Ơn bất khả ngộ phải hiểu ra sao và ai được ơn này?
Hỏi : xin Cha giải thích ơn bất khả ngộ là ơn gì và ai được ơn này?
Đáp : Ơn bất khả ngộ (infallibility) là đặc sủng (chrism) Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội để dạy không sai lầm những điều thuộc về tín lý (dogma) và luân lý (morals) hầu củng cố và bảo vệ những chân lý cứu độ của đức tin (saving truths of faith) mà Chúa Kitô đã giảng dạy.
Thánh Phao lô đã khẳng định về ơn và quyền giảng dạy chân lý của các Tông Đồ và những người kế vị như sau :
“ Nhưng nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống, loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi.”( Gal 1:8)
Công Đồng Vaticanô I, qua Tuyên ngôn ngày 18-7-1870, đã long trọng xác nhận đặc sủng bất khả ngộ dành cho Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục hiệp thông với ngài trong trách nhiệm công bố và giảng dạy những điều thuộc về tín lý và luân lý, phong hoá để bảo vệ đức tin Kitô giáo.
Nghiã là :
1- Riêng một mình Đức Giáo Hoàng với tư cách là Chủ Chăn và Thầy dạy chân lý tối cao trong Giáo Hội vàcũng là Thủ lãnh của Giám Mục Đoàn( College of Bishops) được ơn bất khả ngộ khi ngài “ tuyên bố một tín điều liên quan đến đức tin hay luân lý…”(x. Giáo Lý Công Giáo, số 891; Giáo luật số 749)
Những điều về tín lý như Tín điều Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời (Assumption,1950) của Đức Thánh Cha Piô XII. Về luân lý như Tông Thư Humanae Vitae (Sự sống con người, 1964) của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI. v.v
2- Các Giám Mục, trong vị thế riêng tư (individually), thì không được hưởng ơn bất khả ngộ. Nhưng khi hiệp thông với nhau và với Giáo Hoàng là Đấng kế vị Thánh Phêrô để giảng dạy “ những điều thuộc đức tin và luân lý, phong hoá(morals) tuyệt đối phải tuân giữ thì lúc đó các ngài công bố cách bất khả ngộ (infallibly) giáo thuyết của Chúa Kitô.” ( x. Lumen Gentium,số 25).
Việc công bố này được thực hiện cách cụ thể khi các Giám mục trong toàn Giáo Hội họp lại cùng với Đức Giáo Hoàng trong các Công Đồng của Giáo Hội và tuyên bố chung những điều thuộc về hai phạm vi tín lý (dogma) và luân lý (morals) từ xưa đến nay.
Những công bố về tín lý như Hiến Chế Tín lý Dei Filius (1870), Lumen Gentium (1964) v,v. Những điều thuộc về luân lý như cấm phá thai, cấm sử dụng thuốc để giúp cho bệnh nhân chết êm dịu (euthanasia), cấm ly dị và hôn nhân đồng phái tính (same sex marriage). v.v
Tóm lại, chỉ trong hai phạm vi tín lý và luân lý cần thiết để bảo vệ đức tin và những chân lý đã được mặc khải thì Đức Giáo Hoàng và các Giám mục hiệp thông với ngài được ơn bất khả ngộ để dạy không sai lầm trong hai lãnh vực quan trọng này. Và mọi tín hữu trong Giáo Hội đều buộc phải tuân giữ những gì Đức Thánh Cha và các Giám Mục dạy dỗ về hai phạm vi tín lý và luân lý nhân danh Quyền Giáo Huấn ( Magisterium) là Quyền được chính Chúa Giêsu trao cho các Tông Đồ và các người kế vị như ta đọc thấy trong Tin Mừng Thánh Matthêu : “ Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em…” (Mt 28:18-20).
Ngoài hai phạm vi nói trên ra, Đức Giáo Hoàng và các Giám mục có thể sai lầm khi tuyên bố những điều thuộc phạm vi trần thế liên can đến chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội v.v Và dĩ nhiên các tín hữu không buộc phải nghe và tin những gì các ngài tuyên bố về những vấn đề này.