọc kinh tập thể phải chia làm hai bên, bà mụ và chị ả ở chính giữa nhưng chị ả ở phần giữa phía trên, bà mụ ở phần giữa phía dưới để bao quát được hết. Một lễ bên này đọc kinh trước, lễ sau rồi chuyển qua bên kia. Khi lần hột mỗi bên đọc nửa kinh Ave, nửa kinh Tại thiên, nửa kinh Côlôdi á. Cách đọc “ung dung, chớ cướp tiếng nhau, mà nói việc khác”. Khi đọc kinh phải quỳ.

Giữ ngày lễ, cùng ngày ăn chay được quy định trong đoạn thứ bảy. Sách phép quy định đọc những kinh gì trong ngày nhất lễ lạy. Những ngày nhất lễ lạy, các ngày lễ lạy các thánh Y kế di gia “thời chẳng nên làm việc xác”. Về ăn chay, tiết thứ ba, đoạn thứ bảy quy định: "Phải kiêng thịt mọi ngày trong năm, đừng kể ba ngày sau này là Lễ Phục sinh, lễ Hiện xuống, lễ Sinh nhật Đức Chúa Giêsu bằng ngày ăn chay. Thời chị em phải giữ các ngày Thánh Y kế di gia dạy cùng ngày thứ sáu... Thứ bảy suốt năm”. Tiết thứ tư, thứ năm, thứ sáu của đoạn thứ bảy quy định về việc đánh tội. Những ngày thứ sáu cùng ngày thứ bảy suốt năm, cùng tất cả mọi ngày trong mùa chay cả, đọc kinh tối xong, các nữ tu phải đánh tội đủ ba kinh Ăn năn tội. Ai có mắc trở không cùng chị em đánh tội phải trình bà mụ, phải buộc một dây lưng có gai hay là làm một việc khác để thay do ý “cha cả coi sóc dạy”. “Đến ngày Lễ Lá cùng bốn ngày sau lễ ấy thời phải đánh tội một ngày hai lần, sớm mai một lần đủ ba kinh Ăn năn tội, tối một lần cũng đủ ba kinh Ăn năn tội nữa. Còn ngày thứ sáu lễ ấy chính ngày Đức Chúa Giêsu đã sinh thì thời cũng phải đánh tội hai lần. Song le sớm mai đủ bốn kinh Ăn năn tội, tối cũng đủ bốn kinh ấy để mà kính sự thương khó Đức Chúa Giêsu đã chịu chết vì chúng tôi”.

Các nữ tu xưng tội cùng chịu lễ một lễ một lần. Nếu trong vùng thiếu linh mục, linh mục phải đi làm phúc xa thì bà mụ cho chị em thay nhau tìm đến xưng tội. Việc xưng tội ít nhất một tháng một lần.

Khấn dòng là một nội dung quan trọng của đời sống tu trì. Đoạn thứ mười tám quy định: “Bởi vì trong nước An Nam chị em chẳng có nhà nào cùng nơi nào vững bền, thời chẳng mấy khi bề trên cho chị em khấn ba sự trong dòng. Song le bao giờ người đã xét được người nào đã có tuổi, cùng đã giữ mọi phép trong dòng đã lâu năm mà cho người ấy khấn. Sự đã kể vào đây thời người ấy phải lấy làm trọng lắm, cùng ra sức... đấy, về sau càng giữ các phép cho kĩ hơn nữa. Hoặc trong chị em ai đã khấn muốn khấn lại cho được sửa... mình thời cũng được”.

- Về lỗi và cách phạt lỗi

Các đoạn thứ hai mươi hai, hai mươi ba, hai mươi tư, hai mươi lăm, hai mươi sáu quy định 5 loại lỗi, kèm theo đó là cách phạt của từng loại lỗi. Thứ nhất, lỗi nhẹ, cách phạt là quỳ hôn đất ba lần, đọc kinh Ăn năn tội một lần. Thứ hai, lỗi nửa nặng, nửa nhẹ, cách phạt là “hôn đất ba lần, đọc kinh Ăn năn tội, cùng ăn cơm muối, ngồi trên đất không một ngày, chẳng có màn, chẳng có chiếu”. Thứ ba, lỗi nặng, người phạm lỗi này bị phạt trước mặt chị em “phải đọc một kinh Ăn năn tội cho ung dung, mà đánh tội cho ăn cơm muối, trên đất. Thứ tư, lỗi nặng hơn, hình phạt là “ăn cơm muối trên đất 3 ngày, cùng chịu các chị em cầm roi... người đã phạm sự tội ấy mỗi một người là 5 roi. Mà đương khi chịu đòn thời người ấy phải đọc kinh Ăn năn tội cho đủ hết các chị em đánh. Mà trong ba ngày ấy phải bỏ một mình một nơi, mụ chẳng nên khiến người ấy làm việc chi. Thứ năm, lỗi rất nặng, hình thức phạt là đuổi ra khỏi nhà chị em. Người bị đuổi sau này ăn năn trở lại, được chấp nhận vào dòng nhưng phải chịu phạt như sau:

Thứ nhất, kể kẻ ấy như mới vào dòng ngày ấy cho nên phải ngồi rốt hết.

Thứ hai, chẳng được xướng kinh cùng đọc sách đủ một năm trước mặt chị em.

Thứ ba, phải làm bếp một lễ hai ngày đủ một năm.

Thứ bốn, phải ăn cơm muối trên không những ngày thứ hai cùng ngày thứ tư cũng đủ một năm.

Thứ năm, ngày thứ tư phải đánh tội trước mặt chị em đủ ba kinh Ăn năn tội cũng đủ một năm.

Mến Thánh giá là dòng địa phận lập cho nữ tu Việt Nam, cho đến thời điểm in sách (1909) các nữ tu vẫn ăn mặc quần, áo ngắn, yếm, áo tứ thân như phụ nữ ngoài đời (đoạn thứ mười sáu).

Sách Phép dòng chị em mến Câu rút Đức Chúa Giêsu còn có nhiều đoạn quy định những vấn đề như: đối tượng được lựa chọn vào dòng: Phép phải giữ ban đêm; Phải coi sóc kẻ liệt lào trong dòng như thế nào; Những việc lành phải làm để mà cầu cho linh hồn kẻ đã sinh thì trong dòng; Phải siêng năng làm ăn; Phép về sự tắm cùng gội đầu; Phép phải giữ khi ra khỏi cửa nhà; Phép giữ miệng; Phép chị em gửi thư cho ai hay là ai gửi thư cho chị em; Chị em chẳng nên cầm của chi riêng. Do khuôn khổ của bài viết chúng tôi không thể phân tích và trích dẫn dù một cách tóm tắt.

Nghiên cứu về lịch sử dòng Mến Thánh giá, về đời sống tu trì của dòng đầu thế kỉ XX rõ ràng không thể không nghiên cứu cuốn Phép dòng Chị em mến Câu rút Đức Chúa Giêsu./.



Nguyễn Hồng Dương(*)



______________________

*. PGS. TS., Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

1. Văn phòng Tổng thư kí Hội đồng Giám mục Việt Nam. Giáo hội Công giáo Việt Nam niên giám 2004. Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2004, tr. 391.

2. Đỗ Quang Chính. S. J. Dòng Mến Thánh giá những năm đầu. Tp. Hồ Chí Minh 2003 (Sách do tác giả tự in), tr. 6.

3. Nguyễn Văn Kiệm. Sự du nhập của đạo Thiên Chúa vào Việt Nam từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XIX. Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Trung tâm UNESCO bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc Việt Nam, xuất bản 2001, tr. 308.

4. Đỗ Quang Chính. S. J. Dòng Mến Thánh giá những năm đầu. Sđd., tr. 100.

5. Tiểu sử –Bút tích Đức cha Phê rô - Maria Lambert de la Motte, Đấng sáng lập dòng Mến Thánh giá, tái bản lần thứ nhất (có bổ sung). Nhóm Nghiên cứu Linh đạo Mến Thánh giá 1998, tr. 125.

6. Xem: Đỗ Quang Chính. S. J. Dòng Mến Thánh giá những năm đầu. Sđd., tr. 100; Nguyễn Văn Kiệm. Sự du nhập của đạo Thiên Chúa vào Việt Nam. Sđd., tr. 309.

7. Nguyễn Văn Kiệm. Sự du nhập của đạo Thiên Chúa vào Việt Nam. Sđd., tr. 313.

8. Tiêu đề là do chúng tôi đặt.

9. Những chữ in nghiêng là có ở bản này nhưng không có ở bản kia.

10. Paul Francois Puginier Phước (Đức Thày Phan Chi Cô Phúc) MEP (1835-1892) sinh ngày 4-7-1835 tại Saint – André-de Saix, gần Tarbes; 1858 rời bỏ Paris đi Đông á, tạm ở lại Hồng Kông 18 tháng, chưa đến giáo phận Hà Nội được vì đang cấm đạo; đến Sài Gòn 1860; năm sau cha Puginier lập trường d'Adran là trường Pháp đầu tiên ở Sài Gòn, sau này đổi thành là Taberd; ngày 17-12-1862, cha tới Kẻ Sở; được tấn phong giám mục hiệu toà Mauricastre ngày 26-1-1868 tại Hoàng Nguyên, kế vị đức cha Theurel Chiêu coi sóc giáo phận Hà Nội... qua đời tại Hà Nội 25-4-1892. Dẫn theo Đỗ Quang Chính. Dòng Mến Thánh giá những năm đầu. Sđd., tr. 12-13.

11. Ghi dấu hồng ân 333 năm thành lập dòng Mến Thánh giá Đàng Trong, 75 năm cải tổ Hội dòng Mến Thánh giá Qui Nhơn, tr. 8.

12. Người dịch là Võ Phương Lan, Nguyễn Hồng Dương hiệu đính.

13. Đỗ Quang Chính. S.J. Dòng Mến Thánh giá những năm đầu. Sđd., tr. 6-15.

14. Do các đoạn quy định dài nên chúng tôi chỉ tóm tắt, khi nào cần thiết mới trích nguyên văn và để trong ngoặc kép.

15. Ghi dấu hồng ân 333 năm thành lập dòng Mến Thánh giá Đàng Trong... Sđd., tr. 8.

Nguồn: Tạp chí Nghiên Cứu Tôn Giáo (số 3 -2006)