Honolulu- Hawaii: Vào năm 1936, khi hài cốt Cha Damien de Veuster được đưa lên tàu tại Honolulu để mang về nơi sinh trưởng của Ngài tại Bỉ Quốc, cô bé Audrey Horner chỉ mới 8 tuổi đã cùng với các bạn cùng lớp từ trường học Công Giáo xếp hàng nơi bến cảng để vẫy tay chào vĩnh biệt Cha Damien.

Thế nhưng có ai ngờ đâu, 72 năm sau vào ngày 19/4/2008, Audrey Horner Toguchi đã nhận được tin mừng cho biết, vụ chữa lành chứng bệnh ung thư của bà vào năm 1999 được chính thức công nhận nhờ sự chuyển cầu của Chân Phước Damien.

Đức Giám Mục tại Honolulu, Đức Cha Larry Silva đã cho công bố tên của bà Toguchi lần đầu tiên, khi các vị tư vấn thần học của Bộ Phong Thánh khẳng định Chân Phước Damien đã chuyển cầu để chữa lành cho bà.

Vị thừa sai thế kỷ thứ 19, thuộc Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria, đã sống trọn 16 năm cuối đời để phục vụ cho các bệnh nhân phong cùi tại hòn đảo Molokai thuộc Hawaii. Cha Damien de Veuster đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Chân Phước tại Bỉ Quốc vào 4/6/1995.

Điều khẳng định của ủy ban thần học thuộc Bộ Phong Thánh là một bước quan trọng trong tiến trình tiến đến hồ sơ phong Thánh cho Chân Phước Damien. Phần còn lại của tiến trình là sự đồng thuận của các Hồng Y và Giám Mục và cuối cùng là sự chuẩn y của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI.

Bà Audrey Horner Toguchi năm nay 79 tuổi, là một người Công Giáo ngoan đạo đã học được những nhân đức anh hùng của Cha Damien khi còn là một nữ sinh theo học trường Công Giáo tại Oahu. Sau này bà đã dạy tại các trường công lập tại Hawaii trong suốt 44 năm, thành hôn với Yukio Toguchi và sinh được 2 người con trai Eric và Ivan Toguchi.

Những người con trai của dòng họ Toguchi vẫn thường nghe đến câu chuyện về Cha Damien với những bệnh nhân phong cùi, mà 2 bệnh nhân phong cùi cũng thuộc dòng họ bà Audrey. Cậu con trai lớn Eric Toguchi vẫn nhớ lại ký ức khi người mẹ dẫn con đến chóp đỉnh cao tại Molokai để nhìn xuống Kalaupapa, một bán đảo nơi cô lập các bệnh nhân phong cùi khỏi thế giới bên ngoài từ năm 1886 đến năm 1969.

Cậu Eric nói về Cha Damien: “Trong trí nhớ và tâm hồn của mẹ tôi, Cha là một trong những người đã từ bỏ mọi sự để đến và giúp cho cư dân tại Hawaii. Đó là một sự cống hiến làm cho mẹ tôi quý chuộng”.

Vào cuối năm 1996, chỉ còn một năm trước khi được nghỉ hưu, bà Audrey đã bị té và sau đó chồng bà đã phát giác một cái bướu nơi mông trái. Bà Audrey chỉ nghĩ rằng đó là cục máu bầm nhưng càng ngày nó càng sưng to và cho đến năm 1997, bà Audrey đã đi Bác Sĩ Walter Y.M. Chang để khám nghiệm.

Hẳn nhiên trong những lúc khó khăn của cuộc đời, Bà Audrey luôn luôn cầu nguyện để thêm sức mạnh, bà đã bày tỏ cho tờ báo Công Giáo tại Giáo Phận Honolulu, tờ báo “Hawaii Catholic Herald” rằng: ”trong tất cả dù những chuyện nhỏ mà tôi trải qua trong cuộc đời, tôi phó thác vào bàn tay của Thiên Chúa. Tôi luôn luôn nói với Ngài, ‘Chúa đã dựng nên con và biết những điều gì không ổn. Lạy Chúa xin giúp con!’”

Bà Audrey Horner Toguchi người được phép lạ chữa lành


Bà cũng đã kêu cầu đến Chân Phước Damien khi bà thấy cần phải được giúp đỡ.

“Nếu bạn có một người bạn như Chân Phước Damien, Cha sẽ chuyển cầu cho bạn”.

Bà Audrey đã cầu xin Cha Damien khi bà phải đi giải phẫu lấy trái thận ra vào năm 1978. Và bà Audrey lại cầu xin Cha Damien một lần nữa khi đi giải phẫu cắt cục bưới to bằng nắm tay vào tháng Giêng 1998.

Bà Audrey đã xin người em gái là Velma Hormer để cùng đi cầu nguyện và nói rằng cục bướu đó không phải là ung thư. Cả ba chị em gái Velma, Audrey, Bevely Plunkett, đã đi đến Kalupapa cầu nguyện nơi phần mộ Chân Phước Damien và tham dự Thánh Lễ tại nhà Thờ St Philomena gần đó là nhà thờ mà Cha Damien đã xây dựng nên.

Trong khi đó, những cuộc thử nghiệm đến cục bướu của Audrey cho biết đó là một loại ung thư tế bào mỡ rất hiếm và lan rất nhanh. Nhiều tế bào đã được cắt và bà cũng phải đi chụp bức xạ nhiều lần. Thế nhưng đến tháng 7 năm 1998, Bác Sĩ lại tìm ra những cục bướu mới xuất hiện ở phổi. Khi bị ung thư phổi là chứng ung thư vô phương chữa trị, các Bác Sĩ đã chuẩn đoán và cho biết bà chỉ còn sống thêm được trên cõi đời này, cao lắm là 6 tháng.

Sau này bà Audrey đã kể lại: “Khi Bác Sĩ nói, tôi cứ tưởng chừng rằng Bác Sĩ nói đến một ai đó chứ không phải tôi”, vì Audrey cầu nguyện trong đầu rằng: “Thưa Cha Damien, Cha sẽ chưa để con đi lúc này”.

Bác Sĩ Chang nghĩ rằng phương pháp điều trị bằng hóa học may ra có thể giúp bà. Bác Sĩ Chang lúc ấy vẫn nhớ tới những lời lẩm bẩm của bà: “Không được đâu, tôi sẽ đi cầu nguyện với Cha Damien”.

Chồng bà Audrey,ông Toguchi nói rằng ung thư này “thật sự là một cú giáng sửng sốt đến với ông” và ông cùng với người con đã thuyết phục để bà được điều trị bằng phương pháp hóa học. Một mặt Bà Audrey đã nghe theo lời khuyên của gia đình, mặc khác bà lại âm thầm quyết định để cùng đi với người em gái hành hương tới Molokai để cầu xin với Cha Damien một lần nữa.

Đến tháng 10 năm 1998, Bà Audrey đã trở lại với Bác Sĩ Chang để tái khám. Theo kết quả của lần chụp quang tuyến X mới cho thấy những cục bướu tại phổi bắt đầu teo lại.

Bác Sĩ Chang rất đỗi ngạc nhiên và gạn hỏi là bà có đi châm cứu không, hay dùng thuốc Bắc hay là đi khám một bác sĩ nào khác. Bà Audrey trả lời là “không”.

Bác Sĩ Chang nói “bà có nghĩ rằng loại ung thư mà nó hùng hổ đến như thế lại có thể biến mất không?” và Bác Sĩ Chang tin rằng trường hợp này là một trường hợp độc nhất vô nhị mà loại chứng ung thư năng nổ này đã nhượng bộ tháo lui mà không phải qua một phương pháp điều trị nào.

2 bản chụp quang tuyến X mới cho thấy cục bướu đã teo hẳn lại và cho đến tháng 5 rồi đến tháng 8, bản chụp quang tuyến X đã cho thấy cục bướu hoàn toàn biến mất, không còn có thể nào kết luận đến một triệu chứng ung thư.

Bác Sĩ Chang đã đúc kết hồ sơ và trình bày trong Tạp Chí Y Khoa Hawaii. Bác Sĩ Chang cũng khuyên và khuyến khích bà nên tường trình lại câu chuyện chữa lành hi hữu này đến Giáo Hội Công Giáo.

Bác Sĩ Chang thố lộ rằng “Ngay cả đến một người đa nghi như các bác sĩ vẫn thường có, họ cũng phải thừa nhận rằng một sự tự thoái lui toàn bộ đó là một điều phi thường”.

Đến Tháng Ba và Tháng Tư năm 2003, Giáo Phận Honolulu đã can thiệp thành lập một ủy ban điều tra đến phép lạ này. Năm 2007 Bộ Phong Thánh đã âm thầm cử giáo sĩ đến Hawaii điều tra thêm, và ngày 18/10/2007, Ủy Ban Y Tế của Bộ Phong Thánh đã kết luận vụ chữa lành “không thể giải thích được theo kiến thức y khoa”.

Thỉnh nguyện viên cho hồ sơ án phong Thánh cho Cha Damien, Cha Bruno Benati dòng Thánh Tâm đã viết trên trang mạng của Dòng vào ngày 3/5/2008: “Bây giờ có thể nói những gì mà chúng tôi đưa ra, sự ‘chữa lành ngoại thường’ là một phép lạ của Thiên Chúa qua sự chuyển cầu của Chân Phước Damien.”

Hồ sơ án phong Thánh cho Chân Phước Damien de Veuster đã đến hồi kết thúc, một thánh nhân được coi là bổn mạng cho những người phong cùi và những người mắc bệnh Siđa.

Bà Audrey Toguchi cũng hy vọng rằng nếu Chân Phước Damien trở thành một vị Thánh, điều này sẽ là động cơ thúc đẩy đến những người khác, bà nói: “Nếu án phong Thánh xảy ra, sẽ nâng tinh thần và tâm hồn của tất cả những con người bị chà đạp bị áp bức. một tiến trình dài như thế thật có giá trị”.

Đôi dòng tiểu sử Chân Phước Damien de Veuster (3/1/1840-15/4/1889).

Damien Joseph de Veuster đã phục vụ cho người phong cùi tại Molokai, Hawaii. Ngài sinh tại Tremeloo, Bỉ Quốc, là con của một gia đình giầu có. Damien đã theo bước chân của người anh Auguste, thường được gọi là Pamphile, để xin đi tu vào Dòng Thánh Tâm. Damien đã khấn trọn vào ngày 7/10/1860 và tình nguyện để thay thế người anh làm việc truyền giáo tại Hawaii. Damien đặt chân đến Honolulu vào ngày 19/3/1864 và được thụ phong linh mục 2 ngày sau đó tại nhà thờ chánh tòa.

Được bài sai phục vụ tại Hawaii, lúc đó có tên là Hòn Đảo Lớn, ngài cư trú tại Puna. Cha đã phục vụ tại Kohala và Hamakua, dành trọn 8 năm làm việc truyền giáo trên một khoảng diện tích rộng 2000 dặm vuông bao gồm đến những vùng đồi núi hiểm trở, thung lũng, khe núi và núi lửa. Vào tháng Giêng 1866, chính quyền hoàng gia Hawaii báo động chứng bệnh phong cùi đã hoành hành, và các bệnh nhân phong cùi phải bị cô lập và đưa về bán đảo Molokai. Lúc ấy Cha Damien cảm thấy mình không thể bỏ rơi họ và phải chăm lo cho họ.

Những cảm nghĩ tiên tri ấy đã trở thành hiện thực vào ngày 10/5/1873, khi Cha đặt chân đến Kalaupapa, Molokai cùng đi với Giám Mục Louis Maigret. Trong buổi gặp gỡ đầu tiên, Cha Damien và các Cha Dòng Thánh Tâm đã tình nguyện để giúp cư trú cho những người mắc bệnh phong cùi. Bài sai thứ nhất và cũng là bài sai cuối cùng đó là Cha Damien sẽ ở lại với những người phong cùi trong suốt cuộc đời ngắn ngủi còn lại của Cha.

Cha bắt đầu đóng những cỗ quan tài để chôn cất những người phong cùi qua đời, xây nhà cho họ sinh sống, dựng lên những nguyện đường. Thăm hỏi từng người cùi, rửa vết thương và băng bó cho từng người một. Khả năng y tế mà Cha đã học được cũng đã giúp Cha làm những công việc cần thiết và đáp lại lòng bác ái nhiệt huyết nơi con người của Cha. Cha Damien đã đối xử với những người cùi là những người đáng được tôn trọng, hiền hòa và nhã nhặn.

Thế nhưng điều không may xảy đến cho Cha, năm 1876 triệu chứng phong cùi đã xuất hiện nơi con người của Cha bắt đầu từ bàn chân trái. Cha đã không nhượng bước từ bỏ thánh giá Cha đang gánh vác, Cha đã xúc động khi nhìn thấy những người sẽ đến thay thế Cha là các Nữ Tu Dòng Phan Sinh do Chân Phước Marianne Kope cầm đầu, đã tới với những phương tiện y khoa tân tiến.

Sau những năm sống cô đơn và chịu đơn độc vì các tu sĩ đồng nghiệp Dòng Thánh Tâm từ từ qua đời, rồi cuối cùng Cha cũng phải mang chung số phận đã qua đời vì bệnh phong cùi hoành hành và được chôn cất tại Molokai. Theo sự thỉnh cầu của chính quyền Bỉ, thi hài của Cha được cải táng và mang về cố hương của Cha 45 năm sau đó. Tuy nhiên đối với người Hawaii, Cha vẫn là một nhân vật anh hùng, và Cha cũng được khắc tượng để ghi nhớ và được đặt tại Lâu Đài đặt các pho tượng những người đáng được ghi nhớ tại Washington, D.C

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong Chân Phước cho Cha Damien de Veuster vào ngày 4/6/1995, tuyên dương Ngài là một “Tôi Tớ Phục Vụ cho Nhân Loại” và là một niềm cảm kích cho thế giới trong những năm thừa tác vụ tại Molokai. Lòng tận hiến và phục vụ không chối tự đã thay đổi bộ mặt thế giới đến cái nhìn đối với người phong cùi. Sống trong sự đơn sơ, cương quyết để quan tâm và săn sóc, những điều này đã khiến Cha Damien được cư dân Hawaii coi là nhân vật Anh Hùng Molokai.