HIỂN DUNG
Chúa Nhật 2 Mùa Chay năm B : Mc 9, 2-10

Suy niệm

Bài đọc thứ nhất (St 15,5-12.17-18) kể lại việc Thiên Chúa thiết lập giao ước với tổ phụ Abraham. Giao ước ấy là nền tảng của sự biến đổi thân phận loài người, từ trong tội lệ được nâng lên làm dân thánh của Thiên Chúa. Đến bài đọc thứ hai, thánh Phaolô còn cho các tín hữu biết rằng: "Đức Kitô sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người." (Pl 3,17 - 4,1).

Đức Kitô là mẫu mực của việc biến đổi đời sống con người chúng ta. Thế nhưng Phụng vụ Lời Chúa tuần thứ nhất Mùa Chay lại dẫn chúng ta vào sa mạc, để chứng kiến Đức Giêsu chịu cám dỗ. Ở đó, ta thấy Chúa thể hiện nhân tính của Ngài: một con người yếu đuối, mỏng giòn, chịu đói khát, chịu thử thách, chịu cám dỗ như mọi người.

Chúa Nhật tuần thứ hai này, chúng ta được mời gọi chiêm ngưỡng Đức Giêsu hiển dung trên núi cao. Ở đó, ta thấy Chúa thể hiện thiên tính của Ngài: sáng láng, rực rỡ, vinh hiển. Đức Giêsu vẫn là một, không hề phân chia trong bản tính, và luôn hiệp nhất trong Ngôi vị, Ngài thật sự là Thiên Chúa và cũng thật sự là con người, nên sự hiện diện của Ngài vô cùng sinh động và phong phú cho đời sống nhân loại.

Trong cuộc hiển dung này, có ba môn đệ thân tín được Đức Giêsu đưa lên núi Tabo là Phêrô, Gioan và Giacôbê. Ngài muốn cho họ chứng kiến đôi chút sự rạng ngời vinh hiển trong tự căn tính của Ngài là Con Thiên Chúa, để củng cố niềm tin cho họ, trước khi họ chứng kiến Ngài bị giới lãnh đạo tôn giáo khai trừ, bị mọi người ruồng rẫy, và xem ra như bị Chúa Cha như bỏ rơi trong cuộc khổ hình trên núi Sọ.
Trong khi Đức Giêsu hiển dung còn có sự xuất hiện của Môsê: người đón nhận lề luật từ Thiên Chúa; và Elia: người đứng hàng đầu trong số các ngôn sứ của Thiên Chúa. Đàm đạo với hai vị này, Đức Giêsu muốn cho thấy nơi bản thân Ngài đã hoàn tất mọi lời hứa về Đấng Mêsia, trong tính cách là Con Thiên Chúa và Đấng cứu chuộc loài người. Với ý nghĩa đó, Ngài là Môsê mới vừa là Êlia mới, mở ra một trang sử mới trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Trước thị kiến đầy kinh ngạc này, Phêrô nói lên cảm xúc đầy hoan lạc mà ông và các bạn đang tận hưởng, bằng cách xin Thầy cho dựng ba lều để ở lại luôn trên núi. Thực ra, ông không biết mình nói gì, vì các ông kinh hoàng. Tiếp theo là một đám mây bao phủ, nói lên sự xuất hiện của Thiên Chúa với việc trao ban một sứ điệp quan trọng: “Đây là Con Ta yêu dấu”. Lời này lặp lại lời của biến cố phép rửa của Chúa Giêsu, với một chút thay đổi, nhằm khích lệ các môn đệ hãy đặt trọn vẹn niềm tin vào Thầy mình. Tuy nhiên trọng điểm của trình thuật này xem ra hệ tại nơi các từ ngữ sau: “Hãy vâng nghe Lời Người”. Chắc chắn lời này nhắm tới điều mà Đức Giêsu mới nói với họ trước đó về sự thương khó và sự phục sinh của Ngài. Ngài sẽ nhận lãnh vinh quang bên kia sự nhục hình và cái chết, thì liệu họ có giữ được niềm hy vọng, và có dám tiếp tục bước theo Ngài trên con đường thập giá không?

Cũng như Phêrô, Giacôbê và Gioan, mỗi người chúng ta cũng được Chúa dẫn riêng ra một cách nào đó để Ngài biểu lộ chính mình cho ta. Nhưng nhiều khi ta muốn tránh né, chỉ muốn lao đầu vào công việc để thể hiện chính mình. Nhất là giới trẻ với tính khí sôi động, chỉ muốn chạy theo cuộc sống để tìm lợi lộc, danh giá; tìm đến những thú vui bên ngoài, và không ngần ngại ngồi lê với bạn bè, với ly trà chén rượu suốt đêm thâu, nhưng ngồi lại với Chúa một chút thì đã thấy quá lâu. Quen với lối sống ồn ào và bon chen ở đời, nên ta không còn khả năng để sống cái thinh lặng nội tâm, hầu nhận ra sự hiện diện của Chúa đang chờ đợi mình. Chúa vẫn luôn có một dự định cho mỗi người, có điều gì đó sâu xa để trao ban, để củng cố đức tin và gia tăng đức mến cho ta. Chỉ khi có giờ cận kề bên Chúa, ta mới cảm nhận tình thương mến của Ngài, mới vững vàng hơn trước những lôi kéo của thế tục, mới vững tâm hơn trước những nghi nan, mới vững lòng hơn trước những đêm tối cuộc đời, mới vững mạnh hơn trước những đau thương và thử thách.

Đức Giêsu vẫn đưa ta vào từng biến cố quan trọng, nhưng rồi cũng giống như Phêrô, ta chẳng hiểu gì. Tuy nhiên, với tình yêu sâu thẳm, Ngài vẫn tiếp tục khai mở tâm hồn ta. Nếu ta biết “lắng nghe Lời Ngài” bằng cả trái tim mình, biết chấp nhận đi vào con đường hẹp của Ngài, ta sẽ được biến đổi từ “cái tôi bên ngoài” thành “cái tôi sâu thẳm” của mình, là chính mình trong chương trình tình yêu của Thiên Chúa. Chỉ với sự biến đổi hôm nay trong ơn thánh, mới hứa hẹn cho ta một cuộc biến đổi mai ngày trong vinh quang Nước Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa đã chuẩn bị cho các tông đồ,
trước biến cố đau thương và tử nạn,
bằng cách Chúa hiển dung thật sáng láng,
khiến các ông đều cảm thấy kinh hoàng.
Con tin rằng trong cuộc sống hôm nay,
Chúa cũng chuẩn bị cho con như vậy,
để vượt qua những gian nan thử thách,
bằng ủi an và nâng đỡ hằng ngày.
Nhưng đòi con phải can đảm đi ra,
ra khỏi mình ra khỏi những tiện nghi,
ra khỏi ù lì và ươn lười bất động,
để sống điều mà Chúa vẫn ước mong.
Xem ra con vẫn còn những tối tăm,
vẫn còn phải lần mò trong rối rắm,
nên không thể tránh được những sai lầm,
chỉ khi con biết lặng trầm bên Chúa,
biết lắng nghe Lời Chúa tận thâm tâm,
đời sống con mới thâm trầm tỏa sáng.
Chỉ có Chúa mới chiếu sáng đời con,
khi con biết đi vào con đường hẹp,
là cách sống thật đẹp ý Chúa Cha,
cũng là con đường Chúa đã đi qua,
để con tiếp bước thành người môn đệ,
và đem lại những ân huệ cho đời.
Chúa là điểm hẹn cho con từng ngày,
để con gặp gỡ vui mừng hăng say,
xin cho con sẵn sàng nên nhân chứng,
dám dấn thân cho sứ mạng Tin Mừng,
để thế giới và lòng người đổi mới,
cho Nước Trời được lan tỏa khắp nơi. Amen.