Ước mơ của các tín hữu Kitô Iraq trở về thành phố quê hương Mosul của họ có lẽ đã trở nên mịt mờ hơn bao giờ sau cuộc tháo chạy tán loạn của các lực lượng được xem là ưu tú nhất của quân đội Iraq hôm Chúa Nhật 17 tháng Năm.

Trước sức ép của quân khủng bố Hồi Giáo IS tại Al Anbar, cửa ngõ tiến vào thủ đô Baghdad vì chỉ cách thủ đô chưa đầy 110km, nhà cầm quyền Iraq đã phải tung vào chiến trường những lực lượng thiện chiến nhất của họ trong đó có cả sư đoàn Vàng (Golden Division) được nhiều người so sánh với lực lượng vệ binh cộng hòa của tổng thống Saddam Hussein.

Cuộc chiến đã diễn ra ác liệt tại Ramadi là thủ phủ của tỉnh Al Anbar. Quân lực thiện chiến nhất của Iraq với sự yểm trợ của không quân Hoa Kỳ đã phải bỏ lại hơn 500 xác đồng đội trong một cuộc tháo chạy được mô tả là tồi tệ nhất trong chiến sử Iraq.

Quân Iraq bỏ xe tháo chạy lẫn trong dân
Chiến xa và các khí tài chiến tranh bị bỏ lại
Đại lộ kinh hoàng Ramadi - Baghdad
Dân chúng bị ngăn không cho chạy vào Baghdad
Dân chúng lang thang bên ngoài Baghdad
Bọn khủng bố oai phong lẫm liệt tiến vào Ramadi
Bắt đầu đốt phá các nhà thờ Kitô và các đền Hồi Giáo Shiite
Cuộc tháo chạy tại Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, đêm 9 rạng sáng ngày 10 tháng 6 năm ngoái đã được xem là tồi tệ. Cuộc tháo chạy lần này còn tồi tệ hơn hàng trăm lần xét vì vị trí chiến lược của Ramadi, sự yểm trợ của không quân Hoa Kỳ và sự tham gia của các lực lượng ưu tú nhất của quân đội Iraq. “Total Collapse” (phá sản hoàn toàn) là tựa đề trên các báo chí tại Hoa Kỳ mô tả chiến lược của tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama.

Hãng tin CNN của Hoa Kỳ nhận định rằng:

“Sự sụp đổ của Ramadi vào tay bọn Nhà nước Hồi giáo vào cuối tuần qua đã một lần nữa minh họa sức mạnh của nhóm này, bất chấp chín tháng không kích của Mỹ và liên quân vào các mục tiêu của chúng ở Iraq và Syria. Sự sụp đổ của Ramadi cũng lại một lần nữa dấy lên câu hỏi quan trọng về hiệu quả của chiến lược của Mỹ trong khu vực.”

Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cho biết ít nhất 25,000 dân chúng trong thành phố Ramadi đã tìm đủ mọi phương tiện để tháo chạy cùng với quân Iraq về phía thủ đô Iraq. Tuy nhiên, họ bị chặn lại bên ngoài thủ đô Baghdad. Chính quyền Iraq giải thích rằng quân khủng bố Hồi Giáo IS có thể trà trộn trong số những người di tản. Một trong những lý do khác là dân chúng trong thủ đô Baghdad có thể náo loạn trước những câu chuyện về hào quang chiến thắng của quân khủng bố Hồi Giáo IS và những trò giết người man rợ của chúng.

BBC tường thuật rằng quân khủng bố Hồi Giáo IS sau khi chiếm được Ramadi đã gỏ cửa từng nhà để lùng bắt các binh sĩ và các viên chức cảnh sát đưa đi hành quyết tập thể. Hàng trăm người đã bị bắt.

Chính phủ Iraq kêu gọi các nhóm vũ trang người Hồi Giáo Shiite được Iran hỗ trợ giúp củng cố các phòng tuyến ngăn chặn một cuộc tấn công vào thủ đô Baghdad. Hôm 12 tháng 5, tổng thống Fouad Massoum đã sang thăm Iran để củng cố thêm mối quan hệ. Chính sách dùng các lực lượng Hồi Giáo Shiite để chống lại quân khủng bố Hồi Giáo IS và mối quan hệ gắn bó với Iran xem ra đang làm cho các nước Hồi Giáo Sunni trong vùng Vịnh không mấy hài lòng. Mặc dù chống IS, các nước này tỏ ra không quan tâm lắm đến chiến sự tại Iraq và bỏ mặc cho nước này chống chọi với bọn khủng bố.

Trong khi đó, tại Syria, Đức Cha Antoine Audo, thuộc Dòng Tên, là Giám Mục Công Giáo nghi lễ Chanđê tại Aleppo nói với thông tấn xã Catholic News Service: “Chúng tôi đang mất dần niềm hy vọng.”

"Bây giờ tình hình của chúng tôi là rất xấu, rất khó khăn. Chúng tôi không có điện, không có nước. 80% người dân ở Aleppo không có việc làm. Tôi biết họ không có tiền để tồn tại"

Đức Cha cho biết hai phần ba trong số 150,000 Kitô hữu Aleppo đã rời thành phố. Về tình hình trong mấy ngày qua, Đức Cha Audo nói “Chúng tôi bị đánh bom hàng ngày. Tôi có thể bị đánh bom trên đường phố, trong nhà thờ, trong tòa giám mục, trong trường học. Chúng tôi không biết tại sao và mấy trái bom này ở đâu mà ra”.