Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Quý vị và anh chị em đang theo dõi video huấn luyện dành cho các xướng ngôn viên truyền hình VietCatholic.

Kim Thúy xin chào mừng anh chị em và cám ơn lòng quảng đại của anh chị em đối với công cuộc truyền giáo của Giáo Hội. Trong video này, Kim Thúy sẽ giới thiệu với anh chị em về vai trò của xướng ngôn viên trong một chương trình truyền hình và những quy tắc thực hành với vision hướng tới khả năng sản xuất các chương trình truyền hình chuyên nghiệp không chỉ phát trên các kênh truyền thông xã hội mà còn trên các đài truyền hình.

Trước hết, có lẽ là Kim Thúy nên nói qua với các bạn một vài nét về VietCatholic TV.

Thưa các bạn,

Được thành lập vào ngày lễ Các Thánh 1 tháng 11 năm 1996, VietCatholic đã không ngừng cải tiến kỹ thuật. Từ việc chỉ phát những văn bản và hình ảnh, từ năm 2005, VietCatholic đã thử nghiệm các chương trình phát hình. Năm 2008, VietCatholic đã có khả năng tường thuật trực tiếp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Sydney; và từ năm 2011, VietCatholic đã hợp tác với các cơ quan trung ương Tòa Thánh để thực hiện chương trình Thế Giới Nhìn Từ Vatican phát đều đặn mỗi tuần một lần từ 30 phút đến 50 phút. Chương trình trình bày những hoạt động của Đức Thánh Cha, những giáo huấn của ngài, những hoạt động của giáo triều Rôma, lập trường của Tòa Thánh và giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo.

Bên cạnh đó là những phóng sự đặc biệt dành cho những biến cố lớn trong đời sống Giáo Hội như Giáng Sinh, Phục Sinh, Phong Thánh, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới …

Từ năm 2013, mỗi ngày Đức Thánh Cha Phanxicô lại có những thánh lễ và những lời giảng dạy rất thiết thực của ngài. Cho nên, VietCatholic lại có thêm chương trình Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô phát hàng tuần cũng khoảng 30’.

Cuối năm 2014, VietCatholic hình thành thêm chương trình Giáo Hội Năm Châu, phát hình hàng tuần từ Melbourne, nhằm trình bày những tin tức có liên quan đến đời sống của Giáo Hội tại các địa phương và những vấn đề quan yếu trên thế giới.

Các chương trình của VietCatholic được phát trên các kênh xã hội như YouTube, Vimeo, và trên các đài truyền hình Vietnam hải ngoại.

Bây giờ, Kim Thúy nói qua với các bạn một vài nét về vai trò của một xướng ngôn viên.

Thưa các bạn,

Kỹ thuật sản xuất các chương trình truyền hình có những bước tiến rất đáng kể cho nên ngày nay chỉ với một studio nhỏ và một ít máy móc chúng ta đã có thể hình thành nên một đài truyền hình.

Kỹ thuật thay đổi tận gốc như thế, nhưng, vai trò của một xướng ngôn viên trong một chương trình truyền hình không thay đổi bao nhiêu và được xác định rất rõ ràng trong định nghĩa về chức năng của một News Presenter.

Vai trò của xướng ngôn viên là:

- Giúp soạn thảo các bản tin để khi đọc lên độc giả dễ hiểu. Các bản tin thông thường là những bản dịch theo lối văn viết. Khi nhận được script, có thể xướng ngôn viên phải chỉnh sửa lại một đôi chỗ để thành lối văn nói dễ hiểu hơn.

- Tìm hiểu cách phát âm. Các script đều không có ghi chú về phát âm, dụng ý là muốn các xướng ngôn viên có dịp nghe phát âm, chẳng hạn tại đây: http://www.forvo.com/

- Trình bày tin.

- Bình luận bản tin. Hình thức thấp nhất là biểu cảm bằng nét mặt. Nếu tự tin hơn, xướng ngôn viên có thể đưa ra một lời bình luận ngắn gọn đã được soạn sẵn.

Trong phần tiếp theo Kim Thúy sẽ nói qua với các bạn về những thực hành đang được áp dụng rộng rãi trong các studios của VietCatholic.

Đầu tiên là vấn đề Make up:

• VietCatholic phát hình ở high resolution với vision là có thể phát trên các đài truyền hình chứ không chỉ phát trên YouTube và Vimeo, do đó, các bạn cần ĐÁNH PHẤN ĐẬM hơn mức bình thường, nếu không hình ảnh không được đẹp.

• Các bạn cần make up sao cho lên hình được đẹp, đơn giản nhưng đẹp tinh tế (khác với xuề xòa, qua loa...)

• Tránh đánh son quá bóng

• Đối với nam đừng đánh phấn trắng quá.

• Các bạn nên make up cẩn thận, khéo léo tạo khối trên gương mặt để che khuyết điểm, tôn ưu điểm trên gương mặt, các đường nét trang điểm càng sắc sảo (đẹp hài hòa chứ không phải đậm lòe loẹt) chừng nào thì hiệu ứng beauty box đạt hiệu quả chừng đó, như vậy gương mặt sẽ bớt đơ, khán giả sẽ nhận thấy sự biểu cảm của xướng ngôn viên tốt hơn khi dựng hình trên máy.

Về tóc:

• Các bạn tránh để tóc che mất mắt hay quá nhiều phần trên gương mặt.

• Khi sử dụng dụng quạt cho tóc bay, cần vừa phải để không làm rối mắt người xem, cần gọn gàng ra nếp, dù thẳng hay uốn thì lượng tóc phía trước khung ảnh cần vừa phải, quá ít sẽ gây trơ, quá nhiều sẽ gây nặng nề cho gương mặt.

• Các bạn nên make up cho cả phần tóc mỏng, đường ngôi, viền chân tóc để cân đối gương mặt khi lên hình.

Chuyện tiếp theo là trang phục:

• Xướng ngôn viên nữ mặc áo dài. Loại áo dài đơn giản – đừng kiểu cọ.

• Xướng ngôn viên nam mặc veston.

• Các bạn không được mặc áo vừa có mầu GREEN lại vừa có mầu BLUE vì không thể bóc được background.

• Các bạn cũng không được cài hoa trên đầu vì rất khó bóc background.

Một trong những vấn đề quan trọng của kỹ thuật truyền hình là ánh mắt:

• Các bạn cần tránh để màn hình chạy chữ quá gần, khán giả sẽ thấy ánh mắt đảo qua lại liên tục.

• Màn hình chạy chữ nên chạy đều đều, không nên chạy theo khung khiến cho xướng ngôn viên bị vấp do đổi khung hình và ánh mắt bị đảo xuống dưới.

• Biểu cảm trên gương mặt là điều các bạn nên hết sức chú ý. Cần giữ các cơ mặt được sống động, bằng cách tưởng tượng ra ống kính chính là khán giả mình đang nói chuyện cùng, tránh chùng khóe môi, mắt khiến cho gương mặt xướng ngôn viên bị buồn não, thiếu sức sống.

Dáng đứng, dáng ngồi:

• Thẳng lưng, hai vai mở rộng, không còng vai, ưỡn bụng, hướng cằm thẳng

• Hai tay các bạn có thể cử động phụ họa theo bài đọc để tự nhiên hơn nhưng không quá đà, cần tạo một tư thế thân thiện, tự nhiên.

Giọng đọc là điều rất thiết yếu để các bạn chuyển tải được đúng nội dung muốn trình bày

• Khi các bạn phát âm tiếng Việt: dù đọc giọng đọc Bắc, Trung, Nam đều cần tròn vành rõ chữ, chuẩn âm vùng miền. Tránh chọn cách đọc lơ lớ nửa Bắc nửa Nam... đọc chính xác các âm s, sh, ch, tr, các chữ có phụ âm đuôi n, ng, c, t và các dấu ~ và dấu ? , các âm ô, ê, a, cần tròn trịa tránh phát âm “bẹt”, chuẩn chính xác của vùng miền cụ thể, nếu chưa chuẩn thì cần luyện tập nhiều để loại bỏ cách phát âm pha trộn, gây khó chịu cho khán tính giả.

• Phát âm của xướng ngôn viên lúc đọc bản tin hay các bài suy niệm đều rất khác với phát âm tự nhiên trong đời thường, giọng đọc và phát âm của xướng ngôn viên vừa chuẩn vùng miền, tròn vành rõ chữ, vừa đạt tiêu chuẩn biểu cảm đúng độ của bài đọc. Do các bản tin đòi hỏi tính thời sự, cấp thời nên việc tập phát âm này phải được rèn luyện trước khi chính thức ghi hình, thu tiếng, phát sóng.

• Khi các bạn phát âm tiếng nước ngoài: cần tham khảo thêm các trang mạng luyện giọng, phát âm, chẳng hạn tại đây: http://www.forvo.com/ , để phát âm được đúng. Khi luyện giọng phát âm, cần có thiết bị ghi âm lại và nghe lại để so sánh giữa giọng chuẩn và giọng của mình, càng giống chừng nào càng tốt chừng đó.

Tập đọc các bản tin:

• Các bạn bắt buộc phải tập đọc trước vì tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ đòi hòi việc ngắt câu chính xác.

Kim Thúy lấy một ví dụ vui vui là như thế này nhé.

Trong truyện Kiều của Nguyễn Du,

Nếu các bạn đọc câu số 1644 như sau

Thất kinh nàng chửa biết là làm sao.

Thì các bạn diễn tả đúng ý của cụ Nguyễn Du.

Thúy Kiều đang hỏang hốt vì thấy một đám đông những kẻ mặt mày hầm hè, gậy gộc, gươm giáo tuốt ra sáng lòa.

Nhưng nếu các bạn đọc

“Thất kinh”, rồi ngưng một phát, “nàng chửa”, rồi ngưng thêm một phát nữa “biết là làm sao”.

Tức là các bạn đọc

Thất kinh/ nàng chửa/ biết là làm sao.

Thì các bạn đang diễn tả không phải tâm trạng của Thúy Kiều mà của một tên sở khanh, sau khi làm cho con người ta có bầu, rồi hắn ta đắn đo không biết phải làm sao đây.

Cho nên, các bạn bắt buộc phải tập đọc trước

• Ngoài ra các bạn cần đọc trước bản tin để nắm rõ nội dung bản tin, để từ đó có thể phân loại bản tin về thể loại nào (thời sự, suy niệm...) từ đó chọn ra cách biểu cảm trong giọng đọc cho phù hợp. Thí dụ, giọng đọc bản tin thời sự cần sự gãy gọn, nhịp nhàng, âm sắc sáng, tone cao; trong khi giọng đọc bài suy niệm cần sự mềm mại, tone cao, thấp uyển chuyển theo cảm xúc của bài đọc, tốc độ có thể chậm hơn bài đọc thời sự một chút, nhưng không quá chậm, gây buồn ngủ.

Bây giờ, Kim Thúy đọc hai đoạn, một là một bản tin thời sự và một là một bài suy niệm để các bạn so sánh nhé:

“Radio Vatican hôm 24 tháng 6 cho biết 52 phần trăm người Anh đã ủng hộ quyết định rút ra khỏi Liên minh Âu châu trong cuộc trưng cầu hôm thứ Năm vừa qua; chỉ có hơn 48 phần trăm bỏ phiếu để tiếp tục ở lại. Sự kiện này đã làm cho Thị trường Chứng khoán châu Âu tụt dốc thê thảm.”

“Sự hoàn thiện mà Ðức Giêsu chỉ ra được đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay: 'Anh em đã nghe luật dạy rằng: hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.' Ðó là bước cuối cùng trên con đường hoàn thiện và cũng là bước khó nhất. Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để chúng ta biết cầu nguyện cho kẻ thù của mình, cầu nguyện cho những kẻ muốn làm hại chúng ta, muốn gây ra cho chúng ta những điều xấu xa và cầu nguyện cho cả những kẻ muốn ngược đãi chúng ta.”

• Khi tập đọc cần tập thật nhuần nhuyễn nhiều lần các chữ nước ngoài để khi thu hình không bị vấp, cần xác định tốc độ đọc thật chính xác, quá chậm sẽ gây cảm giác rề rà, buồn chán, quá nhanh sẽ gây cảm giác hấp tấp vội vàng và dễ bị vấp.

• Đừng nervous quá trong khi thu hình để tránh khỏi bị đọc vấp sẽ mất rất nhiều công edit và mặt sẽ bị giựt ở chỗ ráp nối.

• Nếu đọc vấp, cố gắng giữ nguyên đầu mình ở đúng vị trí đang đọc và đọc lại nguyên câu, như vậy vẫn có thể ráp nối mà không bị giựt khuôn mặt.

• Tránh lối đọc tin vô cảm. Tránh cả những hình thức biểu cảm mãnh liệt. Cần vừa phải và nhẹ nhàng.