Nếu trong năm 2003, mối bận tâm chính của Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu là cuộc chiến Iraq và chống khủng bố, thì ở châu Á, mối bận tâm lại tập trung vào một vấn đề khác.

Sau nhiều tháng che dấu, chính phủ Trung Quốc đành tiết lộ một bí mật, một căn bệnh mới đang lan tràn ở nhiều tỉnh trên toàn quốc.

Đây là lúc chính phủ Trung Quốc công nhận là có một hình thức sưng phổi mới.

Vấn đề là tuy hệ thống thông tin nhà nước Trung Quốc nói đến bệnh SARS, nhưng vẫn rất giới hạn.

Không thấy nhắc nhở gì đến việc Trung Quốc đang che dấu số thương vong, rằng tổ chức Y Tế Thế Giới WHO, đang chỉ trích cách nhà nước đối phó với căn bệnh này. Nhân dân Trung Quốc trong khi đó hốt hoảng, bởi họ không thể trông cậy vào tin tức từ giai cấp lãnh đạo nữa.

Giám đốc điều hành chương trình chống bệnh truyền nhiễm của WHO David Heyman nhận xét:

“Toán quan sát của chúng tôi ở Trung Quốc cho biết vấn đề trầm trọng hơn là đã được công bố.”

Nhưng giới lãnh đạo mới của Trung Quốc đã có những biện pháp mạnh. Và sang tháng đầu tháng 6 tin mừng đã đến: Trung quốc chính thức không còn bệnh SARS nữa.

Câu hỏi về Trung Quốc

Và nhóm lãnh đạo chính trị mới vừa được bầu lên vào cuối năm 2002 đã phải qua một cơn thử lửa mà như Adam Brookes, thông tín viên đài BBC ở Bắc Kinh thì họ đã thành công nhưng không biết tương lai sẽ ra sao:

“Những người lạc quan thì hy vọng là nó sẽ khuyến khích nhà nước đáp ứng hơn với quần chúng, khuyến khích thêm tự do báo chí và tự do thông tin, còn những người bi quan thì ngần ngại không muốn chấp nhận điều này và không nghĩ là SARS sẽ tạo thay đổi sâu xa trong bầu không khí chính trị ở đây.”

Tháng 11 năm 2002, ông Hồ Cẩm Đào đã được bầu lên làm lãnh tụ. Ông Hồ là một nhân vật không mấy ai biết đến.

Trong bài diễn văn nhậm chức, ông Hồ nói là nhân dân và đảng phải có liên hệ mật thiết hơn.

Theo ông Lâm Tiểu Văn của Đài phát thanh quốc tế của Trung Quốc thì ngay từ đầu ông Hồ đã tìm cách tỏ ra là mình gần gũi nhân dân:

“Chuyến công du đầu tiên của ông Hồ ra khỏi Bắc kinh là để đi đến Tây Bách Phu, nơi đảng Cộng sản lập căn cứ địa đầu tiên. Nó tiêu biểu cho tinh thần của đảng cùng nhân dân đấu tranh.”

Và điều này cũng đi kèm theo việc bỏ những hành động đã trở thành thông lệ như mỗi mùa hè thì tất cả hang lãnh đạo kéo nhau đi đến khu nghỉ mát Bắc Đới Hà, và nó cũng thể hiện qua phản ứng nhậm lẹ đối với bệnh SARS.

Nhưng liệu ông Hồ có thể được coi như là một nhà canh tân chăng. Giáo sư chính trị học Lưu Quân Ninh thì nghĩ là có giới hạn:

“Tùy xem chúng ta định nghĩa một nhà canh tân là gì. Một nhà canh tân nhưng vẫn họat động trong hệ thống thì đúng ông Hồ là một nhà canh tân. Nếu ta nói đến một người tung ra những cải tổ căn bản, hay khởi sự việc chuyển biến của một chế độ thành một chế độ khác, thì ông ta không phải là một nhà canh tân.”

Nửa triệu người ở Hồng Kông phải đối việc chính quyền đưa ra một đạo luật về an ninh nội chính.

Sự biểu tình cho thấy cái khó mà Trung Quốc đang phải đối đầu nếu một khi kinh tế chậm phát triển, bởi chính sự trì trệ kinh tế của Hồng Kông đã khiến người dân của một lãnh địa vốn nổi danh thờ ơ với kinh tế tỏ thái độ.

Bom tự sát

Vụ nổ bom tại khách sạn Marriot ở ngay giữa thủ đô Jakarta hôm mùng 5 tháng 8, nhắc nhở cho vấn đề khủng bố mà Indonesia, quốc gia đông dân nhất vùng Đông Nam Á vẫn phải đối đầu.

Đây là vụ nổ bom thứ nhì trong vòng chưa đầy hai năm.

Và chính phủ đã phản ứng mạnh.

Amrozi, một trong những bị cáo. Amrozi, một người thợ sửa xe hơi 40 tuổi, sống ở một ngôi làng hẻo lánh ở Đông Java, đã bị cáo buộc là cung cấp thuốc nổ và cái xe hơi dùng trong vụ bỏ bom ở Bali.

Vấn đề thứ nhì mà Indonesia còn đang phải đối đầu là cuộc chiến ở Aceh. Chính phủ Indonesia đã rút ra khỏi cuộc điều đình và tổ chức một cuộc tấn công.

Phong trào Aceh tự do, mà tên gọi tắt tiếng Indonesia là GAM tuyên bố sẽ chống cự với chiến tranh du kích.

Kinh tế và an ninh

Nhưng quay sang nền kinh tế mạnh nhất vùng thì vấn đề cũng khó khăn không kém.

Sau 13 năm ròng rã, nền kinh tế Nhật Bản đã tỏ ra có dấu hiệu hồi phục, một điều làm cho nhiều quốc gia trong vùng thở phào nhẹ nhõm.

Nhưng trong khi đó quyết định của thủ tướng Junichiro Koizumi nhất định gửi quân sang ủng hộ Hoa Kỳ và Anh Quốc ở Iraq đã gặp khá nhiều chống đối trong nước cũng như hờ hững từ các quốc gia láng giềng.

Chương trình hạch tâm của Bắc Hàn đã gây khó khăn cho các quốc gia láng giềng và cho chính Hoa kỳ.

Cuộc khủng hoảng khởi sự vào cuối năm 2002, khi Bắc hàn công khai công nhận họ đã vi phạm thỏa thuận năm 1994 với Hoa kỳ và tiếp tục việc xây dựng vũ khí hạch tâm.

Bắc Hàn nói mục tiêu của họ là để có một khả năng tự vệ chứ không phải để đe dọa ai cả.

Vấn đề tranh cãi là Bắc Hàn đòi phải có một cuộc điều đình tay đôi với Hoa Kỳ trong khi Washington thì cương quyết chỉ nhận một cuộc điều đình đa phương với sự tham dự của Nam Hàn, Nhật Bản và Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng hơi giảm khi Trung Quốc tích cực vận động Bắc Hàn và nhờ vậy một hội nghị sáu bên được tổ chức ở Bắc Kinh với sự tham gia ngoài Hoa Kỳ, Bắc Hàn và Trung Quốc, còn có sự tham dự của Nam Hàn, Nhật Bản, và Nga.

Nhưng cuộc họp lần thứ nhì đáng lẽ dự trù cho cuối năm 2003 đã bị hõan lại.

ASEAN

Cuộc họp thượng đỉnh của ASEAN năm nay ở Bali vào tháng 10 năm nay đã nhóm họp với nhiều hy vọng là ASEAN sẽ có ý kiến về việc Miến Điện tiếp tục giam giữ bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đối lập.

Và kết quả là một quyết định điển hình của ASEAN: Các vị bộ trưởng đã yêu cầu ngoại trưởng Miến Điện hãy tiếp tục con đường hòa giải dân tộc và tiếp tục hợp tác với đặc sứ của ông Tổng thư Ký Liên Hiệp Quốc Razali Ismail để bảo đảm có tiến bộ trong vấn đề này.

Một giải quyết điển hình của ASEAN, và dĩ nhiên tình hình ở Miến Điện không thay đổi.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhật ASEAN mới tổ chức hồi đầu tháng 12, thủ tướng Nhật bản, ông Junichiro Koizumi tuyên bố

“Chúng tôi làm việc này để làm sâu đậm thêm liên hệ mà chúng tôi đã có với ASEAN từ 30 năm nay. Nếu nhìn tình hình theo chiều hướng đó, việc Trung quốc phát triển liên hệ với ASEAN là một điều rất tốt cho Nhật Bản và cho ASEAN”.

Sở dĩ ông Koizumi cảm thấy cần biện minh chính là vì một thành công của hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Bali, đó là thỏa thuận thành lập một khu mậu dịch tự do với Trung Quốc và một Thị trường chung vào năm 2020, một điều mà bà Megawati Sukarnoputri, với tư cách là nước chủ nhà, đã chào đón.

Nhưng con đường đi đến 2020 còn nhiều chông gai và trong khi đó ASEAN tiếp tục phải đối đầu với những khó khăn quốc tế và nội bộ.

Ở Thái Lan cuộc chiến chống ma túy của chính phủ, khiến hơn hai ngàn người thiệt mạng, đã tạo phản ứng từ nhân vật được mến chuộng nhất nước Thái, quốc vương Bhumipol khiến nhiều người ở Thái Lan e ngại một cuộc khủng hỏang hiến pháp giữa vị quân vương và một thủ tướng được dân chúng ưa chuộng và có tài mị dân.

Bay lên không gian

Vụ phóng người lên không gian của Trung Quốc là biểu tượng đầy tự hào của sự trưởng thành của kỹ thuật Trung Quốc.

Vụ phóng thành công này đánh dấu một thành quả mà giới lãnh đạo Trung Quốc rất tự hào, và nó cũng giúp Trung quốc khôi phục hình ảnh đã hoen ố vì SARS.

Nhưng cũng như những thành công khác của Trung Quốc và của Á Châu, vẫn còn một câu hỏi được đưa ra là liệu thành quả này có đạt được gì cho nhân dân hay chỉ là một dấu hiệu của một sự hoang phí tài nguyên vì tự ái của các lãnh tụ.

Và năm 2003 kết thúc với Bắc hàn từ chối tham dự một hội nghị thượng đỉnh 6 phe mới. (BBC)