NGƯỜI VIỆT NHẬP CUỘC BẦU CỬ 2004 TẠI HOA KỲ

Năm bầu cử 2004 tại Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ đánh dấu, lần đầu tiên người Mỹ gốc Việt sẽ bước vào tòa nhà Lập Pháp tại California hay cả Liên bang?

Hai ông Phạm Kim Long Trần Thái Văn ứng cử vào Hạ nghị viện California và ông Nguyễn Ðức Tân ứng cử dân biểu Hạ nghị viện Liên bang. Cuộc bầu cử sơ tuyển sẽ diễn ra ngày 02.03.2004. Trong cùng ngày nầy, được mệnh danh là « Siêu Thứ Ba » (super Tuesday), các tiểu bang Connecticut, Georgia, Maryland, Massachusetts, Minnesota, New York, Ohio, Rhode Island và Vermont cũng tổ chức các cuộc bầu cử sơ tuyển.

Các ứng viên Dân chủ đang vận động để được ra tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ đang mở cuộc tranh luận cuối cùng trước khi diễn ra các cuộc bầu cử có tính cách quyết định tại 10 tiểu bang Mỹ.

I. LƯỠNG ÐẢNG CHÍNH TẠI HOA KỲ.

Ðảng Cộng Hòa thường được coi như có khuynh hướng bảo thủ, chủ trương tự do kinh doanh càng nhiều càng tốt. Chính phủ nên đóng vai trò điều hòa chính sách kinh tế quốc gia, can thiệp vào đời sống kinh tế càng ít càng tốt. Hãy để tư nhân tự quyết định theo định luật thị trường tự do. Bởi thế, đảng Cộng Hòa có khuynh hướng thu hẹp guổng máy Công Quyền, bớt số cơ quan và công chức, hầu giảm thuế cho người dân.

Ðảng Dân Chủ cho phép Chính phủ can thiệp nhiều hơn vào đời sống xã hội. Nhân danh sự bình đẳng trong sinh hoạt kinh tế mà họ tin rằng thị trường tự nó không giải quyết được. Những chương trình xã hội giúp người nghèo, người yếu kém về mặt kinh tế, giúp các nhóm người gọi là thiểu số bị lép vế, thường do các chính quyền Dân Chủ đưa ra. Dĩ nhiên, khi có các công tác đó đòi hỏi phải có các cơ quan phụ trách, phải thêm công chức, tức phải tăng chi tiêu, nghĩa là thuế tiền phải được tăng hơn.

Trên chính trường Hoa Kỳ, hai đảng nầy thay phiên nhau đắc cử và điều khiển quốc sự. Thực sự, có những người thiết tha với một đảng và chỉ bầu cho đảng đó mà thôi. Nhưng cũng nhiều người muốn xử dụng quyền chế tài chánh trị để thay đổi đảng cầm quyền, khi Chính phủ xuất nhiệm không làm vừa lòng họ. Khi thấy guồng máy chính quyền nặng nề và can thiệp vào đời sống kinh tế nhiều quá, thuế nặng và bị chi tiêu phí phạm thì số cử tri gọi là độc lập, trung dung đó sẽ chọn đảng Cộng Hòa. Trái lại, khi thấy quảng đại quần chúng yếu thế về kinh tế, số người thất nghiệp hay không có bảo hiểm y tế đông quá, người ta có thể nghiêng về đảng Dân Chủ. Nhờ chế độ dân chủ nên dân Mỹ có thể thay đổi đảng cầm quyền bằng đảng sẳn sàng đáp ứng nhu cầu chung của xã hội, theo từng giai đoạn. Nhóm cử tri độc lập và trung dung thường đóng vai điều chỉnh chính sách quốc gia theo nhu cầu giai đoạn, khi họ đầu phiếu.

Cũng như các kỳ tuyển cử vừa qua, yếu tố kinh tế vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Nhưng, năm nay, các ứng cử viên tranh luận về nhiều vấn đề khác, như cuộc chiến chống khủng bố, chiến tranh Iraq hoặc các vấn đề có tính chất tôn giáo như cấm hay không cấm phá thai, có nên sửa hiến pháp để chỉ chính thức công nhận hôn nhân của hai người khác phái tính, cấm hôn nhân đồng tính hay không. Tuy nhiên, sau cùng các vấn đề kinh tế sẽ quyết định ai đắc cử Tổng thống hoặc vào quốc hội Hoa Kỳ.

II. CỬ TRI SẼ BẦU CHỌN GÌ TRONG NGÀY 02.03.2004?

Các cuộc bầu cử sơ tuyển đã diễn ra tại Iowa ngày 19.01.2004 cho tới ngày 08.06.2004 tại Montana, Nam Dakota. Sau đó, đảng Dân chủ sẽ tổ chức Ðại Hội Ðảng từ 26 đến 29.07.2004 tại Boston (Massachusetts) để chính thức đề cử ứng cử viên Tổng Thống và Phó Tổng Thống, đứng chung trong liên danh Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng Thống ngày 02.11.2004. Ðảng Cộng hòa nhóm Ðại Hội Ðảng từ 26 đến 29.07.2004 tại New York.

Ðảng Cộng hòa chỉ có một ứng cử viên duy nhất được bầu phiếu là đương kiêm Tổng Thống George W. Bush. Trong khi, các ứng viên Dân chủ đang vận động để được ra tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ đang mở những cuộc vận động cuối cùng trước khi diễn ra các cuộc bầu cử tại 10 tiểu bang quyết định ngày 02.03.2004. 25% số đại biểu tham dự Ðại Hội Ðảng được định đoạt qua ngày bầu cử này.

Hiện nay John Kerry đã có 686 đại biểu và John Edwards 206 đại biểu. Nếu Kerry thắng khoảng trên 2/3 số đại biểu trong ngày “Siêu Thứ Ba” thì dù Edwards có tiếp tục tranh cử cũng không thể nào hy vọng đảo ngược tình thế. Số đại biểu cần đạt tới để được đảng Dân Chủ chính thức tấn phong làm ứng cử viên Tổng thống là 2162.

Các tiểu bang New York, Maryland, Connecticut theo thể thức bầu cử sơ bộ khép kín (closed primary), chỉ có cử tri ghi danh theo đảng mới được bỏ phiếu cho ứng cử viên trong đảng đó. California, Massachusetts, Rhode Island theo thể thức bầu cử sơ bộ khép kín có chấn chỉnh (modified closed primary) khác với khép kín hoàn toàn ở chỗ cử tri độc lập (không ghi danh đảng nào) được quyền chọn bầu phiếu trong một đảng mà họ muốn.

Georgia, Ohio, Vermont theo thể thức bầu cử sơ bộ mở rộng (open primary), tất cả cử tri khi ghi danh không nêu rõ ở trong đảng nào và do đó tùy ý bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng nào cũng được. Minnesota áp dụng hình thức bầu cử nội bộ mở rộng (open caucus), cử tri trong ngày bầu cử muốn tham dự họp bầu đại biểu, chỉ cần tuyên bố họ đồng ý theo đảng đó.

Tại mỗi tiểu bang, ngoài việc bầu sơ bộ ứng cử viên Tổng thống, cử tri còn bầu toàn thể ứng cử viên Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ liên bang và tiểu bang, và tùy nơi sẽ bầu ứng cử viên Thống đốc, cùng nhiều chức vụ dân cử địa phương khác. Ngoài ra, cử tri có thể dự các cuộc Trưng Cầu Dân Ý.

Vì người Việt chúng ta đang hiện diện hay có nhiều thân nhân, bè bạn tại California, nên xin mời đọc giã hướng nhìn về cuộc bầu cử ngày 02.03.2004 tại tiểu bang nầy.

California, với 35 triệu người, là tiểu bang đông dân nhất Hoa Kỳ. Do đó, California là tiểu bang quyết định với 370 đại biểu qua bầu cử sơ bộ và 71 siêu đại biểu nghĩa là những giới chức dân cử và lãnh đạo đảng được đương nhiên chỉ định.

Mỗi cử tri tại Quận Cam sẽ đầu phiếu cho các cuộc bầu cử sau đây:

1/ Chọn ứng cử viên Tổng thống

Ðảng Dân Chủ, nếu là cử tri ghi danh theo đảng Dân Chủ hoặc không ghi danh theo đảng nào và muốn tham gia cuôc đầu phiếu này, bạn sẽ lựa chọn trong số 5 ứng cử viên mà người dẫn đầu hiện nay là ông John Kerry.

Nếu là cử tri Cộng Hòa, bạn không có lựa chọn. Hãy ghi tên Tổng thống G.W.Bush đương nhiệm vì đảng đã mặc nhiên chỉ định ông tranh cử một nhiệm kỳ nữa.

2/ Bầu ứng cử viên Thượng Nghị Sĩ Liên Bang:

- Đảng Dân Chủ: chỉ có một ứng cử viên duy nhất là bà Barbara Boxer, đương kim Thượng Nghị Sĩ.

- Đảng Cộng Hòa: có tới 11 ứng cử viên mà hai người khá quen biết là ông Bill Jones cựu ứng cử viên Thống đốc California và bà Rosario Marin, Bộ trưởng Tài chánh - người có chữ ký trên các tờ giấy bạc mới như tờ $5.

3/ Bầu Dân Biểu Liên Bang (U.S. Representative): mỗi lá phiếu đều có tên các ứng cử viên đảng của mình thuộc một trong các đơn vị (tại Orange County) 40, 42, 44, 46, 47, 48. Đơn vị 46 trong đảng Dân Chủ có một ứng cử viên người Việt là ông Nguyễn Ðức Tân.

4/ Bầu Nghị Sĩ California: tại Orange County chỉ có 3 đơn vị bầu cử lại 29, 33, 35. Cử tri không thuộc ba đơn vị này sẽ không thấy tên ứng cử viên.

5/ Chọn Dân Biểu California: tất cả cử tri đều chọn một ứng cử viên trong đảng của mình, thuộc một trong số các đơn vị 56, 60, 67, 68, 69, 70, 71, 72, 73. Trong lá phiếu đảng Cộng Hòa ở đơn vị 68 có tên ứng cử viên Trần Thái Văn và ở đơn vị 70 có tên ứng cử viên Phạm Kim Long, hai người Việt Nam.

6/ Bầu chức dân cử địa phương: Giám Sát Viên Orange County khu vực 1 (4 ứng cử viên: Brucewater, Correa, Franklin, Marsh) và khu vực 3 (ứng cử viên duy nhất). Những cử tri không thuộc 2 khu vực trên sẽ không thấy tên ứng cử viên ở chức vụ này trong lá phiếu.

Trên lá phiếu còn có tên một số ứng cử viên vào các chức vụ Ủy Ban Đảng Bộ, tùy theo nơi và theo đảng.

Ngoài ra tại mỗi địa phương, thành phố, cử tri có thể thấy tên các viên chức tư pháp, giáo dục, hội đồng thị xã, các biện pháp áp dụng cho địa phương,...Đặc biệt trong kỳ bầu cử này, tất cả các đơn vị tư pháp (tòa án) và giáo dục (học khu), mỗi nơi đều chỉ có 1 ứng cử viên nên được coi là đương nhiên trúng cử và trên lá phiếu sẽ không ghi tên của họ.

7/ Tham gia các cuộc Trưng Cầu Dân Ý

Bỏ phiếu YES hay NO để cho ý kiến về các Dự Luật 55, 56, 57, 58.

Luật 55: phát hành công khố phiếu vay 12 tỷ, tính cả lời trả 30 năm lên đến 24 tỷ. Tiền vay dùng để lo việc giáo dục cho con em. Nếu Yes, có tiền cho việc giáo dục, nhưng dân sẽ chịu thêm thuế. Nếu No, thì hệ thống giáo dục sẽ thiếu tiền.

Luật 56: Tu chỉnh lại hiến pháp để việc thảo luận về ngân sách được dễ dàng hơn. Người thuận cho là hợp lý, người chống cho là thả lỏng thì sẽ dễ lạm dụng.

Luật 57: Phát hành công phố phiếu vay 15 tỷ, trả 30 năm có thể cả vốn lẫn lời lên đến 30 tỷ. Dùng tiền trả nợ cho tiểu bang đang thiếu hụt. Nếu Yes thì tạm ổn định, nhưng sẽ trả thuế cao hơn. Nếu No thì ngân sách còn khủng hoảng.

Luật 58: Cho phép cân bằng ngân sách.

Tất cả các dự luật kể trên rất là phức tạp, các nhà chuyên môn còn chưa hiểu hết. Tuy nhiên trên Radio và TV vẫn thường đon giản hóa để vận động bầu Yes hoặc No.

Trở lại với cuộc bầu cử sơ bộ chọn ứng cử viên Dân chủ để tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ tại các tiểu bang khác trong ngày 02.03.2004.

New York là tiểu bang quan trọng thứ nhì trong cuộc bầu cử ngày nầy để chỉ định 236 đại biểu, ngoài ra còn 49 siêu đại biểu.

Ohio có 159 đại biểu trong đó 19 là siêu đại biểu. Năm 2000, Bush thắng Gore tại đây với tỷ lệ phiếu 50%-46.4%. Kinh tế và việc làm là đề tài tranh cử có tầm quan trọng nhất ở tiểu bang nầy.

Massachusetts 121 đại biểu (kể cả 28 siêu đại biểu), tiểu bang thiên về Dân Chủ; bầu cử Tổng thống năm 2000 Gore 59.8%, Bush 32.5%. John Kerry là Thượng Nghị Sĩ tiểu bang này và, nếu trở thành ứng cử viên Tổng thống, ông có thể coi như nắm chắc thắng lợi ở đây trong cuôc tuyển cử ngày 02.11.2004.

Georgia có 102 đại biểu gốm cả 16 siêu đại biểu. Trong thời gian hơn hai thập niên gần đây, cử tri Georgia có khuynh hướng ủng hộ Cộng Hòa. Theo thăm dò dư luận, đây có thể là tiểu bang duy nhất John Edwards có nhiều hy vọng thắng phiếu John Kerry.

Maryland, 98 đại biểu (kể cả 29 siêu đại biểu), Cộng Hòa và Dân Chủ trong tình thế ngang ngửa tại tiểu bang.

Minnesota 72 đại biểu thường và 14 siêu đại biểu.

Connecticut 49 đại biểu và 12 siêu đại biểu.

Rhode Island 21 đại biểu và 11 siêu đại biểu.

Vermont 15 đại biểu và 7 siêu đại biểu. Năm 2000 Gore 50%-Bush 40%.

Các cuộc thăm dò công luận cho thấy nghị sĩ Kerry, người có nhiều triển vọng trong cuộc đua của đảng Dân chủ, đang dẫn đầu trong cuộc bầu cử sơ bộ tại 10 tiểu bang nầy. Chiến thắng tại các tiểu bang lớn, nhất là tại New York và California, chắc chắn sẽ bảo đảm cho việc ông được đảng Dân Chủ đề cử ra tranh đua với Tổng Thống Bush trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 tới.

Ngoài ra, trong 10 tiểu bang nẩy, có đến 8 tiểu bang đã là nơi mà Dân Chủ thắng Cộng Hòa ở kỳ bầu cử Tổng Thống năm 2000. Khuynh hướng cử tri trong cuộc bầu cử tháng 11 có thể sẽ được phản ánh một phần qua cuộc bầu cử ngày Thứ Ba, căn cứ trên số cử tri đi bầu cũng như kết quả giữa Kerry và Edwards ra sao.

III. VÀI ÐIỀU ÐÁNG LƯU Ý:

1. Các giới quan sát hy vọng cử tri gốc Việt sẽ đi bầu để chứng tỏ sự quan tâm và sức mạnh qua số cử tri đi bầu. Có thể không nắm vững các chi tiết, vậy thì chỗ nào biết rõ thì bầu, không rõ có thể bỏ qua.

2. Ghi danh cho đảng nào thì chỉ bầu cho đảng đó. Nếu ghi danh không đảng phái, cần nhớ là trước khi bỏ phiếu có thể xin được phép chọn tạm một đảng. Đó là điều luật mới dành cho người không có đảng được phép ghé vào một đảng để bầu theo từng mùa bầu cử.

3. Hãy chuẩn bị cho kỳ bầu cử tháng 11 với 2 phe Dân Chủ - Cộng Hòa đối đầu trong chức vụ Tổng Thống.