Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Thứ Sáu ngày 27 tháng 11, là ngày thứ ba trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Kenya. Đức Thánh Cha đã thăm khu phố nghèo Kangemi ở Nairobi lúc 8:30 sáng trước khi có cuộc gặp gỡ với giới trẻ tại sân vận động Kasarani lúc 10 giờ.

Thủ đô Nairobi của Kenya có hơn 4 triệu dân cư. Ngoài những khu sang trọng và trung lưu, còn có hàng trăm khu xóm tồi tàn, những nơi không có điện nước cũng chẳng có hệ thống cống rãnh thoát nước.

Khu nghèo Đức Thánh Cha đến thăm sáng thứ Sáu 27 tháng 11 tên là Kangemi cách tòa Sứ Thần 5 cây số. Khu vực này tọa lạc trong một thung lũng, có hơn 100 ngàn dân cư, thuộc nhiều bộ tộc khác nhau, nhưng đông nhất là bộ lạc Luhya. Kenya có hơn 40 bộ tộc chính.

Ở khu Kangemi có giáo xứ Công Giáo mang tên thánh Giuse Thợ với khoảng 20 ngàn tín hữu do các cha dòng Tên đảm trách. Các cha cũng đảm trách một bệnh xá, một trường cao đẳng kỹ thuật, một trung tâm giúp đỡ các bà mẹ gặp khó khăn, và những sáng kiến giúp các bạn trẻ hội nhập vào môi trường nghề nghiệp.

Đến nơi, Đức Thánh Cha đã đi xe trên những con đường nhỏ hẹp bằng đất nén, để tới nhà thờ thánh Giuse. Tại đây ngài được cha Joseph Oduor Afulo, Bề trên tỉnh dòng Tên Đông Phi châu, cùng với cha sở Pascal Mwijage S.J, và một số chức sắc khác đón tiếp, trong đó có Đức Cha Kivuva, chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa Bình Kenya đón tiếp, tiến vào nhà thờ, giữa tiếng ca của các tín hữu.

Thánh đường chỉ chứa được 1.200 người: 300 người thuộc giáo xứ sở tại và phần còn lại là những người đại diện đến từ các khu xóm nghèo khác ở thủ đô Nairobi.

Đức Thánh Cha đã xem một phim tài liệu ngắn về lịch sử và sinh hoạt của khu phố trước khi nghe đọc đoạn 25 của phúc âm theo thánh Mathêu về cảnh phán xét chung, theo các hoạt động bác ái mỗi người đã làm khi còn sống. Một đại diện dân cư trong khu phố đã chào mừng Đức Thánh Cha.

Ngỏ lời trong dịp này bằng tiếng Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ tố giác những bất công và bênh vực quyền của người dân được hưởng những thiện ích cơ bản. Ngài nói:

“Tôi đến đây vì tôi muốn anh chị em biết rằng tôi không dửng dưng đối với những vui mừng và hy vọng, những lo âu và đau khổ của anh chị em. Tôi biết những khó khăn anh chị em gặp phải hằng ngày! Làm sao chúng ta có thể không tố giác những bất công mà anh chị em phải chịu?”

Đức Thánh Cha ca ngợi những điểm tích cực nơi những người dân trong các khu bình dân, đó là khả năng liên đới và chia sẻ, “trao tặng một chỗ cho những người bệnh trong nhà mình, chia sẻ bánh với người đói, kiên nhẫn và có tâm hồn can đảm đứng trước những nghịch cảnh lớn: đó là những giá trị dựa trên sự kiện mỗi người quan trọng hơn là thần tiền bạc.

Ngài nói tiếp: “Cám ơn anh chị em vì đã nhắc nhở cho chúng tôi rằng có thể một thứ văn hóa khác... Tôi chúc mừng anh chị em, tôi tháp tùng và muốn anh chị em biết rằng Chúa không bao giờ quên anh chị em. Con đường của Chúa Giêsu bắt đầu ở ngoại ô, đi từ những người nghèo và với người nghèo hướng về tất cả mọi người.

“Nhìn nhận những biểu hiện ấy của đời sống tốt lành tăng trưởng mỗi ngày nơi anh chị em, không hề có nghĩa là cố tình không biết đến bất công kinh khủng do tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội nơi thành thị. Đó là những vết thương do một thiểu số tập trung trong tay quyền lực, giàu sang gây ra: họ phung phí một cách ích kỷ trong khi đại đa số người khác, phải tị nạn tới các khu ngoại ô bị bỏ rơi, bị ô nhiễm và gạt bỏ.

Điều này càng trầm trọng khi chúng ta thấy sự phân phối đất đai một cách bất công (có lẽ không phải ở khu phố này, nhưng ở các khu khác) khiến cho bao nhiêu gia đình, trong nhiều trường hợp phải trả tiền thuê những nơi ở trong những điều kiện không thích hợp tí nào. Tôi cũng đã biết vấn đề trầm trọng những người chủ không mặt mũi vơ vét đất đai, thậm chí họ còn muốn chiếm hữu cả những sân trường của chính con cái họ. Điều này xảy ra vì người ta quên rằng “Thiên Chúa đã ban trái đất cho toàn thể nhân loại, để nâng đỡ mọi phần tử, không loại trừ hoặc ưu đãi một ai” (G.P. II, Centesimus annus, 31).

“Theo nghĩa vừa nói, một vấn đề trầm trọng là không được hưởng những cơ cấu hạ tầng và dịch vụ cơ bản. Tôi muốn nói đến nhà vệ sinh, cống rãnh, nơi đổ rác, điện, đường xá và cả những trường học, nhà thương, trung tâm giải trí và thể thao, những nhà sáng chế tạo thủ công nghệ thuật. Đặc biệt tôi muốn nói đến nước uống. “Một quyền căn bản, phổ quát, thiết yếu của con người là quyền được nước uống chắc chắn vì nước xác định sự sống còn của con người, và vì thế nó là điều kiện để thực thi các nhân quyền khác. Thế giới này có một món nợ lớn đối với những người nghèo không được nước uống, vì điều này có nghĩa là họ không có quyền sống, vốn có nguồn gốc nơi phẩm giá bất khả nhượng của họ” (Laudato sì 30). Không cho một gia đình được nước, viện những cớ bàn giấy hành chánh, là một bất công lớn, nhất là khi người ta thủ lợi với những biện pháp như thế”.

Đức Thánh Cha cũng cố giác nạn bạo lực, và các tổ chức bất lương, tội phạm trong các khu phố bình dân, phục vụ cho những quyền lợi kinh tế hoặc chính trị, chúng lợi dụng các trẻ em và người trẻ như để mưu lợi cho sự kinh doanh đẫm máu của họ. Ngài nói: “Tôi cũng biết những đau khổ của các phụ nữ can đảm chiến đấu để bảo vệ con cái của họ khỏi những nguy hiểm ấy. Tôi cầu xin Chúa để chính quyền cùng với anh chị em chọn con đường hội nhập xã hội, cung cấp nền giáo dục, thể thao, hoạt động cộng đồng và bảo vệ các gia đình, vì đó là bảo đảm duy nhất cho một nền hòa bình công chính, đích thực và lâu bền”.

Những thực tại mà tôi liệt kê ra đây không phải là một sự liên kết tình cờ các vấn đề riêng rẽ. Đúng hơn chúng là hậu quả của những hình thức mới của chủ nghĩa thực dân, cho rằng các nước Phi châu là “những mảnh của một cơ cấu, là những bộ phận của một guồng máy khổng lồ” (G.P. II, Ecclesia in Africa, 32-33). Trong thực tế, không thiếu những áp lực buộc Phi châu phải chấp nhận những chính sách gạt bỏ như giảm bớt số sinh, để “hợp thức hóa kiểu mẫu phân phối hiện nay, trong đó một thiểu số tưởng mình có quyền tiêu thụ theo một tỷ lệ không thể nào tổng quát hóa được” (Laudato sì, 50).

Đức Thánh Cha cũng tố giác hiện tượng người ta chỉ công bố các quyền, nhưng trong thực tế lại không tôn trọng các quyền ấy. Cần phải vượt qua thái độ như vậy để nhất loạt thực thi những hành động cải tiến môi trường sống của dân chúng và đề ra các dự án mới thành thị hóa có chất lượng để đón nhận các thế hệ tương lai.

Sau cùng, Đức Thánh Cha nói: Tôi kêu gọi tất cả các tín hữu Kitô, đặc biệt là các vị mục tử, hãy canh tân đà tiến truyền giáo, đề ra những sáng kiến chống lại bao nhiêu bất công, dấn thân vào những vấn đề của công dân, tháp tùng họ trong các cuộc chiến đấu của họ, bảo tốn những thành quả công việc tập thể của họ, cùng nhau cử hành mỗi chiến thắng nhỏ hoặc lớn đạt được. Tôi biết anh em đang làm rất nhiều, nhưng tôi xin anh em hãy những rằng đó không phải là một công tác làm thêm, nhưng có lẽ đó là công tác quan trọng nhất, vì “những người nghèo là đối tượng ưu tiên của Tin Mừng” (Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Diễn văn với các Giám Mục Brazil, 11-5-2007, 3).

Sau bài huấn dụ, Đức Thánh Cha còn đối thoại với những người hiện diện và chúc lành cho mọi người. Ngài cũng tặng một số tiền cho cộng đoàn giáo xứ địa phương. Liền đó ngài đến sân bóng đá Kasarani cách đó 22 cây số để gặp gỡ 70 ngàn giới trẻ Kenya.

Sau thánh lễ với giới trẻ, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các Giám Mục Kenya trong phòng khánh tiết của sân vận động lúc 11:15.

Lúc 15:10, tổng thống Kenya đã tiễn Đức Thánh Cha bay sang Uganda tại sân bay quốc tế Jomo Kenyatta ở Nairobi.