Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đức Thánh Cha Phanxicô để cho một bé gái mắc bệnh chạy nhảy tung tăng trên khán đài trong buổi triều yết chung

Đức Thánh Cha Phanxicô đã để cho một bé gái mắc bệnh di chuyển xung quanh khán đài vỗ tay và nhảy múa hầu như suốt buổi triều yết chung vào hôm thứ Tư 21 tháng Tám, trước mặt một cử tọa đông đảo trong đại thính đường Phaolô Đệ Lục.

Cô gái mặc chiếc áo thun màu hồng có hàng chữ “Love”, đã tuột khỏi tay mẹ cô đang ngồi phía hàng trên cùng trong đại thính đường Phaolô Đệ Lục và nhảy lên khán đài làm bằng đá cẩm thạch. Cô nhảy qua lại nhảy lại trước mặt ngài, nhào lộn, chống nạnh trước mặt Đức Thánh Cha, và thỉnh thoảng vỗ tay rất to.

Đức Phanxicô ra hiệu cho các nhân viên an ninh để cho cô được di chuyển tự do. Cô gái trở về với mẹ mình. Mẹ cô cố gắng giữ cô im lặng trong vòng tay bà, nhưng cô lại vuột ra khỏi tay bà một lần nữa và trở lại sân khấu, khiến các cử tọa vỗ những tràng pháo tay.

“Cô gái đáng thương này là nạn nhân của một căn bệnh và cô ấy không biết mình đang làm gì,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Tôi xin anh chị em một điều là mọi người nên đáp lại với trái tim chân thành của mình. Tôi đã cầu nguyện cho cô ấy không khi nhìn thấy cô ấy trong tình cảnh này? Tôi có cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho cô ấy và bảo vệ cô ấy không? Tôi có cầu nguyện cho bố mẹ và gia đình cô ấy không?”

“Anh chị em thân mến, khi chúng ta thấy một người đau khổ, chúng ta phải cầu nguyện. Những tình huống như thế này nên giúp chúng ta đặt ra cho mình những câu hỏi này,” ngài nói.

Tưởng cũng nên nhắc lại, năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép một cậu bé mắc chứng tự kỷ chạy quanh sân khấu mà không bị ngăn chặn.

Trong buổi triều yết chung, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục bài giáo lý theo sách Công vụ Tông đồ. Sự hiệp thông của cộng đoàn Kitô hữu không chỉ thể hiện bằng lời nói mà còn phải được cụ thể hóa bằng việc làm.

Cộng đoàn Kitô được sinh ra từ ơn thánh dồi dào của Chúa Thánh Thần và phát triển nhờ men chia sẻ giữa các tín hữu trong Đức Kitô. Điều này cho thấy giữa các Kitô hữu có sự năng động của tình liên đới. Chính tình liên đới này xây dựng Giáo hội như một gia đình Thiên Chúa. Nơi đây mọi người trải nghiệm koinonia. Koinonia có nghĩa là gì? Đó là một từ Hy Lạp có nghĩa “mọi sự đều để chung”, như một cộng đoàn, không ai bị tách biệt. Đây là kinh nghiệm của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, “chia sẻ”, “giao tiếp”, “tham gia”. Trong Giáo hội sơ khai, koinonia trước hết đó là tham dự vào Mình và Máu Chúa Kitô. Vì lý do này, khi chúng ta rước Thánh Thể, chúng ta tuyên xưng “chúng ta hiệp thông”, chúng ta hiệp thông với Chúa Giêsu và từ sự hiệp thông này đưa chúng ta đến hiệp thông với anh chị e m, hiệp thông huynh đệ. Tới đây có một điều rất khó khăn đối với chúng ta liên quan đến sự hiệp thông: để chung của cải và quyên góp tiền cho Giáo hội mẹ Giêrusalem (cfr Rm 12,13; 2Cor 8–9) và các Giáo hội khác.

Đức Thánh Cha nói tiếp như sau:

Nếu anh chị em muốn mình là Kitô hữu tốt, anh chị em phải cầu nguyện, hãy cố gắng đến với Thánh Thể, Bí tích Giao hòa. Nhưng sẽ là dấu chỉ cho thấy tâm hồn anh chị em đã được hoán cải đó là khi sự hoán cải xảy đến từ túi tiền của anh chị em, nó chạm đến mối bận tâm của anh chị em. Từ túi tiền chúng ta sẽ thấy một người quảng đại, giúp đỡ những yếu đuối, nghèo khổ như thế nào. Khi điều này xảy đến có nghĩa là có một sự hoán cải thực sự. Nếu chỉ dừng lại ở lời nói không phải là một sự hoán cải tốt.

Đời sống Thánh Thể, cầu nguyện, lời giảng dạy của các Tông đồ và kinh nghiệm hiệp thông (Cv 2,42) làm cho các tín hữu đông đảo trở thành “một lòng một ý và không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung (Cv 4, 32). Vì lý do này “Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu” (Cv 4, 34-35). Trong Giáo hội luôn có các cử chỉ này của các Kitô hữu. Họ đã tự nguyện từ bỏ những thứ không cần thiết để trao ban cho những ai đang cần chúng. Và không chỉ tiền mà còn cả thời gian. Ví dụ có biết bao Kitô hữu là những tình nguyện viên, chia sẻ thời gian với người khác, giúp đỡ những người gặp khó khăn. Đó là hoạt động bác ái, thăm viếng người bệnh; luôn luôn cần phải chia sẻ với người khác, không chỉ tìm kiếm lợi ích của riêng mình.

Như thế koinonia hay hiệp thông trở cách thức tương quan mới giữa các môn đệ của Chúa. Kitô hữu cần phải trải nghiệm điều này, đó là lối hành xử Kitô, đến nỗi những người ngoại giáo nhìn Kitô hữu và nói: “Hãy xem cách họ yêu nhau!”. Nhưng tình yêu không chỉ bằng lời nói, đó là tình yêu giả tạo, tình yêu phải thể hiện qua hành động, giúp đỡ lẫn nhau, một tình yêu cụ thể. Mối dây liên kết với Đức Kitô tạo ra sự liên kết giữa các tín hữu và được thể hiện trong sự hiệp thông của cải vật chất. Phải, đây là cách để ở bên nhau, cách yêu thương này đến được với túi tiền, nó làm cho chúng ta trút bỏ sự cản trở tiền bạc để trao nó cho người khác, đi ngược lại lợi ích của chính mình.

Là chi thể của thân mình Đức Kitô các tín hữu đồng trách nhiệm với nhau. “Nhưng hãy nhìn kìa, anh ta có vấn đề: Tôi không quan tâm, đó là chuyện của anh ta”. Không, là các Kitô hữu chúng ta không thể nói: “Người nghèo, anh ta có vấn đề ở nhà anh ta, anh ta đang trải qua khó khăn gia đình”. Nhưng, tôi phải cầu nguyện, tôi mang nó theo, tôi không thờ ơ. Là Kitô hữu không chỉ quan tâm đến những người nghèo vật chất, mà cả những người nghèo tinh thần, những người có vấn đề và họ cần sự gần gũi của chúng ta. Một Kitô hữu luôn bắt đầu từ chính mình, từ tâm hồn và đến với người khác như Chúa Giêsu đến gần chúng ta.

Một ví dụ cụ thể về việc hiệp thông chia sẻ của cải đến với chúng ta từ lời chứng của Banaba: ông có một thửa đất, ông bán đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ. (Cv 4,36-37). Nhưng bên cạnh mẫu gương tích cực, một điều tiêu cực đáng buồn khác xuất hiện: Khanania cùng với vợ là Xaphira bán một thửa đất. Ông đồng ý với vợ giữ lại một phần tiền, rồi đem phần còn lại đặt dưới chân các Tông Đồ. (Cv 5, 1-2). Sự gian lận này làm gián đoạn chuỗi chia sẻ vô điều kiện, chia sẻ vô tư và hậu quả thật bi thảm, chúng gây tử vong (Cv 5, 5.10). Thánh Phêrô vạch trần sự bất chính của Khanania và vợ và nói với anh ta: “Sao anh lại để Xatan xâm chiếm lòng anh, khiến anh lừa dối Thánh Thần, mà giữ lại một phần giá thửa đất? Anh đã không lừa dối người phàm, mà lừa dối Thiên Chúa”. (Cv 5: 3-4). Chúng ta có thể nói rằng Khanania đã lừa dối Thiên Chúa vì lòng đạo đức giả. Những người này thuộc về Giáo hội “thương lượng” và cơ hội. Đạo đức giả là kẻ thù tồi tệ nhất của cộng đoàn Kitô giáo này: giả vờ yêu nhau nhưng chỉ tìm kiếm lợi ích của riêng mình.

Thực tế, khi thiếu chia sẻ chân thành, hoặc thiếu sự chân thành trong tình yêu, có nghĩa là nuôi dưỡng sự giả hình, xa sự thật, trở nên ích kỷ, dập tắt ngọn lửa hiệp thông và đi đến cái lạnh lẽo của cái chết bên trong. Những người cư xử theo cách này đi qua Giáo hội như một khách du lịch. Có nhiều khách du lịch trong Giáo hội, họ luôn đi qua mà không bước vào Giáo hội: đó là những vị khách du lịch tâm linh khiến họ tin rằng họ là Kitô hữu, trong khi họ chỉ là khách du lịch từ hầm mộ. Không, chúng ta không được là khách du lịch trong Giáo hội, mà là anh em của nhau. Một cuộc sống chỉ tập trung vào việc trục lợi và lợi dụng hoàn cảnh để gây tổn hại cho người khác chỉ gây ra cái chết bên trong. Và có bao nhiêu người nói rằng họ gần gũi với Giáo hội, bạn bè của các linh mục, giám mục, trong khi họ chỉ tìm kiếm lợi ích riêng của họ. Đây là những kẻ giả hình phá hủy Giáo hội

Câu chuyện Thánh Gioan bố thí.

Nhân bàn đến thái độ đối với tiền của Thúy Nga và Kim Phượng xin được gởi đến quý vị và anh chị em câu chuyện Thánh Gioan bố thí.

Thánh Gioan bố thí là một quí tộc trung thành với Kitô giáo. Ngài đã dùng của cải và địa vị của mình để giúp những người nghèo khó. Sau khi người vợ qua đời, Gioan trở thành linh mục rồi Giám mục. Năm 608, ngài được tấn phong làm Thượng phụ Giáo chủ Alêxanđria, Ai Cập.

Việc đầu tiên ngài muốn thực hiện là hàn gắn những chia rẽ bất đồng giữa giáo dân. Đức Thượng phụ Gioan đã nài xin mọi người thực hành một đức bác ái không giới hạn. Ngài xin một danh sách liệt kê tên tuổi những chủ nhân của ngài. Khi được hỏi họ là ai? Ngài trả lời đó là những người nghèo. Danh sách các chủ nhân được liệt kê có khoảng 7500 người ở miền Alêxanđria. Đức cha Gioan đã tự nhận là người bảo trợ đời sống của họ.

Tuy công việc của một Thượng phụ rất là bận rộn, nhưng ngài vẫn bỏ ra mỗi tuần hai ngày thứ tư và thứ sáu để gặp gỡ bất cứ ai muốn gặp ngài. Họ là những người giàu có, người nghèo khổ và những người vô gia cư. Dù là bất cứ ai, họ đều được lĩnh nhận từ ngài một sự ưu ái quan tâm và nhã nhặn lịch thiệp.

Khi biết trong ngân quĩ của Giáo hội miền Alêxanđria còn 80 ngàn lượng vàng, ngài liền phân phát hết cho các bệnh viện và các tu viện. Ngài lập ra quĩ từ thiện để nhờ đó những người nghèo có thể nhận được số tiền tương xứng và những phương tiện cần thiết cho cuộc sống của họ.

Những người ở các vùng lân cận cũng được tiếp đón cách nồng hậu. Sau khi những người Ba Tư cướp phá Giêrusalem, Đức Thượng phụ Gioan gửi tiền bạc và những tiếp tế cần thiết cho các nạn nhân đau khổ ở đây. Thậm chí ngài còn gửi các công nhân Ai Cập xuất sắc đến giúp họ khôi phục lại các ngôi Thánh đường ở đó.

Khi dân chúng muốn biết rõ làm thế nào mà Đức Thượng phụ Gioan lại có thể quá vị tha và giàu lòng quảng đại như vậy, câu trả lời của ngài khiến cho mọi người phải ngỡ ngàng:

– Một ngày kia khi còn trẻ, tôi đã nằm mộng. Tôi thấy một Cô Bé xinh đẹp và tôi nhận biết Cô Bé là biểu hiện của “lòng bác ái”. Cô Bé nói với tôi: “Tôi là nàng công chúa vĩ đại nhất của Đức Vua. Nếu ngài tin tưởng tôi, tôi sẽ dẫn ngài đến với Chúa Giêsu. Không ai có quyền thế nơi Chúa như tôi. Hãy nhớ rằng, chính vì tôi mà Người đã hóa nên một trẻ thơ để cứu rỗi nhân loại”.

Đức Thượng phụ Gioan không bao giờ cảm thấy chán khi nói về thị kiến này. Ngài dịu dàng khuyên những người giàu sang hãy có tấm lòng khoan dung rộng lượng. Và người nghèo khổ hãy tín thác vào Thiên Chúa, là Đấng luôn luôn hiện diện và sẵn lòng giúp đỡ họ.