Theo VaticanNews, trong buổi triều kiến chung thứ tư 22 tháng 5 vừa qua tại Công trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, sau khi kết thúc loạt bài giáo lý của ngài về Kinh Lạy Cha, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi mọi người hiện diện cầu nguyện cho các tín hữu của Trung Hoa nhân ngày lễ Kính Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, sẽ được cử hành vào ngày 24 tháng 5 tại Đền “Đức Mẹ Sheshan” ở Thượng Hải.
Sau đây là lời Đức Thánh Cha: “Thứ Sáu này, ngày 24 tháng 5, chúng ta sẽ cử hành Lễ Trinh Nữ Maria “phù Hộ Các Giáo Hữu”, được đặc biệt tôn kính ở Trung Hoa tại Đền “Đức Mẹ Sheshan”, gần Thượng Hải.
“Dịp hạnh phúc này cho phép tôi bầy tỏ sự gần gũi và tình âu yếm đặc biệt của tôi với mọi Kitô hữu ở Trung Hoa, giữa những gian khổ và khó khăn hằng ngày, vẫn tiếp tục duy trì đức tin, đức cậy và đức mến.
“Các tín hữu Trung Hoa thân yêu, xin Mẹ Trên Trời phù giúp anh chị em trở thành các nhân chứng của tình bác ái và huynh đệ, luôn liên kết trong hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ. Tôi cầu nguyện cho anh chị em và chúc lành cho anh chị em. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cùng Đức Mẹ. Kính mừng Maria...”
Giữa áp lực ngày một gia tăng
Nhân dịp này, Elise Harris của tạp chí Crux cho rằng bối cảnh việc lên tiếng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là các áp lực ngày càng gia tăng đối với thỏa thuận tạm thời ký hồi tháng 9 năm ngoái với Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa.
Nói với Tạp Chí Crux, Cha Bernardo Cervallera, chủ nhiệm Asia News và là một chuyên viên về Trung Hoa, cho rằng theo quan điểm của ngài, khi ngỏ lời với mọi người Công Giáo Trung Hoa, Đức Phanxicô muốn thúc đẩy sự hợp nhất giữa Giáo Hội hầm trú và giáo hội được nhà nước công nhận, bởi vì sau thỏa thuận tạm thời, chỉ ở rất ít nơi mới có các cố gắng hòa giải. Trong khi ở nhiều nơi khác có khi còn ngặt nghèo hơn cả lúc trước nữa. “Nên ngài thúc đẩy cho có sự hòa giải lớn hơn”.
Ai cũng biết thoả thuận tạm thời của Tòa Thánh với Trung Hoa nhằm cho phép cả Trung Hoa lẫn Tòa Thánh có tiếng nói trong việc bổ nhiệm các giám mục. Tuy nhiên, cho đến nay, chi tiết của thỏa thuận vẫn chưa được công bố. Chỉ một yếu tố được công bố rõ ràng đó là việc hợp thức hóa 7 giám mục trước đây bị Tòa Thành kết án tuyệt thông và do đó, nay họ chính thức được cai quản các giáo phận liên hệ.
Ngay khi được công bố, thoả thuận được một số người chào đón nồng nhiệt coi như một tiến triển. Thế nhưng nhiều người khác lên tiếng chỉ trích nặng nề. Những người này cho rằng Tòa Thánh đã dành quá nhiều quyền cho Đảng Cộng Sản Trung hoa và làm ngơ số phận các người Công Giáo bị tù đầy, tra tấn và nhiều hình thức bách hại khác chỉ vì trung thành với Tòa Thánh.
Nhà tranh đấu nhân quyền Trung Hoa, Chen Guangcheng, trong một tiểu luận tháng Mười Một năm 2018 viết cho tờ Public Discourse gọi thỏa thuận là “một cú tát vào mặt hàng triệu người Công Giáo và các tín hữu tôn giáo khác ở Trung Hoa từng chịu cuộc bách hại thực sự” dưới sự cai trị của Đảng Cộng Sản Trung Hoa.
Trong những tháng gần đây, áp lực đã gia tăng để Tòa Thánh cho công bố các điều khoản của thỏa thuận, với nhiều chuyên viên lý luận rằng giữ bí mật cho thỏa thuận khiến cho việc bách hại tôn giáo ở Trung Hoa tệ hơn, thay vì tốt hơn.
Đại sứ toàn quyền của Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo, Sam Brownback, phát biểu ở Hồng Kông tháng Ba vừa rồi, cho rằng thỏa thuận đã đem lại một tiền lệ tồi tàn để chính phủ can thiệp vào các cộng đồng tôn giáo khác, trong đó, có Phật Giáo Tây Tạng và các tín phái Kitô Giáo khác.
Đầu năm nay, cựu chiến lược gia của Tổng Thống Trump, Steve Bannon, nói với Crux rằng ông đang có kế hoạch kiện Tòa Thánh như một cách buộc Tòa Thánh phải công bố bản văn của thỏa thuận theo qui ước Vienna năm 1961 về Các Liên Hệ Ngoại Giao.
Bannon nói rằng “Có một diễn trình trong thỏa thuận đó...dẫn tới các liên hệ ngoại giao đầy đủ giữa Vatican và Đảng Cộng Sản Trung Hoa và điều này hất Hồng Kông, hất Đài Loan, hất hàng trăm triệu người Công Giáo ra khỏi xe buýt. Đây là điều quá đáng. Bạn không thể làm thế”.
Tương tự như thế, trong một cuộc phỏng vấn gần đây của Crux, nhà tranh đấu phụ nữ, Reggie Littlejohn, thuộc tổ chức Women’s Rights Without Frontiers, đang có mặt tại Trung Hoa để đấu tranh chống phá thai bó buộc và vận động giúp đỡ các qủa phụ bị bỏ rơi, nói rằng “Điều hữu ích cho mọi người là thỏa thuận được công bố công khai, vì ngay lúc này đây, chính phủ Trung Hoa đang sử dụng nó để thực sự bách hại người Công Giáo”.
Bà cho rằng vì các điều khoản của thỏa thuận không được công bố, nên các viên chức Trung Hoa “dùng sự bí mật này để nói rằng nó cho phép họ những điều mà tôi tin chắc không bao giờ được Tòa Thánh cho phép, nên theo tôi điều sẽ rất, rất hữu ích cho người Công Giáo ở Trung Hoa là công bố các (điều khoản của) thỏa thuận ấy”.
Bà bảo: một trong những điều “được cho phép đó” là việc phá hủy một số nhà thờ và đền Đức Mẹ.
Theo Asia News, tháng 10 năm 2018, chỉ 1 tháng sau khi thỏa thuận được ký kết, các nhà cầm quyền Trung Hoa đã phá sập 2 đền Đức Mẹ: Đức Mẹ Sầu Bi ở Dongergou (Shanxi), và Đức Mẹ Diễm Phúc hay còn được gọi là “Đức Mẹ Trên Núi” ở Anlong (Guizhou).
Hai địa điểm hành hương, được các cộng đồng hầm trú và chính thức lui tới, bị phá sập vì ở bên trong có “quá nhiều thánh giá và ảnh tượng”.
Một số quan sát viên khác hiện có mặt tại Trung Hoa nhấn mạnh rằng từ ngày có thỏa thuận, nhịp độ phá hủy ngày càng gia tăng.
Bà Littlejohn cho biết “Dưới thỏa thuận, từ trước đến nay, tôi không thấy ơn ích nào cho người Công Giáo. Chúng ta cần thấy thoả thuận nói gì mới có thể cố gắng ngăn chặn để những các vụ phá hủy hơn nữa không xẩy ra nhân danh thỏa thuận”.
Tháng Tư vừa qua, Đức Hồng Pietro Parolin nhấn mạnh rằng khi ký kết thỏa thuận, Tòa Thánh hy vọng nó “sẽ giúp, chứ không hạn chế tự do tôn giáo”.
Ngài nhấn mạnh việc cần phải kiên nhẫn và tập chú vào mục tiêu dài hạn; ngài nói: “chúng ta muốn sự việc phải được thực hiện tức khắc, nhưng sự việc trong lịch sử thay đổi rất chậm chạp. Đây là sự khôn ngoan của Tòa Thánh. Tòa Thánh không mong đợi các kết quả tức khắc mà là các kết quả trong bàn tay Thiên Chúa, cũng là các kết quả trong bàn tay chúng ta theo nghĩa chúng ta góp tay vào kế hoạch của Thiên Chúa”.
Tuy nhiên, bất chấp các phê phán trên đây, Cha Cervallera nói ngài rất hạnh phúc được nghe lời chào mừng của Đức Giáo Hoàng; cha tin rằng đây là một cử chỉ hết sức cần thiết đối với các người Công Giáo đang chật vật vì thỏa thuận.
Cha cho rằng dù không nhắc tới bất cứ việc bách hại chuyên biệt nào, nhưng việc nói đến thử thách mà nhiều người Công Giáo đang phải chịu hàng ngày đã được lắng nghe. Nhưng cha nghĩ nhấn mạnh lúc này vẫn là vấn đề hợp nhất người Công Giáo ở Trung Hoa. “Đây là điều quan trọng nhất đối với Đức PHanxicô”.
Cha nói: Đức Phanxicô muốn hỗ trợ và thúc đẩy người Công Giáo Trung Hoa hướng tới sự hợp nhất... vì ngay lúc này đây, người Trung Hoa vẫn đang chia rẽ. Trừ khi họ hợp nhất, họ sẽ không là bất cứ điều gì cả”.