Kết thúc THXT của ĐGH Gioan Phaolô II:

Những Gợi Ý để thấu hiểu sự Hấp Dẫn Đồng Phái và các Hành Vi Đồng Tính Luyến Ái

Chúng ta không thể kết thúc loạt bài tìm hiểu nền THXT của ĐGH Gioan Phaolô II nếu không đề cập đến một vấn đề gai góc khác rất thời đại, rất nổi đình nổi đám, không chỉ đang xuất đầu lộ diện từ mọi ngóc ngách, mà còn như đang tự hào vươn lên xác định vị thế và đang cố gắng dành giật từng tấc từng gang đất sống trên mặt trận nhân sinh và pháp lý, trên quy mô quốc gia cũng như quốc tế: đó là vấn đề đồng phái. Trong bối cảnh này xin được giới thiệu cùng bạn đọc bản lược dịch bài phân tích có tựa đề nêu trên do James G. Knapp, S.J., đăng trên trang nhà christendom-awake.org vào ngày mùng 8 tháng 12 năm 2003 luận bàn về vấn đề đồng phái nhin qua lăng kính của nền THXT thời danh của ĐGH Gioan Phaolô II.

Qua thời các Giáo phụ đến thời Trung Cổ, giáo huấn Công giáo liên tục dậy rằng các hành vi đồng tính luyến ái là vô luân. Ta thấy được một khai triển quan trọng trong lời dậy của thánh Tôma. Trong cuốn Tổng Luận, II, II, Câu hỏi 154, mục 18, thánh Tôma đặt vấn đề là liệu các hành vi đồng tính luyến ái có phải là tệ hại nhất trong số các tội về lăng loàn không. Sau khi lược qua các vấn nạn thông thường, ngài đi đến kết luận của mình. Lời dậy này thật có ý nghĩa khiến ta có được một kiến thức Công giáo giải thích tại sao các hành vi đồng tính luyến ái là tội lỗi và thác loạn:

“Thánh Augustinô nói rằng ‘trong tất cả các thứ này--tức là các tội lăng loàn--điều gì trái ngược với tự nhiên thì tệ hại nhất.’

Tôi xin thêm rằng, trong mọi loài, điều tệ hại nhất chính là sự suy hoại của chính cái nguyên tắc làm căn bản cho mọi sự. Các nguyên tắc của lý trí là: mọi sự đều phải theo tự nhiên, bởi lẽ lý trí giả định rằng thiên nhiên xác định mọi sự, trước khi sắp xếp các sự khác theo lề lối thích hợp. Điều này thấy được trên cả hai phương diện suy lý lẫn thực hành. Cũng như trên bình diện suy lý, sai lầm nghiêm trọng nhất và đáng xấu hổ nhất là về những điều mà con người có kiến thức bẩm sinh tự nhiên, thì trên phương diện hành động, thật nghiêm trọng và đáng xấu hổ khi hành động trái ngược với những điều mà thiên nhiên đã đặt định. Vì thế, chính bởi vì các nết xấu phản tự nhiên mà con người vi phạm điều thiên nhiên đã sắp đặt liên quan đến các hành vi giao cấu, cho nên đây chính là thứ tội nặng nề nhất. Sau đó mới đến loạn luân, vốn đi ngược lại sự kính trọng tự nhiên phải có đối với một người có liên hệ với ta.

Còn đối với những thứ lăng loàn khác, thường chỉ là vi phạm điều lý trí chính trực xác định, đương nhiên giả định các nguyên tắc tự nhiên. Khi lạm dụng hành vi giao cấu, ta đã đi ngược lại lý trí, không chỉ làm thiệt hại cho dòng giống tương lai, mà còn làm phương hại đến một nhân vị khác nữa. Do đó sự gian dâm thuần túy, vốn xúc phạm một cách bất công đến một nhân vị khác, thì ít nặng tội nhất trong các thứ lăng loàn. Còn khi giao cấu với một phụ nữ vốn thuộc quyền người khác thì đó là một bất công nặng nề, xét về hành vi sinh sản, hơn là xét về mặt giám hộ thuần túy. Cũng vậy, ngoại tình thì nghiêm trọng hơn là ve vãn. Nếu sử dụng võ lực nữa thì hai thứ này càng gia trọng hơn. Vì thế hãm hiếp trinh nữ thì nặng tội hơn là ve vãn, và hãm hiếp một người làm vợ thì nặng tội hơn ngoại tình. Nếu những hành vi này mà còn phạm thánh nữa thì còn gia trọng hơn nhiều.” [6]

Khi đọc lời dậy của thánh Tôma, ta phải cẩn thận đừng hiểu sai từ “phản tự nhiên” của ngài. Đây không phải là phát xuất từ một kiến thức thuần thể lý về thân xác hay hành vi. Tỉ như ta bảo rằng một hành vi đồng tính thì ‘phản tự nhiên’ do bởi tính chất sinh vật học hay sinh lý học bao hàm trong hành vi ấy. Ta thấy hành vi ấy phản tự nhiên (nghĩa là ‘đầy xúc phạm’ và ‘tởm gớm’) bởi vì giao cấu “tự nhiên” chỉ dành cho dương vật và âm hộ, chứ không dành cho dương vật và một lỗ nào đó. Trước khi xét đến hành vi đồng tính, ta hãy xem lại hành vi giao cấu dị tính, một hành vi dành riêng cho quan hệ vợ chồng. Một hiểu biết chính xác về ý nghĩa và mục đích của giao cấu dị tính sẽ giúp đánh giá về luân lý tính của các hành vi đồng tính.

Ý Nghĩa và Mục Đích của Giao Hợp Tính Dục trong Hôn Nhân

Mang nặng tinh thần Thánh Kinh và Thánh Truyền, Hội Thánh dậy rằng Thiên Chúa đã tạo dựng con người và thiết lập thể chế hôn nhân với cả một kế hoạch đã trù định. Hôn nhân tự thân là một thiện hảo; nó không phải là một phương tiện dẫn đến một mục đích. Mục đích mà Thiên Chúa trù định khi Ngài thiết lập hôn nhân như một thể chế ‘tự nhiên’ (trước khi có thể chế nhiệm cục bí tích) là một thiện hảo tự nhiên với một mục đích tự nhiên: đó là thiện hảo của đôi vợ chồng và sự sinh sản con cái. Như ý Tạo Hóa, hành vi vợ chồng được trao riêng cho đôi hôn phối như một cách thức biểu tỏ thể lý các thiện hảo của hôn nhân. Do đó, bất kỳ hành vi dục tính nào nhằm bóp méo hoặc không giúp hoàn tất hành vi vợ chồng thì chính là một xúc phạm đối với sự thiện hảo (nghĩa là hôn nhân) mà hành vi ấy (tức giao hợp tính dục) đã được sắp xếp cho. Đây chính là nền tảng của giáo huấn Hội Thánh về hôn nhân và về phái tính nói chung. Lời dậy này làm thăng tiến sự thiện hảo của hôn nhân.

Hôn nhân Kitô giáo tôn trọng tính nhân vị, tính cá vị, và tính bình đẳng của đôi vợ chồng. Kết hợp vợ chồng không phải là hoà trộn người nam người nữ vào một con người, cũng không phải nhân cách người nữ bị thâu hút vào trong nhân cách người nam, hoặc ngược lại. Đó là một cam kết hỗ tương và độc chiếm, và là mối dây bền chặt trong đó đôi phối ngẫu vẫn duy trì cá tính nguyên vẹn của mình. Tự bản chất của sự cam kết này, họ chia sẻ với nhau tất cả mọi sự: tình yêu, danh dự, lệ thuộc vào nhau, khi thuận lợi, lúc thất bại, khi mạnh khỏe, lúc ốm đau, khi an toàn, lúc túng bấn. Điều này hơn hẳn một giao kèo, bởi vì đây là một giao ước trong đó họ chia sẻ trái tim, trí óc, ý chí và thân xác trong sự tự hiến cho nhau. Qua cách bộc lộ lời cam kết một cách thể lý, hành vi vợ chồng vốn tự thân mở ngỏ cho sự sinh hoa kết trái, đôi vợ chồng hình thành đơn vị căn bản của xã hội loài người, đó là gia đình, cũng là đơn vị nền tảng của Hội Thánh, tức Giáo Hội tại gia. Hành vi giao cấu tính dục không phải là một “hành vi vợ chồng” ngoại trừ trường hợp nó được tạo thành bởi sự tự hiến cho nhau một cách không vị kỷ và mở ngỏ cho khả năng sinh sản mà Thiên Chúa tặng ban. Một hành vi giao cấu người chồng thực hiện “đối với” vợ mình chỉ để biểu dương uy lực hay quyền thống trị, hoặc chỉ để đạt được khoái lạc dục vọng, thì không hề là một hành vi vợ chồng. Một hành vi kềm giữ khả năng sinh sản lại thì tuy có thể gọi là “giao cấu tính dục”, nhưng không thể là một hành vi vợ chồng được.

Vì các lý do này mà các hành vi giao cấu tính dục giữa những người không kết hôn (tức gian dâm), và giữa một người đã kết hôn với một người khác không phải là vợ hoặc chồng mình (tức ngoại tình), đều xúc phạm đến sự thiện hảo của hôn nhân, và do đó, đều là vô luân. Cũng thế, các hành vi giao cấu tính dục giữa đôi vợ chồng nhưng lại bao hàm việc ngừa thai (tức là các hành vi nhằm cố ý gây gián đoạn, vô hiệu hóa hoặc loại bỏ khía cạnh sinh sản) thì đều là những xâm phạm đến sự thiện hảo của hôn nhân, và do đó, đều là vô luân. Các hành vi như thế đã làm méo mó sự giao cấu vốn được ‘thiết kế’ như một biểu lộ tự nhiên của tình yêu hôn nhân. Tất cả đều là những tội về lăng loàn bởi vì chúng bóp méo hành vi hôn nhân và xâm phạm sự thiện hảo của hôn nhân.

Hẳn có người sẽ phản ứng: “Làm sao một hành vi tư riêng giữa hai người trưởng thành đồng thuận lại có thể tấn công vào sự thiện hảo của hôn nhân xét như một thể chế, hoặc sự thiện hảo của những người sống đời hôn nhân được?” Finnis đã trả lời xuất sắc cho câu hỏi này. Ông khởi đầu bằng việc chứng minh việc gian dâm và ngoại tình đã ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ vợ chồng, và tiếp đó ông triển khai tầm ảnh hưởng của nó trên xã hội và những người kết hôn nói chung:

“Bất kỳ người vợ hay chồng nào biết được hay cảm nhận được người kia đang sẵn sàng-dù có điều kiện hay một cách giả định--thực hiện điều đó ngoài phạm vi hôn nhân (có thể trước, hoặc sau, hoặc ngay trong), thì đều trải nghiệm rằng hành vi [giao hợp với vợ hoặc chồng] không hề là một biểu lộ và hiện thực hoá cam kết hôn nhân. Chính vì thế mà thái độ sẵn sàng ấy đã phá sâu vào cốt lõi của hôn nhân.

Vì vậy, dù đang là, hay đang muốn là, một người vợ hay chồng, không ai có thể phán quyết rằng để cho con người đi tìm thỏa mãn dục vọng bên ngoài hôn nhân là điều hợp lý. Bởi lẽ việc tán thành hành vi dục tính bên ngoài hôn nhân, ngay cả tán thành việc người khác làm, hay tán thành các hành vi dục tính của những người không bao giờ kết hôn, đều mang hai ngụ ý: (1) Nó hàm ý là ai ai cũng đều tán thành những hành vi như thế, nghĩa là, cũng đều coi chúng như những hành vi không bị lý trí loại trừ. Và (2) đó là một hình thức sẵn sàng tham gia có điều kiện vào các hành vi ấy. Vì thế nó đương nhiên hàm ý thứ (3) là các đôi vợ chồng, phối ngẫu, đều phải tán thành và sẵn sàng thực hiện có điều kiện các hành vi phi-hôn nhân. Kết luận như thế thì đúng là đã trực tiếp chống lại sự thiện hảo của hôn nhân, của đôi lứa xét như đôi bạn sống đời cam kết, và của những đứa con vốn là kết quả của kết hợp hôn nhân.” [7]

Sau khi đã hiểu rõ tại sao lạm dụng giao cấu tính dục bên trong và bên ngoài hôn nhân thì đối nghịch lại sự thiện hảo của hôn nhân, và là một hành vi vô luân, ta thử khảo sát tính luân lý của các hành vi đồng tính luyến ái. Nếu khả năng dục tính được ban tặng để sử dụng trong hành vi vợ chồng của việc giao cấu dục tính, thì sẽ là vô luân nếu sử dụng khả năng dục tính để giao hợp bên ngơài hành vi vợ chồng của một cặp kết hôn. Tuy nhiên, hành vi được thực hiện (giao cấu tự nhiên giữa nam và nữ) vẫn y nguyên là một hành vi, tự bản chất, có khả năng đưa đến việc sinh con. Nhưng nếu ai sử dụng năng lực dục tính của mình bên ngoài phạm vi hành động giao cấu tính dục tự nhiên, thì nó không chỉ vô luân mà còn phản tự nhiên nữa. Một hành vi như thế không chỉ xâm phạm sự thiện hảo của hôn nhân, mà còn vi phạm mục đích tự nhiên của các cơ quan sinh dục và năng lực

tính dục nữa. Bởi nó sử dụng năng lực không phải cho mục đích mà nó được tạo dựng nên (giao cấu tính dục tự nhiên, là hành vi tự bản chất dẫn đến truyền sinh), mà dùng năng lực tính dục để thực hiện và hoàn thành một hành vi đối nghịch lại mục đích mà các năng lực dục tính hướng đến.

Do bởi sự thiện hảo của hôn nhân là thiện hảo tự nội, và các hành vi đồng tính vừa không phải là hành vi vợ chồng lại vừa phản tự nhiên, nên chúng đối nghịch với sự thiện hảo của hôn nhân. Đây là lý do khiến thánh Tôma phán quyết rằng các hành vi đồng tính thì nặng tội hơn ngoại tình, hơn cả gian dâm lẫn loạn luân dị phái. Hành vi đồng tính là hành vi bóp méo vặn vẹo đến hai lần: (1) nó bóp méo mục đích đã được ban tặng cho khả năng tính dục, nghĩa là, thực hiện giao cấu dục tính, và (2) nó bóp méo hành vi vợ chồng mà lẽ ra bất kỳ hành vi giao cấu nào cũng phải là như thế. Bởi vì hành vi đồng tính xâm phạm sự thiện hảo tự nội, do đó nó cũng là một sự ác tự nội.

Hành Vi Vợ Chồng Mở Ngỏ cho Mầm Sống Mới

Ta đã thấy rằng hành vi đồng tính thì thác loạn và phản tự nhiên. Vấn đề kế tiếp cần khảo sát kỹ chính là vấn đề thụ tinh. Nếu hành vi vợ chồng là một hành vi giao cấu, vốn tự bản chất có tiềm năng biểu tỏ sự thiện hảo của hôn nhân (nghĩa là, sự hợp nhất của đôi hôn phối và sự mở ngỏ cho sinh sản), thì đã đến lúc ta phải nhìn vào vấn đề thụ tinh.

Do bởi hành vi đồng tính không thể bao giờ mở ngỏ cho sự sinh sản, cho nên nó không bao giờ là một hành vi vợ chồng. Tính dục đồng phái per se (tự thân) là không sinh sản. Không làm cách nào để thay đổi được nó, cho dù có đầu tư thời giờ tiền bạc nhiều bao nhiêu, hoặc dù có dùng đến ‘kỹ thuật sinh sản’ hiện đại thế nào chăng nữa. Nếu giao kèo của hai người nữ là thụ thai một đứa trẻ qua phương pháp nhân tạo (tỉ như cấy tinh trùng của một “người cho”, thì các hành vi dục tính họ làm cho nhau-dù có động lực là hướng vọng đến thiện hảo nhân bản của tình bằng hữu và tình cảm chăng nữa--vẫn không phải là các hành vi vợ chồng. Các hành vi ấy không mang tiềm năng sinh sản. Sự kiện một trong hai người mang bầu không hề liên quan gì đến các hành vi dục tính của họ cả, cũng như các hành vi dục tính của họ chẳng hề có khả thể đưa đến thụ thai. Cũng vậy, khi hai người nam có quan hệ dục tính với nhau, cho dù có nại đến bất kỳ một động lực thiện hảo nào chăng nữa, các hành vi ấy vẫn cứ y nguyên, tự thân tự nội, là những hành vi vô sinh. Cho dù hai người nữ có đạt thành quả là thụ thai được một đứa trẻ qua việc thụ tinh nhân tạo dị tính hoặc qua phương pháp thụ tinh ống nghiệm, sự kiên vẫn còn nguyên là “hai phụ nữ” không thể tạo ra thai nhi được. Chỉ một trong hai người được thụ thai qua việc sử dụng tinh dịch của một đệ tam nhân, và cả hai cứ cố tình cho rằng đứa trẻ là con của mình.

Đứa trẻ sinh ra đã được sử dụng như một dụng cụ để tạo ra một thứ mô phỏng về “gia đình.” Nói thế không phải là bảo rằng hai người ấy không hề có ý định chăm lo và yêu thương đứa trẻ. Nhưng có người như Benedict Ashley chẳng hạn, đã tỏ ra quan ngại về tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng trên đứa trẻ được sinh ra trong hoàn cảnh hai người như thế:

“Vấn đề nghiêm trọng phải nêu lên là: những gia đình ngụy tạo kiểu này được hình thành tiên quyết nhắm đến thiện ích của đứa trẻ hay thiện ích của cặp đồng phái? Thiên Chúa ban tặng gia đình tự nhiên nơi đó con trẻ nối liền với cha mẹ cả về mặt sinh học lẫn tình

yêu cam kết và sự bổ sung phái tính vợ chồng. Ngay như những đứa trẻ được nuôi nhận trong khung cảnh hôn nhân bình thường cũng hay gặp những khó khăn nghiêm trọng, như các phương tiện truyền thông đại chúng hay tường thuật, cho thấy chúng luôn lo lắng kiếm tìm cha mẹ đẻ của mình. Hiển nhiên được làm con nuôi thì vẫn tốt hơn là sống trong cảnh mồ côi. Thế nhưng các trẻ được nhận nuôi hoặc được sinh ra bởi các cặp đồng phái còn chịu cảnh thiếu thốn về tinh thần nhiều hơn nữa, bởi vì chúng không có được môi trường mang những nét bổ sung của cha mẹ, là điều Thiên Chúa tặng ban. Do đó, động lực thực sự thúc đẩy cặp đồng phái làm sao cho có đuợc một đứa con không phải là thiện ích của đứa trẻ, mà là một cố gắng vô ích nhằm biện minh cho mối quan hệ của chính họ. Điều này không phải là đáng sợ sao? [8]

Qua nhận xét này, Cha Ashley đã trả lời cho nhiều vấn nạn của những người ủng hộ nếp sống đồng phái.

Các Thần Học Gia Thuộc Nhóm Xét Lại Cố Gắng Biện Minh Cho Hành Vi Đồng Tính

Trong giới Công giáo, một số nhà luân lý lập luận rằng mối quan hệ cam kết đồng phái thì có nhiều nét tương đồng với hôn nhân dị phái hơn là có nhiều dị biệt. Nói chung, những người này chọn một trong hai lối tiếp cận:

(1) Lối thứ nhất, mà đại diện là Charles Curran và những người theo chủ trương duy tương xứng, bác bỏ lời dậy căn bản của thánh Tôma cũng như những triển khai kế tiếp trong nền luân lý Kitô giáo, bao gồm cả Sách Giáo Lý cũng như luân thư “Vẻ Huy Hoàng của Chân Lý” (Veritatis Splendor) mà ĐGH Gioan Phaolô II ban hành năm 1993. Giáo huấn công giáo chủ trương rằng có một số hành vi tự nội là sự ác. Nói khác đi, có những hành vi tự bản chất luôn luôn là tội. Thánh Tôma cho thấy trong Mười Điều Răn có những lệnh truyền mang tính bó buộc phổ quát (tỉ như tôn vinh Thiên Chúa), và có những hành vi khác mang tính ngăn cấm phổ quát (tỉ như giết kẻ vô tội). Một số hành vi vẫn giữ y nguyên tính chất sự ác cho dù được thực hiện với lòng thành tâm. Nhóm tương xứng thì chủ truơng rằng một hành vi sự ác có thể được thực hiện để đạt tới một thiện ích, hoặc để tránh né một sự ác nhẹ nhàng hơn. Dùng lối luận lý này, người ta có thể biện minh cho các hành vi đồng tính của “một cặp cam kết” bằng cách hướng vọng đến thiện ích họ đang dõi tìm và hoàn tất (tỉ như, biểu lộ tình cảm, củng cố quan hệ, và gia tăng đức ái.) Cũng có thể nói đến sự ác mà cặp hôn phối có thể tránh được (tỉ như chung đụng phái tính, bệnh tật về đường sinh dục, và các nguy cơ khác.) Trong khi Curran đồng ý rằng sự kết hợp đồng phái không phải là lý tưởng, nhưng nền “thần học thỏa hiệp” của ông lập luận rằng những ai lâm vào cảnh khó khăn, thì có quyền cân nhắc các thiện ích và theo đó mà quyết định.

2) Một số học giả khác tập chú vào ý hướng hơn là vào tỉ lệ thiện ác. Người chủ trương lối suy nghĩ này là John McNeill. McNeill cho rằng không có gì tự thân tự nội là sai, xét về mặt luân lý. Ông cho rằng hành vi thì trung lập. Chính sự lưạ chọn của con người mới ban cho hành vi một phẩm tính luân lý. Cha John Harvey tóm lược lập trường của McNeill một cách gẫy gọn như sau: “Một hành vi tính dục giữa hai người yêu nhau là một mục đích tự thân, cũng như một biểu lộ tự do triệt để. Không cần phải xét đến mục tiêu sinh sản của tính dục con người. Thực ra, người nam và người nữ có thể xử dụng cơ thể mình với nhiều sáng kiến khác nhau…Vấn đề là con người có tự do để quyết định mình sẽ sử dụng năng lực của mình như thế nào.” [9]

McNeill tin rằng sự kết hợp đồng phái dài lâu phải là một chọn lựa chính đáng bên cạnh hôn nhân dị phái. Cha Harvey chứng minh rằng cái khái niệm lý tưởng về một quan hệ cam kết đồng phái lâu dài cho thấy rằng “điều này quá xa rời thực tế hàng ngày,” khi phần lớn người đồng tính “không hề muốn và không hề kiếm tìm” một kết hợp thủy chung như thế.” [10]

Lối giảng luân lý của những học giả như John McNeill chủ trương rằng nếu ai thực hiện một hành vi nào đó với thiện ý (tỉ như để bộc lộ tình cảm), thì hành vi đó là cao thượng. Có người chủ trương rằng không một hành vi dục tính nào tự bản chất là sự ác cả, miễn sao được thực hiện với thiện ý. Hẳn nhiên chủ trương này đi ngược lại với giáo huấn luân lý của Hội Thánh, vốn chủ trương rằng không ai bao giờ có thể chọn lựa dứt khoát việc thực hiện một hành vi sự ác. Trong cuộc tranh cãi hiện tại về các nguyên tắc luân lý, lập trường của McNeill nói chung đã mất dần tác dụng, nhưng chủ trương “duy tương xứng” thì vẫn còn đeo đẳng bên ta.

_________________________________________________________________

[6] Thánh Tôma Aquinas, Tổng Luận Thần Học, Ấn bản thứ nhì có hiệu đính, 1929, do các LM Tỉnh Dòng Đaminh Anh dịch, II, II, câu hỏi 154, mục 18.

[7] John Finnis, “Một Khuynh Hướng Thác Loạn Tự Bản Chất,” trong Harvey & Bradley, Hấp Dẫn Đồng Phái: Bản Hướng Dẫn Phụ Huynh, 95-96

[8] Benedict Ashley, O.P., “Thần Học Về Dị Phái và Đồng Phái,” trong Harvey & Bradley, Hấp Dẫn Đồng Phái: Bản Hướng Dẫn Phụ Huynh, 81

[9] John Harvey, Người Đồng Tính (San Francisco: nxb Ignatius, 1987), 89-90.

[10] ibid., 90

(còn tiếp)