KONTUM - Dưới cơn mưa tầm tả và lạnh rét của núi rừng Tây Nguyên, hàng trăm xe ô tô và hàng chục ngàn xe máy không chỉ là tín hữu của Kontum mà còn từ khắp nơi về với Mẹ, vượt qua quãng đường đèo dốc quanh co của con đường dài gần 60 km tính từ Tòa Giám mục Kontum lên đồi Đức Mẹ Măng Đen thuộc xã Măng Đen, huyện Kon Plong.

Hình ảnh

Vâng lời Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, phóng viên của VietCatholic cùng hòa nhập với giòng người hành hương viếng Đức Mẹ Măng Đen dịp lễ Đức Mẹ Sầu Bi, tước hiệu của Mẹ Măng Đen. Chỉ riêng với đoạn đường đèo Măng Đen dài 12 km đã có đến 100 khúc cua hiểm trở với sườn núi dựng đứng, một bên là vực sâu.

Theo thống kê của Giáo phận Kontum thì toàn Giáo phận có chừng 300 ngàn người Công Giáo, nhưng trong số đó có đến 2/3 là người dân tộc thiểu số Bana, Sêđăng, Giẻ tiêng, Rơ Ngao. V.v…mà đông nhất là người Bana.

Trải qua 2 ngày hành hương, chúng tôi cảm nhận được nét văn hóa rất lịch sự của người dân tộc cho dù họ là những con người ít học nếu không muốn nói là mù chữ, nhưng cách xử sự rất văn minh. Trước Đền Đức Mẹ Sầu bi Măng Đen, từng hàng người tự động sắp hàng rất thứ tự để lên viếng Mẹ, không chen lấn, không dành giật nhau, không phân biệt linh mục hay giáo dân. Nét văn hóa lịch sự đó có lẽ đã được ăn sâu bén rễ vào cuộc sống của các sắc tộc từ khi họ được các vị Thừa sai đến truyền giáo tại vùng núi rừng Tây nguyên này

Đặc biệt, Ban Tổ chức Hành hương rất chú trọng đến việc ăn uống và đi lại của đoàn người hành hương, vì họ là những con người rất nghèo khổ. Những hàng ăn được ban tổ chức lập ra để bán cho người hành hương kể cả các linh mục cũng đều được mua với giá rất rẻ, có thể nói là chưa đủ với số vốn như: 1 gói mì đã hơn 3 ngàn đồng nhưng 1 tô mì ở đây chỉ bán với giá 2 ngàn đồng, 2 quả trứng gà luộc chỉ với giá 5 ngàn đồng. Đó là nhờ vào những tấm lòng hảo tâm của những người hảo tâm tình nguyện đứng ra phục vụ. Ban tổ chức còn lập ra đội xe lưu động dọc đường do những thanh niên tình nguyện để sửa chữa hoặc vá lốp xe dọc theo tuyến đường. Khi có chiếc xe nào bị sự cố, điện thoại đến là họ lập tức chạy đến nơi sửa chữa miễn phí. Ngoài ra còn có 2 chiếc xe cứu hộ luôn túc trực để phục vụ miễn phí khi có xe ôtô bị mắc lầy dọc đường.

Đúng 9 giờ sáng ngày 15/9, Thánh lễ Đại triều Kính Đức Mẹ Sầu Bi do Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kontum chủ tế, cùng đồng tế có Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, Đức Phêrô Trần Thanh Chung, nguyên Giám mục Giáo phận Kontum và gần 200 linh mục trong và ngaoì giáo phận. Theo ước tính của chúng tôi, số khách hành hương lên đến trên 50 ngàn người kể cả người lương.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Cha Chủ tế chào cộng đoàn hành hương và mời gọi mọi người hãy đến với Mẹ để Mẹ dẫn dắt chúng ta đến với Chúa là Cha đích thực. Xin Mẹ dạy chúng ta đến với anh chị em chúng ta là những người đang chịu đau khổ trên toàn thế giới.

Thánh lễ bắt đầu với Kinh Thương xót bằng tiếng Bana do Đức Cha chủ tế khởi xướng: “Ơ Kơdră Ih’mêm manat kơ nhôn…”

Kính Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời cũng được Đức Cha chủ tế tiếp nối bằng tiếng Bana: “Thui Ư-ang Bă Yang oei tơ plenh…, cộng đoàn cùng sốt sắng hát vang cùng với vũ điệu tôn vinh của các thiếu nữ dân tộc Bana hòa với tiếng cồng chiêng đặc sắc truyền thống tây nguyên.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha chia sẻ: Tại mãnh đất Măng Đen này, phần nào chúng ra cảm nhận được hình ảnh của Mẹ Sầu Bi. Hôm nay, tại đồi Đức Mẹ Măng Đen này, không chỉ tín hữu Công Giáo mà còn rất nhiều người lương hiện diện nơi đây, chúng ta tự hỏi: “vì sao chúng ta đến đây?” Vì chúng ta đến để khẩn cầu cùng Mẹ, xin Mẹ che chở chúng ta trong lúc gian nan khốn khó. Nhưng nếu chúng ta đến đây chỉ để cầu xin thì không đủ, mà chúng ta đến đây còn để lắng nghe lời Mẹ dạy.

Chúng ta đến với Mẹ, than thở càu xin cùng Mẹ, tạ ơn Mẹ rồi ra về mà quên nghe lời Mẹ dạy. Bởi vậy chúng ta phải để ý đến lời Mẹ dạy chúng ta, những sư điệp mà Mẹ đã gởi đến cho chúng ta. Mẹ nhắc nhở chúng ta con người yếu đuối của mình phải biết lắng nghe Lời Chúa là con của Mẹ.

Qua Mẹ, Chúa mời gọi chúng ta phải biết yêu thương những con người đau khổ bệnh tật, những người bị gạt bỏ ra ngoài xã hội vì họ chính là hình ảnh của Chúa: “Những gì các con đã làm cho người bé mọn chính là đã làm cho Thầy”.

Cũng vậy, Kinh Tin kính: “ Inh lui kơ minh pôm Bă Yang,-Yăng Bă ‘Bok bơxêh tap păng…” hết sức sinh động và đầy thánh thiêng giữa núi rừng. Các thiếu nữ Bana như hòa cả tâm hồn vào điệu múa.

Phần dâng lễ vật gồm những hoa trái ruộng đồng và núi rừng do các em thiếu niên nam nữ các sắc tộc và kinh cùng dâng lên Thiên Chúa với tất cả tấm lòng thành kính qua những vũ khúc đặc sắc dân tộc Tây nguyên.

Sau Thánh lễ, Cha đại diện Ban Tổ chức thay mặt Giáo phận cảm ơn Quý Đức Cha, quý Cha và cộng đoàn đã sốt sắng hiệp dâng Thánh lễ mừng Kính Đức Mẹ Sầu Bi, tước hiệu của Mẹ Măng Đen. Cảm ơn các ban nghành và các nhóm thiện nguyện đã tích cực góp sức trong hai ngày hành hương. Đồng thời Ngài cũng cảm ơn chính quyền các cấp đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong 2 ngày hành hương, đặc biệt giữ gìn trật an toàn giao thông trên tuyến đường.

Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kontum cảm ơn Đức Cha Phaolô đã không quản ngại đường sá xa xôi, thời tiết khắc nghiệt để đến hiệp dâng Thánh lễ với cộng đoàn hành hương. Ngài cảm ơn toàn thể mọi người hành hương không phân biệt lương giáo đã sốt sắng cầu nguyện với Mẹ, Ngài đề nghị mọi người ra về trật tự và nghiêm túc giữ gìn trật tự an toàn giao thông để tránh gây ách tắc trên đường cũng như tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Ngài cũng thông báo cho cộng đoàn, kể từ nay ngày hành hương Đức Mẹ Măng Đen sẽ chuyển sang ngày 10/12 hàng năm để tránh thời tiết mưa bảo. Bắt đầu từ ngày 10 tháng 12 năm 2014 này sẽ hành hương Đức Mẹ Măng Đen Bế mạc Năm Tân Phúc âm hóa Gia đình và Khai mạc Năm Tân Phúc âm hóa Xứ Đạo theo tinh thần của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Cuối cùng Ngài mời gọi hai Đức Cha cùng ban Phép lành của Tòa Thánh cho cộng đoàn hành hương.