Hình ảnh từ trên núi cao

Vào ngày Chúa nhật thứ hai mùa chay hằng năm, bài Phúc âm tường thuật về biến cố Chúa Giesu với ba môn đệ Phero, Gioan va Giacobe leo lên núi Tabor, trên đó Chúa Giesu biến hình sáng chói, được đọc trong thánh lễ.

Ngọn núi Tabor từ thời xa xưa trước Kitô giáo đã là nơi thờ kính các thần thánh của dân xứ Canaan bên nước Do Thái.

Núi Tabor cao 588 mét, ở vùng Galileo phía Bắc nước Do Thái. Trên núi này ngày nay ngôi thánh đường to lớn kỷ niệm kính Chúa Giesu biến hình có ba vòm cửa ở mặt tiền thánh đường. Hình ảnh biểu tượng này muốn diễn tả lại câu nói của Ông Phero đề nghị muốn dựng ba lều một cho Chúa Giesu, một cho tiên tri Mose và một cho tiên tri Elia. Ngày nay núi Tabor là địa điểm hành hương của các khách hành hương sang đất thánh Jerusalem, và của những người đi du lịch, người khảo cứu di tích lịch sử kinh thánh thời cựu ước cũng như thời tân ước.

Kinh Thánh theo phúc âm Thánh sử Marco thuật lại Chúa Giêsu lên núi cao với ba môn đệ và Người biến hình áo trở nên trắng sáng như tuyết có Tiên tri Mose và Tiên tri Elia cùng xuất hiện đàm đạo. (Mc 9,2-10).

Hình ảnh ánh sáng trắng như tuyết huyền nhiệm chiếu tỏa từ Chúa Giêsu trên đỉnh núi Tabor với hai vị Tiên tri và ba môn đệ ẩn chứa hình ảnh sứ điệp gì?

Trong dòng thời gian dân gian thường có suy nghĩ tin tưởng trên núi cao xa gần tầng trời là nơi chốn cư ngụ của Thần Linh, ẩn chứa nét vẻ bí ẩn huyền nhiệm linh thiêng!

Khi leo lên tới vùng đỉnh núi cao, người leo núi thưởng thức được khí trời gió mát trong sáng, và tầm nhìn quan sát của đôi mắt trải ra xa rộng bao quát một khoảng không gian rộng mở trước mặt. Vì càng lên cao, càng không có hay ít cây cối, nhà cửa chắn khuất tầm nhìn của đôi con mắt, như ở bên dưới thấp vùng chân núi bị che khuất chắn ngang giới hạn tầm mắt nhìn quan sát!

Leo lên núi cao tâm hồn cảm thấy nhẹ nhàng khoan khoái như trút khỏi gánh nặng bên dưới chân núi, và chỉ phải mang theo mình đồ dùng cần thiết nhất thôi. Kể cả nước cũng không phải xách mang theo. Vì trên núi luôn có mạch nước chảy vọt ra từ các khe tảng đá. Nước trên núi vừa trong mát và vừa trong lành cho sức khỏe.

Chúa Giesu leo lên núi ba lần với ba ý hướng thánh đức thiêng liêng.

Đầu tiên Chúa Giesu một mình leo lên ngọn núi cám dỗ, trước khi đi rao giảng nước Thiên chúa. Núi này ở vùng sa mạc nóng cháy Jericho, ban ngày ánh nắng mặt trời chiếu gay gắt không có bóng cây, ban đêm lạnh buốt rất nguy hiểm cho sự sống con người. Ngài lên đó một mình ăn chay cầu nguyện, chiến đấu với cạm bẫy của satan ma quỷ, và với thời tiết sa mạc khắc nghiệt rất nguy hại cho sức khỏe thể xác cũng như tinh thần.

Lên núi Tabor, Chúa Giesu mang theo ba môn đệ, nhưng họ nhất là ông Phero không nhận ra Thầy mình khi Ngài biến hình.

Và sau cùng Chúa Giesu một mình vác cây thập giá leo lên núi Sọ Golgotha hy sinh chịu chết.



Trên núi sọ Golgotha Chúa Giesu chết trên cây thập tự, nhưng có dòng nước chảy vọt ra từ cạnh sườn thân xác của Ngài. Dòng nước chảy trên núi Golgotha từ thân xác Chúa Giesu là hình ảnh dòng nước bí tích rửa tội. Trong dòng nước rửa tội sự sống và ân đức của Chúa tuôn chảy vào tâm hồn con người.

Kinh thánh nói tới những ngọn núi khác nhau với những sứ điệp mạc khải thánh thiêng. Trên núi Sinai Thiên Chúa ban bố cho dân chúng qua tiên tri Moses Mười Điều răn của Ngài làm kim chỉ nam cho nếp sống thiêng liêng.

Trên núi Horeb Thiên Chúa tự mạc khải tỏ mình ra qua ngọn lửa cháy bừng trong một bụi gai thiên nhiên.

Trên núi Moriah đền thờ Jerusalem được xây dựng là nơi cử hành nghi lễ phụng vụ dâng hiến tế lễ Thiên Chúa.

Trên núi Tabor Chúa Giesu biến hình trong ánh sáng vinh quang sự sống lại của Thiên Chúa như con người mong chờ.

Anh sáng màu trắng của y phục Chúa Giesu lúc biến hình là hình ảnh chiếc áo trắng rửa tội. Qua bí tích rửa tội những người đã lãnh nhận bí tích này cùng với Chúa Giesu, Đấng đã mặc áo trắng như tuyết lúc biến hình, cũng được trở nên ánh sáng Chúa Giesu. Bí tích rửa tội làm cho người nhận lãnh bí tích này trở một người mới: Trong dòng nước rửa tội và trong Chúa Thánh Thần họ trở thành hình ảnh của ánh sáng thần linh thiêng liêng.

Ngày xưa tiên tri Moses lên núi Sinai diện kiến Thiên Chúa lúc xuống núi với dân chúng mặt ông chiếu sáng rực rỡ khiến dân chúng rất vui mừng thán phục cùng ngạc nhiên, và họ không dám nhìn thẳng vào Ông. Nhưng chính ông không biết mình đã được ánh sáng rực rỡ của Thiên Chúa bao phủ chiếu tỏa nơi khuôn mặt ông. ( XH 33,11).

Qua bí tích rửa tội chúng ta gặp được Thiên Chúa, chiếc áo trắng của Chúa Giesu, chiếu tỏa ánh sáng thanh tẩy ơn tha thứ tội lỗi tận trong tâm hồn con người.

Với dòng nước ánh sáng bí tích rửa tội, người Kito hữu sống loan truyền làm chứng cho ánh sáng tình Thiên chúa giữa dòng sông đời sống xã hội hôm qua hôm nay và ngày mai.