CHÚA NHẬT III PHỤC SINH (2011)

"Mở toang mọi cánh cửa đón lấy Chúa Kitô"

Sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay có thể được tóm kết trong 3 chữ T : Thánh Kinh, Thánh Thể và Thánh Hội (Hội Thánh) ; và “3 chữ T” đặc biệt nầy, cũng chính là 3 con đường cốt yếu để chúng ta gặp gỡ Đấng Phục Sinh, để chúng ta thể hiện niềm tin của mình cách trọn hảo.

-Chính Đức Kitô Phục Sinh hôm nay đã dùng Thánh Kinh để khai lòng mở trí cho 2 môn đệ trên đường Emmau hiểu ý nghĩa trọn vẹn của mầu nhiệm Tử Nạn-Phục Sinh mà chính Ngài vừa mới thực hiện : “Rồi bát đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.”

-Chính Đức Kitô đã dùng Thánh Thể để biểu lộ dung nhan Ngài cho hai môn đệ khi cùng với hai ông cử hành lễ Bẻ Bánh, một cách diển tả khác của Nhiệm Tích Thánh Thể hôm qua và hôm nay : “Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người…”

-Chính Đức Kitô đã củng cố niềm tin Phục Sinh cho nhóm Tông Đồ mà thánh Phêrô là một đại diện và thủ lãnh để nhờ cộng đoàn “Thánh Hội” cơ bản nầy mà niềm tin Phục Sinh được củng cố và loan báo cho muôn dân : “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người nầy nói với hai ông : “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-mon”.

Thưa ông bà và anh chị em,

Vâng, cuộc họp mừng Lễ Tạ Ơn hôm nay, ở khắp nơi, mọi thời, chính là cuộc gặp gỡ thân mật và đích thật giữa chúng ta và Chúa chúng ta, Đức Kitô phục sinh, giữa cộng đoàn chúng ta, gia đình giáo xứ chúng ta với Đấng Phục sinh đang trở về, đang có mặt, đang ban Lời chân lý (Thánh Kinh) và Bánh Trường Sinh (Thánh Thể), đang ủi an và chia sẻ tình yêu, đang động viên và soi sáng để biến chúng ta thành một cộng đoàn huynh đệ hiệp nhất (Thánh Hội) để chúng ta cùng đồng hành trên bước đường loan báo Tin Mừng Phục Sinh…

Đó chính là niềm tin muôn nơi và muôn thuở của chúng ta, của mỗi người Kitô hữu, là ý nghĩa đích thực của cuộc họp mừng phục sinh, là nội dung cốt yếu của Tin Mừng phải được sẻ chia và làm chứng, như lời “lời chứng và chia sẻ của Thánh Phêrô” từ thuở khai sinh Giáo Hội mà BĐ 1 sách CVTĐ đã thuật lại hôm nay :

“Chính Đức Giêsu đó,Thiên Chúa đã làm cho sống lại ; về điều nầy tất cả chúng tôi xin làm chứng. Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống : đó là điều anh em đang thấy đang nghe”

1. 1. Đức Kitô phục sinh đang đồng hành với mỗi người :

Trên mọi nẽo đường trần thế hôm qua, hôm nay và mãi mãi sau nầy, chắc chắn không bao giờ vắng bóng những “lữ hành Emmau” cô độc, chán chường, hụt hẫng, hoang mang…về bao nhiêu chuyện trái ngang của cuộc đời tại thế. Là những người Kitô hữu, chúng ta thật hạnh phúc vì chúng ta xác tín rằng, chúng ta luôn có người “bạn đồng hành vô hình”, là chính Đức Kitô Phục Sinh luôn hiện diện trên mọi nẽo đường chúng ta đi, trong mọi biến cố của đời thường cuộc sống.

Thật vậy. Không chỉ hôm xưa Đức Kitô phục sinh đã đến, đã đồng hành, đã thỏ thẻ chuyện trò, đã khai lòng mở dạ, đã hong lại niềm tin, đã đốt lên sức sống cho hai môn đệ Emmau…; mà suốt 2000 năm Ngài đã đồng hành xuyên suốt như thế cũng cho bao nhiêu thế hệ con người. Câu chuyện sau đây sẽ là một minh hoạ cho điều đó :

Trong các tác phẩm của danh họa Rembrandt, có một bức rất ấn tượng vẽ cạnh Đức Giêsu đang ngồi cùng bàn với hai môn đệ Emmau. Điều gây ấn tượng là vẻ mặt sung sướng vô ngần của hai môn đệ lúc họ nhận ra Chúa. Bức họa nổi tiếng này được đặt trong một nhà bảo tàng, và có một chuyên viên phụ trách giải thích ý nghĩa của nó cho các khách tham quan.

Lần kia một cặp vợ chồng vừa có đứa con duy nhất bị chết vì tai nạn. Họ buồn quá không biết làm gì nên cùng nhau đến nhà bảo tàng ấy để giải khuây. Họ cũng được người hướng dẫn ấy đẫn đến bức họa này. Ban đầu, hai vợ chồng chẳng buồn để ý tới những lời giải thích: Nhưng dần dần họ bị cuốn hút vào. Và cuối cùng, khi người hướng dẫn dứt lời thì họ tâm sự với người hướng dẫn: "Chúng tôi đã nghe nói về bức họa này nhiều lần, nhưng chưa lần nào chúng tôi được nghe người nào trình bày một cách hấp dẫn như ông. Chúng tôi thực sự xúc động?

Người hướng dẫn đáp: "Thực ra, không phải lần nào tôi cũng trình bày một cách xác tín như vậy đâu. Có lần tôi đã nói một cách rất hời hợt qua loa”. Rồi ông ta kể: "Ba năm trước, vợ tôi bị ung thư, sức khoẻ cạn kiệt dần, rồi nàng chết một cách hết sức đau đớn. Tôi không thể nào chấp nhận nỗi các chết này, vì nàng là một người rất tốt, không đáng bị chết như thế. Tôi tưởng như cả thế giới sụp đổ. Tim tôi như vỡ tan. Nhưng vì bổn phận, tôi vẫn phải đến làm việc ở nhà bảo tàng này. Tôi giải thích ý nghĩa các bức họa một cách hết sức máy móc, vô hồn. Thế rồi một hôm, tôi chợt hiểu ra rằng bức họa này không chỉ liên can đến hai người môn đệ tuyệt vọng này, mà cả đến tôi nữa. Cũng như hai ông ấy, tôi đã tuyệt vọng và trở thành một người lữ hành cô đơn. Dù tôi là một người tín hữu, nhưng đối với tôi Đức Giêsu chỉ là một nhân vật mờ mịt trong những trang sách Tin Mừng. Tuy nhiên hôm đó tôi cảm thấy Ngài đang hiện diện thực sự bên cạnh tôi, Ngài ở bên tôi như một người bạn hiểu rất rõ mọi nỗi khổ đau của loài người. Từ lúc đó "mắt tôi mở ra, lòng tôi cháy bừng lên" như hai môn đệ ấy. Tôi đã tìm lại được hy vọng và lẽ sống cho đời mình. Bởi vậy từ đó trở đi, mỗi khi tôi kể câu chuyện Emmau là tôi kể về chính cảm nghiệm của mình.”

Cặp vợ chồng không cầm được nước mắt: "Chúng tôi cũng thế. Chúng tôi đã mở mắt ra và thấy lòng mình cháy bừng lên. Hôm nay chúng tôi cũng tìm lại được hy vọng và lẽ sống cho đời mình, vì biết rằng Đức Giêsu phục sinh đang thực sự ở bên cạnh chúng tôi".

2. Đừng sợ đón nhận Đức Kitô :

Trong tác phẩm tu đức "Nên thánh trong thời đại mới", Kilian Mc Gowan, C.P. đã nói một cách mạnh mẽ rằng : "Lãng phí lớn nhất của trí tuệ con người là sống mà không nhận biết Chúa Kitô. Thất bại thê thảm nhất của trái tim con người, nếu có, là chưa bao giờ thật sự yêu mến Chúa Kitô. Vở kịch bi thương nhất trong bất cứ cuộc đời nào là không đặt Chúa Kitô làm trung tâm của đời sống chúng ta" (Nên thánh Thời đại mới, trang 72).

Trong khi đó, như chúng ta đã biết : toàn thể Giáo Hội Công Giáo và cả thế giới vừa hân hoan tham dự và chứng kiến cuộc lễ tuyên phóng Á Thánh cho Đức cố Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, vị thánh Giáo Hoàng đã khai mạc triều đại mục tử của mình bằng lời hiệu triệu :

“Anh chị em đừng sợ ! Hãy mở ra, mở toang mọi cánh cửa đón lấy Chúa Kitô ! Hãy mở mọi biên giới các quốc gia, các hệ thống chính trị, những lãnh vực bao la của nền văn hóa, văn minh, phát triển cho quyền năng cứu độ của Chúa bước vào”.

“Đừng sợ ! Chúa Kitô biết rõ “mọi điều trong lòng người” ! Và chỉ một mình Người biết rõ” (Gioan Phaolô II – Bài giảng lễ khai mạc sứ vụ Tông đồ Phêrô).

Trong bài giảng của thánh lễ tuyên phong Á Thánh Gioan-Phaolô II hôm 1/5 vừa qua, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã khai triển thêm ý nghĩa đặc biệt nầy nơi chân dung của Vị tân Á Thánh :

“Điều mà vị giáo hoàng mới được bầu đề nghị với mọi người, thì chính ngài là người đầu tiên thực hiện: ngài đã mở các hệ thống xã hội, văn hóa, chính trị, kinh tế cho Đức Kitô, với sức mạnh của một người khổng lồ - một sức mạnh ngài nhận được từ Thiên Chúa – tạo ra một dòng thác hầu như không thể đảo ngược. Bằng chứng tá đức tin, tình yêu, bằng lòng can đảm tông đồ của mình, và bằng uy tín cá nhân lớn lao, người con tuyệt vời này của đất nước Ba Lan đã giúp cho các tín hữu trên khắp thế giới không sợ được gọi là Kitô hữu, không sợ thuộc về Giáo Hội, không sợ nói về Tin Mừng. Nói tắt một lời: ngài đã giúp chúng ta không sợ sự thật, vì sự thật là bảo đảm của tự do. Hay nói hàm súc hơn: ngài đã trao cho chúng ta sức mạnh để tin vào Đức Kitô, vì Đức Kitô là Redemptor hominis, Đấng Cứu Chuộc nhân loại. Đó là chủ đề của Thông Điệp đầu tiên của ngài, và cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các Thông Điệp khác.”

Vâng, một khi có Đức Kitô trong cuộc đời, thì “phép lạ” sẽ xảy ra : phép lạ của sự biến đổi, thăng tiến, canh tân và củng cố.

Ngài đã biến đổi trái tim chai đá cứng tin của Tôma nên diệu hiền khiêm hạ, con người ba phải nhút nhát của Phêrô nên mạnh mẽ can trường, cố chấp thù nghịch như Phaolô trở nên nhà truyền giáo vĩ đại… hay như một Augustinô lầm lạc trác táng trở thành Giám Mục thời danh, một Phanxicô Assisi, một Phanxicô Xavie đam mê tham vọng… đã trở nên những thừa sai loan báo Tin mừng, một Têrêsa Calcutta, người nữ tu chân yếu tay mềm, khó nghèo đơn giản đã trở nên ân nhân của hàng triệu con người bất hạnh, đã trở thành đại thánh. Vâng tất cả đều có chung một bí quyết duy nhất : gặp gỡ Đức Kitô và để Ngài tham dự vào chính cuộc đời.

Điều nầy đã được hiện thực cách mãnh liệt và cụ thể nơi cuộc đời của vị tân Á Thánh Giaon-Phaolô II mà Đức Thánh Cha Bênêđictô đã nêu bật trong đoạn cuối của bài giảng ngày lễ phong chân phước vừa qua :

“Lòng khiêm nhường sâu xa của ngài, cắm rễ trong mối gắn bó mật thiết với Đức Kitô, đã giúp ngài tiếp tục lãnh đạo Giáo Hội và trao cho thế giới một sứ điệp thậm chí càng hùng hồn hơn khi sức mạnh thể lý của ngài suy kiệt. Bằng cách này ngài đã sống trọn, một cách phi thường, ơn gọi của mọi linh Mục và Giám Mục, đó là trở nên một hoàn toàn với Chúa Giêsu, Đấng mà ngài đón nhận và trao ban hằng ngày trong Bí Tích Thành Thể..”

Như vậy, điều cuối cùng để chúng ta thể hiện và sống đức tin khởi đi từ những gợi ý của sứ điệp phụng Vụ hôm nay, đó chính là :

-Thường xuyên tìm đọc và lắng nghe Thánh Kinh, để Lời Chúa dẫn lối đưa đường chúng ta đến cuộc hội ngộ thường xuyên và đích thực với Chúa Kitô.

-Năng tham dự bàn Tiệc Thánh Thể để từ “địa chỉ cao cả và nhiệm mầu, huynh đệ và hiệp nhất” nầy, niềm tin vào Đấng Phục Sinh của chúng ta càng thêm củng cố và phát triển.

-Hăng hái tham gia vào đời sống cộng đoàn để chính nhờ môi trường thánh thiện và mối giây hiệp nhất yêu thưiơng nầy, chúng ta được thăng tiến, đỡ nâng và dồi dào sức mạnh để ra đi làm chứng cho Tin Mừng Cứu Độ.

Trong một thế giới có quá nhiều những “thần tượng giả”, những “bạn đồng hành không ra gì”, những ý thức hệ lầm lạc và giả dối…chúng ta cần luôn tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng như hai môn đệ Emmau khi xưa, với người “bạn đồng hành duy nhất đáng tin”- Đức Kitô phục sinh : “Xin Thầy ở lại với chúng tôi vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn” . Amen.