3 ngày để sống lại sư Thương Khó, sự Chết và sự Sống lại của Chúa Kitô

VATICAN (Zenit. org).- Đây là bản dịch bài phát biểu Đức Gioan Phaolô II trong buổi triều yết chung 16/4/2003, khi Ngài suy tư về các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Kitô mà những người Kitô hữu sống lại trong Tuần Thánh.

* * *

1. Bắt đầu chiều ngày mai, với Thánh lễ Tiệc Ly của Chúa, tam nhật Phục sinh, điểm tựa cho toàn năm phụng vụ. Trong những ngày này, Giáo hội mặc niệm trong thinh lặng, để cầu nguyện và suy gẫm sự thương khó, sự chết và sự sống lại của Chúa.

Khi tham gia các nghi lễ ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Đêm Canh Thức Phục sinh, chúng ta hồi tưởng những giờ cuối cuộc đời tại thế của Chúa Giêsu, mà trong cuối cuộc đời ấy chiếu tỏa lên ánh sáng phục sinh.

Trong bài thánh ca vừa tuyên bố, chúng ta nghe Chúa Kitô đã trở nên "vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người" (Phil. 2: 8-9). Những lời nói này tổng kết chương trình mầu nhiệm của Chúa mà chúng ta sẽ sống lại trong những ngày sắp tới, mầu nhiệm ban cho lịch sử nhân loại ý nghĩa và sự hoàn thành.

2. Trong khi Thánh lễ Dầu thường được cử hành sáng ngày Thứ Năm Tuần Thánh, đề cao chức linh mục thừa tác cách đặc biệt, những nghi lễ của Thánh lễ Tiệc Ly của Chúa là một lời mời khẩn cấp để chiêm ngưỡng Thánh Thể, trung tâm điểm của mầu nhiệm đức tin và đời sống kitô hữu. Chính vì để nhấn mạnh tầm quan trọng bí tích này, tôi đã viết thông điệp "Ecclesia de Eucharistia--Giáo hội về Thánh Thể," mà tôi sẽ vui mừng ký trong Thánh lễ Tiệc Ly của Chúa. Với văn kiện này, tôi muốn cống hiến cho mọi tín hữu một suy tư hữu cơ về hy lễ thánh thể, chất chứa toàn thể của cải thiêng liêng của Giáo hội.

Trong phòng Tiệc, cùng với Thánh Thể, Chúa đã thiết lập chức thừa tác vụ linh mục, ngõ hầu hy lễ này có thể hiện thực qua hàng thế kỷ: "Hãy làm sự này mà nhớ đến Thầy" (Lc 22: 129). Sau đó Người để lại cho chúng ta điều răn mới về tình yêu huynh đệ. Qua việc rửa chân, người dạy các môn đệ Người rằng tình yêu phải chuyển sang sự phục vụ khiêm tốn và vị tha đối với người anh em mình.

3. Thứ Sáu Tuần Thánh, một ngày sám hối và ăn chay, chúng ta sẽ nhớ lại sự thương khó và sự chết của Chúa Giêsu, chú tâm vào sự thờ lạy thánh giá. "Ecce lignum Crucis, in quo salus mundi pependit --Này là gỗ Thánh giá, nơi treo Đấng cứu độ trần gian." Trên núi Sọ, Con Thiên Chúa vác gánh nặng tội lỗi chúng ta, tự hiến mình cho Chúa Cha như của lễ đền tội. Từ thánh giá, nguồn mạch ơn cứu độ cho chúng ta, tuôn chảy ra sự sống mới cho con cái Thiên Chúa.

Tiếp theo thảm kịch ngày thứ Sáu là sự thinh lặng ngày thứ Bảy Thánh, một ngày chất chứa chờ đợi và hy vọng. Với Đức Maria, cộng đồng Kitô hữu canh thức trong cầu nguyện kề bên mộ, chờ sự thực hiện của biến cố Phục sinh vinh hiển.

Trong đêm thánh Phục sinh, tất cả mọi sự được đổi mới trong Chúa Kitô phục sinh. Từ tất cả bốn phương trời tiếng hát "Gloria" và "Alleluia" sẽ cất lên thấu tận trời, đang khi ánh sáng sẽ chọc thủng bóng tối của đêm đen. Trong ngày Chúa nhật Phục sinh, cùng với Ðấng Phục Sinh chúng ta sẽ nhãy mừng nhận lãnh từ nơi Người lời chúc mừng hòa bình..

4. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy dọn mình mừng xứng đáng trong những ngày thánh này, và chiêm ngắm công trình kỳ diệu do Chúa thực hiện trong sự hạ mình và biểu dương của Chúa Kitô (x. Phil. 2:6-11).

Nhớ lại mầu nhiệm trung tâm này của đức tin cũng bao hàm đến sự dấn thân thực hiện mầu nhiệm đó trong đời sống hiện thực của chúng ta. Điều đó có nghĩa là sự thương khó của Chúa Kitô được tiếp tục trong những biến cố thảm kịch, vô phúc thay những biến cố cũng gây đau khổ cho nhiều người nam và nữ trên mọi phần thế giới cho tới giờ phút này.

Tuy nhiên mầu nhiệm thánh giá và Phục Sinh đảm bảo cho chúng ta rằng hận thù, bạo tàn, máu đào, sự chết không có tiếng nói cuối cùng trong những công việc của nhân loại. Chiến thắng cuối cùng là của Chúa Kitô và nếu chúng ta muốn xây dựng một tương lai hòa bình, công chính và liên đới đích thực cho mọi người, chúng ta phải bắt đầu lại từ nơi Người

Xin Đức Trinh Nữ, đấng chia sẻ mật thiết trong chương trình cứu độ, đồng hành với chúng ta trong con đường thương khó và thánh giá cho tới ngôi mộ trống, để gặp người Con thần linh phục sinh của Me. Chúng ta hãy đi vào trong bầu khí thiêng liêng của tam nhật thánh, để Mẹ hướng dẫn chúng ta

Với những tâm tình này, tôi gởi những lời cầu chúc chân tình của tôi cho tất cả mọi người được hưởng một ngày Phục sinh hòa bình và thánh thiện.

Cuối buổi triều yết, Đức Thánh Cha tóm tắt bằng tiếng anh:

Thánh ca hôm nay trích từ thư thánh Phaolo gởi tín hữu Philipphê nhắc tới sự chết của Chúa kitô trên Thánh giá và sự Người sống lại trong vinh quang Thiên Chúa (x. Phil. 2: 6-11). Những biến cố này, mà Giáo hội sống lại trong những ngày sắp tới, mặc khải sự viên mãn chương trình cứu chuộc của Chúa và ý nghĩa của lịch sử nhân loại.

Tam nhật Phục sinh--Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh-- là chính trung tâm điểm năm phụng vụ và mời gọi chúng ta nhận ra sự Thương khó Chúa Kitô trong những hoàn cảnh thê thảm mà nhiều dân tộc phải đương đầu hôm nay. Mầu nhiệm Thánh Giá và Phục sinh bảo đảm với chúng ta rằng Chúa Kitô chiến thắng trên sự bạo tàn và sự chết, và trong Người chúng ta có thể xây dựng một tương lai hòa bình, công lý và liên đới đích thực. Với Mẹ chí Thánh của Người như người hướng đạo cho chúng ta, chúng ta hãy đi sâu vào tinh thần Tuần Thánh, để chúng ta có thể gặp người Con thần linh của Ngài, Ðấng đã sống lại.

Tôi gởi lời chào đặc biệt tới những người hành hương nói tiếng Anh ở đây hôm nay, gồm những tóp người đến từ Australia, Ireland, Norway, Scottland và Hoa Kỳ. Trên tất cả anh chị em tôi câu xin ân sủng và hoà bình của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, và tôi chúc quý anh chị em một ngày lễ Phục Sinh hạnh phúc và thánh thiện.



_