Không lúc nào người ta được chứng kiến cường độ sức mạnh của tuổi trẻ bằng năm 1968, lúc các sinh viên học sinh Pháp và hầu hết các nước Tây Phương thách thức nhà cầm quyền bằng cách chiếm các đại học và đối đầu trực diện với bất cứ sức mạnh nào ngoài sức mạnh của chính họ. Thậm chí, họ còn chính thức tuyên chiến với các thế hệ đi trước. Biến cố này gây chấn động đến nỗi Alexander Klein đã thu thập và biên tập cuốn “Natural enemies, youth and the clash of generations” (Những kẻ thù tự nhiên, tuổi trẻ và cuộc đụng độ giữa các thế hệ) do nhà J.B. Lippincott Company xuất bản năm 1969, dầy tới hơn 500 trang khổ giấy A5.

Trong tuyển tập trên, Klein trích dẫn quan điểm của các nhà tranh đấu tuổi trẻ cũng như quan điểm của các bậc đàn anh của họ như Margaret Mead, Arthur M. Schlesinger Jr., McGeorge Bundy, Art Buchwald, Erich Fromm, Walter Lippmann, Arnold Toynbee, Henry Miller, Huh M. Hefner, John Kenneth Galbraith, Robert F. Kennedy, Dwight D. Eisenhower, John D. Rockefeller 3rd, Eugene J. McCarthy, Erik H. Erikson…

Một nữ sinh viên của một đại học Mỹ tóm lược tâm tư của tuổi trẻ thời cô như thế này: “Đó là một tương lai tô hồng… đấy chỉ là một giả mạo. Ngày giờ của chúng tôi như một chủng loại trên hành tinh này sắp chấm dứt… Tôi hết sức buồn khi điều nhân ái nhất tôi có thể làm được là không có một đứa con nào cả”.

Thiển nghĩ chẳng còn tuyên chiến nào ác độc hơn tuyên chiến này: đoạn đường hẳn với quá khứ. Dù trước đó, Bob Dylan vốn đã nói với thế hệ đàn anh rằng: “Hãy ra khỏi con đường của những gì anh không hiểu, hỡi anh Jones!”.

Klein cho hay: tuổi trẻ thời này muốn nói với các thế hệ đàn anh: “chúng tôi không giống các anh, chúng tôi khác các anh, chúng tôi là một loại người mới, một chủng loại khác hẳn, có cái nhìn thông sáng sâu sắc hơn, có tình yêu chân thực hơn, có niềm vui tròn đầy hơn, có lương tâm tinh tế hơn, có một thanh bình bền bỉ hơn. Chúng tôi có thể đạt tới cứu rỗi”.

Tuổi trẻ một khi tự cắt đứt với quá khứ, với truyền thống, với di sản hay gia bảo, thì sức mạnh phi thường của nó chỉ còn là hủy diệt, phá phách ghê gớm. Họ bất cần các đua tranh, các thu tích, các thành tựu hợp qui ước. Họ bất cần mọi “điều chỉnh” của người lớn mà đối với họ chỉ là chết ở trong tinh thần. Họ bác bỏ mọi thẩm quyền và định chế, thẩy đều đã thất bại trước mắt họ.

Chiến dịch của sinh viên Pháp đã làm tê liệt việc phân phối báo chí, vận chuyển hàng không và hai hệ thống xe lửa chính. Đến cuối tháng Năm, 1968, Pháp đứng trên bờ vực một cuộc cách mạng triệt để của cánh tả. Khởi đầu chỉ là những cuộc biểu tình nho nhỏ. Nhưng tới tháng Năm, thì cuộc biểu tình lớn tại ĐH Sorbonne đã bị cảnh sát phá vỡ, hàng trăm sinh viên bị bắt và hàng chục sinh viên bị thương.

Biến cố trên càng khuyến khích các sinh viên lao đầu vào chiến đấu. Ngày 6 tháng Năm, chiến trận giữa cảnh sát và sinh viên tại Khu Latinh đã khiến hàng trăm người bị thương. Đêm 10 tháng Năm, sinh viên đắp ụ ở Khu Latinh, gần 400 người bị thương, hết phân nửa là cảnh sát.

Ngày 13 tháng Năm, sinh viên chiếm đóng ĐH Sorbonne, biến nó thành một công xã. Từ đó, cuộc đấu tranh lan qua các đại học khác và được nghiệp đoàn lao động ồ ạt hưởng ứng đến mức báo động. Chiều ngày 24 tháng Năm, cuộc đánh nhau dữ dội nhất đã diễn ra tại Paris. Sinh viên tạm thời chiếm đóng Ngân Khố, treo cờ đỏ cộng sản lên tòa nhà và đe dọa nổi lửa đốt nó.

Cuộc bạo động của tuổi trẻ Pháp quả đã tạo ra một đe dọa thực sự đối với nền chính trị quốc gia lúc ấy. Đến độ, tướng Charles De Gaulle, đương kim tổng thống, đã âm thầm rời Điện Élysée, mang theo các tài liệu riêng, vì ai cũng tin rằng một cuộc cách mạng sẽ diễn ra trong nay mai. Nhiều viên chức chính phủ cho đốt các tài liệu quan trọng. Chính phủ, trên thực tế, đã hết còn làm việc được. Tiền rút khỏi ngân hàng là điều khó khăn. Xăng dầu trở thành khó kiếm. Nhiều người nghĩ tới việc sắm máy bay riêng hoặc làm căn cước giả để ra đi.

Bây giờ, nếu tới Đại Hàn vào dịp Đức Phanxicô đang ở đó, người ta sẽ gặp được một tuổi trẻ khác hẳn: nối kết với truyền thống cha ông, họ trở thành một sức mạnh xây dựng to lớn. Nhưng điều đáng buồn là khía cạnh ấy ít được ai chú ý. Vào internet, đọc hàng trăm tựa đề về chuyến đi lịch sử của Đức Phanxicô, chỉ chừng dăm, sáu nói tới tương tác giữa ngài và tuổi trẻ, mặc dù tuổi trẻ là một trong ba chủ đề chính của chuyến đi: tuổi trẻ, tử đạo và hòa bình.

Mà có nói đến tuổi trẻ chăng nữa, người ta cũng chỉ nhắc lại lời Đức Phanxicô nhắn nhủ họ hãy “wake up!” (Hãy thức dậy, hay hãy tỉnh thức!), làm như tuổi trẻ đang ngủ cả. Hay “hãy từ bỏ chủ nghĩa duy vật chất, và hệ thống kinh tế bất nhân” làm như họ là người tạo ra và duy trì hệ thống ấy!

Thực ra, người trẻ luôn tỉnh thức, ít nhất là tuổi trẻ Công Giáo Á Châu. Mà ba đại biểu sáng chói nhất đã có mặt trên khán đài Solmoe để chính thức ngỏ lời với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Nhờ Youtube của EWTN.Com, người ta biết họ đại biểu cho tuổi trẻ Công Giáo Đại Hàn, Hồng Kông và Campuchia.

Đại biểu tuổi trẻ Công Giáo Đại Hàn tỉnh thức đủ để nhận ra con đường đi xuống của xã hội Đại Hàn: chạy đua theo tiền bạc, quên hết các giá trị truyền thống. Cô cũng tỉnh thức đủ để đau cái đau chia cắt của quê hương: đã hơn 60 năm nay, kể từ ngày thoát ách đô hộ tàn bạo của Nhật, quê hương cô vẫn là một gia đình chia rẽ và cô ưu tư: phải làm gì đây trước những thực tế đáng buồn này.

Đại biểu tuổi trẻ Công Giáo Hồng Kông tỉnh thức đủ để biết góp phần nhỏ bé và khiêm nhường của mình vào đời sống Giáo Hội Địa Phương từ lúc lên chín, trong vai trò phục vụ bàn thờ, đến nay đã 20 năm và nguyện thề sẽ còn tiếp tục nữa. Anh cũng tỉnh thức đủ để biết ngó xa, ngó vào lục địa bao la bát ngát để tự hỏi mình phải làm gì cho những người cùng dòng máu với mình trong phạm vi đức tin.

Nhưng tỉnh thức hơn cả phải kể tới đại biểu tuổi trẻ Công Giáo Camphuchia. Cô gái còn rất trẻ ấy cám ơn cội nguồn Công Giáo quê hương, một cội nguồn thật nhỏ bé, nhỏ bé đến vô nghĩa trên bản đồ thế giới Công Giáo. Nhưng cội nguồn ấy đã đem lại trân châu ngọc qúy nhất đời cho cô là đức tin vào Chúa Kitô. Cái trân châu ngọc qúy này thúc đẩy cô theo lời khuyên của chính Đức Phanxicô: không chỉ nhìn vào mình mà ra ngoài đường phố, liều lấm bẩn, bị thương, bầm dập để gặp gỡ anh chị em mình.

Mà cô bị bầm dập thật: cô bị đồng bào Campuchia của cô chế nhạo, khinh miệt vì đi theo đạo Tây Phương! Cô gái Camphuchia biết mình phải làm gì trước những lời miệt thị như thế. Nhưng cô cũng đủ tỉnh thức để nhận ra rằng cái Giáo Hội hoàn vũ mà người đại diện của nó đang ngồi sau lưng cô này có thể giúp cô và giúp cái Giáo Hội quá vô nghĩa của cô có tiếng nói: đặt nó lên bản đồ, ít nhất, của Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ.

Cô bảo rằng: “Giáo Hội của con nhỏ bé”. Mà nó nhỏ bé thật. Năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 33 năm ngày Đức Cha Phaolô Tep-im Soth, phủ doãn tông tòa Battambang, bị chế độ Pol Pot thảm sát tại Kbeal Spean, con số do Giáo Hội công bố cho thấy năm 1970, Campuchia có 65,000 người Công Giáo nhưng tới năm 1979, khi Việt Nam đem quân vào kết liễu chế độ Pol Pot, nước này chỉ còn lại khoảng 1,000 người Công Giáo, mọi thừa sai ngoại quốc bị trục xuất và không một linh mục và nữ tu nào sống sót.

Ngày 23 tháng Năm, 2011, trả lời phỏng vấn của Zenit, tân giám quản tông tòa Nam Vang, Đức Cha Olivier Schmitthaeusler, 39 tuổi (giám mục trẻ nhất thế giới!), thuộc Hội Thừa Sai Paris, cũng đã xác nhận con số trên. Ngài cho hay : Thời kỳ từ 1975 tới 1979 là thời kỳ phá hủy toàn bộ tài sản Giáo Hội và sát hại các linh mục và tu sĩ: hai giám mục chết, một bị giết (Đức Cha Tep-im Soth) một bị kiệt sức vì lao động khổ sai mà chết (Đức Cha Chhmar Salas). Chỉ tới năm 1989, sau 30 năm, các thừa sai mới bắt đầu trở lại. Thánh lễ Phục Sinh năm đó, có 1,500 người Khmer tham dự. Tân Giáo Hội Công Giáo ở Campuchia khởi đầu với 1,500 người Khmer này.

Cô gái nhỏ trên khán đài Solmoe chính là một trong những người Khmer ấy. Tuy nhiên, cô hãnh diện nói với vị đại diện và cả Giáo Hội hoàn vũ rằng: các tử đạo của chúng con đông hơn thế rất nhiều. Chỉ có điều chưa vị nào được phong á thánh, một hành vi mà “ngài” đang ban dư thừa cho Giáo Hội Đại Hàn.

Vị đại diện có tấm lòng bao la của Giáo Hội hoàn vũ này làm sao không nghe thấy tiếng kêu vừa đau đớn vừa oán trách đắng cay của một con chiên nhỏ bé nhưng có tấm lòng bao la chẳng kém gì tấm lòng bao la của ngài? Khi nghe cô bắt đầu nói, vị đại diện này đã yêu cầu các phụ tá đem tới một ngòi bút và một mảnh giấy để ngài ghi lại từng lời của cô. Cái ôm thật chặt sau buổi gặp gỡ nói lên tất cả: Giáo Hội của cô sẽ mau chóng được đặt lên bản đồ thế giới Công Giáo.

Thực vậy, Đức Phanxicô đủ tỉnh thức để nhớ tới tên người phụ trách các án phong chân phúc: Hồng Y Angelo Amato. Ngài nói với người đại diện tuổi trẻ Công Giáo Campuchia rằng: trở về Rôma, ngài sẽ trao việc này cho Đức HY Angelo Amato lo liệu!

Thế là điều những người lớn trong Hội Thừa Sai Paris và những người quan tâm tới cánh đồng truyền giáo Campuchia không làm được thì cô gái nhỏ Khmer, trong chốc lát, đã làm được. Tuổi trẻ một khi tìm về nguồn, bám vào nguồn, phát huy nguồn, đã tạo được một sức mạnh lớn lao khiến guồng máy có tiếng nặng về thủ tục như guồng máy Vatican phải chạy theo nhịp đập con tim của cô và của người khách tình cờ một hôm lên khán đài cùng cô ở Solmoe, Đại Hàn.