THIẾT LẬP NHÀ NƯỚC PHÁP TRỊ LÀ

VIỆC LÀM CỨU NƯỚC KHẨN THIẾT

Trưa ngày 25/11/2016, GS Vũ Quốc Thúc, LS Lê Trọng Quát, GS Phạm Đăng Sum và chúng tôi cùng nhau gặp gỡ, trao đổi vài vấn đề về hiện tình đất nước. Về mặt địa lý chiến lược (géostratégie), vào năm 2011, tổng thống Barack Obama đã đề ra nguyên tắc cơ bản liên hệ đến châu Á, cho phép triển khai các phương tiện của Hoa Kỳ trong khu vực được coi là ưu tiên. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, viết tắt : TPP) ký tại Wellington ngày 04/02/2016, gồm 12 quốc gia trong số có Việt Nam, chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu, củng cố sách lược của Mỹ tại khu vực. Tổng thống tân cử Donald Trump cho biết một trong những biện pháp đầu tiên sau ngày tuyên thệ nhậm chức là rút ra khỏi TPP, cắt giảm ngân sách quân sự tại Biển Đông. Các biện pháp này sẽ đưa đến việc GDP của các nước trong khu vực gồm cả Việt Nam giảm sút, tỷ lệ lạm phát gia tăng. Trung Quốc là nước hưởng lợi. Vì vậy, ngay sau khi ông Trump đắc cử tổng thống, chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình nói với tân tổng thống Hoa Kỳ qua điện thoại như sau : ‘‘Tôi đặc biệt coi trọng quan hệ Trung - Mỹ và mong đợi trao đổi với ngài để củng cố các nguyên tắc không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi’’.

Donald Trump còn cho rằng sách lược quân sự của Mỹ trong khu vực là quá tốn kém. Hiện nay, các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật, Nam Hàn và đảo Guam có khả năng ngăn cản tham vọng bá quyền Trung quốc tại khu vực. Từ vài năm nay, chiến hạm thuộc Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ (US 7th Fleet) có căn cứ ở Yokosuka thường thăm viếng Việt Nam.

Theo Nomura Holdings, các nhà đầu tư Mỹ lo ngại về việc cắt giảm cam kết quân sự tại khu vực Đông Á, đặc biệt là tại Biển Đông. Ngoài ra, chính sách bảo hộ mậu dịch của Trump sẽ khiến Việt Nam và nhiều nước khác gặp khó khăn trong việc xuất khẩu hàng sang Mỹ.

Trước những thách thức trong quan hệ quốc tế, bảng sắp hạng tình trạng tham nhũng trên thế giới trong năm 2015 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International, viết tắt : TI) sắp hạng Việt Nam đứng thứ 112 trên tổng số 168 quốc gia tham nhũng, trong các lãnh vực y tế, hành chánh, giáo dục, xây cất, quản lý, đất đai, phân phối nguồn lợi thiên nhiên cũng như các công nghệ chế biến. Ngân hàng Thế giới định nghĩa tham nhũng là lợi dụng chức vụ công để hưởng lợi. Theo báo cáo năm 2016 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (FMI), tham nhũng làm thiệt hại từ 1,5 đến 2 tỷ đô la mỗi năm, chiếm 2% tài nguyên trên thế giới, chưa kể các thiệt hại gián tiếp khác.

Trước thách thức trong quan hệ quốc tế và tình trạng tham những trong nước vì hệ thống luật pháp còn lỏng lẻo do việc Đảng đứng trên luật pháp khiến đất nước nghèo nàn, việc thiết lập Nhà nước Pháp trị phải được coi là liệu pháp sốc (thérapie de choc) cấp bách.

Thiết tưởng cũng nên nói qua về cụm từ ‘‘Nhà Nước Pháp Trị’’. Đây là sự pha trộn giữa chữ Việt (Nhà Nước) và chữ Hán (Pháp Trị : 法 治).

- Sở dĩ không thể dịch ‘‘Nhà Nước’’ là ‘‘Quốc Gia 國 家’’, vì trong tiếng Pháp : Nhà Nước : État, Quốc gia : Nation.

Trong cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, Nhà Nước và État đều viết hoa, phân biệt với état (không viết hoa) : tình trạng.

État : chữ la tinh ‘‘status’’ do động từ ‘‘stare’' : đứng vững. Hannah Arendt giải thích từ ngữ này có nguồn gốc la tinh : status rei publicae (tình trạng việc công).

État de droit (tiếng Đức : Rechtsstaat) lấy từ án lệ nước Đức : công quyền có nghĩa vụ tôn trọng luật pháp, phân biệt với Nhà nước chuyên quyền (Obrigkeitsstaat) hoặc Nhà nước cộng sản, Nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Theo GS Vũ Quốc Thúc, nên sử dụng thuật ngữ Nhà nước Pháp trị (thay vì Nhà nước Pháp quyền). LS Lê Trọng Quát cho rằng thuật ngữ này nói lên tinh thần thượng tôn pháp luật (上 尊 法 律). Theo thiến ý chúng tôi, pháp trị nhắc lại tư tưởng của Hàn Phi Tử : ‘‘Pháp luật không hùa theo người sang... Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh của kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót của kẻ thất phu’’. Ta nên áp dụng pháp trị trong sinh hoạt xã hội và nhân trị trong đối nhân xử thế để xã hội được thái bình, an lạc.

Chủ trương pháp trị của Hàn Phi gồm ba nguyên tắc :

- dĩ pháp trị quốc (以 法 治 國) : dùng pháp luật để trị nước ;

- pháp bất a quý (法 不 阿 貴) : luật pháp không phân biệt sang hèn ;

- hình bất quá tị đại thần (死 不 過 避 大 臣) ; hình luật không kiêng nể đại thần.

Nhà nước pháp quyền được xây dựng vững chắc trên bốn cột trụ :

- Tôn trọng hệ cấp pháp luật (respect de la hiérarchie des normes) ;

- Tôn trọng nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật (égalité devant le droit) ;

- Tư pháp độc lập (indépendance de la justice) ;

- Tam quyền phân lập (séparation des pouvoirs).

Ta thử so sánh quan điểm của Hàn Phi và tứ trụ pháp trị với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ngày nay.

Theo Tạp chí Cộng sản (24/11/2016) ‘‘đảng lãnh đạo các cơ quan tư pháp có nội dung toàn diện: lãnh đạo về chính trị, tư tưởng; về tổ chức, cán bộ; về định hướng công tác. Đảng lãnh đạo các cơ quan tư pháp thông qua việc định ra các nguyên tắc, quan điểm lớn làm cơ sở xây dựng tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp; vạch ra đường lối, định hướng trong các lĩnh vực hoạt động của các cơ quan tư pháp’’.

Như vậy, thử hỏi tư pháp có còn độc lập không ? Tư pháp không còn độc lập, hình luật né tránh các cấp lãnh đạo. Như vậy làm sao mà trị quốc nghiêm minh, nạn tham nhũng sẽ lan tràn, làm suy yếu đất nước, không còn khả năng bảo vệ chủ quyền.

v

Chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa xây dựng Nhà nước pháp quyền mà không dựa trên tứ trụ đỡ nâng, cũng không tôn trọng ba nguyện tắc pháp trị của Hàn Phi. Chủ trương sai lạc đó dung dưỡng tham nhũng, làm soi mòn khả năng kinh tế và quốc phòng. Vì vậy, trong cuộc mạn đàm, bốn vị luật gia đều tỏ ra ưu tư về tương lai đất nước, mong muốn mau chóng thiết lập Nhà nước Pháp trị đúng nghĩa. Có như vậy, đất nước mới có khả năng chống lại tham vọng bành trướng của Bắc Kinh tại Biển Đông và trên đất liền, trong bối cảnh TPP không còn nữa.

Paris, ngày 26/11/2016

Lê Đình Thông