Pháp trị, cũng gọi là thượng tôn luật pháp, nghĩa là luật pháp ở trên mọi người và áp dụng cho mọi người. Bất kể là người cai trị hay người bị cai trị, không ai được đứng trên luật pháp, không ai được miễn trừ khỏi luật pháp và không ai được miễn trừ khỏi bị luật pháp áp dụng vào.

Pháp trị là phương châm tổng quát theo đó mọi quyết định phải dựa trên việc áp dụng các nguyên tắc hay luật lệ đã có, mà không có sự can thiệp của ý kiến riêng (discretion) đối với việc áp dụng các nguyên tắc hay luật lệ này. Phương châm này nhằm bảo vệ chống lại việc cai trị độc đoán. Độc đoán trong tiếng Anh là arbitrary, do nguyên ngữ Latinh arbiter có nghĩa là một phán đoán theo suy đoán của người trọng tài, chứ không theo tính tối thượng của luật pháp.

Pháp trị là một lý tưởng đã có từ xưa. Platông và Aristốt từng thảo luận về nó. Hãy nghe Platông: “Khi luật lệ bị lệ thuộc một thẩm quyền khác chứ không lệ thuộc chính thẩm quyền của nó, thì theo tôi, sự sụp đổ của nhà nước chẳng còn bao xa; nhưng nếu luật là ông chủ của chính phủ và chính phủ là nô lệ của nó, thì tình thế sẽ đầy hứa hẹn và con người sẽ hưởng được mọi ơn phúc mà các thần minh ban phát dư đầy cho quốc gia” (Cooper, John et al. Complete Works By Plato, trang 1402 (Hackett Publishing, 1997). Aristốt thì viết như sau: “luật pháp phải cai trị” và những người cầm quyền phải trở thành “đầy tớ của luật pháp” (Aristotle, Politics 3.16)

Ý niệm pháp trị (rule of law) cần được phân biệt với ý niệm cai trị bằng pháp luật (rule by law). Sự khác biệt là như thế này: với pháp trị, luật pháp là tối thượng, được dùng để khống chế việc lạm quyền. Trong khi với chính sách cai trị bằng luật, luật pháp chỉ là một dụng cụ trong tay chính phủ để đàn áp cho hợp pháp.

Trong Thánh Kinh, Sách Đanien từng nói tới pháp trị tại vương quốc Mêđi khi quả quyết rằng cả đến nhà vua cũng không thể tự ý thay đổi luật lệ mà chính ông đã ban hành trước đó: “Vua đáp lại rằng: ‘đúng vậy, chiếu theo luật không thể hủy bỏ của dân Mê-đi và Ba-tư thì đúng như vậy'” (Đn 6:13).

Tại Anh, năm 1215, Vua John cũng đã đặt mình và toàn thể các ông hoàng bà chúa và quan toà tương lai của nước Anh dưới quyền thượng tôn của luật pháp bằng cách ký ban hành Đại Hiến Chương (Magna Carta).

Sau đó, các tác giả đầu tiên tạo nền lý thuyết cho pháp trị phải kể tới Samuel Rutherford trong Lex, Rex (Luật, Vua) (1644) và John Locke trong cuốn Second Treatise of Government (Chuyên luận về chính quyền) (1690). Tác giả thứ ba chính là Montesquieu trong The Spirit of the Laws (Tinh thần của luật lệ) (1748).

Năm 1776, ý niệm không ai đứng trên luật pháp khá phổ thông thời lập quốc của Mỹ. Thomas Paine chẳng hạn từng viết trong cuốn Common Sense của ông rằng: “ở Mỹ, luật pháp là vua. Vì cũng như trong các chính phủ tuyệt đối, Vua là luật pháp thế nào, thì trong các nước tự do, luật pháp phải là vua như thế; và không thể có ông vua nào khác” (Lieberman, Jethro. A Practical Companion to the Constitution, trang 436 (University of California Press 2005)). Năm 1780, John Adams đã ghi nguyên tắc này vào hiến pháp Massachusetts, để thiết lập ra “một chính phủ pháp trị chứ không nhân trị”.

Phải nói ngay, dù hiện nay, quốc gia nào cũng tự hào là mình theo nguyên tắc pháp trị, nhưng thực ra, ngoài một số rất ít, phần đông các quốc gia chỉ dùng pháp luật, bất luận tốt xấu, để mà cai trị chứ không hẳn để luật pháp cai trị mình. Điển hình nhất là các nước Trung Hoa và Việt Nam. Do bước quá độ tiến sang kinh tế thị trường, họ đang huênh hoang thượng tôn pháp luật. Vì đối với các nhà đầu tư ngoại quốc, thượng tôn pháp luật là điều kiện tiên quyết của họ, song song với việc kiếm lời. Tuy nhiên, ai cũng đều công nhận, cái tinh thần thượng tôn pháp luật hiện nay của Trung Hoa và Việt Nam cùng lắm chỉ loanh quanh trong lãnh vực thương mãi, chưa bén mảng thò được một ngón chân nào vào bất cứ lãnh vực nào khác.

Ngay như Nhật Bản, với hàng thế kỷ qua, tuy có luật lệ nhưng các luật lệ này không phải là nguyên tắc tổ chức trung ương cho xã hội và không hề hạn chế thẩm quyền của chính phủ. Và dù đã bước vào thế kỷ 21, tỷ số các luật sư và thẩm phán tại nước này vẫn ít so với các nước Âu Châu hay Mỹ, và luật lệ tại Nhật vẫn duy trì khuynh hướng nghiêm khắc và tổng quát, chừa chỗ cho những giải thích tùy ý của các viên chức bàn giấy. Và mặc dù từ năm 1959, tại New Delhi, hội nghị các luật gia quốc tế từng đã đưa ra Tuyên Ngôn Delhi công bố nguyên tắc căn bản của pháp trị, 50 năm sau, pháp trị vẫn còn là một lý tưởng xa vời. Chính vì thế, ngày 15 tháng Mười vừa qua, đại diện của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc là Đức Tổng Giám Mục Celestino Migliore đã đọc một bài diễn văn quan trọng trước Đại Hội Đồng lần thứ 64 của cơ quan này, đề cập thẳng tới vấn đề pháp trị. Ngài nhấn mạnh tới nhu cầu phải có những luật lệ quốc tế hữu hiệu và công bằng, nhất là vì ngày nay chúng ta đang đương đầu với một nền kinh tế càng ngày càng hoàn cầu hóa hơn.

Ngài nói: “Cổ vũ pháp trị ở bình diện quốc tế đã trở nên một khí cụ càng ngày càng có tính sinh tử để đạt được các mục tiêu vốn được Hiến Chương Liên Hiệp Quốc đưa ra từ đầu”. Điều này càng đặc biệt đúng vì hiện nay “quá nhiều người đang bị loại ra ngoài các che chở và phúc lợi của pháp trị và cuộc khủng hoảng tài chánh hoàn cầu đang ảnh hưởng tới mọi miền”.

Theo Đức Tổng Giám Mục Migliore, “dưới bất cứ luật lệ nào cĩng có một giá trị hay chân lý nền tảng cần phải duy trì, ngõ hầu nó có được ý nghĩa và mục tiêu chân thực”. Ngài nói thêm: “Nói tới pháp trị mà không bao gồm nhu cầu công lý sẽ không thỏa đáng và liều mình thay thế pháp trị bằng chính sách dùng pháp luật để cai trị… Luật pháp quốc tế vẫn còn rất quan trọng đối với lãnh vực hòa bình và an ninh, phát triển kinh tế và suy thoái môi trường”. Theo ngài, “tham nhũng tràn lan, tranh chấp quốc tế và quốc gia, khủng bố, bạo lực tính dục như phương thế gây chiến và các lạm dụng nhân quyền khác, cũng thường bị kéo dài và phát sinh do việc thiếu tuân hành nguyên tắc pháp trị công chính trên các bình diện khác nhau… Về phương diện này, các hiệp ước và quy tắc luật pháp quốc tế là điều chủ yếu để cổ xúy việc tôn trọng tốt hơn đối với pháp trị và để tạo nên tin tưởng nhiều hơn giữa các quốc gia”.

Về phương diện kinh tế, Đức TGM Migliore cho hay: “pháp trị ở bình diện quốc tế đã trở nên cần thiết hơn bao giờ hết… Bản chất liên kết của giao thương quốc tế không còn cho phép các quốc gia cá biệt tự kiểm soát và điều hòa nền kinh tế riêng của mình nữa, như cuộc khủng hoảng tài chánh gần đây đã chứng tỏ, thất bại không điều hòa đúng đắn chỉ một thị trường hay một hàng hóa đơn độc mà thôi cũng sẽ dẫn tới những hậu quả tàn hại khắp mặt địa cầu.

Đức Tổng Giám Mục kêu gọi phải cố gắng hơn nữa để cải tổ Liên Hiệp Quốc và các hệ thống tài chánh quốc tế để chúng có thể đóng một vai trò thích đáng trong việc điều hòa nền tài chánh một cách có trách nhiệm. Ngài kêu gọi thêm: “Chúng ta cũng phải hỗ trợ các cố gắng của các quốc gia và tổ chức quốc tế đang cùng nhau hợp tác để tạo ra một hệ thống pháp trị công chính cho việc giao thương sòng phẳng, biết tôn trọng phẩm giá nội tại của công nhân”. Đối với việc chuyển việc ra ngoại quốc, việc mà người ta quen gọi là tìm nguồn ở bên ngoài (outsourcing), Đức TGM tỏ ra dè dặt, ngài nói: “Trong một thị trường hòan cầu, điều tự nhận là tìm nguồn ở bên ngoài có thể dẫn tới đứt đoạn giữa trách nhiệm của công ty đối với công nhân, các nhà cung cấp, người tiêu thụ và môi trường. Chính vì lý do đó, pháp trị quốc gia và quốc tế không nên chỉ tập chú vào vấn đề xác định vai trò cho các thị trường mà còn phải xem sét quyền lợi của công nhân và cộng đồng”. Muốn hữu hiệu, nền pháp trị công chính đòi một nền quản trị tư pháp, có trách nhiệm điều hành các định chế và hỗ trợ xã hội và chính trị. Người ta đã chứng minh rằng: chỉ tập chú vào khía cạnh kỹ thuật và quản trị trong việc thực thi pháp trị sẽ không hữu hiệu và mãi mãi sẽ không hữu hiệu, vì ta phải bàn tới sự hỗ trợ của văn hóa nữa, một điều rất cần thiết để tôn trọng những người mà vì họ luật lệ đã được đưa ra. Về phương diện này, theo Đức TGM Migliore, Tòa Thánh và nhiều tổ chức khác đang nhất quyết hỗ trợ pháp trị trên bình diện quốc gia và quốc tế. Các định chế giáo dục của Tòa Thánh tại nhiều quốc gia trên thế giới đang cung cấp cho các cá nhân một nền giáo dục có giá trị về bản chất căn bản của luật lệ và các áp dụng của nó, nhằm nhổ tận gốc nạn tham nhũng ở khắp mọi nơi. Thêm vào đó, qua rất nhiều các tổ chức của Giáo Hội ở khắp nơi trên thế giới, nhiều người có nhiệt tâm đang hiện diện trong các trại giam cũng như nhà tù để đem lại sự trợ giúp về thể lý, tâm lý và tâm linh cho các tù nhân và cung cấp cho họ các kỹ năng cần thiết để họ trở thành các công dân có năng xuất, biết tôn trọng luật pháp.

Đức Tổng Giám Mục Migliore, trước khi dứt lời, nhắc đến nhu cầu cải tổ Liên HIệp Quốc và các cơ quan khác nhau của nó, vì điều này hết sức quan yếu đối với việc cổ vũ nền pháp trị trên bình diện quốc tế.