CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY NĂM B :
Ga 12,20-33
Khi ấy, trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa, miền Ga-li-lê, và xin rằng : “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su”. Ông Phi-líp-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-líp-phê đến thưa với Đức Giê-su. Đức Giê-su trả lời : “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh ! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy.

“Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến ! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha”. Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống : “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa !” Dân chúng đứng đó nghe vậy liền nói : “Đó là tiếng sấm !” Người khác lại bảo : “Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy !” Đức Giê-su đáp : “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người. Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài ! Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.


“ NẾU HẠT LÚA KHÔNG CHẾT ĐI”

Bài Tin Mừng chúng ta đọc hôm nay nằm trong chương bản lề nối hai chủ đề lớn của Tin Mừng Gio-an : chủ đề “Các dấu chỉ” (từ phép lạ Ca-na đến phép lạ La-da-rô) và chủ đề “Giờ của Chúa” (tức là cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người).

Đức Giê-su đã long trọng tiến vào Giê-ru-sa-lem để mừng lễ Vượt qua (Do-thái giáo) lần cuối cùng, thiết lập lễ Vượt qua (Ki-tô giáo) lần đầu tiên, đồng thời từ giã thế gian để về cùng Cha, hay nói cho đúng, để đến với thế gian cách chân thật, thâm sâu và trọn vẹn hơn cả, qua cuộc khổ nạn phục sinh của mình.

Lúc ấy, trong khuôn viên Đền Thờ, “có mấy người Hy-lạp” muốn tìm gặp Người. Việc họ tìm đến với Người mang giá trị biểu tượng : là dấu chỉ tiên báo việc muôn dân lên đường đến với Đức Ki-tô, và cho thấy giờ ban tặng ơn cứu độ cho mọi người đã điểm.

1. Hạt giống Giê-su chôn vùi trong lòng đất

Đức Giê-su như không đáp ứng trực tiếp ước muốn của đám khách hành hương Hy-lạp. Thực sự, Người đưa ra một câu trả lời rất sâu xa : để nhân loài có thể được gặp Đức Giê-su, được cứu độ, Con Người phải được tôn vinh, nghĩa là đi qua cuộc Thương khó, trải qua cái chết để vào hưởng vinh quang Người đã có trong Chúa Cha.

Người mở đầu bằng một lời tuyên phán : “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” và giải thích nó bằng một dụ ngôn nho nhỏ : “Nếu hạt lúa không chết đi, nó vẫn trơ trọi một mình” (12,24). Câu này đã gặp cái rủi là trở thành một thứ luật chung chung, chẳng liên hệ cụ thể đến ai, của sự phong phú tinh thần : có chết mới mang lại hoa quả. Nhưng trong Tin Mừng, thì chẳng chung chung tí nào hết ! Nó nói đến ý tưởng vừa vĩ đại vừa gây khắc khoải Đức Giê-su có về cái chết của mình.

Người quả quyết với chúng ta : “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Đây là viễn ảnh bao la vĩ đại. Hết thảy nhân loại đều được Đức Giê-su cứu bằng cái chết và sự phục sinh của Người. Nhưng ngược lại, nỗi khắc khoải cũng rung lên không kém : “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến ! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này”. Rồi trở lại cái viễn ảnh về công trình cứu rỗi kỳ vĩ : “Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha”.

Nếu đã chẳng chết cách bi thảm như thế, thì Đức Giê-su sẽ là một con người ngoại hạng trong lịch sử, thậm chí là con người có một không hai, nhưng rốt cục vẫn chỉ một mình. Khi chấp nhận cái chết khiến mình khắc khoải như thế, Người sẽ sinh ra hoa trái vĩ đại : trở thành Cứu tinh của tất cả, thành thỏi nam châm thu hút mọi sự.

Đó là điều chúng ta được nghe dạy. Nhưng có thể biết tại sao cái chết của một người như thế lại cứu tất cả chúng ta không? Khó đấy ! Vì Đức Giê-su là một con người được dệt nên bởi nhân tính và thần tính, nên hết thảy những gì liên hệ tới Người đều ghi dấu thần linh là cái mà chúng ta không thể nắm bắt nổi.

Chúng ta chỉ thoáng thấy hai chuyện. Cái chết của Người “quy tụ tất cả”. Nơi Đức Giê-su, hạt lúa thần-nhân, bao gồm cách mầu nhiệm mọi người thuộc mọi thời. Cái chết của Người có thể ảnh hưởng lên họ tất cả, sự sống lại của Người cũng vậy. Cái chết này phong phú là vì thế : “Nếu tôi chết, tôi mới sinh được nhiều hoa quả”.

2. Đem lại hoa quả : chiến thắng của tình yêu

Nhưng ơn cứu rỗi nào sẽ đi từ Hạt giống độc nhất đến mùa gặt bao la vậy? Tại sao cái chết ấy có sức mạnh “cứu rỗi”? Chúng ta có vẻ đối diện với một chiến thắng kỳ diệu, mà kể ra không thể đánh giá trước ngày tận thế. Một chiến thắng của tình yêu trên hận thù và ích kỷ.

Chúng ta đã được tạo dựng để yêu thương, thế nhưng chúng ta chẳng bao giờ đạt tới đó. Nhân vật độc nhất này, Con Người, sắp làm một hành vi khiến Người trở nên sự giải tỏa, sự Vượt qua cho chúng ta. Sau cái chết và cuộc phục sinh của Người, khả năng yêu mến, khả năng chiến thắng tội lỗi là sự không yêu mến, sẽ được cống hiến cho chúng ta hết thảy.

Đức Giê-su không chết để tuân theo một thứ sắc lệnh của Chúa Cha vốn ở bên ngoài hữu thể sâu xa của Người. Đức Giê-su không chết do bị nghiền nát bởi một liên minh các tà lực. Kinh Tạ ơn 2 đã tóm tắt điều đó qua câu nói : “Khi bị nộp và tự hiến chịu khổ hình…” Đúng là Đức Giê-su đã bị Chúa Cha phó nộp, nhưng phó nộp cho một sứ mạng tự do, sứ mạng yêu mến, với tất cả mọi rủi ro mà sứ mạng đó bao hàm trong ngôi nhà tù thù hận vĩ đại là thế gian, ngôi nhà tù mà Con Người sẽ phải mở cửa. Người sắp mở nó ra bằng hành vi đầy tràn nhất, phong phú nhất, cứu độ nhất mà không một ai khác đã hoàn tất nổi. Hạt lúa độc nhất bị nghiền nát sắp lớn lên thành một mùa gặt vĩ đại.

Nhờ kết hợp với Người và theo gương Người, chúng ta cũng có thể trở thành hạt lúa sinh được nhiều hoa quả như thế, trước hết là cho chính bản thân chúng ta : “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống vĩnh cửu”. Tại sao vậy? “Cuộc sống có thể được coi như là “của tôi”, và tôi có thể dập tắt hay giữ nó lại như thể sự tồn tại hay tàn lụi của nó là tùy ở tôi, cái báu vật duy nhất cần bảo vệ bằng mọi giá ấy, cái tài sản chỉ tùy thuộc vào chính tôi ấy. Nếu thế thì cuộc sống, vốn như giòng nước chảy xiết, sẽ vuột khỏi tay tôi, khi tôi cố giữ nó lại. Ngược lại, nếu tôi không cố bám víu vào cuộc sống này, nếu tôi chấp nhận mở ra với Ai đó, cũng là chết đi cho những gì khiến tôi co cụm, thì này đây sự “chết” ấy không có gì khác hơn là một sự “xuất thần”, và một khi cuộc sống tôi mở ra như thế “thì sẽ giữ lại được, như lời Chúa nói, cho sự sống vĩnh cửu”. Mà như ta biết, theo thánh Gio-an, sự sống vĩnh cửu là hiệp thông với chính Thiên Chúa” (Xavier Léon-Dufour).

Thành ra ý nghĩa cuộc sống trần thế của chúng ta là nằm ở chỗ : chính bằng cách mở lòng đón nhận lời Đức Giê-su với những đòi hỏi quyết liệt của Người, vượt thắng khuynh hướng muốn hoàn toàn tự lập (thường được ngụy trang dưới mỹ từ “làm chủ bản thân và định mệnh”), mà người ta tiến đến “sự sống”. Sự sống này là yêu thương, hiệp thông, chia sẻ, phục vụ cùng với Đức Ki-tô và theo gương Đức Ki-tô. “Luôn luôn, hy sinh là phục vụ ! Nhất là hy sinh tính mạng ! Đó là một gương sáng ! Hy sinh lưu tồn mãi, như để lại một huyền thoại trên trái đất, như trồng một cây xanh trên đại lộ : mãi mãi cho tương lai” (De la Varende). “Tất cả mọi hành động, mọi công trình, mọi nếp sống thực tốt đẹp, thực chính hiệu Ki-tô giáo, bao giờ cũng mang hai dấu chỉ : tình yêu và hy sinh” (ĐHY Garonne).

Người ta kể chuyện triết gia Auguste Comte (1798-1857), cha đẻ thuyết duy nghiệm, có ý định lập một tôn giáo mới mang tính khoa học, thay thế cho Ki-tô giáo mà ông bảo là lỗi thời. Ông tìm đến sử gia kiêm nhà phê bình lỗi lạc người Anh là Thomas Carlyle (1795-1881, có khuynh hướng chống lại thuyết duy vật và duy lý), để hỏi ý kiến xem mình phải khởi sự thế nào. Thomas Carlyle đoan chắc với Auguste Comte rằng điều đó thật giản dị. Trước hết ông phải viết ra những huấn giới cho tôn giáo mà ông đề xướng, đoạn phân phát cho môn đệ của ông. “Rồi tôi phải làm gì nữa?” Auguste Comte hỏi. Thomas Carlyle nói : “Sau đó ông phải tự mình chịu đóng đinh trên cây thập giá, chịu chết, kế đó để người ta chôn trong mồ mả và đến ngày thứ ba, ông phải sống lại và hiện ra ít nhất cho 500 người” - “Làm sao tôi sống lại được?” - “Nếu không sống lại được, thì tôn giáo ông lập ra chỉ là một tôn giáo chết, như vậy nó còn có thể cứu rỗi được ai !”