ĐƯỜNG LÊN GIÊRUSALEM

1V 19,16b.19-21; Gl 5,1.13-18; Lc 9,51-62

Thuốc mê đã giúp con người giảm bớt đau đớn nhiều hơn trong việc phẫu thuật, cho nên có người cho rằng việc khám phá ra thuốc mê lá khám phá hơn bất cứ khám phá nào trong y khoa.

Thế nhưng một hôm có người hỏi James Simpson:

- Ông cho điều gì là khám phá lớn nhất của ông ?

Và họ nghĩ rằng James Simpson cho câu trả lời: Thuốc mê, vì ông là người đã khám phá ra loại thần dược này.

Nhưng Simpson trả lời rằng:

- Khám phá lớn nhất của tôi là Chúa Giêsu, Chúa Cứu chuộc của tôi.

Khám phá lớn nhất trong đời của James Simpson một trí thức làm khoa học y khoa, không phải là việc ông khám phá ra thuốc gây mê, mà nhân loại nhớ ơn ông, khám phá lớn nhất của ông là Đức Giêsu là Chúa Cứu chuộc. Người Kitô hữu nào cũng tin Đức Giêsu Kitô, Chúa Cứu chuộc của nhân loại, bằng cái chết trên thập tự ở Giêrusalem. Tin Mừng Luca 9,51-62, trình bày hành trình Chúa Giêsu lên Giêrusalem, cử hành lễ Vượt Qua, lễ Vượt qua mà Ngài đang tham dự, không chỉ kỷ niệm lại biến cố vượt qua mà Môisen dẫn dắt dân Chúa đi từ nô lệ đến tự do, nhưng còn là hành trình Vượt Qua : từ cái chết đến phục sinh. Vượt qua không phải cho Ngài nhưng là cho cả nhân loại. Con người nhờ cuộc vượt qua này của Chúa Kitô: xuyên qua cái chết đến phục sinh. Cho nên trong cái nhìn cánh chung cứu độ, vương quốc được khai sinh bởi Đức Kitô phục sinh với hình ảnh Giêrusalem mới (x. Kh 3,12; 21,2.10 ), được sinh ra trong sự chết và phục sinh Chúa Kitô tại Giêrusalem.

Ngài lên Giêrusalem để thực hiện lời các vị ngôn sứ loan báo về Ngài: Chịu chết để đền tội cho nhân loại, phát sinh sự sống mới như lời các ngôn sứ loan báo mà chính Ngài cũng đã loan báo trước về các cuộc thương khó (x. Mt 16, 21; 20, 18; Mc 10, 33; Lc 17, 11; 18, 31; 19, 28…). Đó là con đường tuân hành thánh ý của Thiên Chúa Cha muốn Ngài thực hiện để mang ơn cứu độ cho nhân loại.

Cho nên, dù biết có đau khổ thập giá, đang chờ, Chúa Giêsu vẫn tiến đến, Ngài đã cố gắng thắng vượt nỗi sợ hãi và do dự, và đi hết đường thập giá, đường Cha muốn Ngài đi. Ngài kiên quyết lên đường đi Giêrusalem như Tin Mừng đã nhấn mạnh: “Người nhất quyết lên Giêrusalem” (Lc 9,51-62), dù có sự ngăn cản của các môn đệ (x. Mt 16,22; Mc 8,31-33), do các ông không hiểu hết thiên ý nhiệm mầu của đường lên Giêrusalem: đường thập giá cứu độ và phục sinh…

Đường lên Giêrusalem từ Galilê phải băng qua Samaria. Nhưng người Samaria không muốn tiến lên Giêsusalem vì họ có quan niệm ngược lại với người Do thái: Thờ lạy Thiên Chúa Giavê tại địa điểm thờ phượng của họ là ở Garizim, không muốn các dân tiến về với Đền Thờ Giêrusalem. Chính vì thế, một làng Samari không muốn tiếp đón Đức Giêsu và các môn đệ vì Ngài cùng các môn đệ tiến lên Giêrusalem . Phản ứng của tông đồ Giacôbê và Gioan theo cảm tính tự nhiên: “…khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ”. Nhưng Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ hành trình của Ngài ở trần gian, đặc biệt hành trình tiến về Giêrusalem là hành trình mang tâm tình yêu thương xóa bỏ hận thù. Ngài yêu mến tất cả mọi người kể cả tội nhân, Ngài đến thế gian để cứu và cho họ sống (Ga 10). Chính Ngài xin tha thứ cho kẻ giết mình trên thập giá: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 22,33).

Trên đường tiến về Giêrusalem, các môn đệ Giacôbê và Gioan cũng phải được huấn luyện, được biến đổi mang tinh thần yêu thương, những “đứa con sấm sét” trở thành khoan dung nhân từ, cụ thể nhất là sau này, khi đã cảm nghiệm được tình yêu của Thầy, Gioan trở thành vị tông đồ ca ngợi và mặc khải tình yêu qua tin mừng thứ tư.

Người trở thành môn đệ của Đức Kitô phải quyết liệt đi theo Ngài như quyết tâm: “Dù Thầy đi đâu tôi cũng sẽ theo Thầy”. Chúa Giêsu đã nói về tinh thần quyết liệt này: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn quay lại nhìn đàng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”. Người theo bước chân tiến về Giêrusalem luôn chấp nhận theo: Theo Ngài là theo Đấng không có chỗ tựa đầu (x. Lc 9,58). Theo Ngài là chịu bỏ mọi an toàn, ổn định, là sống thân phận lữ khách trên mặt đất (x. 1Pr 2,11). Chính trong ý nghĩa này mà J. Fitzmyer đã phát biểu: “Quyết định theo Chúa Giêsu không chỉ là kết quả nhất thời của phấn khởi nhiệt tình; điều đó đòi hỏi một quyết định có tính cách kiên quyết”. Kiêm quyết cùng với thầy trên hành trình tiến về Giêrusalem.

Với tính cách kiên quyết, ngày hôm nay chúng ta cũng được mời gọi theo bước chân của Thầy lên Giêrusalem, mang tâm tình tuần hành ý Thiên Chúa, đối diện với các thực tại của đời sống hằng ngày: Như Thầy đối diện với đau khổ, những nghi ngờ, những phản bội, sự bất nghĩa: tiến lên Giêrusalem, cùng với Đức Giêsu chịu treo trên thập giá để thực hiện trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa Cha, để hoàn tất công trình cứu độ. Chúng ta cùng Thầy vượt qua quá khứ “dễ dãi” với trần thế, lưu kéo của tội lỗi để đi đến một tương lai trong dự phóng của Thiên Chúa Cha với niềm tịn xác quyết của Tông đồ Phaolô: cùng chết với Đức Kitô thì sẽ cùng phục sinh. (x. Tm 2,11; Rm 6,3-6…)

Tuy nhiên, đôi lúc hay nhiều lần, chúng ta mang thái độ của dân làng Samaria, khước từ không cùng tham dự hành trình về Giêrusalem, mà chỉ quanh quẩn nơi những phù du của trần gian, nhưng vỏ bọc an toàn của thế trần mà không có tinh thần quyết liệt bước tiến theo lời mời gọi theo thiên ý của Thiên Chúa, thiếu tinh thần lên đường như thánh Phaolô: “Quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Pl 3,13), sống thụ động, vô cảm, thiếu trách nhiệm dấn thân hay chỉ quan niệm và sống theo cảm tính cá nhân: Thiếu bao dung như cách hành xử của Gioan và Giacôbê “khiến lửa từ Trời thiêu rụi” hay ghen tị của dân làng Samaria không tiếp đón Thầy vì họ lên Giêrusalem.

Chiêm ngưỡng hành trình tiến về Giêrusalem, cùng với tinh thần quyết liệt theo bước chân Ngài tiến về Thành Thánh, thôi thúc trong tâm hồn chúng ta ý chí cùng sự quyết tâm vượt qua cùng với Đức Kitô trong hành trình Giêrusalem: Dù gặp khó khăn hay thử thách, gian khổ nhưng người môn đệ luôn biết trung thành với Thầy Giêsu. Nên môn đệ Đức Kitô, chúng ta cũng vác thánh giá hằng ngày theo Ngài.

Thành Salem, Chúa tiến lên

Hành trình thập giá, con nguyện bước theo.

Lm. Vinhsơn scj, Sàigòn 25/06/2016.