Chương Hai: Thử nghiệm bằng chứng của nhân chứng tận mắt
Liệu các tiểu sử về Chúa Giêsu Kitô có đứng vững cuộc dò xét hay không?
Lời nói của Michael McCullough 60 tuổi yếu ớt đến nỗi bồi thẩm đoàn không nghe được gì ngoài tiếng phần phật phát ra từ máy thở giúp ông tiếp tục sống. Một máy đọc môi phải gắn phía trên giường của Michael để biết rõ ông ta muốn nói gì, và nhắc lại chứng từ của ông cho một phòng tòa án dã chiến.
Bại liệt từ cổ trở xuống bởi một viên đạn xé nát cột sống của ông, Michael quá yếu ớt không thể chuyên chở tới phòng tòa án để dự phiên tòa xử hai người trẻ bị tố cáo tấn công ông. Thay vào đó, quan tòa, bồi thẩm đoàn, các bị cáo, các luật sư, các nhà báo, và người xem đã chen chúc tại một căn phòng ở bệnh viện nơi Michael được chăm sóc, một căn phòng được tuyên bố là chi nhánh tạm thời của Tòa án Lưu động Quận Cook.
Dưới sự tra hỏi của các công tố viên, Michael nhắc lại ông đã rời căn hộ của ông thuộc dự án nhà chính phủ ở Chicago với hai dollars trong túi. Ông nói ông bị hai bị cáo bám sát ở cầu thang có ý định bắn vào mặt ông để ăn cắp tiền của ông. Câu truyện của ông được sự nâng đỡ của hai người trẻ khác đã hãi hùng chứng kiến cuộc tấn công diễn ra.
Các bị cáo chưa bao giờ chối vụ bắn nhưng họ cho rằng khẩu súng vô tình phát hỏa trong khi họ vung nó. Các luật sư của bị cáo biết rằng cách duy nhất họ có thể giúp khách hàng của họ nhận được một bản án nhẹ hơn nếu họ thành công trong việc phá được chứng từ cho rằng vụ bắn là một hành vi bạo lực xấu xa và được suy nghĩ trước.
Họ làm hết mình để tạo mối hoài nghi đối với các giải trình của chứng nhân tận mắt. Họ tra vấn khả năng của nhân chứng tận mắt trong việc nhìn điều xẩy ra, nhưng họ không làm sao đạt được mục đích này. Họ cố gắng lợi dụng các bất nhất trong các câu truyện, nhưng các trình thuật này rất ăn ý với nhau ở những điểm cốt yếu. Họ đòi hỏi thêm các lời chứng khác, nhưng rõ ràng, không cần thêm lời chứng nào khác nữa.
Họ nêu lên vấn đề nhân cách, nhưng nạn nhân và các nhân chứng đều là những người trẻ tuân thủ luật pháp, không có hồ sơ tội phạm nào. Họ hy vọng chứng minh được thành kiến chống các bị cáo nhưng họ không tìm được thành kiến nào. Họ hỏi liệu một nhân chứng, một bé trai 9 tuổi tên Keith, có lớn đủ để hiểu thế nào là nói sự thật dưới lời tuyên thệ, nhưng rõ ràng là em hiểu.
Với các luật sư của các bị cáo không có khả năng đánh đổ khả tín tính của nạn nhân và các nhân chứng của công tố viên, hai bị cáo đã bị kết tội mưu sát và bị lên án 50 năm tù. Mười tám ngày sau, Michael qua đời (1).
Các luật sư của các bị cáo gặp phải một thách đố lớn lao: đặt các câu hỏi, tạo ra các hoài nghi, thăm dò những điểm yếu, dễ bị thương tổn trong câu truyện của các nhân chứng. Họ làm việc này bằng cách thử nghiệm lời chứng nhiều cách khác nhau. Nhưng lời chứng trung thực và chính xác luôn đứng vững trước các hạch hỏi này, trong khi lời chứng giả mạo, quá đáng hay lầm lẫn đều bị vạch trần.
Trong vụ án của Michael, công lý đã thắng thế vì các bồi thẩm viên đã có thể nói rằng các nhân chứng và nạn nhân đã kể lại một cách thành thực và chính xác những gì họ đã kinh qua.
Giờ đây, chúng ta hãy trở lại với cuộc điều tra của chúng ta về bằng chứng lịch sử liên quan tới Chúa Giêsu. Nay là lúc kiểm nghiệm lời chứng của Tiến sĩ Blomberg, xem xem liệu nó có điểm yếu nào không hay chỉ cho thấy những điểm mạnh của nó. Phần lớn đây đều cùng là những kiểm nghiệm đã diễn ra trong vụ án Michael nhiều năm trước đây.
Tôi nói với Blomberg khi chúng tôi ngồi xuống sau khoảng giải lao 15 phút, “có tất cả 8 thử nghiệm tôi muốn đặt ra với ông”.
Blomberg với lấy ly cà phê mới đang bốc khói và ngả lưng vào ghế. Tôi không biết chắc, nhưng xem ra ông ta sẵn sàng chấp nhận thách thức.
Ông nói, “Ông nói đi!”
1.Thử nghiệm về ý hướng
Thử nghiệm này tìm cách xác định liệu ý định tuyên bố hay hiểu ngầm của các người viết có phải là duy trì chính xác lịch sử hay không. Tôi hỏi, “Các người viết ở các thế kỷ đầu tiên này có thực sự lưu tâm đến việc ghi lại những điều thực sự xẩy ra không?”
Blomberg gật đầu, nói, “Có, họ thực sự lưu tâm. Ông có thể thấy điều đó ở ngay đầu Tin Mừng Luca, đọc rất giống như các lời nói đầu dẫn vào các công trình thời xưa về lịch sử và tiểu sử đáng tin nói chung”.
Cầm cuốn Kinh Thánh lên, Blomberg đọc đoạn mở đầu Tin Mừng Luca:
“Nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta. Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc” (2).
Blomberg nói tiếp, “Như ông thấy, Luca rõ ràng cho hay ngài có ý định viết chính xác về những điều ngài điều tra và thấy được hỗ trợ rất tốt bởi các nhân chứng”.
Tôi hỏi, “Còn các Tin Mừng khác thì sao? Chúng đâu có bắt đầu bằng một tuyên bố giống như thế; há việc này không có nghĩa là các người viết chúng không có cùng những ý định đó sao?”
Blomberg trả lời, “Đúng là Mátthêu và Máccô không có loại tuyên bố minh nhiên như thế. Tuy nhiên, họ cũng gần với Luca về thể văn, và dường như hữu lý là ý hướng lịch sử của Luca cũng đã được họ phản ảnh một cách mật thiết”.
“Còn Gioan?”, tôi hỏi.
“Tuyên bố duy nhất khác về mục đích trong các sách Tin Mừng xuất hiện trong Gioan 20:31: ‘Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người’”.
Tôi phản bác, “điều ấy nghe như một tuyên bố thần học hơn là một tuyên bố lịch sử”.
Blomberg trả lời, “tôi chấp nhận lời ông, nhưng nếu ông xác tín đủ để tin, thần học phải dựa vào lịch sử chính xác. Vả lại, có một mẩu bằng chứng mặc nhiên quan trọng mà ta không thể làm ngơ. Ông hãy xem xét cách các sách Tin Mừng đã được viết ra, một cách đúng mức và có trách nhiệm, với những chi tiết tuy phụ nhưng chính xác, một cách đầy quan tâm và đúng đắn. Ông không tìm được những hoa lá cành kỳ dị và những câu truyện rành rành huyền thoại mà ông thường gặp trong phần lớn các trước tác cổ thời khác’.
Ông hỏi, “Tất cả những điều đó công lại thành điều gì?” rồi ông tự trả lời, “Hình như khá rõ ràng là mục đích của các tác giả Tin Mừng là cố gắng ghi lại điều thực sự đã xẩy ra”.
Trả lời các luận bác
Tuy nhiên, đó có phải là điều thực sự đã xẩy ra? Có những khung cảnh cạnh tranh nhau và mâu thuẫn nhau được một số nhà phê bình cổ vũ.
Họ nói rằng các Kitô hữu tiên khởi xác tín rằng trong đời họ, Chúa Giêsu sắp sửa trở lại để hoàn tất lịch sử, nên họ nghĩ không cần phải duy trì bất chấp ghi chép lịch sử nào về đời sống và giáo huấn của Người. Dù sao, tại sao phải lo lắng khi Người sắp trở lại và kết liễu thế giới bất cứ lúc nào?”
Tôi nói, “như thế, nhiều năm sau, khi rõ ràng là Chúa Giêsu không trở lại ngay lúc ấy, họ thấy họ không có bất cứ tư liệu lịch sử chính xác nào để dựa vào mà viết các sách Tin Mừng. Nên đâu có gì duy trì được cho các mục tiêu lịch sử. Há đó không phải là điều đã xẩy ra thực sự hay sao?”
Blomberg trả lời, “Chắc chắn, suốt trong lịch sử, luận điểm đó có giá trị đối với nhiều giáo phái và nhóm, kể cả các nhóm tôn giáo, nhưng nó vô giá trị đối với các Kitô hữu tiên khởi”.
Tôi trả lời, “Tại sao không? Điều gì lại khác như thế về Kitô giáo?”
Ông cho biết, “Thứ nhất, tôi nghĩ tiền đề đó có hơi phóng đại. Sự thật là đa số giáo huấn của Chúa Giêsu giả thiết một khoảng thời gian đáng kể trước khi kết thúc thế giới. Nhưng thứ hai, cho dù một số môn đệ của Chúa Giêsu có nghĩ là Người sẽ mau trở lại đi chăng nữa, ông nên nhớ là Kitô giáo phát sinh từ Do Thái giáo.
“Suốt trong 8 thế kỷ, người Do Thái đã sống với mối căng thẳng giữa các tuyên bố lặp đi lặp lại của các tiên tri nói rằng Ngày của Chúa đã gần kề và lịch sử liên tiếp của Israel. Ấy thế nhưng, đệ tử của các vị tiên tri này vẫn ghi lại, trân quí và duy trì lời lẽ của các tiên tri. Vì các môn đệ Chúa Giêsu coi Người cao trọng hơn các tiên tri, thì điều xem ra hợp lý là họ cùng làm y một điều giống như thế”.
Dù điều ấy có vẻ có lý, một số học giả cũng đã nêu lên luận bác thứ hai mà tôi muốn đặt ra với Blomberg. Tôi nói, “Họ nói các Kitô hữu tiên khởi thường xuyên tin rằng Chúa Giêsu đã từ giã họ về phương diện thể lý nhưng, qua họ, vẫn nói nhiều thông điệp, hay “lời tiên tri” cho Giáo Hội của họ. Vì những lời tiên tri này được coi có thế giá như chính lời lẽ của Chúa Giêsu lúc Người còn ở thế gian, các Kitô hữu đã không phân biệt giữa những lời nói mới này và những lời nguyên thủy của Chúa Giêsu lịch sử. Thành thử, các sách Tin Mừng trộn lẫn hai loại tư liệu này nên chúng ta thực sự không biết lời nào do Chúa Giêsu lịch sử nói và lời nào không do Chúa Giêsu lịch sử này nói. Đối với nhiều người, điều này quá bối rối. Ông trả lời ra sao?”
Ông mỉm cười nói, “Lập luận này ít có hỗ trợ lịch sự bằng lập luận trước. Thật vậy, ngay trong Tân Ước cũng đã có bằng chứng bác bỏ lập luận này rồi.
“Có những dịp khi lời tiên tri của Kitô hữu tiên khởi được nhắc đến, nhưng nó luôn được phân biệt với điều Chúa phán. Thí dụ, trong 1Cr 7, Thánh Phaolô phân biệt rõ ràng khi ngài có một lời từ Chúa và khi ngài trích dẫn Chúa Giêsu lịch sử. Trong sách Khải Huyền, người ta có thể phân biệt rõ ràng khá nhiều lần trong đó Chúa Giêsu trực tiếp nói với vị tiên tri này, mà truyền thống vẫn coi là chính Thánh Gioan, và khi Thánh Gioan thuật lại các thị kiến linh hứng của riêng ngài.
Và trong 1Cr 14, khi Thánh Phaolô thảo luận các tiêu chuẩn cho một lời tiên tri chân thật, ngài nói về trách nhiệm của Giáo Hội địa phương phải kiểm nghiệm các tiên tri. Dựa vào hậu cảnh Do Thái của ngài, chúng ta biết rằng các tiêu chuẩn để một lời tiên tri được chân thật là liệu lời tiên báo có trở thành sự thật hay không và liệu những tuyên bố mới này có ăn ý với những lời lẽ đã được mạc khải trước đây của Chúa hay không?
“Nhưng lập luận mạnh mẽ nhất là điều ta không bao giờ tìm thấy trong các sách Tin Mừng. Sau khi Chúa Giêsu lên trời, có một số tranh cãi đe dọa Giáo Hội sơ khai: các tín hữu có nên cắt bì hay không, phải qui định việc nói các tiếng lạ ra sao, làm thế nào giữ sự hợp nhất giữa người Do Thái và dân ngoại, đâu là vai trò thích đáng dành cho các phụ nữ trong thừa tác vụ, liệu tín hữu có thể ly dị người phối ngẫu không phải là Kitô hữu hay không.
“Những vấn đề trên đáng lẽ có thể đã được giải quyết nếu các Kitô hữu tiên khởi chỉ cần ghép vào các sách Tin Mừng những điều Chúa Giêsu nói với họ từ thế giới bên kia. Nhưng việc này không bao giờ diễn ra. Việc tiếp diễn các tranh cãi này chứng minh rằng các Kitô hữu lưu tâm tới việc phân biệt giữa những gì đã xẩy ra lúc sinh thời của Chúa Giêsu và những gì được tranh luận sau này trong các Giáo Hội”.
2. Thử nghiệm về khả năng
Cho là các người viết có ý định ghi chép lịch sử một cách đáng tin, nhưng liệu họ có khả năng làm như thế hay không? Làm thế nào chúng ta biết chắc rằng tư liệu về cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giêsu được duy trì nguyên vẹn trong 30 năm trước khi nó được viết xuống trong các sách Tin Mừng?
Tôi hỏi Blomberg, “Ông có thừa nhận rằng các ký ức nhầm lẫn, sự mơ tưởng, và việc phát triển dã sử đã xâm nhiễm vô phương cứu chữa truyền thống về Chúa Giêsu trước việc viết ra các sách Tin Mừng không?”
Ông bắt đầu câu trả lời của ông bằng cách trình bầy bối cảnh, ông trả lời, “Chúng ta phải nhớ rằng chúng ta đang ở trong một lãnh thổ xa lạ thuộc một thời gian và không gian xa xôi và trong một nền văn hóa chưa phát minh ra máy vi tính hay ngay cả máy in. “Sách vở, hay đúng hơn, sách cuộn bằng giấy sậy, tương đối rất hiếm. Do đó, việc giáo dục, học tập, thờ phượng, giảng dạy trong các cộng đồng tôn giáo, tất cả đều được thực hiện bằng lời truyền miệng.
“Các giáo sĩ Do Thái trở nên nổi tiếng nhờ học thuộc lòng toàn bộ Cựu Ước. Do đó, các môn đệ của Chúa Giêsu cũng có đủ khả năng học thuộc lòng nhiều điều hơn là những gì có trong bốn sách Tin Mừng cộng lại với nhau, và truyền chúng lại một cách chính xác”.
Tôi phá ngang, “khoan đã. Thành thực mà nói, kiểu thuộc lòng đó rất khó tin. Làm sao có thể như thế cho được?”
Ông thừa nhận, “Vâng, khó cho chúng ta ngày nay có thể tưởng tượng được, nhưng đây là một nền văn hóa truyền miệng, trong đó, người ta nhấn mạnh rất nhiều tới việc học thuộc lòng. Và ông nên nhớ rằng từ 80 tới 90 phần trăm lời lẽ của Chúa Giêsu nguyên thủy dưới hình thức thi ca. Điều này không có nghĩa là có vần có điệu, nhưng có âm tiết, các dòng cân đối, song hành v.v... những điều giúp cho việc học thuộc lòng rất nhiều.
“Một điều khác cần nói là hồi ấy định nghĩa của việc học thuộc lòng có tính uyển chuyển hơn. Trong các nghiên cứu về các nền văn hóa có truyền thống truyền khẩu, người ta thấy có sự tự do thay đổi việc một câu truyện nên được kể đến mức nào trong một hoàn cảnh nhất định nào đó, phải bao gồm những gì và bỏ qua những điều gì, đâu là chỗ phải diễn giải, đâu là chỗ phải giải thích v.v...
“Một nghiên cứu cho biết ở Trung Đông cổ thời, khoảng từ 10 tới 40 phần trăm của bất cứ việc kể lại truyền thống thánh thiêng nào cũng thay đổi từ hoàn cảnh này sang hoàn cảnh khác. Tuy nhiên, luôn luôn có những điểm cố định không thể thay đổi được và cộng đoàn có thể can thiệp và sửa lỗi người kể truyện nếu người này lầm lẫn về một khía cạnh quan trọng của câu truyện.
“Có một sự”, ông dừng lại, lục lọi trong đầu tìm chữ thích đáng, “trùng hợp đáng lưu ý là 10 tới 40 phần trăm cũng là tỷ lệ sai chạy khá nhất quán giữa các Tin Mừng nhất lãm trong một đoạn nhất định”.
Blomberg muốn cho biết điều gì đó; tôi muốn ông nói rõ hơn, tôi nói, “Xin ông nói rõ cho tôi hay. Thực ra ông muốn nói gì?”
“Tôi muốn nói rằng có lẽ người ta có thể giải thích khá nhiều các tương tự và khác nhau giữa các Tin Mừng nhất lãm bằng cách giả thiết rằng các môn đệ và các Kitô hữu tiên khởi học thuộc lòng khá nhiều những điều Chúa Giêsu nói và làm nhưng họ cảm thấy được tự do thuật lại các thông tin này dưới các hình thức khác nhau, luôn luôn vẫn duy trì ý nghĩa của những lời nói và việc làm nguyên thủy của Chúa Giêsu”.
Tôi vẫn còn một số câu hỏi về khả năng của các Kitô hữu tiên khởi này trong việc duy trì một cách chính xác truyền thống truyền khẩu này. Tôi có quá nhiều ký ức về các trò chơi hồi còn là con nít trong đó, lời lẽ vô tình bị bóp méo chỉ trong vài phút.
Chơi gọi điện thoại
Có lẽ các bạn đã có lần chơi trò gọi điện thoại: một trẻ em nói nhỏ một điều gì đó vào tai một trẻ em khác, chẳng hạn: “bạn là người bạn tốt nhất của tôi”, và em này nói nhỏ câu vừa nghe cho một em khác trong một vòng tròn lớn cho đến khi cuối cùng, câu ấy bị bóp méo một cách đáng sợ, có lẽ như “mày là thứ ác ôn ” (tiếng Anh: Friend là bạn, fiend là đồ ác ôn).
Tôi nói với Blomberg, “Ta hãy ngay thẳng một chút. Há đây không phải là một so sánh tốt hay sao đối với điều xẩy ra cho truyền thống truyền khẩu về Chúa Giêsu?”
Blomberg không thừa nhận lối giải thích trên, ông nói, “Không, thực sự không. Đây là lý do tại sao: khi ông thận trọng học thuộc lòng điều gì, và thận trọng không truyền lại cho người khác trừ khi ông chắc chắn mình đã nắm được nó một cách chính xác, thì ông làm một chuyện rất khác với trò chơi gọi điện thoại.
“Trong việc gọi điện thoại, nửa trò vui là người nghe có thể nghe không đúng hay thậm chí nghe đúng lần đầu nhưng họ không thể yêu cầu người kia lặp lại. Ông phải truyền đi ngay, bằng giọng nói nhỏ khiến cho người kế tiếp càng có thể bỏ lỡ một điều gì đó. Nên, đúng, đến lúc nó đi hết vòng 30 người trong phòng, kết cục sẽ rất khôi hài”.
Tôi hỏi “Vậy thì tại sao, há đó không phải là một so sánh tốt cho việc truyền khẩu một truyền thống cổ xưa hay sao?”
Blomberg nhâm nhi ly càphê trước khi trả lời, “nếu ông thực sự muốn khai triển việc so sánh đó dưới góc độ kiểm soát và cân bằng của cộng đồng thế kỷ thứ nhất, có lẽ ông phải nói rằng mỗi người thứ ba, bằng giọng nói to và rõ ràng, phải hỏi người thứ nhất, ‘tôi vẫn còn nghe đúng chứ?’ và thay đổi tùy câu trả lời của người ấy.
Ông nói, “Cộng đồng không ngừng theo dõi điều được nói ra và can thiệp để sửa sai trong diễn trình này. Điều này duy trì được tính toàn vẹn của thông điệp. Và kết quả rất khác với trò chơi gọi điện thoại của trẻ con đó”.
3. Thử nghiệm về tính tình
Thử nghiệm này xét xem các người viết này có nói thật không. Có bằng chứng nào là họ không trung thực hay vô luân khiến họ không có khả năng hay sự sẵn lòng truyền tải lịch sử một cách chính xác chăng?
Blomberg lắc đầu, nói, “Chúng ta đơn giản không có bất cứ bằng chứng hợp lý nào để cho rằng họ không phải là những người hết sức chính trực.
“Chúng ta thấy họ tường trình các lời lẽ và hành động của một con người từng kêu gọi họ đạt tới một trình độ chính trực cao độ như chưa có tôn giáo nào đòi hỏi như vậy. Họ sẵn lòng thực hành niềm tin của họ thậm chí đến nỗi 10 trong số 11 môn đệ còn lại đã chịu những cái chết rùng rợn, một điều chứng tỏ một tính tình vĩ đại.
“Về lòng trung thực, về tính nói thật, về nhân đức và luân lý, những con người này có một hồ sơ khiến ai cũng phải thèm thuồng”.
4. Thử nghiệm về tính nhất quán
Đây là một thử nghiệm mà những người hoài nghi thường nêu lên chống lại các sách Tin Mừng nhưng thất bại. Dù sao, há các sách này đã không mâu thuẫn một cách hết chống đỡ với nhau đó sao? Ở đấy, há đã không có những khác biệt khó lòng hoà giải giữa các trình thuật tin mừng khác nhau đó sao? Và nếu quả có như thế, thì làm thế nào người ta có thể tin tưởng bất cứ điều gì chúng phát biểu?
Blomberg thừa nhận có nhiều điểm trong đó các sách Tin Mừng dường như bất đồng với nhau. Ông nói, “những điều này đi từ những dị biệt nhỏ nhoi trong cách dùng từ ngữ đến những mâu thuẫn biểu kiến nổi tiếng nhất.
“Xác tín của riêng tôi là, một khi ông chấp nhận các yếu tố tôi đề cập trên đây: yếu tố diễn giải, yếu tố rút ngắn, giải thích thêm, chọn lọc, bỏ qua, thì các sách Tin Mừng cực kỳ nhất quán với nhau theo tiêu chuẩn cổ thời, là các tiêu chuẩn độc nhất mà ta phải sử dụng để phán đoán chúng một cách hợp tình hợp lý”.
Tôi góp ý, “Một cách nghịch lý, nếu các sách Tin Mừng hoàn toàn đồng nhất với nhau, từng lời, thì điều này có thể khiến người ta nghĩ rằng các tác giả đã đồng lõa với nhau để phối trí trước các câu truyện của họ, và điều này sẽ tạo ra sự hoài nghi đối với chúng”.
Blomberg đồng ý, “Đúng thế, nếu các sách Tin Mừng quá nhất quán với nhau, thì điều này tự nó đã làm vô hiệu tư cách nhân chứng độc lập của chúng. Lúc đó, người ta sẽ cho rằng chúng ta chỉ có một chứng từ duy nhất, một chứng từ được mọi người khác nhắc lại như một con vẹt”.
Đầu óc tôi loé lên lời lẽ của Simon Greenleaf thuộc Trường Luật Havard, một trong những nhân vật luật học quan trọng nhất của lịch sử và là tác giả của khảo luận gây ảnh hưởng về bằng chứng. Sau khi nghiên cứu sự nhất quán giữa bốn tác giả Tin Mừng, ông trình bầy việc lượng định sau đây, “có đủ sự dị biệt để chứng tỏ rằng không hề có sự bàn tính từ trước giữa họ với nhau; và cùng một lúc, có đủ sự nhất trí đáng kể để chứng tỏ rằng họ đều là những nhà thuật truyện độc lập về cùng một công trình vĩ đại” (3).
Theo quan điểm của một sử gia cổ điển, học giả người Đức Hans Stier cũng đồng ý rằng việc nhất trí đối với các dữ kiện căn bản và việc dị biệt về chi tiết chứng tỏ tính đáng tin cậy, vì các trình thuật tiền chế có xu hướng hoàn toàn nhất quán và hoà hợp. Ông viết, “mọi sử gia đều là những người đặc biệt hoài nghi vào lúc người ta chỉ tường thuật những chuyện phi thường bằng những trình thuật hoàn toàn không có mâu thuẫn” (4).
Dù đúng như thế, nhưng tôi không muốn bỏ qua các khó khăn được nêu lên do các dị biệt tỏ tường giữa các sách Tin Mừng. Tôi quyết định thăm dò thêm vấn đề bằng cách ép Blomberg một số mâu thuẫn bề ngoài rất sắc nét được các người hoài nghi hay nắm lấy như các điển hình không đáng tin của các sách Tin Mừng.
Đương đầu với các mâu thuẫn
Tôi bắt đầu với câu truyện chữa bệnh nổi tiếng. Tôi nhấn mạnh, “Mátthêu viết rằng một viên bách quản đến xin Chúa Giêsu chữa bệnh cho người đầy tớ của mình. Tuy nhiên, Luca viết rằng viên bách quản này sai các trưởng lão đi làm việc đó. Vậy thì đây là một mâu thuẫn hiển nhiên, đúng không?”
Blomberg trả lời, “Không, tôi không nghĩ thế. Ông hãy nghĩ cách này: trong thế giới của chúng ta ngày nay, chúng ta có lẽ nghe bản tin nói rằng, ‘hôm nay tổng thống tuyên bố rằng...’ khi thực sự bài diễn văn ấy được một người viết diễn văn viết ra và do thư ký của ông đọc lên, và may lắm thì dược tổng thống liếc qua. Nhưng đâu có ai tố cáo việc loan truyền ấy là sai lạc.
“Tương tự như thế, trong thế giới cổ thời, người ta hoàn toàn hiểu và chấp nhận việc các hành động được qui cho một người dù trên thực tế chúng được các thuộc hạ hoặc sứ giả của người này thực hiện, trong trường hợp này là các trưởng lão người Do Thái”.
“Vậy là ông cho rằng Mátthêu và Luca cùng đúng như nhau cùng một lúc?”
Ông trả lời, “Đó chính là điều tôi muốn nói”.
Điều ấy xem ra có lý, nên tôi nêu một điển hình thứ hai. “Phải nói gì về việc Máccô và Luca nói rằng Chúa Giêsu truyền cho ma quỉ nhập vào đàn heo ở Gerasa, trong khi Mátthêu nói việc ấy xẩy ra tại Gadara. Người ta căn cứ vào đó và cho đó là một mâu thuẫn hiển nhiên không thể nào hòa giải, hai nơi hoàn toàn khá cnhau. Chấm hết”.
Blomberg chấc lưỡi, “trời đất, đừng vội chấm hết chứ, đây có thể là một giải đáp: một là thị trấn còn kia là một tỉnh”.
Điều ấy xem ra hơi quá liến thoắng đối với tôi. Dường như ông quá lướt qua các khó khăn thực sự do vấn đề này tạo ra.
Tôi nói, “Thực ra vấn đề phức tạp hơn thế. Gerasa, thị trấn, không hề ở chỗ nào gần biển Galilê cả thế mà lại là nơi ma quỉ, sau khi nhập vào đàn heo, đã lao đàn vật xuống vách đá chết hết”.
Ông nói, “À, một điểm hay. Nhưng có một phế tích của một thị trấn được khai quật gần đây ngay tại địa điểm ở bờ phía đông của biển Galilê. Tiếng Anh tên của thị trấn này thường được đọc là “Khersa”, nhưng khi chữ Do Thái này được dịch hay chuyển tự sang tiếng Hy lạp, nó đọc nghe như ‘Gerasa’. Nên rất có thể nó diễn ra tại Khersa, mà trong tiếng Hy Lạp, đọc là Gerasa, trong tỉnh Gadara”.
Tôi mỉm cười chấp nhập, “Rất hay. Tôi xin đầu hàng về điểm này. Nhưng đây là một vấn đề không dễ dàng chút nào: phải nói gì về các dị biệt giữa các gia phả của Chúa Giêsu trong Mátthêu và Luca? Các người hoài nghi thường cho rằng chúng chõi nhau hết đường cứu chữa”.
Ông nói, “đây là một trường hợp nữa có nhiều giải đáp”.
“Như?”
“Hai giải đáp thường có nhất là Mátthêu phản ảnh dòng dõi của Thánh Giuse, vì phần lớn chương mở đầu của ngài được viết theo tầm nhìn của Thánh Giuse và Thánh Giuse, trong tư cách cha nuôi, phải là tổ tiên hợp pháp qua đó, dòng dõi vương giả của Chúa Giêsu được xem xét. Đó là các chủ điểm quan trọng đối với Mátthêu.
“Còn Luca, có lẽ ngài đã viết gia phả theo dòng dõi của Đức Maria. Và vì cả hai đều có tổ tiên nơi Đavít, thì một khi ông tiến xa đến đó, các dòng dõi đã gặp nhau.
“Giải đáp thứ hai là cả hai gia phả phản ảnh dòng dõi của Thánh Giuse để tạo nên các tính hợp pháp cần thiết. Nhưng một, tức Tin Mừng Luca, là dòng dõi nhân bản, còn bản kia là dòng dõi hợp pháp của Thánh Giuse, với hai gia phả ra khác ở những chỗ một ai đó trong dòng dõi không có con cái. Họ phải lập người thừa kế hợp pháp qua nhiều tập tục khác nhau của Cựu Ước.
“Vấn đề trở nên lớn hơn vì một số tên bị bỏ qua, một điều hoàn toàn chấp nhận được theo tiêu chuẩn của thế giới cổ thời. Và có những dị biệt về văn bản, các tên, khi được phiên dịch từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ nọ, thường nhận được lối đánh vần khác và rồi còn dễ bị lẫn lộn với tên của một cá nhân khác”.
Blomberg đã trình bầy được trọng điểm của ông: ít nhất thì đó cũng là các giải thích hợp lý. Dù không hẳn khít khao cho lắm, nhưng ít nhất chúng cũng cung cấp được một sự hòa hợp hợp lý cho các trình thuật Tin Mừng.
Không muốn cuộc đàm đạo của chúng tôi sa vào trò gây bối rối cho học giả, tôi quyết định chuyển đề tài. Trong khi ấy, tôi và Blomberg đồng ý với nhau rằng phương thức tổng thể hay nhất là nghiên cứu mỗi vấn đề một cách cá thể để xem xem liệu có cách hợp lý nào để giải quyết mâu thuẫn biểu kiến giữa các sách Tin Mừng hay không. Chắc chắn không thiếu những cuốn sách có thế giá từng khảo sát thấu đáo, đôi khi hết sức chi tiết, cách hòa giải các dị biệt này (5).
Blomberg nói, “Và có những dịp khi ta cần phải trì hoãn phán đoán và đơn giản nói rằng tuy chúng ta đã giải thích được đại đa số các bản văn và xác định chúng đáng tin cậy, chúng ta vẫn có thể dành cho chúng điều gọi là “benefit of doubt” [tin được dù có hoài nghi] khi chúng ta không chắc chắn về một số chi tiết khác.
5. Thử nghiệm về thành kiến
Thử nghiệm này phân tích xem các người viết các sách Tin Mừng có bất cứ thành kiến nào nhằm tô mầu cho công trình của họ hay không. Họ có bất cứ lợi ích riêng tư nào không trong việc bóp méo tư liệu họ tường trình?
Tôi nêu vấn đề, “Chúng ta không thể đánh giá thấp sự kiện những vị này yêu mến Chúa Giêsu. Họ đâu có phải là những nhà quan sát trung lập; họ là các môn đệ tận tụy của Người. Há điều này không làm họ có khả năng thay đổi sự việc giúp làm Người được coi là người tốt hay sao?”
Blomberg trả lời, “vâng, tôi thừa nhận phần lớn, nó tạo tiềm năng cho điều đó xẩy ra. Nhưng mặt khác, người ta có thể tôn vinh và kính trọng một ai đó đến nỗi nó làm họ ghi lại đời vị này một cách hết sức toàn vẹn. Đó là cách họ tỏ tình yêu đối với vị này. Và tôi tin điều đó đã diễn ra ở đây.
“Vả lại, các môn đệ này chẳng có lợi lộc gì trong việc này ngoại trừ bị phê phán, khai trừ và tử vì đạo. Chắc chắn họ chẳng thu được lợi ích tài chánh nào. Có thể nói, việc này còn gây áp lực buộc họ phải im lặng, chối bỏ Chúa Giêsu, hạ giá Người, thậm chí quên họ đã từng gặp gỡ Người, thế nhưng, vì sự liêm chính của họ, họ đã công bố điều họ thấy, dù việc này có nghĩa là đau khổ và chết chóc”.
6. Thử nghiệm về che đậy
Khi người ta làm chứng về các biến cố họ mục kích, họ thường cố gắng lo bảo vệ chính mình hay bảo vệ người khác bằng cách cố tình quên không nhắc tới các chi tiết gây bối rối hay khó giải thích. Thành thử, điều này khiến ta không chắc chắn về tính chân thật trong chứng từ của họ.
Do đó, tôi hỏi Blomberg, “Các người viết các sách Tin Mừng có bao gồm bất cứ tư liệu nào gây bối rối hay họ che đậy nó để làm mình được coi là tốt? Họ có tường trình bất cứ điều gì có thể không thoải mái hay khó cho họ giải thích không?”
Ông nói, “Thực sự có rất nhiều điều theo hướng đó. Có cả một bộ giáo huấn của Chúa Giêsu được gọi là các lời nói khó hiểu của Chúa Giêsu. Một số lời này có tính rất đòi hỏi về phương diện đạo đức. Nếu tôi sáng chế ra một tôn giáo phù hợp với óc tưởng tượng của tôi thì tôi đâu có nói mình phải hoàn thiện như Cha trên trời của tôi hoàn thiện, hay định nghĩa ngoại tình để bao gồm thèm muốn nhục dục trong tâm hồn tôi”.
Tôi phản đối, “Nhưng có những tuyên bố cũng đòi hỏi như thế trong các tôn giáo khác”.
“Đúng, điều đó đúng, đó là lý do tại sao loại lời nói nghiêm khắc có tính thuyết phục hơn là những lời nói có thể gây bối rối đối với điều Giáo Hội muốn dạy về Chúa Giêsu”.
Câu trả lời trên có vẻ mơ hồ. Tôi nói, “xin cho tôi một vài thí dụ”.
Blomberg nghĩ một lúc rồi nói, “Thí dụ Máccô 6:5 nói rằng Chúa Giêsu có thể làm ít phép lạ hơn ở Nadarét vì dân ở đó ít có đức tin, một điều xem ra giới hạn quyền năng của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói ở Máccô 13:32 rằng Người không biết ngày hay giờ Người trở lại, một điều xem ra giới hạn khả năng biết mọi điều của Người.
“Nay, cuối cùng, thần học thấy không có vấn đề gì với những điều trên, vì chính Thánh Phaolô, trong thư Philíphê 2:5-8, nói về Thiên Chúa nơi Chúa Kitô đã tự ý và một cách có ý thức hạn chế việc thi hành độc lập các thuộc tính thần linh của Người.
“Nhưng nếu tôi cảm thấy được tự do xử sự vô trách nhiệm với lịch sử Tin Mừng, thì điều thuận tiện hơn nhiều sẽ là bỏ qua mọi tư liệu trên và nhờ thế khỏi phải bận tâm lo giải thích chúng.
“Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa là một thí dụ khác nữa. Ông có thể giải thích tại sao Chúa Giêsu, Đấng vốn không có tội, lại để mình chịu phép rửa, nhưng tại sao không làm sự việc dễ dàng hơn bằng cách bỏ qua việc này? Trên thập giá, Chúa Giêsu hô lớn, ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ rơi con?’ Bỏ qua việc này có lợi cho chính người viết vì nó nêu lên quá nhiều câu hỏi”.
Tôi nói thêm, “Chắc chắn, có rất nhiều tư liệu gây bối rối về các môn đệ”.
Blomberg trả lời, “Tuyệt đối như thế. Quan điểm của Máccô về Phêrô nhất quán không có gì tâng bốc, dù Phêrô là lãnh tụ của cả nhóm! Các môn đệ liên tục hiểu lầm Chúa Giêsu. Giacôbê và Gioan muốn ngồi bên hữu và bên tả Chúa Giêsu, và Người phải dạy họ nhiều bài học khó nhá về việc lãnh đạo bằng cách làm đầy tớ. Nhiều lần, họ giống lũ người chỉ biết phục vụ chính mình, tìm kiếm chính mình, đần độn.
“Nay, ta biết rằng các người viết Tin Mừng rất có óc chọn lựa. Tin Mừng Gioan kết thúc bằng việc nói một cách ngoa dụ rằng cả thế giới cũng không chứa hết thông tin có thể đã viết về Chúa Giêsu. Nên nếu họ có bỏ qua một ít, thì tự nó cũng không nhất thiết bị coi như chuyện làm sai lạc câu truyện.
“Nhưng đây mới là trọng điểm: nếu họ không cảm thấy tự do bỏ qua một số điều khi việc này thuận lợi và hữu ích cho chính họ, thì có hợp lý hay không khi tin rằng họ thẳng thừng thêm thắt và chế tác tư liệu không hề có cơ sở lịch sử?”
Blomberg để vấn đề lơ lửng một hồi trước khi kết luận một cách đầy tự tin, “tôi xin nói là không”.
7. Thử nghiệm về chứng thực
Tôi khởi đầu thử nghiệm kế tiếp vằng cách hỏi Blomberg, “khi các sách Tin Mừng nhắc đến những con người, những nơi chốn và biến cố, họ có kiểm chứng xem có đúng hay không để chúng được kiểm nghiệm một cách độc lập?” Thường thường sự kiểm nghiệm này rất có giá trị để lượng định xem người viết có cam kết giữ sự chính xác hay không.
Blomberg trả lời, “Có, họ có, và người ta thăm dò điều này càng lâu, các chi tiết càng được chứng thực. Trong khoảng mấy trăn năm gần đây, kho khảo cổ học đã liên tiếp khai quật nhiều khám phá xác nhận nhiều tham chiếu chuyên biệt trong các Tin Mừng, đặc biệt là Tin Mừng Gioan, một cách khá nghịch lý, vì đây là Tin Mừng bị ngờ vực hơn cả!
“Nay, vâng, vẫn còn một số vấn đề chưa được giải quyết và có những lúc, khoa khảo cổ tạo ra những vấn đề mới, nhưng những vấn đề này chỉ là thiểu số nhỏ bé so với con số những điển hình được chứng thực.
“Ngoài ra, chúng ta có thể học hỏi qua các nguồn không phải Kitô giáo nhiều sự kiện về Chúa Giêsu có thể chứng thực cho các giáo huấn và biến cố chủ chốt trong đời sống của Người. Và khi ông ngưng suy nghĩ việc các sử gia cổ thời phần lớn chỉ nói tới các nhà cầm quyền chính trị, các hoàng đế, vua chúa, những trận chiến quân sự, các viên chức tôn giáo, và các phong trào triết học chính, thì điều đáng lưu ý là chúng ta học hỏi biết bao nhiêu về Chúa Giêsu và các môn đệ của Người dù họ không thuộc một phạm trù nào trong số này vào lúc các sử gia này đang soạn tác”.
Đó là một câu trả lời súc tích và hữu ích. Tuy nhiên, dù tôi không có lý do gì để hoài nghi lượng định của Blomberg, tôi quyết định nên nghiên cứu thêm dọc theo những đường hướng này. Tôi lượm cây viết lên và vội ghi mấy dòng nhắc nhở chính tôi ở lề cuốn sổ ghi chép của tôi: lấy ý kiến chuyên môn từ một nhà khảo cổ học và một sử gia.
8. Thử nghiệm về chứng tá đối lập
Thử nghiệm này nêu các câu hỏi. Có chăng những người hiện diện khác lên tiếng nói ngược lại hay sửa chữa các sách Tin Mừng nếu chúng bị bóp méo hay sai lầm? Nói cách khác, chúng ta có thấy điển hình những người cùng thời của Chúa Giêsu than phiền là các trình thuật Tin Mừng hoàn toàn sai sự thật?
Blomberg cho biết, “Nhiều người có lý để muốn bác bỏ phong trào này và sẽ làm thế nếu họ có thể viết lịch sử tốt hơn. Thế nhưng ông hãy nhìn các người chống đối Người nói gì. Trong các trước tác Do Thái sau đó, Chúa Giêsu được gọi là phù thủy đã dắt Israel đi sai đường, điều này thừa nhận rằng Người thực sự có làm những chuyện kỳ lạ phi thường, mặc dù các tác giả này tranh luận nguồn gốc quyền năng của Người.
“Đây là dịp hoàn hảo để nói một điều giống như, ‘các Kitô hữu sẽ nói với bạn ông ta làm các phép lạ, nhưng ở đây, chúng tôi nói cho bạn hay ông ta không hề làm phép lạ nào. Ấy thế nhưng, đó là điều chúng ta không bao giờ nghe những người chống đối Người nói. Thay vào đó, họ mặc nhiên thừa nhận điều các sách Tin Mừng viết là đúng rằng Chúa Giêsu thực hiện các phép lạ”.
Tôi hỏi, “phong trào Kitô giáo này có thể bén rễ được không ngay tại đó, tại Giêrusalem, ngay tại khu vực Chúa Giêsu thực hiện phần lớn thừa tác vụ của Người, đã bị đóng đinh, chôn cất, và sống lại, nếu những người từng biết Người biết rõ rằng các môn đệ đã nói quá hay bóp méo những điều Người đã làm?”
Blomberg trả lời, “tôi không tin như thế. Chúng ta có bức tranh về điều thoạt đầu chỉ là một phong trào hết sức yếu ớt, dễ bị bẻ gẫy, từng bị bách hại. Nếu các nhà phê bình có thể tấn công nó trên căn bản nó đầy những sai lầm hay bóp mép, thì họ đã làm rồi.
“Nhưng”, ông nhấn mạnh kết luận, “đó chính là điều chúng ta không thấy”.
Một đức tin được chống đỡ bằng các sự kiện
Tôi thừa nhận Blomberg gây nhiều ấn tượng nơi tôi. Hiểu biết và lưu loát, đầy tính học giả và thuyết phục, ông đã dựng được cả một lý lẽ mạnh mẽ bênh vực tính đáng tin cậy của các Tin Mừng. Bằng chứng của ông bênh vực tư cách tác giả truyền thống của chúng, sự phân tích của ông về các niên biểu sớm nhất của các niềm tin căn bản về Chúa Giêsu, việc ông bênh vực một cách đầy đủ lý lẽ tính chính xác của truyền thống truyền khẩu, việc ông khảo sát một cách đầy suy tư những dị biệt biểu kiến, tất cả các chứng từ của ông đã thiết lập được một nền tảng vững chắc để tôi tiếp tục xây dựng.
Thế nhưng, vẫn còn một con đường dài phải đi để xác định việc liệu Chúa Giêsu có phải là Con duy nhất của Thiên Chúa hay không. Thật vậy, sau khi nói chuyện với Blomberg, cuộc hẹn tiếp theo của tôi trở nên rõ ràng: hình dung xem liệu các sách Tin Mừng này, được Blomberg trình bầy như là đáng tin, có được truyền lại cho chúng ta một cách đáng tin cậy hay không qua nhiều thế kỷ. Làm cách nào chúng ta có thể biết chắc các bản văn chúng ta đọc ngày nay mang dáng dấp của điều nguyên thủy được viết ra ở thế kỷ thứ nhất? Hơn nữa, làm thế nào chúng ta biết được rằng các sách Tin Mừng kể cho chúng ta đầy đủ câu truyện về Chúa Giêsu?
Tôi nhìn vào đồng hồ. Nếu giao thông không quá nặng, tôi sẽ lấy máy bay trở lại Chicago. Khi thu lượm các tập ghi chú và rút giây các dụng cụ ghi âm, tôi có dịp nhìn lại các tranh vẽ của trẻ em trên tường phòng giấy Blomberg, và đột nhiên, trong giây lát, nghĩ tới ông không như một học giả, một tác giả, một giáo sư, mà như một người cha ban đêm, ngồi ở mép giường các con gái và nhẹ nhàng nói với chúng về những điều thực sự quan trọng ở trên đời.
Tôi thắc mắc, ông nói gì với chúng, về Kinh Thánh, về Thiên Chúa, về vị Giêsu này, người từng tuyên bố về mình nhiều điều kỳ lạ?
Tôi không nhín được câu hỏi cuối cùng, “Về đức tin của riêng ông thì sao? Tất cả các nghiên cứu của ông ảnh hưởng ra sao tới các niềm tin của ông?”
Ngay khi tôi vừa dứt lời, ông đã trả lời ngay, “Nó củng cố các niềm tin của tôi, chắc chắn như thế. Từ các nghiên cứu của mình, tôi biết có bằng chứng mạnh mẽ bênh vực tính trung thực của các trình thuật Tin Mừng”.
Ông im lặng một lúc rồi nói tiếp, “Ông biết không, thật là nghịch lý: Kinh Thánh coi là đáng khen việc có đức tin mà không cần bằng chứng. Ông nên nhớ Chúa Giêsu đã trả lời ông Tôma hay hoài nghi ra sao, ‘anh tin vì anh thấy; phúc cho ai không thấy mà vẫn tin’. Và tôi biết bằng chứng không cưỡng hay ép đức tin. Chúng ta không thể thay thế vai trò của Chúa Thánh Thần, điều này thường là quan tâm của các Kitô hữu khi họ nghe các cuộc thảo luận loại này.
“Nhưng tôi xin nói với ông điều này: có rất nhiều câu truyện của các học giả trong lãnh vực Tân Ước nhưng họ không phải là Kitô hữu, nhưng qua cuộc nghiên cứu của họ về chính những vấn đề này đã đến với đức tin vào Chúa Kitô. Và có vô số học giả hơn nữa, vốn là tín hữu, nhờ các bằng chứng này mà đức tin của họ trở nên mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn, có cơ sở hơn, và tôi thuộc loại này”.
Còn với tôi, tôi từng thuộc loại thứ nhất, không, không phải một học giả, mà là một kẻ hoài nghi, người đả phá các tín ngưỡng lâu đời, một ký giả cứng đầu đi tìm sự thật về vị Giêsu này, Đấng từng nói mình là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.
Tôi khóa chiếc cặp giấy tờ và đứng lên cám ơn Blomberg. Tôi sẽ bay về Chicago, thoả mãn vì một lần nữa cuộc mưu tìm thiêng liêng của tôi đã có được một khởi đầu tốt đẹp.
Tài liệu đọc thêm
Archer, Gleeson L., The Encyclopedia of Bible Difficulties. Grand Rapids: Zodervan, 1982.
Blomberg, Craig. “The Historical Reliability of the New Testament” trong Reasonable Faith, của William Lane Craig, 193-231. Westchester, Ill.: Crossway, 1994.
Blomberg, Craig.”Where Do We Start Studying Jesus?” trong Jesus under Fire, Michael J. Wilkins and J.P. Moreland chủ biên, 17-50. Grand Rapids: Zodervan, 1995.
Dunn, James. The Living Word. Philadelphia: Fortress, 1988.
Marshall, I. Howard. I Believe in the Historical Jesus. Grand Rapids:Eerdmans, 1977.
Ghi Chú
(1) Lee Strobel, “Jury in Makeshift Courtroom Hears Dying Boy Tell of Attack”, Chicago Tribune (February 24, 1976).
(2) (2) Lc 1:1-4
(3) Simon Greeleaf, The Testimony of the Evangelists (Grand Rapids:Baker, 1984) vii.
(4) Trích dẫn trong Craig Blomberg, “Where Do We Start Stydying Jesus?” trong Jesus under Fire, Michael J. Wilkins and J.P. Moreland chủ biên, (Grand Rapids: Zodervan, 1995) 34
(5) Xem Gleason L. Archer, The Encyclopedia of Bible Difficulties (Grand Rapids: Zodervan, 1982) và Norman Geisler và Thomas Howe, When Critics Ask (Wheaton Ill.: Victor, 1992).