THÁNH KAROL WOJTYLA KHUYÊN MỜI NGƯỜI VIỆT NAM

Ngày 22.10.2014, nhân dịp Giáo Hội Công Giáo cử hành lần đầu tiên Thánh Lễ kính nhớ Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, tức Karol Wojtyla, vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô phong Hiển Thánh ngày 27.04.2014, cùng với Đức Gioan XXIII, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Vatican. Tham dự Thánh Lễ, chúng tôi đã, kính nhờ sự bầu cử của tân Thánh Giáo hoàng, khẩn nguyện Ngôi Ba Thiên Chúa mở lòng trí người Công Giáo Việt Nam để nhận sự Chân Thật vì Sự Thật cứu chúng ta và đồng bào.

Là công dân Ba Lan, Thánh nhân không chỉ nghe mà đã sống dồi dào kinh nghiệm trong một chế độ phi nhân (vô tôn giáo, vô gia đình và vô Tổ quốc), nên câu nói đầu tiên triều đại Giáo hoàng của mình là : « Đừng sợ. » (x. Mat. 14 :27). Đức Gioan-Phaolô II, người kế nhiệm Thánh Phêrô duy nhất đến từ một quốc gia cộng sản và, từ Vatican, vị Giám mục Rôma đã góp phần cùng nhìn thấy Quê hương thoát nạn độc tài đỏ gian ác. Với tâm tình Cha Chung Giáo Hội Công Giáo Hoàn vũ, ngày 22.01.2002, Đức Thánh Cha đã tiếp các Đức Giám Mục Việt Nam nhân một dịp Ad Limina.

Sau khi chào mừng Đức Thánh Cha, cám ơn Tiền Nhân từ gần năm thế kỷ đã gieo Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội Đất Việt, Đức Cha Phaolô Nguyễn văn Hòa, Giám mục Nha trang, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, nói: « Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ nền kinh tế quốc doanh chuyển sang kinh tế thị trường, từ chủ thuyết cô lập tiến vào việc hội nhập với cộng đồng thế giới tự do… Thế nhưng, trong tiến trình đổi mới nầy Giáo Hội vẫn chưa được hưởng những tự do cần thiết ».

Đức Thánh Cha mở đầu Huấn từ bằng bày tỏ sự sung sướng được gặp gỡ hầu hết các Giám mục Việt Nam trong diễm phúc hiệp thông đầy tình huynh đệ và nhờ các Ngài chuyển đến toàn thể các thành phần Dân Chúa Việt Nam là Người cầu nguyện và khuyến khích chúng ta sống Phúc Âm bằng noi gương Tiền Nhân Tử đạo. Sau khi nhắc lại những hoạt động mà các Giám mục đã thực hiện từ sau lần ‘ad limina’ trước, Người mời: Giáo Hội Việt Nam Ra Khơi.

Nguyện xin một hơi thở từ Chúa Thánh Thần để có niềm phấn khởi mới trong việc giáo huấn, đào tạo, kinh nguyện cũng như công tác tông đồ mà các Giám mục thực hiện. Các dự án mục vụ cần vừa thích hợp với hoàn cảnh và nhu cầu khả hữu vừa lưu ý đến môi trường đang sống, trong đó, phải lưu ý yếu tố con người được vun bồi bởi nhiều nền văn hóa và truyền thống tôn giáo khác nhau. Việc thành lập Ủy ban Bác ái Xã hội cho phép mọi người có thể hình dung một hệ thống Tương trợ và Cứu tế hữu hiệu. Thật vậy, với cơ sở dù thô sơ hiện có, nhưng kinh nghiệm đã tích lũy từ lâu và nhân sự tại chỗ, chỉ cần sự đồng thuận của thẩm quyền chính trị, phương tiện sẽ có và công tác bắt đầu.

Ủy ban Văn hóa giúp chúng ta hiểu biết thêm các nền văn hóa khác và làm tăng sự tốt đẹp mối liên hệ với các Tôn giáo khác. Trong tường trình ngũ niên, các Giám mục đề cập đến sự phát triển huấn dạy giáo lý cơ bản lẫn đào luyện liên tục cho linh mục, tu sĩ và giáo dân để xây dựng và sống Đức Tin. Điều cần là cung cấp cho mọi người một giáo huấn vững chắc về học thuyết xã hội của Giáo Hội.

Giáo Hội Công Giáo cũng được kêu gọi chia sẻ niềm Hy vọng bằng luôn đề xuất con đường đối thoại. Chỉ một cuộc đối thoại tín nhiệm và xây dựng giữa các thành phần của xã hội dân sự cũng đủ mở ra một niềm hy vọng mới cho toàn dân Việt Nam. Đoạn 76 Gaudium et Spes viết ‘Giáo Hội, vì sứ mạng và chức năng mình, không lẫn lộn với một cộng đồng chánh trị và không bị gắn liền với bất cứ hệ thống chánh trị nào’. Bởi thế ‘cộng đồng chánh trị và Giáo Hội độc lập với nhau và tự trị trong lãnh vực chuyên biệt của mình’. Nhưng vì cả hai cùng được mời gọi hoàn tất sứ mạng riêng biệt phục vụ cùng một tập thể con người, sự phục vụ sẽ càng hữu hiệu nếu ‘cả hai thực hiện nhiều hơn nữa một sự hợp tác lành mạnh với nhau’. Vì ‘sự hợp tác lành mạnh nầy’, Giáo Hội mời tín hữu dấn thân cho sự phát triển mọi con người và xây dựng một xã hội công bằng, đoàn kết và bình đẳng. Giáo Hội không muốn thay người trách nhiệm Nhà nước, công việc của cá nhân hay tập thể. Để thực hiện sự ‘hợp tác lành mạnh’ nầy, Giáo Hội mong đợi nơi chánh quyền tôn trọng toàn diện sự độc lập và tự trị của Giáo Hội mà quyền Tự do Tôn giáo quí giá đã được khẳng định trong Công đồng Vatican II và trong những Tuyên ngôn và Quy ước quốc tế, cho từng cá nhân và những cộng đồng tôn giáo.

Vì sự Đổi Mới của Việt Nam được quảng cáo rầm rộ trên báo chí các quốc gia công nghiệp tiền tiến, nên cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và các Giám mục Việt Nam được giới truyền thông quốc tế, đặc biệt Công Giáo, đã đăng truyền Huấn từ này.

Nhật báo ‘La Croix’ (Thánh Giá), phát hành tại Pháp ngày 23.01.2002, dưới tựa đề « Jean-Paul II encourage les évêques vietnamiens qu’il juge ‘exemplaires’ » (Gioan-Phaolô Đệ Nhị khích lệ các Giám mục Việt-Nam mà Ngài cho là ‘mẫu mực’), đặc phái viên tờ báo tại Rôma đã nhắc lại cuộc thăm viếng ‘ad limina’ các Giám mục Việt Nam tại Vatican. Nhân dịp nầy, ‘La Croix’ mời đọc giả nhìn về hiện tình một Giáo Hội sinh động, nơi các bạn trẻ đến gõ cửa các chủng viện với một con số vượt hẳn con số Nhà nước cho phép. Ơn Gọi nữ tu thật là một sự triển nở mạnh mẽ (véritable exploision). Giáo Hội ở đây đã gặp những khó khăn như chính xã hội Việt Nam phải sống trong nghèo khó, thiếu thốn phương tiện học hành và trị liệu y tế.

Tuần báo ‘Famille Chrétienne’ (Gia đình Kytô giáo) số 1254, từ 26.01 đến 01.02.2002, có tiêu đề: ‘L'Eglise en liberté surveillée’ (Giáo Hội trong tự do canh chừng), nhân dịp các Giám mục Việt Nam thực hiện ‘ad limina’ và gặp Đức Thánh Cha. Các Giám mục chỉ nói công khai rất ít, do đó, chúng ta cần nhớ rằng Giáo Hội quốc gia nầy đang chịu đựng một tình trạng khó khăn. Ký giả Louis Naigre thuật: « Từ nhiều tuần nay, giáo dân sôi nổi vì, hôm 11.11, trong nhà thờ khắp thành phố, các Linh mục đọc bức thư mà Đức Tổng Giám mục Hà nội đã gởi Thủ tướng. Bằng những từ ngữ lịch sự nhưng quả quyết, Đức Hồng Y Phaolô Phạm Đình Tụng phản đối sự chiếm dụng một thửa đất, thuộc quyền sở hữu của Giáo Hội từ năm 1933, trước kia là Tòa Khâm sứ Tòa Thánh, bởi nhà cầm quyền Hà nội. Họ bắt đầu xây dựng trên đó một ‘trung tâm văn hóa’ lấn sang Tòa Tổng Giám mục và Đại chủng viện… ‘Việc đọc một bức thư phản đối có thể là một điều không đáng kể cho chúng ta, những người Tây phương, đã quen với những hình thức biểu tình đầy bạo động. Nhưng, ở Việt Nam, là việc đáng ngại'. « Tự do chúng tôi bị hạn chế rất nhiều. », một linh mục nói với ký giả. Một lần trú ngụ ngắn hạn có thể gây nên ảo giác. Sau 15 năm ‘đổi mới và canh tân’, quốc gia đã có nhiều thay đổi. Nhưng kết quả thì tương phản nhau: kinh tế có phát triển nhưng Đảng thì không bỏ dịp để can thiệp vào xã hội, tham nhũng ngày càng tệ hơn và gánh nặng hành chánh cũng không nhẹ hơn. Dù ở Hà nội, ở Huế (nơi phần lớn lãnh địa Dòng Biển Đức Thiên An bị tịch biên) hay ở Sài gòn (nơi nhiều giáo xứ đang xin trả lại đất mà người Công Giáo cho nhà cầm quyền ‘mượn’ năm 1976), vấn đề điền thổ vẫn có những khó khăn trọng yếu cần giải quyết.

Thời gian trôi nhanh : 12 năm và 9 tháng đã lần lượt đi vào quá khứ… Đức Gioan Phaolô II đã được Thiên Chúa gọi về Nhà Cha ngày 02.04.2005, lúc 9 giờ 47 (giờ Rôma) khi 84 tuổi. Ngày 01.05.2011, Người được Đức Thánh Cha Biển Đức 16 phong Chân Phước. Trong thời gian này, Học thuyết Xã hội Công Giáo đã có những bước tiến bộ dài để phù hợp với hiện trạng xã hội, nhưng huấn giáo của Thầy Chí Thánh, Đức Kitô, vẫn không thay đổi.

Đáp ứng yêu cầu từ các Đức Giám Mục tham dự Thượng hội đồng Giám mục Mỹ châu năm 1997, Đức Gioan-Phaolô II đã yêu cầu Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình thực hiện một ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo HộiỪ. Khi đó, Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đang phục vụ Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình và, từ ngày 24.06.1998, được Đức Gioan-Phaolô II bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng này. Với trách vụ đó, tại Vatican City, ngày 01.05.2000, Lễ kính Thánh Giuse Thợ, Đức Cha Thuận đã ký ban hành ‘Sưu tập những Bản văn Huấn quyền về Học thuyết xã hội Công Giáo’ (thường được gọi là ‘Agenda Social Vatican 2000’). Trong bản Sưu tập nầy, Đức Cha đã thu nhặt từ các văn kiện đang có trong kho tàng Giáo huấn xã hội Giáo Hội từ thời Đức Léon XIII đến Đức đương kiêm Giáo hoàng và viết thành 11 chương về các đề tài: Bản chất Học thuyết Xã hội Công Giáo, Con người, Gia đình, Trật tự Xã hội, Vai trò Nhà nước, Kinh tế, Lao động và Tiền lương, Sự Nghèo đói và Đức Bác ái, Môi trường, Cộng đồng Quốc tế và Chương Kết. Văn kiện này được dùng làm căn bản cho việc hoàn thành ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội’ hiện hành. Đức Cha tiếp tục viết văn kiện này. Tháng 07.2000, Đức Thánh Cha đã mời ông Michel Camdessus, vừa rời chức Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế ngày 14.02.2000 để trợ giúp chuyên môn cho Người. Ngày 04.04.2004, Đức Hồng Y Renato Raffaele Martino và Đức Cha Giampaolo Crepaldi, Chủ tịch và Tổng Thư ký Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, đã ấn ký ban hành ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội’ (bảng tiếng Việt : http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/justpeace/documents/rc_pc_justpeace_doc_20060526_compendio-dott-soc_vi.html )

Xin trở lại Huấn từ của Đức Thánh Cha trao cho các Giám mục Việt Nam ngày 22.01.2002. Trong đó, Thánh Giáo hoàng đã mời ‘Giáo Hội Việt Nam Ra Khơi’ bằng học hỏi vững chắc Giáo lý xã hội Công Giáo và thực hiện ‘Sự Hợp tác lành mạnh’ tôn trọng nguyên tắc ‘cộng đồng chánh trị và Giáo Hội độc lập với nhau và tự trị trong lãnh vực chuyên biệt của mình’. Nhưng vì cả hai cùng được mời gọi hoàn tất sứ mạng riêng biệt phục vụ cùng một tập thể con người, sự phục vụ sẽ càng hữu hiệu hơn’ để cho sự phát triển mọi con người và xây dựng một xã hội công bằng, đoàn kết và bình đẳng’. Huấn dụ của Cha Thánh, đến nay, chúng ta đã thi hành đến đâu ?

Ngày 27.05.2011, Ủy ban Công lý và Hoà bình Hội đồng Giám mục Việt Nam được tái lập năm 2010 và chính thức ra mắt tại Hội trường G.B. Phạm Minh Mẫn thuộc Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài gòn. Luật sư Lê Quốc Quân đã thuyết trình đề tài ‘Công lý và Hòa bình trong bối cảnh xã hội Việt Nam’ (thật hay về lịch sử và giáo lý… xin mời xem và nghe tại : https://www.youtube.com/watch?v=eY4g3KX1UQU . Hiện nay, Luật sư đang phải thụ án vì tội trốn thuế mà nhiều báo chí trên thế giới hoài nghi và xác tín rằng ông là một người yêu nước, chống ngoại xâm và can đảm.)

Nhân khóa học về Giáo huấn xã hội Công Giáo cho Giáo tỉnh Hà nội ngày 13 và 14.02.2012 tại Thanh Hóa, Đức Cha Phao lô Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Hội đồng Giám mục Việt Nam đã phát biểu : « Giáo huấn xã hội Công Giáo tiếp cận với những vấn đề nhạy cảm như nhân quyền, công bằng… nhưng đó không phải là cách thế để Giáo Hội đi đến lấn át hay thay thế chính quyền dân sự, nhưng muốn cùng với cộng đồng chính trị tham gia vào việc làm thăng tiến đời sống con người qua việc đối thoại thẳng thắn chân thành và cộng tác lành mạnh. Vì thế Giáo Hội muốn đối thoại thẳng thắn với cộng đồng chính trị để góp phần tìm ra những giải pháp làm thăng tiến con người, giúp phát triển con người toàn diện cả về đời sống vật chất và đời sống tâm linh. Sứ vụ này đòi hỏi chúng ta phải học hỏi, quảng bá và có cả những chấp nhận trả giá. Tuy nhiên, do bối cảnh ra đời Uỷ ban Công lý và Hòa bình khiến nhiều người hiểu nhầm mục đích hoạt động của tổ chức, thường đồng nhất những hoạt động đòi Công lý và Hòa bình với việc làm mang tính chính trị. »

Chúng ta nối bước theo Đức Kitô vì ‘Ngài là Đường, Sự Thật và Sự Sống’ (x. Ga 14,6) để ‘Sự Thật sẽ giải thoát anh em’ (x. Ga 8,32).

Hà Minh Thảo