Mùa Vọng, mùa thai nghén

Mùa Vọng là Mùa Chúa đến. Chờ ai đến, ta phải thức tỉnh. Mẹ chờ con về cũng phải tỉnh thức: đêm chong đèn ngồi nhớ lại. Chờ người đã cần phải tỉnh, huống là chờ Chúa. Mùa Vọng có hai phần. Phần đầu (cho đến hết ngày 16-12) liên quan tới tỉnh thức, phần sau (từ 17 đến 24-12) liên hệ đến kỉ niệm ngày Chúa giáng sinh. Ta đang sống trong phần đầu của Mùa Vọng, nên tiếng tỉnh thức vang lên nghe nức lòng. Đây cũng là điều phù hợp với các bài Tin Mừng mở đầu Mùa Vọng bất cứ là năm nào A,B,C, mà mấy câu cuối bài năm C này, Chúa đã nhắc nhở là hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.

Có nhiều tư thế của tỉnh thức: tỉnh thức của kẻ canh đêm, cặp mắt phải sáng; tỉnh thức của người trực máy, đôi tai phải thính; tỉnh thức của kẻ cầu kinh, tâm hồn thanh thản; tỉnh thức của người đầy tớ, sẵn sàng mọi lúc. Hôm nay ta xét đến tư thế tỉnh thức của một loại người : người mang thai.

Trong tờ thông tin liên lạc của một giáo xứ nọ, người ta đọc thấy trang bìa của số ra đầu tháng 12 như sau : Mùa vọng : mùa thai nghén. Đây là một so sánh, một ví von ý vị và tương hợp. Nhưng trước khi nói tới sự tương hợp, ta cần mô tả sự thai nghén.

Có lẽ chỉ có những người phụ nữ đã hơn một lần kinh qua thời thai nghén và sinh nở mới có thể giúp chúng ta hiểu được thế nào là chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau… . Trong chín tháng mười ngày này, ngoài những nôn mửa nhiều lần, người nữ mang thai còn phải trải qua nhiều tâm trạng khác nhau của vui buồn âu lo lẫn lộn.

Vui vì sự sống và niềm hy vọng đang lớn dần trong tâm hồn và thể xác của mình. Nhưng lo vì những bất ngờ không lường trước được.

Những đột biến trong người cũng khiến cho thai phụ cảm nhận được sự mỏng dòn của con người. Tất cả mọi cử động, mọi chế độ dinh dưỡng đều được cân nhắc kỹ lưỡng để không phương hại đến bào thai :

-có nên tiếp tục đi nhanh như trước nữa không – hay phải đi khoan thai

-có được hút một điếu thuốc như trước nữa không, hay là phải treo miệng.

-có được nhấp ly ruợu cho ấm bụng như trước nữa không, vì mùa lạnh tới gần. (phụ nữ nước ngoài hút thuốc uống rượu chẳng là chuyện lạ)

-ngay cả thuốc uống chữa bệnh cũng phải canh chừng thức tỉnh : thuốc nào được uống, thuốc nào kỵ thai, chống chỉ định. Không được mất cảnh giác !

-có ăn thịt thỏ được không, sợ con mình sinh ra sẽ sứt môi, như dân gian truyền lại.

-có được nhìn tranh ảnh xấu, hay phải ngắm những bức hoạ trẻ bụ bẫm, để con mình sinh ra cũng múp rụp dễ thương.

Rồi bào thai càng lớn dần thì nỗi lo càng tăng. Và khi đến ngày nở nhuỵ khai hoa như Đức Giêsu nhận xét, niềm vui khoả lấp tất cả những chờ đợi và những đớn đau khi sinh nở, vì một sức sống đã chào đời.

Sự chào đời của hài nhi mang lại niềm vui mà cũng đảo lộn cuộc sống trong gia đình. Đứa bé trở thành trung tâm đời sống gia đình, mọi giờ giấc trong nhà thay đổi hết. Nhưng đó là Mùa Giáng Sinh rồi, mùa Một Trẻ Thơ chào đời. Còn giờ đây là Mùa Vọng, Mùa thai nghén.

Mùa Vọng là mùa thai nghén. Đàn ông cũng mang thai, con trai cũng ốm nghén, bởi lẽ mùa vọng là chuẩn bị cho ngày Giáng sinh. Giáng sinh là ngày một người con chào đời. Thì trước đó, là thời kỳ chuẩn bị, phải là thời thai nghén.

1. Mùa Vọng là mùa thai nghén, đây là một so sánh ý vị và tương hợp.

-Vì do tiếng “xin vâng,” Mẹ cưu mang Ngôi Lời, thì do tiếng đáp của Đức tin, ta (nam hay nữ) đều đã cưu mang Chúa. “Ai nghe và giữ Lời Ta, người đó là mẹ Ta” .

-Như người nữ cảm nhận được sự tăng trưởng của bào thai, thì người cưu mang Lời Chúa cũng cảm được, nhận được sự hiện diện thân mật gần gũi dần dần của Chúa.

2. Mùa Vọng là mùa thai nghén, đây là một so sánh ý vị và tương hợp.

-Vì như thai phụ nhận ra sư mỏng dòn yếu đuối của mình, thì kẻ mang Chúa trong mình, cũng cảm nhận sâu sắc hơn những bất toàn khiếm khuyết yếu đuối tội lỗi của ta. Ý thức này càng mời gọi ta đi từng bước vươn cao hơn.

-Như người nữ mang thai cân nhắc từng đường đi nước bước, từng trạng thái hành vi, thì người cưu mang Chúa cũng tập trung tất cả suy tư hành động của mình vào chính Chúa. Người cưu mang Chúa trong mình phải xử sự làm sao cho xứng với Chúa :

.không nói bạt mạng, bất kể gây hại cho ai, bất kể làm mất lòng ai, bất kể tạo tiếng xấu cho ai.

.không say sưa chê chén, kẻo Chúa sẽ bị ói ra ngoài: một sự sẩy thai nào đó.

.không nhìn xem tranh ảnh băng hình xấu vì Chúa mà mình cưu mang là Đấng thánh.

.không vung tay đá chân, không đánh không đập ai, không la lối chửi rủa, để Chúa mà mình cưu mang được yên giấc ngủ.

3. Mùa Vọng là mùa thai nghén, đây là một so sánh ý vị và tương hợp.

-Vì bào thai càng lớn lên là sự quên mình của người mẹ càng gia tăng. Thì người cưu mang Chúa cũng thế. Thánh Gioan Tẩy Giả đã diễn tả đúng đòi hỏi ấy khi người nói về Đức Giêsu. “Ngài phải lớn lên còn tôi thì nhỏ lại.” Càng quên mình, Kitô hữu càng cảm nhận được sự hiện diện của Chúa, Đấng vĩ đại ở trong mình. Hãy để cho Ngài lớn lên bằng những nhỏ lại của chúng ta.

.nhỏ lại trong tham vọng: tham vọng làm giàu, tham vọng danh cao chức trọng.

.nhỏ lại trong những ước muốn bất chính: nhất là những ước muốn phá tan hạnh phúc gia đình.

.nhỏ lại trong những đố kỵ ghen ghét, nhỏ nhen, có mặt đầy dẫy trong cuộc sống.

Và thế là Chúa sẽ lớn lên, lòng mến sẽ lớn lên trong trái tim ta.

4. Vậy Mùa Vọng là mùa thai nghén, còn là một so sánh ý vị và tương hợp nằm ở điểm ta vừa nói: Chúa lớn lên.

Vì như thai phụ phải ăn uống đầy đủ, đưa nhiều chất bổ để tăng sức tăng trọng cho thai nhi thì người cưu mang Chúa cũng phải tỉnh thức, đi tìm nguồn bổ dưỡng để Ấu Chúa lớn lên trong con người của mình. Mà Chúa ở trong lòng ta, Ngài thích được nuôi bằng gì ? Đơn giản thôi : Việc bổn phận hằng ngày trong vui tươi. Cứ đi làm, đi buôn, đi may, đi chợ. Cứ đi dạy, chạy xe, khuân vác… tức là cứ làm những việc ta phải làm hằng ngày, nhưng bơm thêm cho nó sinh tố vui tươi, xanh mát. sinh tố M. Sinh tố lòng Mến. Làm vì lòng mến Chúa, yêu người, thì ta đã nuôi Chúa lớn lên như thổi trong lòng của ta.

Mùa Vọng là mùa thai nghén. Hay Mùa vọng mùa tỉnh thức của kẻ thai nghén. Ta đã nhắc qua những gì kẻ thai nghén Chúa phải thức tỉnh canh chừng, để Chúa không bị sẩy (sẩy thai) để Chúa không bị phá (phá thai) mà Chúa sẽ lớn dần lên như thai nhi lớn lên trong lòng mẹ: người mẹ quên mình đi, thai nhi lớn lên mãi. Chúa phải lớn lên còn tôi thì nhỏ lại.

Mùa vọng là mùa thai nghén. Tỉnh thức của kẻ thai nghén. Xin Chúa giúp chúng con cưu mang Chúa cho xứng đáng, để Ngài càng ngày càng lớn lên trong chúng ta, và niềm vui của ngày sinh hạ, ngày giáng sinh 2015 này sẽ tràn đầy tâm hồn, gia đình, giáo xứ chúng ta, nếu chúng ta biết tỉnh thức lo sao cho “thai = Chúa” lớn lên trong ta. Amen.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm