Giám chức Vatican kêu gọi đoàn kết với thuyền nhân châu Phi

Roma – Trong khi hàng ngàn người tị nạn chạy trốn khỏi tình trạng bất ổn ở Bắc Phi đến các bờ biển an bình hơn của châu Âu, Vatican đang kêu gọi người châu Âu hãy đón tiếp họ và chứng tỏ sự quan tâm đến hoàn cảnh của họ.

Người tị nạn trên đảo Ý Lampedusa
Đảo Lampedusa, tuy nhỏ nhưng có nhiều dân ở của Ý, đã trở thành một cửa ngõ vào châu Âu cho người Bắc Phi chạy trốn tình trạng bất ổn. Đảo này là một trong những ngõ đến châu Âu của người Libya, người Tunisia và người Eritrean, khi họ đến đông đúc trong những ngày gần đây.

Tùy thuộc vào thời tiết, các chuyến đi có thể gặp nhiều nguy hiểm. Ngày 5-4, biển động với gió mạnh làm rung chuyển các chiếc thuyền mỏng manh với sóng cao hơn 3m, đánh chìm một thuyền lớn chở khoảng 250 người. Hơn 50 người đã được cứu vớt, nhưng nhiều người đã thiệt mạng và 150 người vẫn còn mất tích.

Thảm họa buộc có lời phản hồi từ phát ngôn viên Vatican, linh mục Federico Lombardi, Dòng Tên, người đã nói rằng tình hình đã khiến ĐTC Biển Đức 16 quan tâm và cầu nguyện, vì Ngài "vô cùng bối rối" bởi các sự kiện ấy.

Trong số hơn 20.000 người tị nạn và di dân đã đến các bờ biển nước Ý kể từ tháng Giêng năm nay, chỉ khoảng 2.000 người được lên bờ mà thôi.

Số người đông đúc đã áp đảo cách nhanh chóng hệ thống được thiết kế để tiếp nhận người tị nạn, buộc chính quyền phải hạn chế việc xét hồ sơ, duy trì cuộc sống hằng ngày trên đảo và ngăn chặn nhập cư. Việc cư dân của đảo này phản đối nhằm kêu gọi sự can thiệp hiệu qủa của chính phủ đã khiến thủ tướng Silvio Berlusconi có chuyến thăm làm việc ở đảo.

Do dòng người đến đông, chính phủ Ý quyết định cấp giấy phép tạm trú ba tháng cho những ngưới mới đến, trước khi họ phải đối mặt với triển vọng hồi hương hoặc xin giấy phép gia hạn.

Theo các nhà lãnh đạo Giáo Hội tại Ý và Vatican, phần còn lại của châu Âu cũng cần phải nghĩ đến những gì đang bị đe dọa và có một trách nhiệm lớn hơn trong tiến trình.

Một Giám mục đảo Sicily nói với Đài phát thanh Vatican ngày 7-4 rằng, đối với người chết, chính sự “dửng dưng” chứ không phải biển động là điều đáng trách cho các khó khăn của người di cư và người tị nạn.

Châu Âu cần phải suy nghĩ nghiêm túc về sự gì có ý nghĩa cho người tị nạn nếu họ ở lại trong khu vực mà từ đó họ chạy trốn, Đức Tổng Giám Mục Antonio Maria Veglio nói như thế với Đài phát thanh Vatican.

Đức Tổng Giám mục Veglio là chủ tịch của Hội đồng Tòa thánh đặc trách việc chăm sóc mục vụ cho người di dân và du mục, và cũng là người thành thạo trong các tình huống liên quan đến tình trạng di chuyển vượt biên giới.

Ngài nói : “Đối với người tị nạn Libya nói riêng, châu Âu phải có trách nhiệm chu toàn các nghĩa vụ bảo vệ người tị nạn, và chứng minh ý nghĩa thực sự của tình đoàn kết và chia sẻ".

Một số vùng của Ý tỏ ra cứng rắn trong việc không đón nhận người tị nạn vì lý do kinh tế, nhưng, theo Đức Tổng Giám mục Veglio, quốc gia miền nam châu Âu này có thể giải quyết dòng người tị nạn. Ngài cho biết trong năm 2010, nước Hà Lan nhỏ bé hơn đã tiếp nhận gấp đôi số người tị nạn so với nước Ý.

Theo ngài, không nên có vấn đề về việc tiếp nhận người Libya, vì họ đang chạy trốn khỏi một "khu vực chiến tranh" được Liên Hợp Quốc xác nhận. Ngài cũng lưu ý rằng người Tunisia có thể đáng hưởng qui chế tị nạn, tùy vào hoàn cảnh của từng người. (CNA/EWTN News 7-4-2011)

Nguyễn Trọng Đa