Theo Christopher White của tạp chí Crux, khi các giám mục Hoa Kỳ hội họp vào tuần tới, chủ đề phiên họp 3 ngày chắc chắn là công việc còn bỏ dở của kỳ họp trước: trách nhiệm giải trình của các giám mục.

Còn nhớ trước hội nghị tháng 11 năm ngoái của các ngài, Vatican đã ra lệnh ngưng cuộc bỏ phiếu thông qua các định mức mới liên quan đến trách nhiệm giải trình của các giám mục, lấy lý do là các lo ngại về giáo luật và nhất là các ngài thông báo quá trễ khiến Tòa Thánh không đủ thì giờ góp ý. Tuy nhiên, lý do thực tiễn là chờ quyết định của cuộc họp thượng đỉnh các chủ tịch các họi đồng giám mục thế giới tại Vatican vào tháng 2/2019.

Nay thì Hội nghị Thượng đỉnh ấy đã kết thúc, và Đức Thánh Cha Phanxicô đã dựa vào đó, ra Tự Sắc Vos estis lux mundi (“Các con là ánh sáng thế gian”) buộc mọi giáo sĩ và thành viên các dòng tu phải báo cáo các vụ lạm dụng và che đậy lạm dụng kể cả của các giám mục và Hồng Y cho các thẩm quyền Giáo Hội. Tự sắc này có giá trị kể từ 1 tháng 6 và nay tùy các hội đồng giám mục thế giới phải thi hành tự sắc ở cấp địa phương, muộn nhất là 20 tháng Sáu phải có một hệ thống báo cáo sẵn sàng.

Chủ yếu là khi một giám mục bị tố cáo lạm dụng hay che đậy lạm dụng, vị Tổng Giám Mục giáo tỉnh sẽ tiến hành cuộc điều tra và chấp nhận sự can dự của các chuyên viên giáo dân vào diễn trình điều tra này để bảo đảm có sự giám sát và giải trình thích đáng.

Khi các giám mục Hoa Kỳ họp nhau vào thứ Ba tới, “Các Chỉ dẫn để Thi hành các Qui định của Vos estis lux mundi Liên quan đến các Giám mục và các vị Tương đương với các Ngài” sẽ được đưa ra để bỏ phiếu. Tập Chỉ dẫn này dựa vào khuôn khổ Tự Sắc của Đức Phanxicô và thích ứng vào bối cảnh Hoa Kỳ.

Theo một dự thảo của Tập Chỉ dẫn, một tài liệu dài 4 trang, thì một hệ thống báo cáo đệ tam nhân toàn quốc sẽ được thiết lập để tiếp nhận các khiếu nại lạm dụng hay che đậy, và sau đó, trình chúng lên cho các thẩm quyền Giáo Hội thích đáng.

Ngoài ra, tập Chỉ Dẫn cũng trao cho vị Tổng Giám Mục giáo tỉnh quyền tiến hành cuộc điều tra một giám mục và “cao độ khuyến khích” rằng ngài nên sử dụng một điều tra viên hay một nhóm điều tra viên có thể bao gồm một số điều tra viên giáo dân. Tài trợ cuộc điều tra là trách nhiệm của giáo tỉnh địa phương.

Nếu chính vị Tổng Giám Mục giáo tỉnh bị tố cáo lạm dụng hay che đậy thì vị giám mục của giáo phận phụ thuộc nào có thời gian phục vụ lâu nhất sẽ phụ trách cuộc điều tra. Ở Hoa Kỳ, hiện có 32 tổng giáo phận tòng thổ có nhiệm vụ tiến hành các cuộc điều tra loại này.

Tập Chỉ Dẫn như thế khác với các đề xuất hồi tháng 11 là các đề xuất vốn kêu gọi thiết lập một hội đồng độc lập của giáo dân để duyệt xét các lời tố cáo lạm dụng và che đậy. Vatican không chấp nhận đề xuất này vì vi phạm giáo luật khi để giáo dân chính thức kiểm soát các giám mục, một thẩm quyền chỉ có Đức Giáo Hoàng mới có.

Thứ Năm rồi, đã có một hội nghị điệm đàm (a conference call) giữa các Tổng Giám Mục giáo tỉnh để thảo luận một số điểm của mô thức mới.

Một vị Tổng Giám Mục nói với Crux rằng “tôi hy vọng chúng ta sẽ có cơ hội công khai cám ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giúp chúng ta chờ đợi hồi tháng 11, vì tôi nghĩ chúng ta sẽ qua việc này mà đạt được các đề nghị mạnh hơn”.

Một vị Tổng Giám Mục khác nhấn mạnh rằng các chỉ dẫn mới của Vatican sẽ buộc các Giám Mục chịu trách nhiệm đối với việc các ngài xử lý các trường hợp lạm dụng, dù là do lơ đễnh hay thiếu khả năng. Ngài nói: “Điều này đặt tất cả chúng tôi ở thế phải lưu ý và cung cấp cho chúng tôi loại trách nhiệm giải trình mà chúng ta đang nói tới”.

Hồi tháng Tư, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Tổng Giám Mục José Gómez và Hồng Y Joseph Tobin đã dẫn một phái đoàn qua Rôma để gặp các viên chức Giáo Triều nhằm nhận được sự hỗ trợ của họ đới với tập chỉ dẫn mới và để ngăn chặn bước hụt hẫng của tháng 11 năm ngoái.

Cũng sẽ đem ra bỏ phiếu là tài liệu mới tựa là “Acknowledging Our Episcopal Commitments” (Nhìn nhận Các Cam kết Giám mục của Chúng ta) nhằm tái khẳng định các lời đoan hứa của các ngài. Tài liệu này thay thế tài liệu “Standards of Accountability for a Bishop” (Các Tiêu chuẩn Trách nhiệm Giải trình cho 1 Giám mục) từng dự định cho phiên họp tháng 11 nhằm giải quyết “các vấn đề và quan tâm chính đáng đã nêu ra” vào lúc đó.

Tài liệu dài 3 trang này đặc biệt quả quyết rằng các tiêu chuẩn của Hiến chương Dallas áp dụng cho cả các giám mục và linh mục và cho hay “không thể có ‘cuộc sống kép’, không có ‘hoàn cảnh đặc biệt’, không có ‘cuộc sống bí mật’ nào trong việc thực hành đức khiết tịnh”.

Cuối cùng, tài liệu thứ ba sẽ được bàn cãi là “Protocol Regarding Available Non-Penal Restrictions on Bishops,” (Qui Ước Liên quan tới Các Hạn chế Phi Hình sự Có sẵn Đối với các Giám mục). Tài liệu này gồm các biện pháp giải trình mới dành cho các giám mục hưu trí, tức các vị đã từ chức hay bị loại khỏi chức vụ do “các hành vi vi phạm hay không làm tròn bổn phận trầm trọng”

Tài liệu này ban quyền cho giám mục giáo phận thẩm quyền hạn chế thừa tác vụ của giám mục hưu trí trong phạm vi giáo phận mình và thỉnh cầu Tòa Thánh áp dụng kỷ luật lớn hơn. Ngoài ra, văn kiện này cũng cho phép chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, với sự tham khảo Ủy Ban Quản Trị, có thể yêu cầu vị giám mục ấy không dự các phiên họp của Hội Đồng.

Các giám mục có tới Thứ Hai vừa qua để tu chính các bản dự thảo văn kiện mới, và toàn bộ các Giám Mục Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu cả ba tài liệu vào tuần tới, sau khi các bản văn đã hoàn tất.

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Hồng Y Daniel DiNardo sẽ chủ tọa phiên họp tuần tới. Việc này sẽ đánh dấu lần ngài xuất hiện nơi công cộng lần đầu tiên sau khi bị đột qụy hồi tháng Ba.

Đầu tuần này, Hãng tin Associated Press cho rằng Đức Hồng Y DiNardo xử sự không đúng vụ vị phụ tá của ngài dính líu vào một vụ lăng nhằng tình cảm với một phụ nữ có chồng thuộc Tổng Giáo phận Galveston-Houston. Đức Hồng Y cực lực bác bỏ lời tố cáo này.