Trên toàn thế giới và dư luận quốc tố cùng Iraq thì hiện bàn nhiều nhất đến số phận ông Saddam Hussein và tương lai của Iraq, cụ thể là vấn đề lập tòa án xử ông ra sao.

Chính phủ Iran vừa tuyên bố họ đang chuẩn bị hồ sơ để đòi xử ông Saddam Hussein trước một tòa án quốc tế.

Iran và Iraq có cuộc chiến hồi thập niên 80 làm chết nhiều người. Phía Iran luôn nói rằng ông Saddam Hussein đã gây ra cuộc chiến đó.

Về chính ông Saddam thì những tin mới nhất cho biết ông đã không tỏ ra cộng tác với quân đội Hoa Kỳ trong khi bị thẩm vấn, dù ban đầu, ông ta tỏ ra ngoan ngoãn để người ta kiểm tra sức khoẻ.

Thậm chí có tin nói rằng ông còn đòi đàm phán với liên quân, không rõ là để đạt được gì nhưng sau đó đã im lặng, không chịu khai báo gì cả.



Tin mới nhất từ Hoa Kỳ cho hay đa số dân Mỹ không quá hào hứng trước tin bắt sống được Saddam Hussein.

Điều tra dư luận do tờ Washington Post và chương trình ABS News cho thấy hai phần ba số người được hỏi chỉ muốn làm sao giảm bớt đi số vụ tấn công quân Mỹ ở Iraq, còn chuyện bắt được ông Saddam thì tất nhiên khiến họ vui mừng nhưng là niềm vui thận trọng.

Cũng theo điều tra dư luận này thì 80% người Mỹ tiếp tục ủng hộ sự hiện diện của quân nước họ tại Iraq. Họ cũng muốn đưa ông Saddam ra tòa án quốc tế như cựu tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic.

Đa số các chính trị gia Iraq muốn người Iraq tự xử ông Saddam Hussein.

Ông Intifad Kenba là một trong bốn thành viên của Hội đồng Cai trị Iraq đã đến gặp ông Saddam Hussein tại nơi giam giữ để xác nhận danh tính.

Ông Kenba nghĩ rằng ông Saddam sẽ được trao lại cho người Iraq và ông muốn nhìn thấy ông ta ra trước một tòa án của Iraq vì đây là công việc của người Iraq.

Tòa ở đâu và của ai?

Nước Anh có vẻ cũng như đang muốn tòa Iraq xử ông Saddam dù chưa rõ là một tòa án do người Iraq tổ chức có bao nhiêu phần giúp đỡ của các chuyên gia luật quốc tế.

Đài BBC cũng vừa được tin rằng Bộ trưởng Quốc phòng Anh Jack Straw có vẻ như không muốn ông Saddam Hussein bị tử hình. Ông nói rằng nước Anh phản đối mọi án tử hình trên toàn thế giới. Nhưng chắc chắn là nước Anh ủng việc dùng một tòa án của Iraq để xử ông Saddam:

Ông Straw nói rằng theo cả hai cách giải quyết theo luật quốc tế thì các tòa án quốc nội sẽ giải quyết các vụ xử tội ác chiến tranh và chỉ khi nào không thể lập được một tòa án quốc nội thì mới cần đến tòa quốc tế.

Các tờ báo ra sáng nay ở Luân Đôn đều chạy ảnh lớn, tựa lớn trùm hết trang nhất và chiếm nhiều trang trong về vụ bắt sống ông Saddam Hussein.

Tờ Financial Times có tựa lớn ‘Bạo chúa sa lưới’ và tựa nhỏ hơn ‘Saddam bị chính dân của y phản bội’. Tờ The Guardian thì có tựa ‘Người tù mang tên Saddam’. Các báo khác cũng chạy tựa kêu không kém.

Tờ The Guardian có câu trả lời cho câu hỏi sao ông Saddam lại kết thúc sự nghiệp một cách thê thảm như thế, đầu bù tóc rối, trốn trong một cái lỗ chuột.

Andrew Cockburn của The Guardian nói rằng đó là kết của của một cuộc chơi trong đó, ông Saddam đã dùng các thủ đoạn đàn áp, khủng bố và phần thưởng để duy trì quyền lực.

Ông đã đem mạng sống người dân Iraq vào cuộc chơi này nhưng thực ra ông không thực sự hiểu được họ muốn gì. Và ông cũng không hiểu được đến phút chót là thế giới bên ngoài thay đổi ra sao nên chuyện thua cuộc là tất yếu.

Còn tờ Financial Times thì nói rằng việc lập ra tòa án để xử ông Saddam Hussein sẽ rất khó khăn. Báo này trích lời của ông Glen Rangwala, chuyên gia luật quốc tế về tòa án xử Khmer Đỏ ở Campuchia nói rằng việc để cho tòa của người Iraq xử có thể đưa đến những thiếu xót về luật.

Ông này cũng nói là trong khi người Iraq muốn tử hình ông Saddam Hussein thì vấn đề vấn đề là chính án tử hình đã bị liên quân cấm thực hiện ở Iraq.

Còn lập tòa quốc tế thì theo ông, đây là một thủ tục có thể kéo dài.(BBC)