Khánh Nhật Truyền giáo

HÃY RA ĐI

Felix Frankfurter là một quan toà nổi tiếng của toà án tối cao của Hoa kỳ. Một lần kia ông được đưa vào bệnh viện, ở đó ông quen biết một y tá có tên là Lucy. Họ có những lúc ngồi nói chuyện thân mật và ông biết nhiều điều về Lucy vả cuộc sống của cô : sự hy sinh tận tụy cho các bệnh nhân. Mà trước đó, chưa bao giờ ông gặp được người nào có lòng quảng đại và nhân hậu như chị. Và ông bắt đầu tự hỏi và suy nghĩ, cố gắng phám phá suối nguồn của thái độ của chị. Điều ông khám phá như sau : Suối nguồn ấy không có gì là bí ẩn. Nó đơn giản, chỉ là sự áp dụng thực hành đức tin Kitô giáo của chị.

Dù rằng Lucy không bao giờ biết đức tin sống động của chị có ảnh hưởng như thế nào, nhưng chị đã làm cho Đức Giêsu hiện diện cụ thể trong bệnh viện này. Chị đem đến đôi bàn tay chăm sóc đầy yêu thương mà Đức Giêsu cần đến. Đức Giêsu cần những nhân chứng cho người ta như chị Lucy đến nỗi Người có thể trở thành Đấng an ủi như Người muốn làm… Tinh thần của chị mang sứ mạng ra đi làm việc trong cánh đồng truyền giáo của thế giới…

Tin mừng Luca cho thấy, Chúa Giêsu đang đứng trước thực tế của cánh đồng lúa chín vàng trong thế giới, Ngài thao thức về nhu cầu thợ gặt cho cánh đồng bát ngát của niềm tin: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2). Nếu không có thợ gặt cho kịp, lúa niềm tin sẽ rơi rụng và cơn lũ của thế gian sẽ cuốn trôi vụ mùa. Người thợ gặt là hình ảnh của người mục tử trong Giáo Hội ở khắp mọi chân trời, các ngài chính là những cánh tay của Thiên Chúa. Nhưng có lẽ, cấp thời và mong đợi nhất là những cánh đồng tái truyền giáo tại Châu Âu và Bắc Mỹ. Mỗi châu lục là một cánh đồng lúa chín theo những phong thổ khác nhau và nhu cầu thợ gặt lành nghề khác nhau. Nếu như ở Châu Âu và Bắc Mỹ là những lục địa được mệnh danh là chiếc nôi của Kitô giáo thì ngày nay, với trào lưu tục hóa, hưởng thụ vật chất làm cho người tín hữu xa rời đức tin, như lúa đang chín vàng gặp phải nạn sâu rầy hoành hành nên người thợ gặt phải biết chữa trị đúng phương pháp để cứu lúa. Thợ lành nghề đã ít, lại thiếu những tâm hồn quảng đại đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa. Những đồng lúa chín vàng trĩu hạt đang bị bỏ hoang, thợ gặt lại quá ít ỏi không thể lo toan hết. Các đồng lúa chín vàng tại Châu Âu - Bắc Mỹ nhìn về khía cạnh chăm sóc tâm linh cho anh em tín hữu quả là thiếu thốn trầm trọng. Trong lúc tại lục địa Á Châu, một lục địa rộng lớn chiếm 2/3 dân số thế giới của hơn 6 tỉ người nhưng chưa tới 3% mang niềm tin Kitô giáo. Cho nên, Lời Thầy không chỉ nói với các môn đệ năm xưa, nhưng luôn vang mãi mọi thời đại vì nhu cầu của cánh đồng truyền giáo thế giới luôn mang tính cấp bách: “Thầy sai anh em... ra đi”

Tuy nhiên, dù rất khẩn cấp nhưng người thợ gặt phải như lòng Chúa mong ước : trước hết là lòng can đảm, dấn thân, vượt khó với mùa gặt. Vì thế, Đức Kitô đã dùng hình ảnh sai người mục tử đến với mùa gặt Giáo Hội: “như chiên con vào giữa bầy sói” (Lc 10,3) vì họ phải đương đầu với thiên tai, với các hoàn cảnh khó khăn chung quanh để bảo vệ thành quả đức tin. Tiêu chuẩn kế tiếp, người thợ gặt phải hết lòng thao thức với việc gặt lúa, không được sao nhãng với sứ vụ, không bị phân tâm bởi những ý‎ nghĩ khác, không bám víu vào vật chất, không nỗ lực tìm và coi vật chất là mục đích, mà phải sống phó thác, đơn sơ, khó nghèo mà Chúa Giêsu đã ví bằng những hình ảnh “túi tiền, bao bị giày dép…” Thợ gặt cũng không chia trí bởi những hào nhoáng phù vân qua hình ảnh “chào hỏi dọc đường” và Chúa nhấn mạnh một cách cương quyết cho người mục tử trên bước đường rao giảng Tin Mừng “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường” (Lc 10,4). Gia tài mà người thợ gặt mang là nguồn bình an của Thiên Chúa, nguồn bình an thánh thiện từ Trời ban tặng và chia sẻ cho anh em: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” (Lc 10,5). Người thợ gặt chân thành với anh em và cùng họ chia sẻ mà Chúa Giêsu nói đến bữa ăn huynh đệ và chăm sóc anh em ốm đau (x. Lc 10,8-9).

Chúa Giêsu đã chọn và sai Mười hai Tông đồ có tên tuổi rõ ràng như Tin Mừng ghi nhận (x. Mt 10, 1-6; Mc 3, 13-19; 6, 7-13; Lc 6, 12 -16; 9, 1-6), kế vị các tông đồ, các thừa tác viên bởi bí tích truyền chức là các Giám mục sau này, được nối dài cộng tác là các linh mục, phó tế. Nhưng cách đồng lúa truyền giáo bao la, thợ gặt không đủ nên cánh đồng truyền giáo nước trời mênh mông thiếu người chăm sóc, bị bỏ hoang. Chúa Giêsu gọi thêm 72 môn đệ không có tên tuổi rõ ràng, đó là những con người môn đệ theo Chúa với lòng thành, và sau này là các tín hữu Chúa tham dự bởi Bí Tích Rửa Tội, mang sứ mạng truyền giáo. Cho nên, Lời mời gọi tha thiết về nhu cầu thợ gặt cho cánh đồng lúa truyền giáo bất tận của Chúa Giêsu, sẽ được đáp ứng do chính sự đóng góp từ đôi tay và tâm hồn của tôi của bạn cho cánh đồng lúa chín của Giáo Hội: Dấn thân vào các việc chung của cộng đoàn, đóng góp vào công việc truyền giáo theo khả năng của mỗi người, nâng đỡ và nuôi dưỡng các mầm non ơn gọi - thợ chuyên môn cho cánh đồng lúa chín bao la bát ngát ngay trong chính gia đình mình và nơi các cộng đoàn tín hữu.

Trong ý thức đó, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II qủa quyết: “Không một ai trong những người tin vào Đức Kitô, không một tổ chức nào trong Giáo Hội được miễn khỏi trách vụ cao cả này: Đó là loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc”. Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo”. Cho nên, Lời gọi ra đi làm việc trên cánh đồng truyền giáo cho mỗi người chúng ta trong cộng đoàn tín hữu, và nếu tôi, bạn là người môn đệ đích thực của Chúa Kitô không có quyền từ chối lời đáp trả như Phaolô đã cảm nghiệm và sống sứ mạng: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).

Têrêsa Hài đồng Giêsu chỉ sống trong bốn bức tường Dòng Kín Cát Minh tại Lisieux với lòng nhiệt huyết ước mơ truyền giáo, đặc biệt lòng nhiệt huyết truyền giáo có duyên nợ với Việt Nam. Tuy không bôn ba như Thánh Phanxicô trên khắp các nẻo đường rao giảng Tin mừng, nhưng chị đã hiến dâng đời mình để cầu nguyện cho việc truyền giáo, Ngài đã bảo trợ các linh mục bằng lời cầu nguyện liên lỉ và bằng những hi sinh hằng ngày. Tuy chưa một ngày bước ra khỏi Đan Viện đề đến Á Đông, cụ thể là Việt Nam mà Thánh Nữ từng mơ ước, nhưng tinh thần truyền giáo của Thánh Nữ đã bay đến tận cùng trái đất như lời Ngài cầu nguyện: “Với một tình yêu bao la, ôi lạy Chúa, con sẽ nâng Ngài trên đôi tay của mình, khi tiếng con gọi Ngài, Ngài ngự xuống từ chốn thiên đình. Và với một tình yêu cao vời, con sẽ đem Ngài lên với các linh hồn!...”. Vâng, chỉ bằng lòng khao khát và cuộc sống hằng ngày từng việc làm trong lời cầu nguyện Têrêsa đã đưa Thiên Chúa đến các dân tộc ngoại đạo bằng sức mạnh của Thiên Chúa ở cùng các vị thừa sai mà Thánh Nữ cầu nguyện mỗi ngày cho việc cứu rỗi các linh hồn…

Loan báo Tin Mừng bằng lời cầu nguyện và bằng những việc nhỏ nhất trong bổn phận hàng ngày, mà chúng ta có thể thực hiện trong cuộc sống với lời cầu nguyện ý chỉ cho việc rao giảng Tin mừng. Vâng, truyền giáo không chỉ là bổn phận của các nhà thừa sai ra đi khắp chân trời bốn bể, mà còn là trách nhiệm người tín hữu, vì truyền giáo nằm trong căn tính của người Kitô hữu khi được lãnh bí tích rửa tội, chúng ta đã được Thiên Chúa trao cho sứ mệnh ngôn sứ: nói về Chúa khi sống đức tin giữa thế giới hôm nay, cũng với căn tính vương giả tức là thuộc dòng dõi con Thiên Chúa và tư tế: dâng tế lễ hằng ngày…

Thât thế như lời thầy truyền: Hãy ra đi

Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn 23/10/2016