Chiếc cầu ước hẹn



Vừa sau bữa ăn, khi đi bộ từ nhà hàng Dim Sum về bãi đậu xe để chuẩn bị đi tham dự Thánh lễ, bỗng bị thu hút bởi dòng chữ “St. Augustine College – 25 years building the bridge for future” của lá cờ quảng cáo treo trên cột điện ở đầu đường Argyle và Broadway. Trong ngày anh chị Hồng – Cúc kỷ niệm 18 năm thành hôn, xin mượn dáng đứng của “chiếc cầu” ấy làm lối đi của suy tư để nối liền giao ước và hiện thực, để nối tiếp quá khứ và tương lai, và để nối kết tình yêu cùng lẽ sống. Thật lý tưởng khi phác thảo chiếc cầu ước hẹn này bằng chất liệu Thánh Kinh trích xuất từ 3 bài đọc phụng vụ của Chúa nhật XXXI thường niên hôm nay và cũng thật lý thú khi phác họa những ước hẹn của chiếc cầu bắc nhịp giao duyên ấy với trải nghiệm của 18 năm hôn nhân trong ân sủng mặn nồng.

1. Giao ước và hiện thực

Trong thư gửi tín hữu Do-thái (x. Dt 7: 23-28), thánh Phao-lô đã khẳng định rằng: nếu trong thời Cựu ước phải cần đến nhiều người để kế tục liên tục phẩm vị tư tế thi hành nghĩa vụ dẫn dân đến sự vẹn tòan ‘giao ước Mô-sê’ thì trong thời Tân ước đã có một vị Thượng tế thập tòan là Đức Giêsu hằng- hữu- hằng- sống hiến thân làm chiếc cầu ước hẹn kết nối giữa một bên là bến bờ trầm luân lỗi tội với một bên là đại dương chứa chan cứu độ. Thánh Phalô gọi tên cho giao ước mới này là “lời thề có sau Lề Luật” và lời thề của giao ước ấy được thực hiện một lần thay cho tất cả “all in one” từ, trong, và bởi Đức Giêsu Kitô. Chỉ trong Đức Kitô mới có sự vô tận.

Vì con người vốn mỏng giòn yếu đuối nên con người dù có chiếm hữu địa vị phẩm trật quyền bính tài năng (hay tài khỏan tài chánh) đến mức nào chăng nữa cũng không thể tránh được sự vô thường của cuộc đời. Nếu cuộc đời vốn dĩ vô thường, nghĩa là bất định và luôn luôn thay đổi, thì những giao ước của cuộc đời như giao ước hôn nhân hay giao ước tu sĩ sẽ bất khả vẹn tòan nếu giao ước một đời hay trọn đời ấy không được bén rễ vào mảnh đất tràn trề dưỡng sinh dưỡng chất như Mô-sê mô tả là “miền đất tràn trề sữa và mật” (x. Đnl 6: 2-6) của sự- vô- tận trong tình yêu bất tận của Đấng Hằng Sống.

18 năm trước, khi thực hiện giao ước hôn nhân chắc anh chị đã chưa từng một lần nghĩ đến những gì có thể diễn ra trong ngần ấy năm sau?! Suốt bấy nhiêu năm, chắc không ít lần đã có những sóng gió xô lấn đẩy đưa lời thề ước hẹn hò của thủy chung ân nghĩa vẹn tình! Nhìn lại quãng đường đã qua, có lẽ, phải thú nhận rằng: khỏang cách giữa lời giao ước và làm giao ước, giữa thực hiện điều giao hẹn và hiện thực của giao ước là một đọan đường khá xa chỉ có thể tiến đến gặp nhau ở giao lộ của ân sủng. Nhìn lại quá khứ đã đành là như thế, đường đến tương lai vẫn bỏ ngỏ đợi chờ.

2. Quá khứ và tương lai

Không ít lần, ở những bữa cơm gia đình, anh và chị đã hữu ý nhắc lại những kỉ niệm thuở hẹn hò của 20 năm trước như hữu tình nhắc đến nguồn cơn gốc rễ của một mối kết giao đã được một lần kết hẹn. Người ta bảo cứ trông vào hiện tại của một người sẽ đóan hiểu được quá khứ của người ấy ra sao. Trông thấy cây tốt trái ngon, ắt hiểu được trong quá khứ nó đã được tốt phân tốt đất từ bàn tay chăm bón vun trồng. Nhưng có khi nhìn hoa trái của hiện tại có thể ta vẫn khổng hiểu được quá trình dọc dài sâu rộng của cả một quá khứ đã qua.

Nhìn hạnh phúc của một mái ấm có khi ta không thấy được những cơn mưa dột nước từ trên nóc, không hiểu được những xung đột ẩn hiện từ xung quanh, không cảm được những giằng co day dứt của cõi lòng. Cho dù quá khứ có thế nào chăng nữa, cuộc sống yên ấm hạnh phúc hôm nay cũng đã là một món quà tặng chất chứa hy vọng để nhìn đến tương lai. Mai này nhìn lại, ngày hôm nay cũng trở thành quá khứ. Thế nên những lỡ nhịp của bước chân yêu thương hôm kia hay những lỗi nhịp của khúc hát ân tình hôm qua vẫn cho ta một cơ hội để bắt lại nhịp độ cho cuộc sống nhịp bước hôm nay và làm nên ca khúc nhịp nhàng cho hôm mai.

Nhìn đến tương lai, ta cũng nên thừa nhận rằng bến đỗ của cánh chung trong ngày sau hết không thuộc về chính mình định đọat – nó thuộc về Đấng làm chủ không gian và thời gian, nó thuộc về Đấng tạo thành sinh linh và tinh tú, nó thuộc quyền Đấng ban phát lửa yêu thương và ơn cứu độ. Một tâm thức như thế không là bi quan bĩ cực lắm đâu, nhưng là suy tư lạc quan đón nhận vào đời ta một sức sống yêu thương mãnh liệt hơn, một phương duợc bồi bổ sung mãn hơn, một phong cách tồn tại ưu việt hơn. Để có được những chữ “hơn” ấy trong đời, xin tìm về Giêsu để tìm kiếm.

3. Tình yêu và lẽ sống

Thánh Mác-cô viết lại rằng (x. Mc 12: 28b-34): khi Đức Giêsu “bị” chất vấn về luật, Ngài không những đã trả lời một cách chính xác mà còn nói hơn những gì vị kinh sư kia có thể phán đóan đợi chờ. Đã đành Đức Giêsu nhắc lại những gì được ‘sấm truyền’ trong sách Đệ nhị luật mà Mô-sê đã dạy, nhưng hơn thế nữa là Ngài còn vẽ ra một lẽ sống thiết thực hơn cho những gì chỉ được chữ nghĩa và con số qui hạn thi hành. Nếu chỉ có một vế đầu là dồn hết lòng trí hồn sức cho Thiên Chúa thì có khi, và cũng lắm khi, ‘cái yêu’ của ta dành cho Chúa lại là ‘cái bẫy’ ta để lại cho đồng lọai.

Trong số những giáo phái hoặc phe phái cực đoan, chỉ biết đến cột đứng (I) là bản thân với Thiên Chúa mà quên đi hoặc chối bỏ chiều ngang (–) là quan hệ với tha nhân, hầu hết nhắm mục đích đến với Thiên Chúa bằng chiến tranh huynh đệ tương tàn. Họ có thể đè bẹp nhau để đến với Chúa và dẫm lên xác chết của nhau để tìm thấy Chúa. Họ vinh danh Thiên Chúa để bài trừ tha nhân. Đối với Đức Giêsu, sức sống của tình yêu đối với Thiên Chúa bằng đôi tay dâng cao nguyện cầu phải tìm được lẽ sống với tha nhân bằng cánh tay nới rộng tình người.

Thế nên: đối với một Kitô hữu trong cuộc sống giữa lòng trần thế nói chung thì lòng mến với Thiên Chúa phải được thể hiện trong tình mến đối với tha nhân, đối với một Kitô hữu trong đời sống gia đình thì lời kinh ở nơi Nhà Thờ phải được thể hiện bằng tiếng yêu ở nơi ‘nhà mình’, và đối với một Kitô hữu trong đời hiến dâng thì tình yêu hy sinh cho Thiên Chúa cũng phải được thể hiện ít nhiều nặng nhẹ bằng cảm mến hy sinh cho nhau với cùng một nỗi niềm dâng hiến. Tình yêu sẽ không hiện hữu nếu thiếu đi sự sống, tình yêu sẽ không có sức sống nếu thiếu nhân cách sống, tình yêu không thể thăng hoa nếu tình yêu không tìm được cho mình một lẽ sống thích hợp và thích ứng mà Đức Giêsu đã mở lối hôm nay.

Thế đó, yêu thương theo nhân cách và phong cách của Giêsu là tình yêu rực rỡ một ước hẹn sáng ngời. Tình yêu rực rỡ ấy được bắc cầu đến sức sáng ơn cứu độ từ Thiên Chúa và bắc nhịp hẹn ước một Tình Yêu Thiên Chúa ngời sáng giữa cuộc đời trong anh chị em đồng lọai.

“25 years building the bridge for future” của một tờ quảng cáo về môi trường giáo dục cũng cho ta quyền hẹn ước 25 kỷ niệm thành hôn tên gọi đẹp đôi của 2 lòai hoa vừa bước qua ngày cuối của năm thứ 18. Con số 7 năm của thời gian sắp tới không đơn điệu như nhịp đếm của thời gian điểm vòng 7 ngày của tuần lễ, cũng không phải con số đơn thuần “lucky seven” mà người ta vẫn tìm chọn mong chờ, cũng không phải con số đơn sơ đếm đủ số lượng 7 người (3 cha + 2 sơ + 2 thầy) hiệp mừng Thánh lễ kỷ niệm. Con số điểm nhịp của thời gian phía trước cho ta niềm tin ước hẹn đến tương lai trong ân sủng của Tình Chúa và trong tim yêu của tình người.

(Trích từ “Gío Bụi Dọc Đường”)