Theo ký giả kỳ cựu Sandro Magister, khi tin tức loan ra, và được chính phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, xác nhận, rằng Đức Phanxicô có ý định thực hiện chuyến viếng thăm Caserta một cách tư riêng để gặp gỡ một người bạn, vốn là mục tử của một cộng đồng Tin Mừng địa phương, thì thiên hạ ai nấy đều ngỡ ngàng như bị sét đánh. Một số tín hữu còn đi đến chỗ quá trớn, đe dọa sẽ chống đối ra mặt. Phải mất cả tuần lễ người ta mới thuyết phục được Đức Phanxicô thay đổi lịch trình và phân chia chuyến viếng thăm thành hai giai đọan: giai đoạn đầu, có tính công cộng, để gặp gỡ tín hữu Caserta vào thứ Bẩy, 26 tháng Bẩy, và giai đoạn hai, có tính tư riêng, để hàn huyên với người bạn Tin Mừng vào thứ Hai tiếp theo đó.

Đức Giáo Hoàng đã có nhiều sắp xếp cả hàng tháng trước đây để có cuộc gặp gỡ tư riêng trên. Thực vậy, ngài từng nhắc tới cuộc gặp gỡ này với một nhóm tín hữu Caserta vào ngày 15 tháng Giêng năm nay, sau cuộc yết kiến chung tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô. Rồi ngài còn nói tới nó một lần nữa vào ngày 19 tháng Sáu, trong một cuộc gặp gỡ một số nhà lãnh đạo Tin Mừng tại Rôma, trong đó có cả người bạn ở Caserta này là mục sư Giovanni Traettino, người mà ngài từng gặp ở Buenos Aires năm 2006 khi còn là TGM của thủ đô Á Căn Đình.

ĐGH và Mục Sư Giovanni Traettino,
Mà thực ra, cuộc gặp gỡ với Mục Sư Traettino ở Caserta không hề là một gặp gỡ riêng rẽ, nhưng là một phần trong cố gắng bao quát hơn của Đức Phanxicô nhằm gấy cảm tình với các nhà lãnh đạo khắp thế giới của các phong trào “Tin Mừng” (Evangelical) và Ngũ Tuần, là hai giáo phái đang cạnh tranh đáng sợ với Giáo Hội Công Giáo, nhất là tại Châu Mỹ La Tinh: họ đang lấy đi những khối lượng tín hữu to lớn của Công Giáo.

Các Kitô hữu "Tin Mừng" và Ngũ Tuần, từng thoát thai từ các giới Thệ Phản một thế kỷ nay, đã phát triển một cách đầy ngạc nhiên. Người ta ước lượng rằng hiện nay họ chiếm gần một phần ba của khoảng 2 tỷ Kitô hữu trên thế giới, và ba phần tư số người Thệ Phản. Và họ có mặt trong cả Giáo Hội Công Giáo nữa. Ngày 1 tháng Sáu vừa qua, tại vận động trường Thế Vận Hội Rôma, Đức Phanxicô đã gặp 50,000 hội viên của Phong Trào Canh Tân trong Chúa Thánh Thần, nhóm Đặc Sủng Công Giáo quan trọng nhất tại Ý.

Ba ngày sau, tức ngày 4 tháng Sáu, Đức GH có một cuộc gặp gỡ khá lâu tại trú sở của ngài là Santa Marta với một số nhà lãnh đạo “Tin Mừng” của Hoa Kỳ, trong đó, có nhà giảng tin mừng nổi tiếng trên truyền hình là Joel Osteen, Mục Sư Tim Timmons của California, và chủ tịch Học Viện Westmont của Tin Mừng, Gayle D. Beebe.

Ngày 24 tháng Sáu lại có một cuộc gặp gỡ nữa. Lần này với hai nhà truyền giảng tin mừng trên truyền hình là James Robinson và Kenneth Copeland, với GM Anthony Palmer (vừa tử nạn) của Hiệp Thông Các Giáo Hội Tin Mừng Giám Mục, với John và Carol Arnott của Toronto, và với nhiều nhà lãnh đạo nổi bật khác. Cũng có sự hiện diện của Geoff Tunnicliffe và Brian C. Stiller, người trước là tổng thư ký và người sau là “đại sứ” của Liên Minh Tin Mừng Thế Giới. Cuộc gặp gỡ này kéo dài 3 tiếng đồng hồ và tiếp tục qua cả bữa ăn trưa, tại phòng ăn của Nhà Santa Marta, trong đó, giữa tiếng cười rộ, Đức Phanxicô đã “high five” (áp cả bàn tay năm ngón xòe vào nhau) Mục Sư Robinson.

Copeland và Osteen là hai nhà chủ đạo của “thần học thịnh vượng” theo đó, đức tin càng lớn mạnh thì sự giầu có càng lên cao. Chính họ cũng là những người rất giầu và sống cuộc sống hết sức xa xỉ. Nhưng dịp trên, Đức Phanxicô “tha” không giảng cho họ nghe về nghèo khó.

Thay vào đó, theo lời tường trình của “đại sứ” Stiller, Đức Giáo Hoàng đã bảo đảm với họ rằng: “Tôi không quan tâm tới việc cải đạo anh em Tin Mừng qua Công Giáo. Hiện có quá nhiều học lý mà chúng ta không bao giờ sẽ nhất trí với nhau được. Nhưng ta hãy lưu tâm tới việc biểu lộ tình yêu của Chúa Giêsu”.

Tuy nhiên, ngài cũng nói với họ rằng ngài học được khá nhiều từ Mục Sư Traettino rằng Giáo Hội Công Giáo, với sự hiện diện áp đảo của nó, hiện hành động quá nhiều như một trở ngại đối với sự phát triển và việc làm chứng của các cộng đồng này. Và cũng chính vì lý do này, ngài đã tới thăm cộng đồng Tin Mừng tại Caserta: “để tỏ lời xin lỗi về sự khó khăn gây ra cho cộng đồng của họ”.

Trong các triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II và đặc biệt hơn của Đức Bênêđíctô XVI, các nhà Tin Mừng Hoa Kỳ, nói chung khá bảo thủ, đã không nhấn mạnh tới chủ nghĩa chống giáo hoàng theo truyền thống của họ và đã tìm được nhiều điểm gặp nhau với Giáo Hội Công Giáo trong cuộc chiến đấu chung để bảo vệ tự do tôn giáo, bảo vệ sự sống và gia đình.

Đức Phanxicô không dừng lại lâu ở các vấn đề vừa kể trong các cuộc gặp gỡ mấy tuần qua. Tuy nhiên, tháng Ba vừa qua, ngài đã có cuộc gặp gỡ ngắn ngủi tại Rôma với gia đình Green sùng đạo và rất “Tin Mừng”, chủ nhân của Hobby Lobby, mà Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ vừa xử cho họ thắng vụ kiện chống chỉ thị chăm sóc y tế của chính Phủ Obama đòi các chủ nhân phải cung cấp ngừa thai và phá thai trong các kế hoạch chăm sóc y tế của họ.

Bữa trưa với Đức Giáo Hoàng

Như trên đã nói, “đại sứ” Stiller đã có bài tường thuật buổi ăn trưa với Đức Phanxicô tại Nhà Santa Marta. Stiller cho hay đây là lần thứ hai ông được diện kiến Đức Phanxicô. “Ngay từ đầu, sự duyên dáng của ngài đã làm mọi người chúng tôi thoải mái. Khi từ phòng chào đón bước vào phòng đàm luận, ngài dừng lại ở cửa để bật đèn. Tôi nhận thấy đôi hài giáo hoàng đã không còn, thay thế vào đó là đôi giầy với những chiếc dây tòng teng. Lúc ăn trưa, diễn ra tại phòng ăn, không phải các người bồi bàn rót đồ uống cho chúng tôi; chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô rót cho Geoff Tunnicliffe, Tổng Thư Ký Liên Minh Tin Mừng Thế Giới, và tôi. Sự hiện diện của ngài đã phá bỏ mọi phô bày và nghi thức long trọng. Người ta cần tự nhắc nhở mình rằng ngồi phía bên kia bàn ăn, với nụ cười luôn nở trong mọi khoảnh khắc hân hoan, chính là một trong những người gây ảnh hưởng nhiều nhất trên hế giới. Sự nổi tiếng của ngài đã bị nét bình thường hết sức từ nhân làm cho im lặng. Ảnh hưởng của ngài bị tình âu yếm người khác của ngài bao vây. Quyền lực của ngài nghiêng về người nghèo, những người bị chà đạp dưới chân”.

Theo “đại sứ” Stiller, hai ơn phúc hết sức nổi bật nơi ngài đã được biểu lộ. “Trước nhất các bản năng và ơn phúc của ngài rất hiển nhiên. Tôi hỏi ngài: ‘khi ra mắt trên bancông Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô sau khi được bầu, ngài có dự kiến sẽ yêu cầu mọi người hiện diện tại quảng trường cầu nguyện cho ngài và sau đó ngài cúi đầu trong thinh lặng không?’ Ngài cười trả lời: ‘không, lúc đó, tôi cảm thấy Chúa Thánh Thần hướng dẫn tôi làm điều đó’. Nên tôi hỏi: ‘khi làm thế, ngài cảm nhận ra sao?’ Ngài nhìn vào tôi rồi mỉm cười ‘tôi hết sức bình an’”.

Rồi các vị nói tới các Kitô hữu bị chà đạp, bị các chính phủ đàn áp hay các khối đa số thuộc các tín ngưỡng khác xử tệ. “Ngài lắng nghe rồi kể một câu truyện đáng lưu ý. Trong các năm lui tới Rôma trước đây, ngài trở thành bạn của một mục sư Ý. Dần dà, ngài biết được rằng Giáo Hội và vị mục sư này cảm thấy quyền lực và sự hiện diện của Giáo Hội Công Giáo, một sự hiện diện ‘nặng ký’, đang cản trở ý muốn lớn mạnh và làm nhân chứng của họ. Do đó, ngài quyết định đi viếng Giáo Hội này và đưa ra lời xin lỗi về sự khó khăn đã gây cho cộng đồng của họ”.

Nhưng, theo Stiller, song song với hồng ân đầy yêu thương và tận tụy mục vụ của ngài là đức tính tiên tri, ngôn sứ: không phải để báo trước việc tương lai mà là để nói thẳng lời Thiên Chúa. “Bữa ăn trưa với chúng tôi diễn ra chỉ vài ngày sau khi ngài công bố lời kết án nghiêm khắc tại Calabria, miền nam nước Ý, đối với bọn mafia vì cái tội 'thờ tội ác' của chúng; ngài long trọng cho hay mọi thứ kẻ cướp đều bị Giáo Hội Công Giáo thực tế kết vạ tuyệt thông. Với tầm cỡ động đất, lời tuyên bố này chắc chắn sẽ làm rúng động các cộng đồng nơi Giáo Hội Công Giáo và bọn cướp sống bên cạnh nhau cả hàng thế kỷ nay. Họ đang thấy rằng Đức Phanxicô không phải chỉ là một linh mục thân thiện, đầy tinh thần mục vụ đến từ Nam Mỹ”.

Stiller nhận định thêm rằng: “tôi biết nhiều người sẽ lấy làm ngạc nhiên không biết liệu chúng tôi có thiếu biện phân hay không khi đi ăn trưa với người đứng đầu một Giáo Hội bị họ coi là lạc giáo. Là một người Tin Mừng, tôi rất rõ tầm quan trọng của Cải Cách và vai trò được cộng đồng chúng tôi thủ diễn trong việc loan báo Tin Mừng. Chúng tôi tán dương cái hiểu của mình về Thánh Kinh, coi nó như thẩm quyền duy nhất và tối hậu, về chức linh mục của mọi tín hữu, về giây phút ban sự sống của việc tái sinh và sự tự do của các Giáo Hội và thừa tác vụ là phát sinh dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Không ai lưu ý tới việc vặn lại đồng hồ. Cũng thế, xây dựng một Giáo Hội hợp nhất không phải là việc có thể làm được và cũng chẳng phải là việc có lợi cho chúng tôi. Những kế sách như thế không dẫn chúng tôi tới việc chu toàn lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Gioan 17 rằng: chúng tôi nên một trong Chúa Kitô.

“Phản chứng của tôi đối với những ai muốn bác bỏ tình bằng hữu với Đức Giáo Hoàng là như sau. Đối với những người Tin Mừng và Thệ Phản, thuộc mọi hình thức và tầm cỡ, tư cách và địa vị của Giáo Hội Công Giáo là điều quan trọng. Trong số hơn hai tỷ Kitô hữu, phân nửa có liên hệ với Vatican. Khoảng 600 triệu người là Tin Mừng và 550 triệu người khác là thành viên của Hội Đồng Các Giáo Hội Thế Giới (bao gồm Chính Thống Giáo). Như một cơ chế hoàn cầu, ơn gọi của chúng tôi là có những tiếp xúc với các cộng đồng Kitô Giáo và các tín ngưỡng lớn khác. Thảo luận với Rôma không làm thiệt hại gì các cam kết tín lý của chúng tôi hơn là gặp gỡ các vị đứng đầu các tôn giáo khác. Chúng tôi làm việc này như một vai trò tự nhiên và quan trọng của ơn gọi của mình. Tại những nơi người Tin Mừng bị kỳ thị, có được sự liên kết chính thức này sẽ giúp chúng tôi đặt vấn đề và yêu cầu được trả lời mà nếu khác đi, chúng tôi không bao giờ có được.

“Trong cộng đồng đức tin thế giới, công việc và vai trò của mỗi cộng đồng Kitô Giáo đều quan trọng. Vì 50 phần trăm những người tự gọi mình là Kitô hữu có liên hệ với Rôma, nên khi thẩm quyền thiêng liêng và đạo đức của họ bị suy giảm thì việc này hiển nhiên có ảnh hưởng tới toàn thế giới. Khi Rôma mất hướng, khi thối nát trở thành đặc điểm cho các hoạt động tài chánh của họ, khi các tai tiếng tình dục lấy mất ảnh hưởng tinh thần của họ, khi họ lu mờ trong việc mạnh mẽ tuyên dương bản chất đức tin, tất cả chúng ta đều mất mát.

“Bạn có lý khi hỏi chúng tôi, trong tư cách những người Tin Mừng, chúng tôi muốn thấy thứ Giáo Hội Công Giáo nào. Tại bữa ăn trưa hôm nay, tôi có hỏi Đức Giáo Hoàng Phanxicô xem ngài dành cho phong trào tin mừng một tâm tình như thế nào. Ngài mỉm cười, biết rõ hậu ý của câu tôi hỏi, nên đã nhận định: “Tôi không quan tâm tới việc cải đạo anh em Tin Mừng qua Công Giáo. Tôi muốn người ta tìm được Chúa Giêsu ngay trong cộng đồng của họ. Hiện có quá nhiều học lý mà chúng ta không bao giờ sẽ nhất trí với nhau được. Nhưng ta hãy lưu tâm tới việc biểu lộ tình yêu của Chúa Giêsu”.

Các vị cũng thảo luận việc làm thế nào, trong sự dị biệt, vẫn tìm được sự hợp nhất và sức mạnh. Dùng kiểu nói của thần học gia Thệ Phản người Thụy Sĩ là Oscar Cullman, các vị đã suy tư việc làm thế nào “‘tính đa diện sau khi được hòa giả’ (reconciled diverstiy) có thể giúp chúng ta duy trì được cách hiểu riêng của mình về việc Chúa Kitô đã thực hiện ơn cứu rỗi ra sao”.

Stiller không cho biết gì về quan điểm của đôi bên, chỉ cho biết: sau đó, các vị đã chuyển qua các vấn đề có tính hoàn cầu khác như tự do tôn giáo, công lý và nhiều vấn đề khác có liên hệ tới phúc lợi của mọi người.

Cuối cùng, Stiller cho hay: “chúng ta đang ở giữa một đại biến động tôn giáo khắp thế giới. Trung Đông đang trên bờ của một điều gì không rõ. Hồi Giáo đang trên đà gia tăng. Chứng tá Tin Mừng đang thẩm thấu khắp nam bán cầu. Vậy tương lai sẽ ra sao?

“Một vị giáo hoàng sinh động, có tính sinh tử về thiêng liêng, cứng rắn trong việc lãnh đạo đạo đức và có khả năng giám sát thế giới hiệp thông của ngài quả là một điều chủ yếu. Những điều ngài nói và làm đều có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với tất cả chúng ta.

“Người Tin Mừng không cần ẩn núp phía sau sợ hãi, không dám dấn thân. Làm việc chung trong lãnh vực đau khổ và trong các vấn đề của con người với các Kitô hữu có truyền thống khác và đọc bản văn Thánh Kinh cách khác không hề vi phạm bản sắc và các điều chúng ta tin tưởng”.