Rất nhiều bằng chứng

Trong khi các bản chép tay trên giấy cói đại diện cho các bản chép Tân Ước sớm nhất, ta còn có các bản chép cổ trên giấy da (parchment) làm từ da trâu bò, chiên cừu và linh dương.

Metzger giải thích, “chúng ta có thứ gọi là các bản chép tay bằng chữ viết to, tròn (uncial) tức bằng các chữ Hy Lạp toàn viết hoa. Ngày nay, chúng ta có 306 bản này, một số có từ thế kỷ thứ 3. Quan trọng nhất là Codex Sinaiticus, là bộ Tân Ước duy nhất đầy đủ viết bằng chữ to tròn, và Codex Vaticanus, là bộ không đầy đủ. Cả hai bộ đều có niên biểu khoảng năm 350 CN.

“Một kiểu viết mới, viết theo chữ thảo nhiều hơn, xuất hiện vào khoảng năm 800 CN. Nó được gọi là bản nhỏ, và hiện chúng ta có 2,856 bản chép tay thuộc loại này. Rồi còn có các sách bài đọc có chứa Kinh thánh Tân Ước theo trình tự để được đọc trong các nhà thờ theo những thời điểm thích hợp trong năm. Tổng số có 2,403 bản thuộc loại này đã được lên danh mục. Như thế, tổng số các bản chép tay bằng tiếng Hy Lạp hiện là 5,664 bản”.

Ông cho biết ngoài các tài liệu bằng tiếng Hy Lạp, còn có hàng ngàn bản Tân Ước cổ chép tay khác bằng các ngôn ngữ khác. Có 8,000 tới 10,000 bản Phổ Thông (Vulgate) chép tay bằng tiếng La Tinh, cộng với 8,000 bản bằng tiếng Ethiopia, Slavia và Armenia. Tổng kết, hiện có khoảng 24,000 bản chép tay loại này.

“Như thế, ý kiến của ông ra sao?” Tôi hỏi thế, vì muốn xác nhận rõ ràng điều tôi nghĩ tôi đã nghe từ ông. “Căn cứ vào tính đa dạng của các bản chép tay và khoảng thời gian phân cách giữa các nguyên bản và các bản chép đầu tiên của chúng ta, thì Tân Ước so sánh ra sao so với các công trình nổi tiếng của cổ thời?”

Ông trả lời, “Cực kỳ tốt đẹp. Chúng ta có thể rất tin tưởng các tư liệu này đã đến với chúng ta một cách trung thành, nhất là so sánh với bất cứ công trình văn học cổ xưa nào khác”.

Kết luận trên được nhiều học giả lỗi lạc khắp thế giới chia sẻ. F.F Bruce quá cố, giáo sư lỗi lạc của Đại Học Manchester, Anh,, và là tác giả cuốn The New Testament Documents: Are They Reliable? [Các Tài liệu Tân Ước: Chúng có đáng tin cậy hay không] từng nói, “Không có một bộ văn chương cổ nào trên thế giới có được một sự phong phú đến thế trong việc xác nhận bản văn tốt như Tân Ước” (2).

Metzger đã nhắc đến tên Ngài Frederic Kenyon, Cựu giám đốc Bảo tàng viện Anh, và là tác giả cuốn The Palaeography of Greek Papyri [Cổ tự học của Các Bản Giấy cói Hy Lạp]. Kenyon từng nói, “không có trường hợp nào khác trong đó khoảng cách về thời gian giữa việc soạn tác một cuốn sách và niên biểu các bản chép tay sớm nhất ngắn như trong trường hợp Tân Ước” (3).

Ông kết luận, “Căn bản cuối cùng khiến chúng ta hoài nghi các sách thánh đến với chúng ta y hệt trong bản thể như khi chúng được viết ra nay đã được gỡ bỏ” (4).

Tuy nhiên, về các dị biệt giữa các bản chép tay thì sao? Trong những năm tháng chưa có máy sao chụp nhanh như chớp, các bản chép tay được các người sao chép khổ công chép bằng tay, từng chữ từng lời từng giòng, trong một diễn trình rất hay mắc sai lầm. Giờ đây, tôi muốn tập trung vào việc liệu những sai lầm sao chép này có làm cho các bản Kinh thánh hiện nay thành đầy rẫy những điều không chính xác vô phương cứu chữa hay không.

Khảo sát các sai lầm

Tôi phát biểu, “với những tương tự trong cách viết chữ Hy Lạp và với những điều kiện làm việc bán khai của các người sao chép, xem ra không thể tránh được việc các sai lầm sẽ gây ra cho bản văn”.

Metzger thừa nhận, “Hết sức như thế”.

“Và quả thật, há trên thực tế đã không có hàng chục ngàn những dị bản trong số các bản chép tay cổ thời hiện chúng ta đang có đó sao?”

“Hết sức như thế”.

Nói một cách tố cáo hơn là tìm hiểu, tôi bảo, “do đó, há điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể tin chúng đó sao? “

Metzger trả lời một cách cương quyết, “Thưa ông không, nó không có nghĩa như thế. Trước nhất xin để tôi nói câu này: kiếng đeo mắt chỉ mới được sáng chế vào năm 1373 tại Venice, và tôi chắc chắn rằng chứng loạn thị có nơi các người sao chép thời xưa. Điều ấy càng tệ hơn bởi sự kiện, trong bất cứ hoàn cảnh nào, thật khó mà đọc các bản chép tay đã mờ nhạt trên đó, một số mực đã phai đi. Và còn nhiều các may rủi khác nữa, như sự bất cẩn của các người sao chép. Nên, đúng, các lỗi lầm có thể gây họa, mặc dù đa số các người sao chép rát thận trọng.

“Nhưng”, ông vội nói thêm, “có những nhân tố trung hòa điều ấy. Thí dụ, đôi khi trí nhớ của người sao chép có thể chơi khăm ông ta. Giữa lúc ông cần có để nhìn vào bản văn và rồi viết chữ xuống, thứ tự các chữ có thể thay đổi. Ông có thể viết đúng chữ nhưng sai trình tự. Điều này không đáng lo ngại bao nhiêu, vì không như tiếng Anh, tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ có biến tố (inflected).

Tôi hỏi ông, “Nghĩa là gì?”

“Nghĩa là nó rất khác, trong tiếng Anh, nếu ông nói ‘dog bites man’ [chó cắn người] hay man bites dog’ [người cắn chó], thì trình tự rất quan trọng. Nhưng nó không đáng kể trong tiếng Hy Lạp. Một chữ làm chủ từ cho một mệnh đề bất luận nó đứng ở đâu trong trình tự; thành thử, nghĩa của mệnh đề không bị bóp méo nếu các chữ không đúng như điều chúng ta coi là thứ tự đúng. Nên, đúng, các dị bản vẫn xẩy ra, nhưng xét chung, có các dị bản không quan trọng giống như vậy. Sự khác nhau trong cách đánh vần cũng là một thí dụ khác”.

Tuy nhiên, con số cao các “dị bản” hay các khác nhau trong các thủ bản vẫn là con số gây bối rối. Tôi đã thấy các ước lượng cao đến mức 2 trăm ngàn dị bản này (5). Tuy nhiên Metzger xem thường tầm quan trọng của các con số này.

Ông nói, “Con số nghe thì lớn lao, nhưng nó hơi sai lạc vì cách đếm các dị bản”. Theo giải thích của ông, nếu một chữ đơn nhất bị đánh vần sai trong 2 ngàn bản, người ta vẫn tính là 2 ngàn dị bản.

Tôi chêm vào vấn đề hết sức quan trọng này. “Bao nhiêu tín lý của Giáo Hội bị nguy kịch bởi các dị bản này?”

Ông tự tin trả lời, “Tôi không biết bất cứ tín lý nào bị nguy kịch cả”.

“Không tín lý nào sao?”

Ông nhắc lại, “Không một tín lý nào. Hiện nay, các Chứng Nhân Giêhôva thường đến cửa nhà chúng ta mà nói, “Kinh thánh của các anh sai trong Bản King James ở 1Goan 5:7-8, trong đó có nói đến ‘Cha, Ngôi Lời, và Thánh Thần: và ba vị này là một’ và họ bảo, ‘điều đó không có trong các bản chép tay xưa nhất’.

“Nhưng điều đó không đủ đúng. Tôi nghĩ những lời ấy chỉ được tìm thấy trong khoảng 7 tới 8 bản, tất cả đều từ thế kỷ 15 hay 16. Tôi thừa nhận rằng đó không phải là phần do tác giả 1Gioan được linh hứng viết ra.

“Nhưng điều đó không đánh bật được chứng từ tận mắt vững chắc của Kinh thánh đối với tín lý Thiên Chúa Ba Ngôi. Lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Cha nói rõ ràng, Con yêu dấu của Người chịu phép rửa, và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người. Cuối thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô nói, ‘Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần”. Còn nhiều chỗ trong đó có nói tới Thiên Chúa Ba Ngôi”.

“Như thế, các dị bản, khi chúng xẩy ra, thường là nhỏ nhoi chứ không đáng kể?”

“Đúng, đúng, đúng như thế, và các học giả làm việc một cách hết sức thận trọng để cố gắng giải quyết chúng bằng các trở về với ý nghĩa nguyên thủy của chúng. Các dị bản quan trọng hơn vẫn không bác bỏ bất cứ tín lý nào của Giáo Hội. Bất cứ bản Kinh Thánh tốt nào cũng có các ghi chú báo cho độc giả biết các dị bản có thể có bất cứ hệ quả nào. Và một lần nữa, chúng rất hiếm”.

Hiếm đến nỗi các học giả Norman Geisler và William Nix kết luận, “Như thế, Tân Ước không những sống sót trong nhiều bản chép tay hơn bất cuốn sách nào của cổ thời, nhưng cũng đã sống sót trong một hình thức tinh ròng hơn bất cứ cuốn sách vĩ đại nào khác, một hình thức tinh ròng đến 99.5 phần trăm” (6).

Tuy nhiên, dù cho việc lưu truyền Tân Ước trong lịch sử có vô tiền khoáng hậu trong tính đáng tin của nó đi chăng nữa, làm thế nào chúng ta biết chắc chúng kể trọn bộ câu truyện?

Về các lời tố cáo cho rằng các Công Đồng của Giáo Hội từng dẹp bỏ các tài liệu cũng hợp pháp như thế vì họ không thích hình ảnh chúng mô tả về Chúa Giêsu thì sao? Làm thế nào chúng ta biết 27 sách Tân Ước trình bầy các thông tin tốt nhất và đáng tin nhất? Tại sao Kinh Thánh của chúng ta chứa các Tin Mừng Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan, nhưng nhiều tin mừng cổ thời khác, Tin Mừng Philíp, Tin Mừng Ai Cập, Tin Mừng Sự Thật, Tin Mừng Sinh hạ Đức Maria, lại bị loại bỏ?

Đã đến lúc phải hướng câu hỏi về “qui điển”, một thuật ngữ phát xuất từ tiếng Hy lạp có nghĩa “quy luật”, “quy tắc” hay “tiêu chuẩn” và mô tả các sách được chấp nhận như chính thức trong Giáo Hội và được bao gồm trong bộ Tân Ước (7). Metzger được coi như thế giá hàng đầu trong lãnh vực này.



“Mức độ nhất trí cao”

Tôi hỏi, “Các nhà lãnh đạo Giáo Hội sơ khai xác định ra sao cuốn sách nào được coi là có thế giá và cuốn sách nào phải bị vứt bỏ? Họ đã dùng các tiêu chuẩn nào để quyết định tài liệu nào được bao gồm trong Tân Ước?”

Ông nói, “trong căn bản, Giáo Hội sơ khai có ba tiêu chuẩn. Thứ nhất, sách phải có thế giá tông truyền, nghĩa là, chúng phải được viết bởi các tông đồ vốn là các chứng nhân tận mắt đối với những gì họ viết hay bởi các môn đệ của các tông đồ. Do đó, trong trường hợp Máccô và Luca, dù họ không thuộc nhóm 12 tông đồ, truyền thống sơ khai cho rằng Máccô là trợ tá của Thánh Phêrô, và Luca là trợ tá của Thánh Phaolô.

“Thứ hai, có tiêu chuẩn phù hợp với điều gọi là qui luật đức tin. Nghĩa là, tài liệu có phù hợp với truyền thống căn bản của Kitô giáo vốn được Giáo Hội nhìn nhận như quy tắc không? Và thứ ba, có tiêu chuẩn liệu tài liệu có được sự chấp nhận và sử dụng liên tục bởi Giáo Hội nói chung không?”

Tôi hỏi, “phải chăng họ chỉ đơn giản áp dụng các tiêu chuẩn này và để biến cố xẩy ra thế nào tùy ý?”

Ông trả lời, “À, sẽ không chính xác mấy khi nói rằng các tiêu chuẩn này chỉ được áp dụng một cách máy móc. Chắc chắn có những ý kiến khác nhau về việc phải coi trọng tiêu chuẩn nào nhất.

“Điều đáng chú ý là tuy phạm vi của qui điển chưa được giải quyết trong một thời gian, vẫn đã có sự nhất trí cao liên quan đến phần lớn Tân Ước trong hai thế kỷ đầu tiên. Và điều này đúng trong chính các cộng đoàn khác nhau rải rác trong một khu vực rộng lớn”.

Tôi nói, “Như thế, bốn Tin Mừng chúng ta hiện có ngày nay thoả mãn các tiêu chuẩn đó, trong khi các Tin Mừng khác thì không?”

Ông nói, “Đúng. Nếu tôi được phép nói, nó đúng là điển hình của câu nói “kẻ mạnh nhất thì sống sót”. Khi đề cập tới qui điển, Arthur David Nock hay nói với các sinh viên của mình tại Havard, ‘những con đường được người ta du hành nhiều nhất ở Âu Châu là những con đường tốt nhất; đó chính là lý do tại sao chúng được du hành nặng nhất’. Đây quả là một loại suy hay. Nhà chú giả người Anh, William Barclay, phát biểu nó cách sau đây, ‘một sự thật đơn giản là nói rằng các sách Tân ước trở thành qui điển vì không ai ngăn cản chúng trở thành như thế’.

“Chúng ta có thể tự tin mà cho rằng không có cuốn sách của cổ thời nào có thể so sánh với Tân Ước về tầm quan trọng đối với lịch sử và tín lý Kitô giáo. Khi người ta nghiên cứu lịch sử sơ khai của qui điển, kết cục, họ xác tín rằng Tân Ước chứa những nguồn tốt nhất về lịch sử Chúa Giêsu. Những người nào biện phân được các giới hạn của qui điển đều có những quan điểm rõ ràng và quân bình về Tin Mừng của Chúa Giêsu.

“Ông chỉ cần tự đọc lấy các tài liệu khác. Chúng được viết sau bốn Tin Mừng, trong thế kỷ thứ hai, thứ ba, thứ bốn, thứ năm, thậm chí cả thứ sáu nữa, sau Chúa Giêsu nhiều, và nói chung, chúng đều buồn nản cả. Chúng cho biết tên, như Tin Mừng Phêrô hay Tin Mừng Đức Maria, chẳng ăn uống gì với tác giả thực sự của chúng. Mặt khác, bốn Tin Mừng trong Tân Ước sẵn sàng được chấp thuận một cách nhất trí đáng kể như là chân chính trong câu truyện chúng thuật lại”.

Tuy nhiên, tôi biết một số học giả cấp tiến, những thành viên nổi tiếng nhất của cuộc Hội Thảo Giêsu được quảng cáo rùm beng, tin rằng Tin Mừng Tôma phải được nâng lên cùng vị thế với bốn Tin Mừng truyền thống. Tin Mừng bí nhiệm này có phải là nạn nhân của các cuộc chiến tranh chính trị bên trong Giáo Hội, nên cuối cùng đã bị loại bỏ vì các tín lý không được lòng dân hay không? Tôi quyết định tốt hơn nên thăm dò Metzger về điểm này.

“Những lời bí mật” của Chúa Giêsu

“Thưa tiến sĩ Metzger, Tin Mừng Tôma, nằm trong số các tài liệu Nag Hammadi tìm được ở Ai Cập năm 1945, cho rằng nó chứa ‘các lời bí mật được Chúa Giêsu lúc sinh thời nói và được Điđymô Giuđa Tôma viết xuống’. Tại sao nó bị Giáo Hội loại bỏ?”

Metzger hoàn toàn quen thuộc với công trình này. Ông nói, “Tin Mừng Tôma ra ánh sáng trong một bản thế kỷ thứ năm ở Ai cập, mà tôi đã dịch sang tiếng Anh. Nó chứa 114 câu nói được gán cho Chúa Giêsu nhưng không có trình thuật nào về việc làm của Ngưòi và dường như được viết bằng tiếng Hy Lạp ở Syria vào khoảng năm 140 CN. Trong một số trường hợp, tôi nghĩ Tin Mừng này tường trình chính xác những gì Chúa Giêsu nói, với một vài sửa đổi không đáng kể”.

Đây chắc chắn là một tuyên bố kích thích óc tò mò. Tôi nói, “xin nói chi tiết”.

“Thí dụ, trong Tin Mừng Tôma, Chúa Giêsu nói ‘một thành phố xây trên đồi cao không thể bị che khuất’. Ở đây, tĩnh từ “cao” được thêm vào, còn những chữ khác thì đọc như Tin Mừng Mátthêu. Hay Chúa Giêsu nói, ‘hãy trả cho Xêda những điều thuộc về Xêda, hãy trả cho Thiên Chúa những điều thuộc về Thiên Chúa, hãy trả cho tôi những gì thuộc về tôi’. Trong trường hợp này, câu cuối cùng được thêm vào.

“Tuy nhiên, có một số điều trong Tin Mừng Tôma hoàn toàn xa lạ với các Tin Mừng hợp qui điển. Chúa Giêsu nói, ‘Hãy chẻ gỗ; ta ở đó. Hãy lật viên đá lên, và các ngươi sẽ thấy ta ở đó’. Đó là phiếm thần, ý nghĩ muốn nói là Chúa Giêsu cùng đường ranh với bản thể thế giới này. Điều đó trái với bất cứ điều gì trong các Tin Mừng hợp qui điển.

“Tin Mừng Tôma kết thúc với một nhận định nói rằng, ‘hãy để Maria đi khỏi chúng ta, vì phụ nữ không đáng sống’. Chúa Giêsu được trích dẫn đã nói rằng, ‘Này, ta sẽ hướng dẫn nàng để biến nàng thành nam giới, ngõ hầu nàng có thể trở thành một tinh thần sống động, giống như các ngươi, các người nam. Vì mọi phụ nữ tự làm cho mình thành nam giới sẽ được vào nước thiên đàng”.

Lông mày Metzger dựng đứng lên như thể rất đỗi ngạc nhiên đối với điều ông vừa thốt ra. Ông nhấn mạnh, “coi, đây đâu phải là Chúa Giêsu được chúng ta biết từ bốn Tin Mừng hợp qui điển!”

Tôi hỏi, “còn về lời tố cáo cho rằng Tin Mừng Tôma cố ý bị loại trừ bởi các công đồng của Giáo Hội trong một thứ âm mưu làm câm họng nó thì sao?”

Metzger trả lời ngay, “điều đó đơn giản không đúng về phương diện lịch sử. Điều các Thượng Hội Đồng và Công Đồng làm trong thế kỷ thứ năm là chuẩn nhận những gì đã được chấp thuận bởi các Kitô hữu cấp thấp cũng như cấp cao. Nói rằng Tin Mừng Tôma bị loại bỏ bởi một lệnh truyền nào đó của một Công Đồng là không đúng; đúng ra phải nói rằng Tin Mừng Tôma tự loại bỏ mình! Nó không hòa hợp với các chứng từ khác về Chúa Giêsu được các Kitô hữu tiên khởi chấp nhận là đáng tin cậy”.

Tôi hỏi, “Như thế ông không đồng ý với bất cứ ai cố gắng nâng Tin Mừng Tôma lên cùng vị thế như vị thế của bốn Tin Mừng?”

Ông trả lời, “Đúng, tôi rất không đồng ý. Tôi nghĩ Giáo Hội tiên khởi làm một hành vi sáng suốt khi bác bỏ nó. Nay, nếu lấy lại nó, đối với tôi, hình như chấp nhận một điều kém giá trị hơn các Tin Mừng khác. Này, ông đừng hiểu lầm tôi. Tôi nghĩ Tin Mừng Tôma là một tài liệu đáng lưu ý nhưng nó pha trộn các tuyên bố phiếm thần và phản phụ nữ nên nó đáng bị bác bỏ, ông hiểu ý tôi muốn nói chứ?

“Ông nên hiểu rằng qui điển không phải là kết quả của một loạt tranh cãi liên quan tới chính trị trong Giáo Hội. Đúng hơn, qui điển là việc tách biệt diễn ra vì cái nhìn thông sáng co tính trực giác của các tín hữu Kitô giáo. Họ có thể nghe tiếng của Mục tử Nhân lành trong Tin Mừng Gioan; họ chỉ nghe thấy nó một cách bị bóp nghẹt và bóp méo trong Tin Mừng Tôma, bị trộn lẫn với nhiều thứ khác.

“Khi một tuyên bố được đưa ra về qui điển, nó chỉ phê chuẩn điều mẫn cảm chung của Giáo Hội trước đó đã xác định rồi. Ông thấy đó, qui điển là một bảng liệt kê các sách có thế giá hơn là một bảng liệt kê có thế giá các cuốn sách. Những cuốn sách này không nhờ được chọn mà có thế giá; mỗi cuốn sách đều đã có thế giá trước khi ai đó thu lượm chúng lại với nhau. Giáo Hội tiên khởi chỉ lắng nghe và cảm nhận những cuốn này là các trình thuật có thế giá.

“Hiện nay, nếu ai đó nói rằng qui điển chỉ xuất hiện sau khi các Công Đồng và Thượng Hội Đồng đưa ra các tuyên bố này là giống như nói, ‘ta hãy nhờ một số các nhà khoa bảng về âm nhạc ra một tuyên bố rằng âm nhạc của Bach và Beethoven tuyệt vời’. Tôi xin nói, ‘Đồ lãng xẹt! Chúng tôi biết điều đó trước khi họ tuyên bố’. Chúng tôi biết thế nhờ sự mẫn cảm đối với điều gì là âm nhạc tốt điều gì là âm nhạc tệ. Đối với qui điển cũng y như thế”.

Dù thế, tôi vẫn nhấn mạnh rằng một số sách Tân Ước, nhất là Thư Giacôbê, Thư Do Thái, và sách Khải Huyền, được chấp thuận cho vào qui điển chậm hơn các sách khác. Tôi hỏi, “cho nên ta có nên hoài nghi gì chúng hay không?”

Ông trả lời, “Đối với tâm trí tôi, điều ấy chỉ cho thấy Giáo Hội tiên khởi thận trọng mà thôi. Họ không quá hăm hở, chung chung đối với tài liệu cuối cùng có điều gì đó nói về Chúa Giêsu. Điều này cho thấy họ phải nghị bàn và phân tích cẩn thận.

“Dĩ nhiên, cả ngày nay nữa, nhiều thành phần trong Giáo Hội Syria vẫn từ chối chấp nhận sách Khải Huyền vậy mà người thuộc Giáo Hội ấy là các tín hữu Kitô giáo. Theo quan điểm của tôi, Sách Khải Huyền là thành phần tuyệt vời của Sách Thánh”.

Ông lắc đầu, nói, “Tôi nghĩ họ tự làm họ ra nghèo nàn khi không chấp nhận nó”.

Tân Ước “không gì sánh bằng”

Metzger quả đầy thuyết phục. Không còn nghi ngờ trầm trọng nào lấn cấn liên quan tới việc liệu bản văn Tân Ước có được duy trì cách đáng tin cậy cho chúng ta qua nhiều thế kỷ hay không. Một trong các vị tiền nhiệm của Metzger ở Chủng viện Thần học Princeton, Benjamin Warfield, người có bốn bằng tiến sĩ và dạy thần học hệ thống cho đến khi qua đời năm 1921, viết thế này về nó:

“Nếu chúng ta so sánh hiện trạng của bản văn Tân Ước với bản văn của bất cứ trước tác cổ thời nào, chúng ta phải... tuyên bố nó chính xác một cách kỳ diệu. Chính với sự thận trọng như vậy mà Tân Ước đã được sao chép, một sự thận trọng chắc chắn phát sinh từ lòng tôn kính thực sự đối với lời thánh... Tân Ước vô sánh trong số các trước tác cổ thời về sự tinh ròng trong bản văn của nó khi lưu truyền và tiếp tục sử dụng” (8).

Về việc tài liệu nào đã được chấp nhận cho vào Tân Ước, nói chung, không bao giờ có sự tranh luận nghiêm trọng nào về bản chất thế giá của 20 trong số 27 sách của Tân Ước, từ Tin Mừng Mátthêu qua thư Philêmôn, cộng thêm thư thứ nhất của Thánh Phêrô và thư thứ nhất của Thánh Gioan. Dĩ nhiên bao gồm 4 Tin Mừng mô tả tiểu sử Chúa Giêsu (9). Theo Geisler và Nix (10), bẩy sách còn lại, dù có lúc bị một số nhà lãnh đạo Giáo Hội sơ khai nghi vấn, nhưng “cuối cùng đã được Giáo Hội nói chung nhìn nhận trọn vẹn”.

Còn về các “ngụy thư” [pseudepigraphia], tức các sách sinh sôi nẩy nở từ các Tin Mừng, thư, mạc khải trong mấy thế kỷ đầu tiên sau Chúa Giêsu, trong đó có các sách Tin Mừng Nicôđêmô, Barnaba, Báctôlômêô, Anrê, Thư Phaolô gửi tín hữu Laođikia, sách Khải huyền của Thánh Stêphanô, và các sách khác, chúng có tính “tưởng tượng và lạc giáo... không chân chính cũng không có giá trị xét chung”, và “hầu như không có giáo phụ, qui điển hay công đồng chính thống nào” coi chúng có thế giá hay đáng được cho vào bộ Tân Ước” (11).

Thật vậy, tôi chấp nhận thách thức của Metzger bằng cách đọc khá nhiều trong số này. So với phẩm chất thận trọng, đúng mức, chính xác, mục kích của Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan, các công trình này thực sự đáng được sự mô tả của Eusebiô, sử gia Giáo Hội sơ khai, về chúng: “hoàn toàn phi lý và vô đạo” (12). Chúng quá cách xa thừa tác vụ của Chúa Giêsu đến nỗi không đóng góp được gì có ý nghĩa cho cuộc điều tra của tôi, vì được viết trễ vào thế kỷ thứ năm và thứ sáu, và các phẩm chất thường huyền thoại của chúng đã khiến chúng không được thừa nhận là đáng tin về phương diện lịch sử.

Với tất cả những điều trên đã được thiết định, đã đến giờ để cuộc điều tra của tôi tiến sang giai đoạn kế tiếp. Tôi tò mò: Có bao nhiêu bằng chứng cho người thợ mộc hay làm phép lạ thế kỷ thứ nhất bên ngoài các sách Tin Mừng? Các sử gia cổ thời có xác nhận hay nói ngược lại các điều Tân Ươc nói về đời sống, các giáo huấn và phép lạ của Người không?

Khi chúng tôi đứng lên, tôi cám ơn Tiến sĩ Metzger vì thời gian và tài chuyên môn của ông. Ông mỉm cười ấm áp và tự ý cùng bước với tôi xuống cầu thang. Tôi không muốn cướp thêm buổi chiều thứ Bẩy của ông nữa, nhưng óc tò mò của tôi không để tôi rời Princeton mà không thoả mãn tôi vấn đề duy nhất còn tồn đọng.

Tôi hỏi, “Tất cả các thập niên làm học giả, nghiên cứu và viết sách giáo khoa, và đào sâu các chi tiết tỉ mỉ của bản văn Tân Ước này, liệu chúng có làm gì cho đức tin bản thân ông không?”

Với giọng hài lòng được thảo luận chủ đề này, ông nói, “Ồ, nó gia tăng cơ sở đức tin bản thân của tôi, giúp tôi thấy sự vững chắc mà với nó các tư liệu này đã được lưu truyền tới chúng ta, với rất nhiều bản chép, mà một số rất, rất cổ xưa”.

Tôi chêm vào, “Như thế, tư cách học giả không làm tiêu tan đức tin của ông”.

Ông vội tiếp lời không để tôi nói hết câu nói của tôi. Ông nhấn mạnh, “Ngược lại, nó xây dựng đức tin ấy. Tôi từng đặt các câu hỏi cả đời tôi, tôi đã đào sâu bản văn, tôi đã nghiên cứu thấu đáo điều này, và ngày nay, tôi biết một cách tự tin rằng niềm tín thác của tôi vào Chúa Giêsu đã được đặt đúng chỗ”.

Ông ngừng lại trong khi đôi mắt ông khảo sát khuôn mặt tôi. Rồi ông nói thêm, để nhấn mạnh, “rất đúng chỗ”.

Các nguồn tài liệu khác về chủ đề này

Bruce, F.F., The Canon of Scripture [Qui điển Sách Thánh]. Downers Grove Ill.: Intervarsity Press, 1988.
Geisler, Norman L., and William E. Nix, A General Introduction to the Bible [Một Dẫn nhập Tổng quát vào Kinh Thánh]. 1968; in lại, Chicago: Moody Press, 1980.
Metzger, Bruce M. The Canon of the New Testament [Qui điển Tân Ước]. Oxforf:Claredon Press. 1987.
Metzger, Bruce M. The Text of the New Testament [Bản văn Tân Ước].New York: Oxford University Press, 1992.
Patzia, Arthur G. The Making of the New Testament [Việc tạo ra Tân Ước]. Downers Grove Ill.: InterVarsity Press, 1995.

Ghi Chú

1. Xem Lee Patrick Strobel, Reckless Homicide: Ford’s Pinto Trial [Giết người táo bạo: Vụ xử Pinto của Hãng Ford] (South Bend, Ind.: And Books, 1980) 75-92 và Lee Strobel, God’s Outrageous Claims [Những tuyên bố thái quá của Thiên Chúa] (Grand Rapids: Zondervan, 1997), 43-58. Cuối cùng, Ford được tha bổng khỏi các tội danh sau khi chánh án thu hồi các tài liệu của bồi thẩm đoàn, dù hãng xe hơi này đạ bị kiện thành công ở tòa dân sự. Các lời tố cáo về Pinto được tường trình trước hết trên tạp chí Mother Jones.
2. F.F. Bruce, The Books and the Parchments [Các sách Giấy da] (Old Tappan, N.J.:Revell, 1963), 178, được trích dẫn trong Josh McDowell, Evidence That Demands a Verdict [Bằng chứng đòi một tuyên án] (1972; in lại, San Bernardino, Calif.: Albatross 1991), 42.
3. Frederic Kenyon, Handbook to the Textual Criticism of the New Testament (Cẩm nang khoa phê bình bản văn Tân Ước] New York, Macmillan, 1912), 5, trích dẫn trong Ross Clifford, The Case for the Empty Tomb [lý lẽ bênhvực ngôi mộ trống] (Clarement, Calif.:Albatross, 1991), 33.
4. Frederic Kenyon, The Bible and the Archaeology [Kinh Thánh và Khoa Khảo cổ học] (New York:Harper, 1940) 288.
5. Norman L. Geisler and William E. Nix, A General Introduction to the Bible [Một Dẫn nhập Tổng quát vào Kinh Thánh](1968,; in lại, Chicago: Moody Press, 1980), 361.
6. Ibid., 367,thêm nhấn mạnh.
7. Patzia, The Making of the New Testament [Việc tạo ra Tân Ước], 158.
8. Benjamin B. Warfield, Introduction to the Textual Criticism of the New Testament [Dẫn nhập vào khoa phê bình bản văn Tân Ước] (London: Hodder & Stoughton, 1907)12-13.
9. Norman L. Geisler and William E. Nix, A General Introduction to the Bible [Một Dẫn nhập Tổng quát vào Kinh Thánh], 195. Họ ghi chú rằng một số liệt kê các thư Philêmôn, 1 Phêrô 1Gioan vào loại các sách bị tranh luận, nhưng “có lẽ nên coi chúng như những sách bị làm ngơ hơn là các sách bị tranh luận”.
10. Ibid., 207.
11. Ibid., 199. Không bao gồm Các Ngụy thư vốn được các Giáo Hội đặc thù chấp nhận trong một thời kỳ đặc thù và ngày nay được coi có giá trị dù không hợp qui điển. Thí dụ Mục tử Hermas, Thư gửi người Côrintô, Thư Ngụy-Barnaba, Didache, Khải huyền Phêrô, Công vụ Phaolô và Thecla, và Bài giảng lễ Xưa Thư thứ hai của Clêmentê.
12. Ibid.