Gần đây, nhiều nhà bảo thủ, cả giáo sĩ lẫn giáo dân, nối tiếp nhau lên tiếng bày tỏ nỗi quan ngại của họ trước viễn tượng thay đổi tín lý mà báo chí thế tục cho rằng Đức Phanxicô thế nào cũng thực hiện. Trong bài hôm qua, chúng tôi cho rằng Đức Phanxicô đã lên tiếng trấn an những người quan ngại như vậy, bằng cách nói rõ: con đường ngài đi là con đường hiệp thông với Giáo Hội Phẩm Trật, phương pháp là kiên nhẫn đồng hành, một đồng hành bao hàm biện phân, nhận ra đúng điều, đúng lúc, đúng người để cùng hành động trong hợp nhất.

Hôm nay, ký giả Inés San Martin của Crux nhấn mạnh khía cạnh khác: nhiều nhà bảo thủ lên tiếng bênh vực Đức Phanxicô. Người đầu tiên là giáo sư luật của ĐH Princeton, ông Robert P. George: “Tôi là người bảo thủ về phương diện chính trị, nhưng tôi là người Công Giáo của Đức GH Phanxicô, điều này đơn giản chỉ có nghĩa tôi là người Công Giáo”.

Giáo sư luật tại ĐH Havard và là cựu ĐS Mỹ cạnh Tòa Thánh, Mary Ann Glendon, cũng có cùng quan điểm. Dù cho rằng bà không thích các nhãn hiệu có tính ý thức hệ, nhưng Glendon vẫn thừa nhận rằng mình thuộc khuynh hướng bảo thủ. Tuy nhiên, bà không bao giờ hoài nghi Đức GH Phanxicô, dù chỉ trong giây lát, và hướng ngài dẫn dắt Giáo Hội tới.

Bà nói: “Ngay từ đầu, ngài từng nói rằng ‘tôi là người con của Giáo Hội’. Tôi tin ngài là người rất trung thực lên tiếng từ tận đáy lòng mình. Và lòng ngài hiện rất đúng chỗ. Nó có thế nào bạn thấy như vậy”.

Glendon là người được Đức Phanxicô bổ nhiệm vào hội đồng giám sát Ngân Hàng Vatican.

Hai giáo sư George và Glendon đều hiện diện tại Rôma vào tuần trước để tham dự hội luận liên tôn về tính bổ túc nam nữ, cùng với đại diện của 14 tôn giáo thế giới.

Đức TGM Charles Chaput của Philadelphia, người được coi là một nhà bảo thủ cương quyết, cũng có mặt tại hội luận trên. Ngài cho hay: vấn đề không phải là Đức Giáo Hoàng, mà là những người giải thích về ngài.

Đức TGM nói rằng: “đã có sự hiểu lầm, nhưng cũng có sự gài bẫy của những người ở phía bên kia”.

Đức TGM cũng cho rằng đang có hiện tượng các bên của hệ thống ý thức hệ đang cho rằng mình mới là người yêu kính Đức Phanxicô và tố cáo bên kia đã không yêu Đức Phanxicô đủ. “Họ mới là người gây ra vấn đề”. Thực ra, theo Đức TGM, chỉ có viễn tượng chính trị này mới đáng kể: “ý thức hệ được Đức GH Phanxicô đề cập tới chính là ý thức hệ của Tin Mừng”.

Inés San Martin cũng lưu ý một điều: hội luận liên tôn về tính bổ túc nam nữ, mà Đức Phanxicô khai mạc, là một hội luận bảo thủ, vì nguyên tắc bổ túc nam nữ vốn được dùng làm căn bản tri thức cho giáo huấn chống “hôn nhân” đồng tính của Giáo Hội, dựa trên cơ sở cho rằng các dị biệt tự nhiên giữa người đàn ông và người đàn bà phản ảnh kế hoạch Thiên Chúa về hôn nhân, được định nghĩa là sự kết hợp giữa 1 người đàn ông và 1 người đàn bà.

Được hỏi về nhãn hiệu bảo thủ nói trên, Giáo Sư Glendon cho rằng chuyện đó nực cười. Nó chỉ là một hội nghị bàn về việc hôn nhân và các gia đình đang nuôi dậy con cái là phương thuốc ra sao để cứu chữa người nghèo, phụ nữ và trẻ em khỏi cơn tàn phá tâm linh, tinh thần và vật chất hiện nay.

Giáo sư George cũng có cùng một quan điểm. Ông lặp lại tầm nhìn của Đức Phanxicô cho rằng gia đình không phải là chuyện bảo thủ hay cấp tiến, nó là một sức mạnh ngay trong nó, và là một điều qui tụ tất cả chúng ta. Theo ông, hôn nhân không chỉ được điều hướng để thoả mãn người lớn, mà còn phục vụ phúc lợi của con cái. “Các em là những người đau khổ hơn hết trước nạn phân mảnh gia đình".

Ông cũng nhắc lại các quan tâm của Đức Phanxicô về việc các gia đình hiện trở thành nạn nhân của nền văn hóa xài xong quăng bỏ ra sao, một chủ đề được Đức Đương Kim Giáo Hoàng nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Ông cho rằng hôn nhân đang bị quăng qua một bên giống như chiếc dẻ rách.

Ông bảo: “Đức Giáo Hoàng là chứng nhân sâu sắc của việc coi hôn nhân như đồ phế thải. Tại sao? Không phải vì ngài có một niềm tin trừu tượng về hôn nhân, mà vì ngài có kinh nghiệm cụ thể trong tư cách một mục tử về những gì đang xẩy ra cho những người đàn ông và đàn bà, nhất là trẻ em, và thực ra cho toàn bộ xã hội, khi hôn nhân bị coi như đồ phế thải”.

Giáo sư George cũng lưu ý tới chiều kích liên tôn của hội luận, trong đó người của các tôn giáo đến với nhau “vượt qua các phân rẽ tôn giáo trong lịch sử để làm chứng cho niềm tin chung rằng hôn nhân là sự kết hợp của người đàn ông và người đàn bà nhằm đem lại sự sống mới”.

Trong cuộc hội luận này, có người cho rằng: các diễn giả không Công Giáo là những người lên tiếng mạnh mẽ hơn cả, với những bài diễn văn của nguyên giáo sĩ trưởng Do Thái Jonathan Sacks, và Mục Sư Rick Waren của Nhà Thờ Saddleback. Cả hai vị này được mọi người đứng lên vỗ tay vang dội.

Đức Cha Anthony Fisher, tân TGM Sydney, cũng tham dự hội luận trên. Ngài cho rằng hội luận này là một hội nghị tổ chức khéo nhất của Tòa Thánh mà ngài được tham dự trong 15 năm qua.

Ngài nhận định: “Người Do Thái Giáo và Tin Lành là những người tuyệt nhất, họ nói một cách hết sức gợi hứng, nhưng điều này rất tốt cho chúng ta, nó giống như liều thuốc chích hy vọng. Tôi muốn thấy những người Do Thái Giáo và Tin Lành này hiện diện tại THĐ sắp tới [về gia đình, dự trù vào tháng Mười, 2015]”.