ĐẾN MỨC TRÀN ĐẦY
“Chính nhờ Ta mà ngươi trổ sinh hoa trái”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Sống là sống với, sống cùng, sống các mối tương quan!”. Thế mà, tương quan giữa người với Chúa, giữa người với người xem ra luôn nửa vời, đứt đoạn và thiếu cam kết. Vấn đề nằm ở phía con người! Lời Chúa hôm nay chỉ cho chúng ta con đường tình yêu, con đường Giêsu, con đường ngắn nhất để có thể hoàn thiện các mối tương quan ‘đến mức tràn đầy!’.

Bài đọc một nói đến một dân nửa vời, thiếu cam kết, đứt đoạn, nên đã gục ngã trong tội ác. Qua Hôsê, Thiên Chúa mời gọi Israel, “Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa ngươi!”; “Nhờ Ta mà ngươi trổ sinh hoa trái”, nghĩa là “Nhờ Ta, ngươi sẽ sống ‘đến mức tràn đầy!’”.

Với bài Tin Mừng, nhân một kinh sư hỏi đâu là giới răn trọng nhất, Chúa Giêsu chỉ ra con đường ngắn nhất, “Hãy yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực!”. Tại sao phải yêu mến Chúa? Sự thật là, cách duy nhất để yêu người khác và ngay cả yêu chính mình, là chọn yêu mến Chúa với tất cả những gì chúng ta ‘có’, chúng ta ‘là!’. Ngài là nguồn cội và là cùng đích của mọi tình yêu. Ngài phải được yêu trên hết và trước hết vì Ngài là trọng tâm duy nhất của mọi tình yêu. Điều đáng kinh ngạc là khi càng chọn yêu Thiên Chúa, chúng ta càng nhận ra rằng, mọi tình yêu trong cuộc đời mình - nếu có - là tình yêu do chính Ngài tuôn đổ ‘đến mức tràn đầy’.

Trái lại, nếu tìm cách chia cắt tình yêu, yêu nửa vời, đứt đoạn và thiếu cam kết để chỉ dâng cho Chúa một phần trái tim, một phần linh hồn, một phần trí khôn, một phần sức lực, thì tình yêu của chúng ta không thể lớn lên ‘đến mức tràn đầy’. Hạn chế khả năng yêu mến Chúa, con người rơi vào ích kỷ! Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu gọi đây là giới răn trọng nhất; bởi lẽ, tất cả các giới răn khác bao hàm trong giới răn này. Giới răn trọng nhất định hướng và mời gọi các giới răn khác. Thiên Chúa là suối nguồn tình yêu, chân trời tình yêu! Đóng cửa và lấy đi chìa khoá của tình yêu, con người không bao giờ đạt đến sự cứu rỗi; và như thế, tình yêu của chúng ta đối với Chúa, với nhau, sẽ luôn nông cạn, hời hợt.

A.W. Tozer viết, “Kitô hữu xét cho cùng, là một con người kỳ cục nhưng không kém độc đáo! Họ cảm nhận một tình yêu ‘đến mức tràn đầy’ dành cho một Đấng mình chưa từng gặp; trò chuyện hằng ngày với Đấng mình chưa từng thấy. Họ bỏ mình để có một cuộc sống sung mãn; mạnh mẽ khi nhận mình hèn yếu; giàu có khi biết mình nghèo; hạnh phúc khi biết mình tồi tệ; và chết đi để sống một cuộc sống tràn đầy hôm nay và mai ngày!”.

Anh Chị em,

“Nhờ Ta mà ngươi trổ sinh hoa trái”. Thập giá Chúa Kitô cũng là một cái gì “kỳ cục nhưng không kém độc đáo!”. Thập giá là biểu tượng của tình yêu, hoa trái của tình yêu, yêu đến cùng. Chúa Giêsu đã yêu Chúa Cha đến nỗi Ngài chỉ có một giấc mơ duy nhất, làm tất cả để vui lòng Cha; Ngài yêu con người đến nỗi chấp nhận hiến dâng mạng sống để cứu nó. Chính nhờ tình yêu ‘đến mức tràn đầy’ Ngài dành cho Cha; từ đó, cho con người, mà “chúng ta nhận được hết ơn này đến ơn khác”. Đúng, chỉ trong Chúa Kitô, bạn và tôi mới trổ sinh hoa trái trong các mối tương quan - với Chúa với người - ‘đến mức tràn đầy!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con yêu Chúa nửa vời, đứt đoạn và thiếu cam kết! Dạy con yêu như Chúa yêu; từ đó, con lớn lên trong tình yêu Chúa, yêu người, đến mức sung mãn!”, Amen.

(Tgp. Huế)