CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN NĂM B : GA 6,1-15

1 Khi ấy, Đức Giê-su sang bên kia biển hồ Ga-li-lê, cũng gọi là biển hồ Ti-bê-ri-a. 2 Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ ốm đau. 3 Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. 4 Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.

5 Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê : “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” 6 Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết là mình sắp làm gì rồi. 7 Ông Phi-líp-phê đáp : “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút” 8 Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người : “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu !” 10 Đức Giê-su nói : “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi”. Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. 11 Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát cũng như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý. 12 Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ : “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi”. 13 Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.

14 Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói : “Hẳn ông này là vị Ngôn Sứ, Đấng phải đến thế gian !” 15 Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.



BÁNH ĐÍCH THỰC CỦA LOÀI NGƯỜI

“Đi lễ cho lắm, có được thêm cơm gạo gì không nào? Chỉ tổ mất thời giờ sản xuất ! Đúng là kẻ mê tín ngu muội !” Một ông cán bộ vô thần mỉa mai cô thiếu nữ ngày nào cũng đến thánh đường ngang qua nhà ông. “Thưa ông, nếu Chúa của tôi hôm nào cũng phát cho tôi lương thực khi tôi dự lễ để tôi khỏi phải lao động, vị Chúa đó chẳng đáng cho tôi tôn thờ !” - “Sao lạ vậy?” - “Vì làm như thế là ông ấy dùng vật chất mua chuộc tình cảm của tôi ! Kiểu đó đáng khinh lắm !” - “Thế thì vì lẽ gì mà cô thờ ông ấy? Cô được cái lợi nào khi dự lễ?” - “Tôi thờ Người, trước hết vì Người đã cho tôi sinh ra làm con người chứ không phải con vật, thứ đến vì Người đã ban cho tôi bàn tay và khối óc để chế biến những nguyên liệu là đất đai, hạt giống mà Người đang tặng cho tôi cũng như cho ông trong thiên nhiên; tôi thờ Người vì Người đã làm cho cuộc sống tôi có ý nghĩa, ý nghĩa đó là yêu thương phục vụ, vì Người đã hứa hẹn cho tôi được sống mãi với Người. Mỗi lần đến dự lễ là tôi được thêm sức mạnh để đương đầu với các khó khăn trong cuộc sống, các khủng hoảng trong tâm hồn, nhất là được lòng quảng đại để tha thứ cho sự lăng mạ của ông !”

Câu chuyện trên đây dẫn ta đi vào chủ đề của bản văn Tin Mừng sắp suy niệm, bản văn mở đầu Gio-an chương 6. Chương này làm nên một trong những mạc khải sâu xa nhất về Đức Giê-su, đồng thời cho thấy việc lựa chọn đức tin đã được đặt ra cho con người như thế nào.

1. Một mạc khải về Đức Giê-su

Việc hóa bánh ra nhiều xảy ra trong một bối cảnh Vượt Qua : “Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái” : y như dấu chỉ đầu hết Đức Giê-su đã thực hiện (Ga 2,11), dấu chỉ này loan báo lễ Vượt Qua đích thực, cuộc vượt qua đích thực, cuộc vượt qua của Đức Giê-su về cùng Cha Người, lúc mà Người sẽ đặc biệt trao hiến thân mình, Bánh đích thật phát sinh sự sống (x. 13,1) trong một phép lạ trường cửu vượt hẳn phép lạ bánh thời Xuất hành là phép lạ man-na.

Như đã nói trên, mọi chi tiết trong bản văn đều xoay quanh Đức Giê-su nhằm mạc khải thật sâu về Người. Trong Tin Mừng Nhất Lãm, chính các môn đồ lưu ý Đức Giê-su là dân chúng không có gì để ăn. Ở đây, sáng kiến thuộc về Người hoàn toàn : chính Người lo lắng thức ăn cho họ. Mẩu đối thoại với Phi-líp-phê cũng như lời can thiệp của An-rê cố ý nêu bật sự bất lực của phàm nhân trong việc giải quyết vấn đề đang xảy tới và càng cho ta hiểu ơn cứu độ là từ Thiên Chúa phát xuất ra. Cũng trong Tin Mừng Nhất Lãm, các môn đồ phân phát bánh và cá; ở đây chính Đức Giê-su thực hiện việc này. Gio-an như muốn nói : việc Người đang làm không chỉ là một phép lạ mà còn là dấu chỉ của một thực tại quan trọng : để nhân loại được sống, Người sẽ ban không chỉ những lời nghe được từ Chúa Cha, mà cả chính bản thân Người qua cái chết nữa. Điều này còn quý trọng hơn những tấm bánh nhân bội lạ lùng.

Thành thử bản văn đậm mầu sắc Thánh Thể. Lời lẽ của trình thuật (“Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn”) chính là những lời cộng đoàn Gio-an vẫn thường nghe trong buổi cử hành Thánh Thể. Cử chỉ “phân phát bánh” của Người gợi nhớ cùng cử chỉ như vậy trong bữa Tiệc ly. Lệnh truyền “thu lại những miếng thừa kẻo phí đi” ngụ ý cho thấy Đức Giê-su mở ra một thời đại ân huệ dư đầy ban trong bí tích Thánh Thể. Nó cũng làm ta nghĩ đến sự lo lắng của Giáo hội sơ khai trong việc thu thập những mẩu bánh Thánh Thể còn dư thừa (thời ấy chưa dùng loại bánh nhỏ, tròn, mỏng như ngày nay). Cuối cùng, việc ấy muốn ám chỉ Thánh Thể như bí tích tưởng niệm việc Đức Giê-su chịu chết “để thâu họp con cái Thiên Chúa tản mác về lại làm một” (Ga 11,52). Sách Đi-đa-kê (Didaché 9,4) sẽ lấy chính chiếc bánh làm biểu tượng cho sự hiệp nhất nầy : “Như chiếc bánh bẻ ra trước tiên vương vãi trên các núi đồi, rồi thu góp lại thành một, thì ước gì Giáo hội cũng được tụ tập từ khắp nơi về trong Vương quốc của Ngài như thế”.

Tóm lại, trình thuật Gio-an rõ ràng tập trung tất cả chú ý vào Đức Giê-su. Phép lạ nhằm mục đích mạc khải Người hơn là nhằm mục đích nuôi dân chúng. Đức Giê-su chẳng nhắm bày tỏ lòng thương xót của Người đối với đám đông đang đói thể xác cho bằng mạc khải bản thân đích thực của mình như thứ Bánh thỏa mãn một cơn đói sâu xa hơn hẳn. Vì thế Gio-an đã đẩy các môn đệ lui vào hậu cảnh, để tất cả câu chuyện xoay quanh con người toàn năng là Đức Giê-su, Đấng lèo lái các biến cố và làm cho các biến cố có ý nghĩa. Ý nghĩa của phép lạ hóa bánh ra nhiều -cũng như của tất cả mọi dấu chỉ khác do Đức Giê-su thực hiện- thành thử phải được nghiên cứu trong chiều hướng Ki-tô học căn bản nói trên.

2. Một chọn lựa cho con người

Người Do-thái đã từng trông mong là vào thời Đấng Mê-si-a, phép lạ man-na sẽ được tái diễn. Vì thế khi Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều, một dấu lạ thật vĩ đại, dân chúng liền xem Người là “vị Ngôn Sứ, Đấng phải đến trong thế gian”. Họ muốn “bắt Người để tôn làm vua” nhưng Đức Giê-su “lại lánh mặt, đi lên núi một mình”. Đây là một chi tiết lịch sử hoàn toàn tin được. Vì trong xứ Pa-lét-tin bấy giờ, niềm hy vọng thiên sai từng gây nên nhiều cuộc khởi nghĩa chính trị thường bị người Rô-ma đàn áp dã man. Đức Giê-su muốn phòng ngừa một ngộ nhận như thế. Ngoài ra, ta còn luôn thấy Người giữ mình khỏi mọi thỏa hiệp mờ ám với nhóm Nhiệt thành (Quá khích) suốt cả Tin Mừng Gio-an, nhưng điều đó cũng sẽ không làm Người tránh khỏi bị kết án công khai như một kẻ trong bọn họ.

Khi gặp lại dân chúng ở phía bên kia Biển Hồ, Đức Giê-su phải giải thích nhiều để họ hiểu rằng sự sống Người đến để ban cho họ không phải là chuyện ăn uống sinh sống ở đời mà là sự sống vĩnh cửu. Bánh Người phân phát cho họ hôm ấy chỉ là thứ của ăn mau hư nát. Thực ra, đó chính là dấu chỉ của một lương thực khác, thứ lương thực “trường tồn đem lại phúc trường sinh” (6,27) mà họ phải “lao công” để có cho được. Phải có được sự tỉnh táo của Đức Giê-su và một lựa chọn đức tin đúng đắn thì những dấu lạ Người làm cho nhân loài mới không bị thu hẹp vào vấn đề chỉ tìm thỏa mãn những nhu cầu trần thế vật chất. Sứ mệnh Chúa Cha đã trao phó cho Người là sứ mệnh thiêng liêng. Giải pháp Người mang đến cho chúng ta không nằm trên bình diện kinh tế, chính trị, xã hội, dẫu sẽ tác động sâu xa lên các lãnh vực này.

Chúng ta cũng dễ gặp phải cơn cám dỗ như đám đông trong bài Tin Mừng, cơn cám dỗ thích thu hẹp lại các vấn đề của xã hội và nhân sinh. Những nhu cầu cấp bách đang dằn vặt con người khiến chúng ta phải trăn trở. Chúng ta đành phải dấn thân như Đức Giê-su để cố gắng thỏa mãn. Thái độ dấn thân nầy là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa muốn con cái Người được hạnh phúc. Ta không thể vô tình trước bệnh tật, đói khát, đàn áp, bất công. Ta phải không ngừng mở rộng con tim, không ngừng bắt tay vào việc chia sẻ và xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ. Việc làm này nằm trong sứ mệnh của ta. Nhưng đồng thời cũng phải tỉnh thức để không thu hẹp tầm nhìn vào những nhu cầu vật chất, không chỉ say sưa khao khát cho công việc xã hội thành tựu, hoặc ngây ngất trước sự vĩ đại của chương trình phát triển kinh tế đang làm. Phải mở mắt nhìn vào một nhu cầu khác kín đáo hơn, sâu xa hơn : đó chính là sự sống vĩnh cửu. Chỉ sự sống ấy mới khiến thế nhân được phỉ chí toại lòng. Con người đâu có lấy làm đủ khi ăn uống no nê, thỏa mãn thể xác ! Đây là một thế quân bình khó giữ. Chúng ta vừa phải là những con người mang lại cơm no áo ấm, tự do nhân quyền, vừa phải là những con người đem đến Thánh Thể cho nhân loại.